Sáng ngày 27/9/2023, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo khoa học “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn”.
Tham gia Hội thảo có gần 100 đại biểu là lãnh đạo một số Cục, Vụ, cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; lãnh đạo một số Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/ Sở Văn hóa và Thể thao một số tỉnh, thành; các chuyên gia, nhà nghiên cứu lý luận, nhà khoa học, cùng các phóng viên đến từ nhiều cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.
Toàn cảnh hội thảo |
Hội thảo được tổ chức nhằm tập hợp ý kiến của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu khoa học, những người thực hành văn hóa, về những vấn đề đặt ra từ thực tiễn của quá trình thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, từ đó đúc rút, và bổ sung cho công tác phát triển lý luận về văn hóa, cũng như đề xuất những giải pháp thiết thực góp phần hoàn thiện chính sách văn hóa.
Theo đó, ban tổ chức đã nhận được 36 bài tham luận đến từ các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao một số tỉnh, thành; viện nghiên cứu; ban quản lý di tích; trường đại học; bảo tàng; cơ quan truyền thông… về các lĩnh vực nổi bật như: Chính sách, thể chế; Di sản văn hóa; Văn hóa cơ sở; Thư viện; Truyền thông; Nghệ thuật biểu diễn; Điện ảnh; Văn học; Giao lưu văn hóa; Du lịch văn hóa…
Tại hội thảo, nêu quan điểm về chiến lược phát triển văn hóa, Ths Hoàng Hà, Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật khẳng định, không chờ đến khi chúng ta phát triển kinh tế đồng bộ, có điều kiện dư đủ mới tập trung xây dựng những công trình, thiết chế văn hóa quy mô, có giá trị nghệ thuật cao ở các thành phố lớn làm điểm nhấn, mà ngay trong giai đoạn hiện nay, cần phải tính toán, có tầm nhìn về văn hóa trong các quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có các thiết chế, công trình văn hóa, nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng thời gắn kết với phát triển du lịch, tạo nguồn lực tái đầu tư cho văn hóa. Điều quan trọng là khi triển khai các dự án về văn hóa phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, bảo đảm chất lượng, hiệu quả đầu tư, trong đó cần chú ý đến đặc thù vùng miền, địa bàn dân cư, phong tục, tập quán, đồng bộ giữa cơ sở vật chất và con người vận hành...
Tán thành với quan điểm trên, các tham luận của Cục di sản Văn hóa, Bộ VHTT&DL; Cục Văn hóa cơ sở; Cục Điện Ảnh, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam;...cùng nhiều đơn vị quản lý, nhà khoa học khác, cũng đặt ra yêu cầu hợp tác, quảng bá văn hóa và đào tạo lực lượng làm công tác văn hóa nói chung, nghệ thuật nói riêng. Đánh giá từ BTC, đây hầu hết là nhứng ý kiến trao đổi thiết thực từ thực tiễn phong phú, sinh động từ thực tiễn quản lý, hoạt động văn hóa cơ sở. Do đó, sau hội thảo, BTC sẽ tổng hợp báo cáo, đề xuất về phương diện chính sách đối với các cơ quan hữu quan trong thực hiện Chiến lược những năm tiếp theo, góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước.
PV