![]() |
Nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc |
Tròn 20 năm về trước, năm 2005 với tư cách là họa sĩ - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, tôi được ngành văn hóa Phú Thọ mời tham gia Ban Tổ chức, Ban Điều hành Trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần thứ nhất tổ chức tại thành phố Việt Trì. Tôi được biết và quen thân ông - nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc từ đó. Khi ấy, ông đã tuổi ngoài 70 nhưng vẫn rất phong độ. Với dáng người cao lớn, đĩnh đạc, lại ăn vận kiểu nho sĩ Á Đông, nhiều người nhìn ông cứ ngỡ ông là người Hàn Quốc hay Singapore. Được làm việc cùng ông tôi mới vỡ lẽ, chính ông và họa sĩ Ngô Quang Nam - Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Vĩnh Phú đã ấp ủ dự án này từ lâu, đã từng lên tư vấn cho tỉnh nhiều lần với mong muốn góp phần làm điều gì đó hữu ích cho quê hương.
Như được chọn đúng chỗ, tỉnh Phú Thọ mời ông với tư cách là cố vấn đặc biệt của trại, bởi trước đó nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc được mệnh danh là sứ giả văn hóa giữa Việt Nam và thế giới. Minh chứng năm 1998, ông từng đưa hàng loạt tác phẩm mỹ thuật của Việt Nam sang giới thiệu tại Hàn Quốc, Na Uy, tổ chức triển lãm nghệ thuật thư - họa Trung Hoa tại Hà Nội... Là người có nhiều kinh nghiệm trong các dự án nghệ thuật với nước ngoài, trại sáng tác này ông đã mời gọi các nghệ sĩ điêu khắc quốc tế của 7 quốc gia đến với Phú Thọ, tham gia trại, tạo ra những tác phẩm đẹp để rồi tặng lại cho tỉnh. Trong thời gian gần một tháng làm việc tại trại, tôi thấy ông luôn năng nổ động viên các nghệ sĩ trong và ngoài nước hăng say làm việc, sáng tạo nét độc đáo thổi hồn cho từng tác phẩm. Tôi nhớ ngày ấy, ông còn cùng nhà văn Nguyễn Thiện Kế lăn lộn lên tận vùng mỏ đá ở Yên Bái, chọn đặt mua đá trắng đúng chủng loại, kích cỡ phù hợp với từng phác thảo của các nghệ sĩ, giúp họ thể hiện tác phẩm được thuận lợi nhất.
![]() |
Một góc Trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần thứ 2 năm 2009 tại Đền Hùng - Phú Thọ |
Bẵng đi một thời gian, đến năm 2009 chuẩn bị cho Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Canh Dần 2010, tôi xây dựng đề án tổ chức Trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần thứ hai với chủ đề Ấn tượng đất Tổ Hùng Vương trình UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cuối năm ấy, Bộ Văn hóa và UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt và có quyết định giao cho Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đồng chủ trì và thực hiện trại sáng tác này. Trại được đặt tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Tôi chủ trương mời nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc làm cố vấn và tham gia Ban Điều hành trại. Một lần nữa ông lại hăm hở giúp chúng tôi kết nối, mời gọi các nghệ sĩ của 11 quốc gia, đủ các châu lục đến với Phú Thọ, tư vấn cho chúng tôi lựa chọn thợ thi công lành nghề từ Thành phố Hồ Chi Minh ra... Trại điêu khắc năm ấy đã thành công tốt đẹp, để lại hơn 30 tác phẩm điêu khắc đá hiện đại, góp phần làm đẹp cảnh quan Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Ngay sau đó, ông lại đứng ra chủ trì cùng với một số nghệ sĩ nhiếp ảnh Phú Thọ thành lập Câu lạc bộ nhiếp ảnh Sông Thao, rồi cùng các nghệ sĩ sớm tối săn nắng, săn mây lúc ở Thanh Sơn, Yên Lập khi mãi tận Hoàng Su Phì, Mù Cang Chải, Cao nguyên đá Đồng Văn... Rồi tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật mang chủ đề Hoa văn núi cho các nghệ sĩ tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc ở Hà Nội.
![]() |
Nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc (thứ ba từ phải qua) tại lễ bế mạc Trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần thứ hai tại Phú Thọ, năm 2009 |
Năm 2012, Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ông đã giúp Hội Phú Thọ tổ chức thành công triển lãm Nghệ thuật thư pháp Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản tại Phú Thọ. Năm 2013, nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương lễ hội Đền Hùng, nhằm có thêm những hoạt động văn hóa, văn nghệ sinh động phục vụ lễ hội, tiếp tục giúp Phú Thọ mở rộng giao lưu hội nhập quốc tế về văn hóa, ông đã giới thiệu với Hội Phú Thọ về Hiệp hội Giao lưu mỹ thuật quốc tế Hàn Quốc. Từ đó mở ra triển lãm giao lưu mỹ thuật thường niên giữa hai nước, bắt đầu từ năm 2013 tại Phú Thọ, tiếp theo tại Seoul - Hàn Quốc nhằm quảng bá hình ảnh, con người và văn hóa miền đất Tổ đến với bạn bè quốc tế và ngược lại. Đến nay, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ đã tổ chức triển lãm giao lưu với Hàn Quốc được tất cả 7 lần.
![]() |
Các họa sĩ Phú Thọ tại Trung tâm triển lãm mỹ thuật quốc tế Hàn Quốc năm 2014 |
Với những đóng góp xứng đáng của nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc đối với lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật của tỉnh nhà, tôi đã mời ông tham gia Hội, với tư cách là hội viên danh dự. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen, Kỷ niệm chương Hùng Vương - phần thưởng cao quý nhất của UBND tỉnh Phú Thọ cho ông.
Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, cuối năm 2013, tôi chuyển công tác sang Sở Ngoại vụ, nhưng tình cảm giữa ông và tôi không hề phai nhạt. Tôi luôn trân trọng quý mến ông, ngược lại lâu lâu ông lại gọi điện hỏi thăm sức khỏe tôi, lúc thì nêu ý tưởng muốn làm điều này, điều kia cho tỉnh nhà, khi lại gửi tặng tôi cuốn sách hoặc chai rượu quý. Rồi mỗi dịp lên Việt Trì trở lại nhà con trai cả là nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Anh Tuấn, cũng là nơi ông đầu tư trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật sưu tập của các họa sĩ tên tuổi, trong đó có một số tác phẩm điêu khắc đá của nhà điêu khác Lê Công Thành, biến nơi đây trở thành một địa chỉ văn hóa cho những người yêu thích mỹ thuật đến nghiên cứu, thưởng ngoạn. Mỗi dịp về Việt Trì, ông thường tổ chức bữa cơm thân mật với chúng tôi: nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, nhà Trung Quốc học Phạm Thức, bác sĩ Kim Sơn, họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng, các nhà báo Cao Định, Đỗ Quốc Long, Nguyễn Sản, nhà thơ Nguyễn Đình Phúc, nhạc sĩ Cao Hồng Phương... Rồi cùng nhau nhâm nhi chén rượu, đàm luận chuyện văn, chuyện đời... Ông luôn say sưa nêu những ý tưởng mà ông trăn trở muốn giúp tỉnh nhà đẩy mạnh giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế.
![]() |
Các văn nghệ sĩ chúc mừng nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc tuổi 90 |
Ông nói, gần đây khi đọc bài viết của tôi về xây dựng Tháp Hùng Vương, Tượng đài Hùng Vương, theo gợi ý của Tổng Bí thư Lê Duẩn từ năm 1977 khi về thăm Đền Hùng: "Xây dựng một tòa tháp ở đất cội nguồn Phú Thọ, để từ đây nhìn ra cả nước và cả nước hướng về Đền Hùng". Ông trăn trở muốn tư vấn cho tỉnh kêu gọi vốn từ nguồn xã hội hóa ở trong và ngoài nước, cũng như muốn đóng góp sức mình vào những công trình thế kỷ của tỉnh nhà. Chưa hết, Nguyễn Mạnh Phúc còn kết nối một mạnh thường quân tặng tượng đồng nhà thơ Phạm Tiến Duật - người con ưu tú của quê hương đất Tổ, nhà thơ được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật để đặt tại Công viên Văn Lang... Tôi được biết tượng đồng nhà thơ Bút Tre - Đặng Văn Đăng đặt tại Khu lưu niệm nhà thơ cũng do ông tặng...
Thú thật làm bạn vong niên với ông, cộng sự với ông đã tròn 20 năm, nhưng chỉ biết về ông một cách tương đối. Gần đây tôi mới dành thời gian cả buổi sáng cùng họa sĩ Quỳnh Thơm, nhân dịp Quỳnh Thơm triển lãm tranh tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, chúng tôi ghé thăm ông khi được biết ông mới trải qua ca phẫu thuật đốt sống do bị ngã.
![]() |
Từ phải qua: Nhà điêu khắc Na Uy - Oyvin Storbaekken, ông Phạm Ngạc - nguyên Đại sứ Việt Nam tại 5 nước Bắc Âu, nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc, phu nhân nhà điêu khắc Oyvin trong phòng trưng bày của nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc tại Việt Trì, Phú Thọ |
Trên căn gác tầng hai xinh xắn trong con ngõ nhỏ phố Hòa Mã (Hà Nội), chúng tôi bắt gặp trên tường nhiều tranh ông sưu tập của các tác giả tên tuổi, trong đó có nhiều tranh của danh họa Bùi Xuân Phái, đặc biệt có bức sơn dầu nổi tiếng Cô gái mặc áo đen họa tiết kỷ hà trắng, vẽ chân dung Mai Trang từ năm 1988, bức vẽ cuối cùng của Bùi Xuân Phái, tác phẩm được ví như một Mona Lisa của Việt Nam. Căn phòng tuy không rộng nhưng được sắp đặt gọn gẽ, cho thấy chủ nhân của nó rất nề nếp, khoa học và có gu thẩm mỹ cao. Mái tóc bạc trắng bồng bềnh nghệ sĩ của ông cụ U93, tuy có phần yếu hơn trước sau ca phẫu thuật đốt sống, nhưng vẫn toát lên vẻ đĩnh đạc của một trí thức lịch lãm từng trải, biết nhiều, hiểu rộng, đặc biệt có trí nhớ và giọng nói rất mạch lạc, khúc chiết. Câu chuyện ông kể luôn cuốn hút chúng tôi.
![]() |
Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng hỏi chuyện nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc |
Ông kể, rời kháng chiến về Hà Nội sau tiếp quản Thủ đô (10/10/1954) ít ngày, ông được cử đi học Trường Mỏ địa chất, rồi mày mò tự học quay phim, chụp ảnh, viết báo, rồi trở thành nhà sưu tập tranh uy tín, đến tổ chức hàng loạt cuộc triển lãm trong và ngoài nước, kết nối giao lưu văn hóa Việt Nam với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy... Rồi đi nước ngoài liên tục, rồi làm việc với các chuyên gia Liên Xô, đi khảo sát mỏ Apatit ở tận Lào Cai... Những trải nghiệm đó đã giúp ông có vốn sống và kinh nghiệm vô cùng phong phú, không bị chi phối và ràng buộc bởi bất cứ lý do nào.
Ông kể thời gian làm việc ở Vụ Công tác chính trị - Ủy ban Thể dục thể thao, viết báo, quay phim, ông từng thực hiện một số phim tài liệu như Đua voi ở Tây Nguyên (khi ấy - năm 1985, Ủy ban Thể dục thể thao lần đầu tiên đưa đua voi thành môn thể thao). Trước đó, năm 1980, ông đi dự Olympic thể thao ở Matxcơva - Liên Xô, khi về nước, ông tổ chức thành công một cuộc triển lãm ảnh quy mô với những tác phẩm ảnh có góc bấm máy rất thể thao. Cuộc đời làm Báo Thể thao đã gắn bó ông suốt 25 năm trời cho tới khi xin nghỉ hưu trước tuổi 5 năm (năm 1990), bởi ông cho rằng thời kỳ dài in phóng ảnh trong buồng tối, cộng với hóa chất đã làm ông mắc chứng lao phổi tưởng như không qua được, mặt khác cũng là để có thời gian thực hiện những ý tưởng mà ông theo đuổi.
![]() |
Nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc giới thiệu các tác phẩm trong phòng trưng bày |
Ông cho biết, từ khi nghỉ hưu đã sống một cuộc đời khác, với tư chất của một tri thức nho nhã, điềm đạm. Người đàn ông quê Lâm Thao - Phú Thọ liên tục học hỏi, tiếp xúc với các trí thức, nghệ sĩ tên tuổi ở Hà Nội, rồi lại tiếp tục với những trải nghiệm mới, trở thành nhà sưu tập tranh uy tín, người tiên phong kết nối giao lưu mỹ thuật trong và ngoài nước. Từ người đam mê nghệ thuật hội họa trở thành nhà sưu tập và có được bộ sưu tập giá trị thì phải có tiền, thậm chí rất nhiều tiền mà Nguyễn Mạnh Phúc chưa phải người có nhiều tiền đến mức thích cái gì thì đều có thể bê về nhà mình. Đã có những bàn ra tán vào, rằng kẻ ngoại đạo không hiểu gì về nghệ thuật thì làm sao thẩm định được tranh, rồi còn phải tổ chức triển lãm...
Nhưng ông đã quyết tâm, bỏ qua những dị nghị. Trước đó, vợ chồng ông từng đam mê cổ vật, chơi cây cảnh, chim cá, từng cùng một người bạn đứng ra thành lập Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, rồi tổ chức triển lãm hằng năm, cũng có đủ mọi huy chương: Vàng, Bạc, Đồng... Từng đổi cả chiếc xe máy Peugeot 103 được coi là mốt ngày ấy để lấy pho tượng thiếu nữ khỏa thân một tay cầm dây hoa hồng, đế tượng là phù điêu thần hý kịch (tượng của Ý) của một nhà tư sản Hàng Dương. Thời kỳ cải tạo công thương, ông bị tịch thu nhà cửa, tài sản trong đó có pho tượng này ông đem giấu đi vì sợ gán tội kích động khiêu dâm. Pho tượng đã khiến Nguyễn Mạnh Phúc bị hút hồn, mê mẩn khi đến mua một chiếc lọ củ tỏi có vẽ cảnh bát tiên quá hải (tám vị tiên qua biển). Ông quyết định đổi luôn xe lấy tượng. Có tượng nhưng mất xe, hai vợ chồng phải thuê xích lô về nhà. Nhưng bù lại cả tuần lễ sau đó, vợ chồng ông cứ ngồi ngắm pho tượng mà trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp kiều diễm từ pho tượng mà quên cả ăn. Không chỉ vậy, ông tiếp tục sưu tập thêm một số cổ vật khác đủ các chất liệu đồng, gốm, gỗ... rồi cả bức tượng Phật quý hiếm, chiếc trống đồng mà hiện giờ ông vẫn lưu giữ như những bảo bối quý giá.
Cổ vật từng mang lại cho ông nhiều thú vị và tiền bạc, nhưng một thời gian sau những biến cố gia đình, ông tự nhận thấy cổ vật có nhiều điều liên quan đến tâm linh, ông chia sẻ: "Nhiều người không am tường những pho tượng Phật và đồ thờ cúng, sưu tầm về chỉ để khoe, thật rất khó phát triển. Vì thế, tôi chuyển sang sưu tập tranh".
![]() |
Trong phòng trưng bày (cơ sở 2) của nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc tại Việt Trì, Phú Thọ |
Bao nhiêu tiền có được bán từ cổ vật, nay ông mang ra sưu tập tranh hết. Phần lớn những tác giả mà ông chọn sưu tập là các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương như: Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Đức Nùng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Hoàng Lập Ngôn, Mai Trung Thứ... Riêng với họa sĩ Bùi Xuân Phái, ông có khoảng 200 bức. Năm 1997, ông biên tập và ra cuốn Bùi Xuân Phái với bạn bè. Năm 2015, ông đầu tư đặt hàng nhà phê bình Phan Cẩm Thượng biên soạn và ra cuốn Bùi Xuân Phái - Ký họa và minh họa gồm các tranh bản gốc của danh họa Bùi Xuân Phái trong bộ sưu tập của ông. Trên tường nhà ông, tôi thấy treo nhiều tác phẩm của Bùi Xuân Phái, Lương Xuân Nhị, Đỗ Đình Hiệp... Những thập niên trước đây được biết, bức đắt nhất cũng có giá khoảng 400.000-500.000 đô la.
Nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc là người đi con đường riêng, không chỉ sưu tập, ông còn tổ chức các triển lãm trong bộ sưu tập của mình, và rồi một ngã rẽ mới bén duyên với ông lúc nào không hay. Ông chia sẻ: "Vào năm 1997, một công ty du lịch ở Hà Nội đưa đoàn họa sĩ Hàn Quốc sang Việt Nam, những họa sĩ này rất muốn được tổ chức một triển lãm ở Hà Nội. Khi ấy, ông là chủ Gallery Thế giới (46 Trần Hưng Đạo), ông đứng ra giúp địa điểm. Tại triển lãm này, ông đã bày bức thư pháp của nhà thư pháp nổi tiếng Lê Xuân Hòa tặng ông, bức thư pháp có nội dung câu thơ của Hồ Chủ tịch: 'Cử đầu hồng nhật cận/ Đối ngạn nhất chi mai'. Ngài Đại sứ Hàn Quốc khi ấy rất thích và đề nghị được mua. Không nhẽ bán món quà quý của cụ Lê Xuân Hòa tặng, nhưng vị Đại sứ lại rất thích thì biết làm thế nào? Suy nghĩ mãi, ông quyết định tặng lại bức thư pháp cho ngài Đại sứ. Cảm tạ tấm lòng của ông, Đại sứ đã mời ông sang Hàn Quốc tham quan 1 tuần nhưng ông từ chối, thay vì thế, ông ngỏ ý muốn Đại sứ giúp tổ chức một triển lãm mỹ thuật của Việt Nam tại Hàn Quốc. Sau đó, Đại sứ đã đích thân đến thăm ông tại nhà riêng. Một thời gian sau, đến tháng 8/1998, Đại sứ quán Hàn Quốc đã gửi thư mời ông tổ chức cuộc triển lãm quốc tế gồm 5 nước tại Hàn Quốc nhân kỷ niệm 50 năm quốc khánh Đại Hàn Dân Quốc". Thế là lần đầu tiên ông sang Hàn Quốc. Sự kiện này đã mở ra hàng loạt hoạt động giới thiệu quảng bá, giao lưu nghệ thuật sau đó, khi thì được tổ chức ở nước ngoài, khi lại được tổ chức ở Việt Nam. Đưa ông trở thành Đại sứ của văn hóa.
![]() |
Nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc với các văn nghệ sĩ Phú Thọ, tháng 6/2025 |
Cho đến nay, Nguyễn Mạnh Phúc đã kết nối, giúp cho nhiều họa sĩ trong nước tổ chức triển lãm tại Hàn Quốc, Na Uy, Úc, Trung Quốc. Đồng thời tổ chức triển lãm cho nhiều nghệ sĩ các nước Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Na Uy, Nhật Bản... tại Việt Nam. Trong đó có cả dự án điêu khắc quốc tế của Na Uy tại Đà Nẵng và trở thành bạn tâm giao với vợ chồng nhà điêu khắc Oyvin Storbaekken - Giám đốc dự án này.
Qua những lần triển lãm, đã đem lại cho ông những mối quan hệ bạn bè thân thiết, gắn với với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước. Hiện nay, ông vẫn tiếp tục là cầu nối giao lưu văn hóa quốc tế bằng những việc làm như thế (nhà sưu tập mỹ thuật Nguyễn mạnh Phúc từng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ giao lưu Mỹ thuật quốc tế của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam thành lập từ năm 2003).
Đến nay, dù cho tuổi tác ngày càng cao, sức khỏe suy giảm nhưng ông vẫn hăm hở nhiệt tình với mọi hoạt động nghệ thuật, nhất là các hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa, con người quê hương đất Tổ ra thế giới. Gần đây nhất, trong chuyến trở lại Việt Trì, ông ghé thăm tôi, thăm không gian văn hóa người vùng cao của họa sĩ Nguyễn Đình Ánh, ông lại cho biết đang ấp ủ một dự án nhằm phát triển cây sơn ta ở Phú Thọ. Tôi hy vọng những mong muốn, trăn trở của ông sớm trở thành hiện thực.
Phú Thọ, ngày 25/6/2025