Hội thảo “ Nhà văn Ngô Tất Tố trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại”đã được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sáng ngày 25/6 tại Trụ sở Hội (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội).
Nhà thơ Hữu Thỉnh, khẳng định, Ngô Tất Tố là một tên tuổi lớn, một ngôi sao sáng thuộc thế hệ lớp đầu của nền văn hoá quốc ngữ, đã có những đóng góp to lớn đặt nền móng cho tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. Ảnh HĐ |
Ngô Tất Tố là một nhà yêu nước, từ truyền thống yêu nước của gia đình, ông đến với cách mạng bằng các hoạt động trước tác, rồi trở thành thành viên của Văn hoá cứu quốc, người hướng dẫn tinh thần của lực lượng vũ trang địa phương trong những năm kháng chiến chống Pháp và là một trong những người sáng lập Hội Văn nghệ Việt Nam.
Hội thảo có sự tham dự của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Gia đình, bạn bè nhà văn Ngô Tất Tố và đông đảo các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình Hội Nhà văn Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tich Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, Ngô Tất Tố là một tên tuổi lớn, một ngôi sao sáng thuộc thế hệ lớp đầu của nền văn hoá quốc ngữ. Nhà văn đã có những đóng góp to lớn đặt nền móng cho tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp của Ngô Tất Tố thật đa dạng phong phú và đạt đến tầm xuất sắc trên 5 linh vực: Văn học, báo chí, khảo cứu, dịch thuật, dịch lý.
Tại hội thảo này, nhà văn Ngô Tất Tố được tiếp cận ở một tư duy mới, đó chính là xây dựng Văn hoá là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, trong đó đội ngũ trí thức đóng vai trò nòng cốt theo NQ 23 BCH TU khoá X , từ đó thêm một cơ sở lý luận mới đánh giá toàn diện hơn những đóng góp của nhà văn Ngô Tất Tố.
Hội thảo đã lắng nghe 7 tham luận của các nhà văn : Vũ Quần Phương, Lại Nguyên Ân, Hồng Diệu, Tiến sĩ Cao Đắc Điểm… những tham luận không chỉ làm rõ hơn những nhận định về tài năng, đóng góp của nhà văn Ngô Tất Tố đối với văn học Việt Nam nói riêng, sự nghiệp giải phóng dân tộc nói chung mà còn góp phần khẳng định Tư cách nhà văn hoá, tư cách một nhân vật lịch sử Ngô Tất Tố trong tiến trình hiện đại hoá nền văn học, nền báo chí và nền văn hoá Việt Nam.
Cũng trong hội thảo, bà Ngô Thị Thanh Lịch, con gái nhà văn Ngô Tất Tố thay mặt gia đình đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến Hội Nhà văn Việt Nam, bạn bè thân hữu, các nhà văn, nhà lý luận phê bình đã có mặt tại hội thảo. Đồng thời không quên ôn lại những kỷ niệm của bà với người cha thân yêu của mình. Trong câu chuyện của con gái cố nhà văn, Ngô Tất Tố là một người cha có trách nhiệm với vợ và các con, mà còn với làng xóm( khi đó được gọi bằng cái tên rất thân mật ông Sứ). Ông cũng là người cha có cái nhìn thấu thời cuộc khi dạy con cách đối nhân xử thế, dạy con tính độc lập để vượt qua những gian khổ khó khăn của thời chiến để trưởng thành.
PV