Sự kiện & Bình luận

Hơn 280 triệu lượt ý kiến đóng góp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp

Hồng Phúc
Chính trị xã hội 11:04 | 07/06/2025
Baovannghe.vn - Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 280 triệu lượt ý kiến đóng góp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, 99,75% lượt ý kiến thể hiện sự tán thành với các nội dung sửa đổi, bổ sung.
aa

Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký gửi Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thì các địa phương và cơ quan trên toàn quốc đã tổ chức tổng cộng 288.546 cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến. Các ý kiến về nội dung cụ thể tập trung vào Điều 9 (về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam): Nhận được hơn 37,1 triệu lượt ý kiến-nhiều nhất trong các nội dung dự thảo. Những điều khác như: Điều 10, 84, 110, 111, 112... đều thu hút hơn 30 triệu lượt ý kiến mỗi nội dung. Tổng cộng toàn quốc ghi nhận 280.226.909 lượt ý kiến, trong đó gần 36,6 triệu ý kiến từ cá nhân. Đặc biệt, tỷ lệ ý kiến tán thành trung bình đạt 99,75%.

Hơn 280 triệu lượt ý kiến đóng góp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp
Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong phiên họp ngày 5/5. Ảnh: QH

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị, Chính phủ đã đề xuất với Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhiều nội dung quan trọng.

Cụ thể, Chính phủ tán thành quy định các tổ chức như công đoàn, hội nông dân, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh là tổ chức chính trị-xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đặc biệt, Chính phủ đề xuất cho phép cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị-xã hội được trình dự án luật, pháp lệnh-bảo đảm sự tham gia thực chất của các tổ chức đại diện nhân dân trong quy trình lập pháp; không liệt kê cụ thể các đơn vị hành chính trong Hiến pháp, tạo dư địa linh hoạt để Quốc hội quyết định phù hợp với từng giai đoạn phát triển; giữ nguyên quyền chất vấn của đại biểu HĐND để bảo đảm cơ chế giám sát quyền lực hiệu quả, phù hợp với tinh thần kiểm soát quyền lực nhà nước. Chính phủ cũng kiến nghị xác định thời điểm nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-7-2025, đồng thời đề xuất có tuyên bố chính thức ghi nhận vai trò lịch sử của đơn vị hành chính cấp huyện...

Với kết quả thống kê được công bố nói trên, có thể thấy, đợt lấy ý kiến nhân dân lần này không chỉ là một nhiệm vụ lập hiến mà còn là một cuộc biểu thị ý chí xã hội sâu rộng, thể hiện trách nhiệm công dân và sự đồng hành của nhân dân trong kiến tạo tương lai quốc gia. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 đang từng bước hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua.

Trước đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12-4-2025 (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó có định hướng tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả), việc sửa đổi Hiến pháp được xác định là nhiệm vụ cấp bách. Trên cơ sở đó, Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã ban hành Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐBSHP, chính thức mở quy trình lấy ý kiến rộng khắp toàn quốc về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trên cơ sở ứng dụng triệt để tiến bộ khoa học - công nghệ trong công tác lấy ý kiến nhân dân, kết quả đạt được thành công vượt mong đợi. Việc ứng dụng VNeID, nền tảng định danh số quốc gia đã mở ra một hướng đi mới trong cải cách hành chính: Lấy ý kiến nhân dân trực tuyến, nhanh chóng và tiết kiệm. Qua đó, người dân ở vùng sâu, vùng xa, các đối tượng đặc thù như chiến sĩ, học sinh, sinh viên... đều có thể dễ dàng tiếp cận và tham gia đóng góp cho bản dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Do đó, Bản dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã được xây dựng trong thời gian ngắn nhất; thời gian lấy ý kiến nhân dân ngắn nhất; số lượt ý kiến đóng góp của nhân dân thu được lớn nhất từ trước tới nay.

Ruộng, rừng, và hành trình đời người

Ruộng, rừng, và hành trình đời người

Ra mắt lần đầu vào năm 2006, Màu rừng ruộng - tiểu thuyết đầu tay của Đỗ Tiến Thụy - đến nay vẫn là tác phẩm gây ám ảnh nhất trong văn nghiệp của anh. Trên nền không gian kép Ruộng và Rừng, nhà văn không chỉ tái hiện một thế giới nông thôn Bắc Bộ và Tây Nguyên hậu chiến bằng lối kể truyền thống ngồn ngộn chi tiết, mà còn mạnh mẽ đặt ra câu hỏi về sự lạc hậu, mông muội và bi kịch tinh thần mà con người phải gánh chịu dưới ách tập tục, luật tục và ký ức tập thể.
Tự do của loài chim - Thơ Vi Thùy Linh

Tự do của loài chim - Thơ Vi Thùy Linh

Baovannghe.vn- Loài chim nào bay cao, nhanh nhất/ Loài chim nào nhiều sức mạnh
Nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi ra mắt cuốn sách thứ 11 "Sự thật, Lẽ phải và Ngọn bút"

Nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi ra mắt cuốn sách thứ 11 "Sự thật, Lẽ phải và Ngọn bút"

Baovannghe.vn - Sáng 12/6, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Thư viện Quân đội phối hợp Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức lễ ra mắt cuốn sách Sự thật, Lẽ phải và Ngọn bút của nhà văn, nhà báo Hồ Quang Lợi.
Vai trò của thanh niên trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Vai trò của thanh niên trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Baovannghe.vn - Chiều 12/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề án Thanh niên tham gia bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam giai đoạn 2024-2029.
Triển lãm "Chân dung thời gian" của họa sĩ Phạm Duy Quỳnh

Triển lãm "Chân dung thời gian" của họa sĩ Phạm Duy Quỳnh

Baovannghe.vn - Triển lãm Chân dung thời gian của họa sĩ Phạm Duy Quỳnh giới thiệu tới công chúng 24 tác phẩm sơn dầu và 12 tác phẩm sơn mài khổ lớn trong bộ sưu tập của họa sĩ.