THACO HÂN HẠNH ĐỒNG HÀNH CÙNG VĂN HỌC TRẺ VIỆT NAM
Sinh trưởng trong gia đình trí thức – nghệ sĩ, tiếp cận với nghệ thuật hàn lâm từ nhỏ, Trần Lương luôn mong muốn đưa nghệ thuật đến gần hơn đời sống, góp phần vào giáo dục, giải trí, khai phóng con người. Nghệ thuật không chỉ nằm trong những viện bảo tàng, những nơi sang trọng khép kín. Nghệ thuật cần phải song hành, chạm vào thô ráp cuộc đời.
Thập niên 90 của thế kỷ trước, khi đang là gương mặt họa sĩ sáng giá, Trần Lương đột ngột chuyển hướng đi mới: trở thành nhà thực hành nghệ thuật đương đại, người tổ chức các hoạt động nghệ thuật. Ông đồng sáng lập Nhà sàn Studio – không gian nghệ thuật đương đại đầu tiên tại Hà Nội, đồng sáng lập và điều hành Trung tâm Mỹ thuật Đương đại (Hội Mỹ thuật Việt Nam) từ 1999 đến 2003. Hiện ông là giám đốc Trung tâm Bảo trợ và Phát triển nghệ thuật APD, Chủ tịch Hội đồng cố vấn quỹ Sống Foundation, thành viên ban cố vấn dự án Mekong Cultural Hub – British Council. Các giải thưởng nghệ thuật uy tín thế giới: Giải thưởng Prince Claus của Hoàng gia Hà Lan (2014), Giải thưởng quỹ The Andy Warhol Foundation for the Visual Arts (1999).
Nghệ sĩ Trần Lương |
Năm 1997 ghi dấu mốc đặc biệt đối với Trần Lương. Sau khoảng 10 năm phát triển thị trường tự do, mỹ thuật trong nước có dấu hiệu chững lại. Tờ Asean Art Newspaper đăng bài viết của Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Singapore với những cảnh báo nghiêm khắc. Theo tác giả bài báo, năm 1996 ông đến Việt Nam, hào hứng sưu tập được một loạt tranh cho Bảo tàng Nghệ thuật Singapore. Đầu năm 1997, khi trở lại, ông nhận thấy nhiều tranh có hình ảnh, bố cục, màu sắc giống với tác phẩm ông đã mua, chỉ đích danh tên họa sĩ và gallery bán những tranh đó. Từ thực tế này, tác giả cho rằng nền mỹ thuật Việt đã chuyển sang cơ chế tái sản xuất tác phẩm. Phải chăng thị trường tự do đã tác động mạnh mẽ đến sáng tác, làm thay đổi quan niệm về lao động nghệ thuật? Lợi nhuận từ thị trường đã làm thui chột khả năng sáng tạo có tính độc bản của nghệ sĩ?
Những thông tin và cảnh báo gay gắt của tác giả bài báo cùng dấu hiệu đi xuống về chất lượng tác phẩm đã tác động sâu sắc đến Trần Lương. Ông tuyên bố bỏ vẽ mười năm. Điều này gây bất ngờ đối với nhiều họa sĩ. Bởi Trần Lương đang là một tên tuổi sáng giá. Từ bỏ quyền lợi vật chất vốn không dễ dàng. Song ông muốn thể hiện một ý niệm, một sự phản kháng trước thực trạng dễ dãi chạy theo lợi nhuận trong giới sáng tạo.
Rời hội họa giá vẽ truyền thống, Trần Lương ấp ủ hướng đi mới. Sự phát triển của công nghệ số, khởi đầu từ 1995, đến 2005 thực sự là một bước nhảy mạnh mẽ, tạo ra những thay đổi lớn lao, tác động đến sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng kinh tế - xã hội – văn hóa, trong đó có lĩnh vực nghệ thuật, giúp người nghệ sĩ có thêm những cơ hội biểu đạt mới. Đó là lý do trực tiếp thúc đẩy Trần Lương đến với thực hành nghệ thuật đương đại, trở thành một trong những người mở đường, có vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển nghệ thuật đương đại ở nước ta.
Cùng với các thực hành nội tại, thực hiện các tác phẩm trình diễn, video art và sắp đặt cá nhân, Trần Lương còn kết nối các hoạt động nghệ thuật đương đại trong nước với thế giới qua các triển lãm, các dự án dài hơi. Ông đặc biệt quan tâm đến những nghệ sĩ trẻ, đặt niềm tin vào họ, tự nguyện lùi lại sau để giúp họ tỏa sáng.
Thực dụng chỉ là một phần của cuộc sống. Văn hóa tinh thần là vĩnh cửu. Tâm niệm ấy chi phối cách ông làm việc, ứng xử, đứng về phía những phận người vất vả trên mặt đất. Ông thuộc số ít nghệ sĩ theo đuổi các dự án gắn với phát triển cộng đồng từ hơn hai mươi năm trước, đến những làng bản xa xôi, vùng biên giới, ngoài đảo nhỏ, dùng nghệ thuật, qua nghệ thuật để giao tiếp, đồng hành và hỗ trợ người dân bản địa, giúp họ cất lên tiếng nói cá nhân.
Năm 2001, trong vai trò Giám đốc nghệ thuật của Trung tâm Mỹ thuật đương đại, Trần Lương tổ chức chuyến đi thực tế về mỏ than Mạo Khê. Khoảng thời gian hai tuần lễ đó thật đặc biệt với các nghệ sĩ. Ra khỏi phòng vẽ, ra khỏi thành phố, họ cùng ăn, cùng ở, cùng xuống hầm lò, cảm nhận giọt mồ hôi lẫn với than đen và những hiểm nguy có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Ngày cuối cùng của chuyến đi cũng là ngày hoàn thiện bức tranh tường dài 300 m, một tác phẩm sắp đặt - trình diễn, rất nhiều kí họa, các video tư liệu ghi lại những trải nghiệm, tương tác với anh em công nhân và người dân vùng mỏ. Dự án đã trả lời cho Trần Lương điều băn khoăn lớn của ông, đó là: những người bình dân có cơ hội được tiếp cận với nghệ thuật hay không. Trần Lương cũng lấy chính mình để hóa thân thành Người cơm – Một người cơm trắng xóa, nổi bật, tương phản hoàn toàn với không gian rộng lớn xung quanh của bụi than, của những hạt than rắn và sắc, cùa màu đen nơi làn da và đôi mắt người thợ mỏ. Hơn sáu tiếng đồng hồ phơi mình dưới ánh nắng - đó là trải nghiệm khó quên của một nghệ sĩ trình diễn.
Mỗi tác phẩm và mỗi lần thực hiện trình diễn, Trần Lương đều để lại dấu ấn riêng. Ông coi trình diễn là quá trình thực hành nội tại. Những tương tác, phản ứng ở bên ngoài cùng trải nghiệm từ chính tâm hồn, trí não, cả những nỗi đau những áp lực từ cơ thể sẽ gợi dẫn họ khám phá con người bên trong. Có thể nhận thấy điều này qua tác phẩm Những vết lằn – một dự án dài hơi, được trình diễn ở 26 thành phố trên thế giới. Ở Những vết lằn, Trần Lương biến mình thành một vật thể, và khán giả với dải khăn đỏ trên tay chính là người trình diễn. Khi dải khăn đỏ quật xuống tấm lưng trần, cái nhẹ, cái mạnh, cái đau rát, cái hờ hững thoáng qua, cái phẫn nộ, cái bi ai…, cảm xúc của ông rất phức tạp, trong đó có cả hạnh phúc bởi qua một dải khăn, ông đã nhận về/ chịu đựng/ thấu hiểu nhiều trạng thái khác nhau của những cộng đồng khác nhau trên mặt đất. Đó là một thử nghiệm vừa lạ lùng, táo bạo, vừa thể hiện sự dấn thân của người nghệ sĩ khi mở rộng biên độ về không gian và thời gian gắn với những ý niệm lịch sử.
Nhìn lại hành trình nghệ thuật, Trần Lương luôn thấy mình may mắn, được sự ủng hộ của gia đình, của bạn bè đồng nghiệp, lòng tin cậy của giới trẻ. Song nỗi buồn vẫn là điều có thực. Nỗi buồn của một trí thức – nghệ sĩ yêu tha thiết mảnh đất nơi mình gắn bó, luôn đặt niềm tin, sự hướng thượng vào nghệ thuật và cuộc sống. Dù có nhiều cơ hội tốt để định cư ở các nước phát triển, song ông vẫn chọn ở lại quê nhà, làm việc, cống hiến, như một cách trả ơn ân nghĩa cuộc đời. Xã hội đang có những thay đổi quá nhanh trong môi trường hội nhập. Bên cạnh đó là sự tan rã của các giá trị truyền thống, sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Phát triển nghệ thuật song song với phát triển cộng đồng vẫn luôn là bài toán khó. Từ những trải nghiệm, được và mất của thời gian, ông tự nhủ hãy đi từng bước, từng bước, bởi cuộc sống luôn có những quy luật riêng, sự đào thải riêng. Thuận theo quy luật cũng là một cách thực hành.
Hiện nay, bên cạnh các dự án cộng đồng, Trần Lương dồn tâm sức cho trung tâm APD do ông và một số cộng sự sáng lập. Ở đó, qua các hoạt động phi lợi nhuận như triển lãm, mở kho tư liệu, các buổi trò chuyện, thực hành mà ông trực tiếp dẫn dắt, kết nối, bạn nghề và công chúng lại nhận thấy một Trần Lương tuổi trung niên điềm tĩnh, giản dị song vẫn đầy năng lượng. Đặc biệt, còn một Trần Lương đời thường khác, với những ngón tay dài mảnh đầy chất “nghệ” đang sửa đường ống nước, thay cái bóng đèn điện bị cháy, và chăm bẵm những chú mèo hoang từ đâu về bên ông tìm nơi che chở!
Anh Thư
Nguồn Văn nghệ số 9/2023