Mường Bi, thuộc huyện Tân Lạc, là một trong bốn Mường lớn nhất tỉnh Hòa Bình. Đây là vùng đất cổ có nhiều trầm tích và những lễ hội văn hóa tâm linh, đặc sắc, đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường từ nhiều đời nay. Đặc biệt gần đây, Lễ hội Khai Hạ và lịch Đoi (lịch Tre) của người Mường đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Khai Hạ Mường Bi là hoạt động mang tính cộng đồng, gắn với văn hóa tâm linh, tín ngưỡng và gắn với Truyền thuyết Quốc Mẫu Hoàng Bà là thân mẫu của Đức Thánh Tản, người có công gây dựng mảnh đất Mường Bi, được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng giêng Âm lịch hàng năm (tức ngày mồng 7 tháng tư lịch Mường Bi). Lễ hội là sự khởi đầu của một năm mới, là hoạt động văn hoá, tín ngưỡng có tính truyền thống không thể thiếu của người Mường Bi, nó gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang đậm dấu ấn của nền văn minh Việt cổ đồng thời cũng là dịp giao lưu gặp gỡ thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng.
Nói về hội văn hóa đặc sắc này, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Khẩn (xóm Luỹ Ải xã Phong Phú), cho biết: “Lễ hội có từ lâu nhưng được phục dựng lại từ năm 2002. Có 2 phần chính là phần Lễ và phần Hội. Trước Lễ ngay từ sáng sớm, những người được giao nhiệm vụ chuẩn bị lễ vật dâng cúng mang ra Miếu nơi thờ Quốc Mẫu Hoàng Bà - người có công truyền dạy cho dân Mường biết chăn nuôi gia súc gia cầm, khai mương mở nước, dẫn thủy nhập điền, cày bừa, cấy hái lúa, trồng dâu, chăn tằm, dệt vải,... Ngoài ra, nơi đây còn thờ các vị thần hoàng như: Tản Viên Sơn Thánh và Ải Lý, Ải Lo Miếu còn là nơi cúng cộng đồng gồm: Đức vị vua Cả, vua Quân Thái Hậu, vua 2 thành hoàng Quan Lang bản thổ, 3 vị vua Non. Đội tế lễ được giao cho người có uy tín đảm nhận và đội rước kiệu được giao cho nam thanh nữ tú. Sau phần nghi lễ và rước kiệu từ Miếu Thờ xóm Lũy Ải, xã Phong Phú khai mạc lễ hội là nghi lễ xuống đồng để mở đầu cho một năm mới làm ăn thịnh vượng. Sau khi tổ chức xong lễ hội, người dân mới bắt tay vào công việc đồng áng, hay lên rừng săn bắt, hái lượm”.
Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Khẩn |
Xưa kia, đồ tế lễ ngoài xôi, rượu, nhất thiết phải có 1 con hoẵng đi săn được, nếu không có phải thay bằng 1 con bò, kiêng mổ trâu; ngày nay con hoẵng được thay bằng con vật khác. Thầy mo thay mặt dân toàn Mường làm lễ khấn ca ngợi công lao của các vị thần hoàng, cầu cho một năm mới mùa màng tươi tốt, bội thu. Tiếp đó là lễ rước kiệu Thánh từ đền thờ ra nơi tổ chức hội, sau đó rước trở về Miếu. Lễ rước được tổ chức rất long trọng với cờ quạt, đồ nghi trượng cùng các vị cao niên, các thầy tế và đông đảo người dân trong vùng, diễn ra trong nhịp trống, chiêng sắc bùa và ban nhạc Lưu thuỷ.
Sau phần lễ là phần hội, diễn ra tại sân bãi trước Miếu (nay là Sân vận động) với những trò chơi dân gian (bắn nỏ, kéo co, đánh cù, đánh mảng, ném còn...), nay có thêm số các môn thể thao hiện đại, văn nghệ dân gian (Hòa tấu cồng chiêng, thi sắc bùa, hát đối, hát thường đang bộ meẹng...) và giới thiệu các món ăn độc đáo của người Mường. Anh Bùi Văn Hoàng, cũng ở xóm Luỹ Ải xã Phong Phú thì tự hào nói về Lễ hội truyền thống này của dân tộc mình: “Em rất tự hào được tham gia Lễ hội từ năm 2002. Đây là dịp để nhân dân bày tỏ lòng kính trọng các vị thần đã lập ra Mường và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển, cuộc sống tốt đẹp, bình yên... Riêng với thế hệ trẻ chúng em, ngoài phần Lễ, thì phần Hội khiến chúng em vô cùng hào hứng với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian, giới thiệu các món ăn của người Mường thu hút được đông đảo nhân dân - là nơi hội tụ những nét tinh hoa độc đáo của dân tộc Mường. Từ đây em càng thấy rõ trách nhiệm bản thân phải bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống dân tộc Mường từ trang phục, nét sinh hoạt, ẩm thực, nhà ở… đồng thời giới thiệu đến bạn bè biết đến vẻ đẹp truyền thống của dân tộc mình”.
Theo truyền thuyết, Quốc Mẫu Hoàng Bà - thân mẫu của Đức Thánh Tản là người đã chỉ dạy cho người dân Mường Bi cách làm ruộng hai vụ, cách ăn, cách ở... Tản viên Sơn Thánh - con rể của Vua Hùng Vương thứ 18 là người có công giúp Vua chống giặc ngoại xâm, mang lại sự bình yên cho nhân dân. Còn Ải Lý, Ải Lo là hai vị thần đã dạy cho dân Mường Bi cách đào mương dẫn nước và là người thiết kế con mương Lò lấy nước từ suối Kem tưới cho cả cánh đồng Nà Noóng rộng lớn. Từ đó, để tưởng nhớ công lao của Quốc Mẫu Hoàng Bà, Tản Viên Sơn Thánh và Ải Lý, Ải Lo, người dân Mường Bi lập Miếu thờ tại xóm Luỹ, tổ chức thờ cúng vào dịp Lễ hội Khai Hạ hàng năm.
Với trọng trách trong cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, ông Đinh Sơn Tùng - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Tân Lạc cho biết: “Nhận thức rõ việc khôi phục, tổ chức Lễ hội Khai Hạ Mường Bi, Phòng Văn hoá và Thông tin đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền và tổ chức Lễ hội hàng năm, đồng thời tham mưu cho UBND huyện đầu tư xây dựng công trình tôn tạo di sản không gian văn hoá Mường Bi góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Đến nay, cùng với các di sản văn hoá như Mo Mường, Chiêng Mường, Tri thức dân gian Lịch Đoi (Lịch tre), Lễ hội khai hạ đã được công nhận và ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia”.
Ông Đinh Sơn Tùng - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Tân Lạc |
Nhờ những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, Lễ hội Khai Hạ Mường Bi trong những năm gần đây đã gây được tiếng vang, có tầm ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội trong và ngoài tỉnh; đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đông đảo người dân. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị truyền thống quê hương, nâng cao niềm tin lòng tự hào dân tộc, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất. Từ đó, quảng bá nét đẹp văn hoá truyền thống của các dân tộc trong tỉnh Hòa Bình đến với du khách trong và ngoài nước, quảng bá tiềm năng du lịch góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình nói chung và huyện Tân Lạc nói riêng.
Sau 2 năm tạm dừng do dịch Covid-19, năm Quỹ Mão 2023 này, Lễ hội Khai Hạ Mường Bi sẽ được tổ chức trở lại với quy mô cấp tỉnh trong 03 ngày, mùng 6, 7 và 8 (âm lịch). Với nhiều trò chơi dân gian; trưng bày các gian hàng sản phẩm OCOP; thi ẩm thực; thi trình diễn trang phục dân tộc… hy vọng, Khai Hạ Mường Bi năm nay sẽ thu hút được nhiều du khách thập phương tới để tham gia vào lễ hội văn hóa đặc sắc này của cộng đồng dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình.
Việt Thắng