Sự kiện & Bình luận

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo “siết” dạy thêm học thêm

Trương Chí Hùng
Sự kiện & Bình luận 07:00 | 22/02/2025
Baovannghe.vn- Năm 2007, tôi tốt nghiệp và bắt đầu đi dạy tại Trường Đại học An Giang. Do lương tập sự thấp, không đủ trang trải cuộc sống, tôi phải nhận làm gia sư hai học trò lớp 9, ở hai nơi khác nhau.
aa

Thu nhập từ việc dạy thêm hàng tháng được tổng cộng bốn trăm ngàn đồng nhưng tôi phải dạy mỗi tuần tới sáu buổi tối, tức là mỗi em ba buổi. Hết năm học, cả hai học trò của tôi đều đạt thành tích tốt, gia đình các em phấn khởi mà tôi cũng thấy vui. Họ giới thiệu tôi cho những phụ huynh khác, thế là tôi lại có học trò mới. Công việc như thế cứ tiếp diễn cho đến tận bây giờ. Nghĩa là ngoài việc giảng dạy và nghiên cứu ở trường đại học, tôi vẫn dành buổi tối để kèm cho những học trò thực sự muốn học Văn. Nhiều em không chịu học thêm với thầy cô dạy chính khóa, vì cho rằng những gì cần thầy cô đã dạy hết rồi. Các em tìm đến tôi với mong muốn học được cái mới hơn, lạ hơn. Phương pháp dạy của tôi cũng đặc biệt, chủ yếu xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc, khiến cho các em biết cảm thụ văn chương, yêu thích văn chương chớ không đặt nặng thành tích, điểm số.

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo “siết” dạy thêm học thêm
Cần giải quyết các tồn tại căn bản để học sinh có môi trường giáo dục lành mạnh, tiếp thu nhiều kiến thức. Nguồn ảnh: Moet.gov.vn

Dĩ nhiên học trò phải đóng cho tôi một khoản phí, nhưng không nhiều, chủ yếu để các em có trách nhiệm hơn khi học. Em nào hoàn cảnh khó khăn mà chăm chỉ, cầu tiến, tôi sẵn sàng cho học miễn phí. Điều này tôi học theo những thầy cô thời phổ thông của tôi. Khi đó, thầy cô cũng mở lớp dạy kèm tại nhà, có nhiều bạn nghèo nhưng ham học, thầy cô không thu đồng nào cả. Không ít bạn bè tôi nhờ vậy mà học hành tới nơi tới chốn, giờ đây trở thành người có ích cho xã hội.

Theo thời gian, mọi thứ đều có thể thay đổi, chuyện dạy thêm học thêm cũng không ngoại lệ. Tôi quan sát thấy, ngoài những thầy cô tận tâm, hết lòng vì học trò, cũng có người trở nên thực dụng, trục lợi bằng việc ép học trò học thêm. Có em than, vừa đi học chỗ tôi nhưng vừa phải học chỗ cô giáo đang dạy chính khóa, thà tốn kém một chút nhưng không bị “đì” (bị chèn ép, làm khó làm dễ). Phụ huynh cũng thường phản ánh là con cái họ phải theo học thêm rất nhiều môn, chẳng còn thời gian ăn ngủ, tốn kém tiền bạc nhiều nhưng nghỉ môn nào cũng không được, vì sợ con hụt kiến thức, sợ giáo viên “buồn”.

Bên cạnh đó, lại có tình trạng một số giáo viên lên lớp chỉ dạy qua loa, để dành kiến thức trọng tâm cho lớp dạy thêm, đề kiểm tra cũng tập trung chủ yếu vào những gì thầy cô dạy thêm. Như thế, nếu em nào không học thêm với thầy cô là coi như bất lợi đủ đường. Chính thực trạng này khiến phụ huynh bức xúc, hình ảnh người thầy trong mắt học trò và toàn xã hội cũng méo mó đi phần nào.

Trong bối cảnh giáo dục đang đứng trước nhiều thách thức, Thông tư 29 được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 14/02/2025 với những quy định cụ thể về việc tổ chức dạy thêm học thêm. Theo đó, Thông tư quy định ba trường hợp không được tổ chức dạy thêm gồm: (1) không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; (2) giáo viên dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; (3) giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Ngoài ra, Thông tư 29 cũng quy định việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh. Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức các hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.

Việc ban hành Thông tư 29 thời gian qua nhận được nhiều ý kiến của cộng đồng, nhất là những người đang công tác trong lĩnh vực giáo dục. Phần lớn ý kiến ủng hộ những nội dung được đề cập đến trong Thông tư, xem đây là bước đi mạnh mẽ, cứng rắn nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, trong đó có việc o ép học sinh học thêm, gây bức xúc cho xã hội. Nhiều địa phương đã yêu cầu các cơ sở giáo dục, giáo viên dừng dạy thêm trước hoặc ngay thời điểm Thông tư 29 có hiệu lực.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, vẫn còn không ít băn khoăn khi Bộ Giáo dục và Đào tạo “siết” việc dạy thêm học thêm. Thứ nhất, chương trình giáo dục hiện nay được đánh giá là khá “nặng”, do đó thầy cô khó chuyển tải hết nội dung kiến thức cho học sinh với thời lượng hạn chế trên lớp. Thứ hai, học thêm là nhu cầu thực tế, chính đáng của nhiều học sinh, nhất là các em muốn học nâng cao, chuyên sâu để thi vào các trường điểm, các đại học tốp đầu. Thứ ba, nếu nhà trường tổ chức dạy thêm nhưng không thu phí, thì lấy đâu ra nguồn kinh phí để vận hành hoạt động này. Thứ tư, có những phụ huynh vì bận công việc không thể đón con cái đúng giờ. Họ gửi giáo viên chăm sóc, dạy cho các em rồi đón sau. Nếu giáo viên không được phép dạy những trường hợp này thì rất khó cho phụ huynh. Thứ năm, chuyện tiêu cực “ép học thêm” chỉ là số rất nhỏ. Theo quy định mới, giáo viên dạy thêm trong trường không được thu tiền, muốn dạy ở ngoài thì phải qua “trung gian”. Điều này khiến giáo viên khó nâng thêm thu nhập, còn học sinh muốn học thêm cũng khó.

Có thể nói, giáo dục là một lĩnh vực quan trọng, có tác động sâu rộng đến nhiều tầng lớp xã hội, có vai trò to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, những quyết sách liên quan đến giáo dục cần phải được xem xét thận trọng ở mọi khía cạnh. Không thể phủ nhận mặt tích cực của Thông tư 29 như đã phân tích ở trên, nhưng khách quan mà nói, vẫn còn nhiều tồn tại cần tháo gỡ khi áp dụng Thông tư này. Hiện nay, giáo dục Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi “bệnh thành tích”, vẫn đặt nặng chuyện thi cử, kiểm tra. Con cái không đậu vào trường chuyên lớp chọn, có phụ huynh buồn phiền đến mất ăn mất ngủ. Tiền lương và các chính sách đãi ngộ dành cho giáo viên tuy có cải thiện nhưng nhìn chung vẫn còn thấp. Đó là nguyên nhân chính khiến mỗi năm cả nước có hàng chục nghìn giáo viên bỏ việc. Nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới còn bị nhận xét là nặng nề, quá tải đối với người học. Việc đánh giá kết quả học tập của người học chủ yếu qua các kỳ thi, mà những kỳ thi quan trọng lại là dạng đề “đóng” với không ít câu hỏi mang tính đánh đố, cao xa.

Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần giải quyết được những tồn tại căn bản như vừa nêu, nếu không, Thông tư 29 cũng chỉ tác động đến “phần ngọn” của vấn đề. Không loại trừ trường hợp, việc “siết” dạy thêm học thêm sẽ gây ra hệ lụy tiêu cực khác mà chúng ta chưa lường trước được.

Hà Nội: Các đơn vị nghệ thuật đồng loạt tổ chức biểu diễn mừng sinh nhật Bác

Hà Nội: Các đơn vị nghệ thuật đồng loạt tổ chức biểu diễn mừng sinh nhật Bác

Baovannghe.vn - Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), các đơn vị nghệ thuật của Hà Nội sẽ tổ chức nhiều buổi biểu diễn trên địa bàn thành phố.
Sắc hoa rừng ngày ấy - Thơ Đặng Bá Khanh

Sắc hoa rừng ngày ấy - Thơ Đặng Bá Khanh

Baovannghe.vn- Có một mùa xuân mươn mướt rừng xứ Lạng/ Sắc mộc miên thắp đỏ một khung trời
Cây bàng già trong sân nhà tù Côn Đảo - Thơ Đỗ Phú Nhuận

Cây bàng già trong sân nhà tù Côn Đảo - Thơ Đỗ Phú Nhuận

Baovannghe.vn- Giữa bốn bề song sắt, bốn bề kẽm gai/ Cây bàng già bị giam như một người tù
Liên hoan phim Cannes tìm về thứ kết nối vĩnh cửu

Liên hoan phim Cannes tìm về thứ kết nối vĩnh cửu

Baovannghe.vn - Liên hoan phim Cannes đã lựa chọn áp phích chính thức cho sự kiện năm nay. Không chỉ một như thông lệ thường niên, mà tới hai tấm poster, lấy cảm hứng từ tác phẩm kinh điển năm 1966 A Man and a Woman (tên tiếng Việt: Một người đàn ông và một người phụ nữ) của đạo diễn Claude Lelouch.
Nhức nhối hàng giả nhìn từ góc độ quyền con người

Nhức nhối hàng giả nhìn từ góc độ quyền con người

Baovannghe.vn- Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ: Khi hàng giả tràn lan, các quyền cơ bản của con người bị tổn thương nghiêm trọng. Nó xâm phạm trực tiếp đến quyền được sống an toàn, quyền được bảo vệ sức khỏe, quyền được thông tin trung thực và quyền được làm ăn trong một môi trường công bằng.