Chuyên đề

Khua lóng – hình thức sinh hoạt độc đáo của cộng đồng người Tày Đà Bắc, Hoà Bình

​​​​​​​Lường Đức Chôm
Văn học địa phương
14:00 | 15/07/2024
Chiếc Lóng gỗ đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Tày Đà Bắc.
aa
Chiếc lóng gỗ trong ngày hội giã cốm của người Tày
Chiếc lóng gỗ trong ngày hội giã cốm của người Tày

Lóng được chia làm hai phần. Phía ngọn được khoét sâu hình máng chiếm ba phần tư khúc gỗ, dùng để giã tách thóc ra khỏi cây rơm và giã thô thành gạo. Phần còn lại được khoét một lỗ tròn dùng làm cối giã tiếp cho gạo trắng ra. Loại gạo này ưu tiên nấu cho người già và trẻ nhỏ. Vì cái lóng hình thang nên người ta phải chôn hai chiếc cọc bằng gỗ lõi có chạc để đặt lóng lên trên vừa để âm thanh của nó vang xa. Việc làm ra cái lóng được ghi trong sách cổ người Tày:

Bượn há táu phăn chốc,

Bượn hốc táu phăn lóng.

Phăn chốc váy muốn póng,

Phăn lóng váy muốn mướng.

Dich:

Tháng năm đi tìm gỗ

Tháng sáu mới làm lóng

Khoét cối thêm vui bản

Làm lóng để vui mường.

Chức năng của lóng chủ yếu dùng để giã gạo, giã thuốc nhưng nó còn là một nhạc cụ độc đáo. Vào ngày mùa, khi lúa ngoài đồng bắt đầu đỏ đuôi, các cô gái rủ nhau ra cắt những bông lúa mới chín một phần đem về nhà dùng miệng bát sứ tách hạt ra khỏi bông sau đó cho vào chõ đồ lên đến khi chín thì đổ ra nong, nia cho ráo nước rồi cho thóc vào chảo lớn rang nhỏ lửa đến khi hạt lúa đã khô ròn, các cô đem giã nhẹ tay trong lóng vì nếu giã mạnh hạt lúa xanh mềm sẽ không tách trấu còn dính bết vào nhau rất khó thành gạo cốm.

Tiếng giã cốm rộn ràng vào những đêm trăng sáng có sức thu hút già trẻ, gái trai các bản tập trung tại nhà chủ để động viên các cô gái giã cốm và chờ được thưởng thức hương vị thơm ngon của hạt gạo đầu mùa. Những bát cốm đầu tiên phải được dâng lên tổ tiên để báo hiệu một ngày mùa bội thu sau đó gia chủ đem mời làng cùng ăn. Các bà trung niên bắt đầu dạy thanh niên khua lóng. Đội nhạc được chia thành hai bên nam nữ đứng ngoài thành lóng, tay cầm chày. Các mẹ dạy con cháu cách cầm chày, cách gõ hai đầu chày vào nhau và gõ vào lóng.

Lóng gỗ của người Thái
Lóng gỗ của người Thái

Để tiếng kêu vang xa thì chày được làm bằng lõi cây chai hay nghiến nghệ hoặc cây táu mật. Tiếng “cắc cum”, “cắc cùm cum” vang lên. Trai gái kết thành đôi bắt đầu khua lóng, do được khoét bằng lõi cây sâng tía hay lõi cây sấu nên tiếng lóng vang rất xa vọng qua làng bên cạnh như mời gọi nam thanh nữ tú. Số lượng người tham gia tùy theo chiều dài của lóng, ít nhất là 1 đôi và nhiều nhất là 4 - 5 đôi gọi là “tò cày” (chọi gà) và có một người cầm cái.

Người cầm cái rất quan trọng gọi là “mè hụa”, người này đóng vai trò nhạc trưởng bởi sử dụng chày đơn để tạo ra tiết tấu vui nhộn, nhịp nhàng theo tiếng gõ của các đôi trai gái. Từ thời xa xưa, lóng đã được ghi trong sách cổ: “Pạy quành lóng máy cú siệng cá, pạy quành lóng máy trá muốn mương”. Có nghĩa là: “Khua lóng cây sấu vang xa, khua lóng gỗ tra vui bản”. Nhờ hội khua lóng mà rất nhiều đôi trai gái thành duyên vợ chồng và cũng rất đam mê khua lóng đến già mỗi khi mùa vụ tới. Những năm gần đây trong các dịp Hội diễn Nghệ thuật quần chúng dân gian các dân tộc thiểu số của huyện cũng đã xuất hiện các tiết mục khua lóng nhưng để khai thác đúng giai điệu của lóng cần phải có nghệ nhân truyền nghề tâm huyết để tiếng lóng truyền cảm, đi vào lòng công chúng.

Lóng không những là nhạc cụ dùng cho hội vui như đã nói ở trên, nó còn được dùng trong tang lễ. Khi có người qua đời trong thôn, sau lúc gia đình đã khâm liệm xong xuôi, việc đầu tiên người ta sẽ gõ ba hồi lóng báo hiệu cho làng biết có người vừa mất. Bởi lẽ bình thường không ai gõ lóng thành hồi cả. Trong lễ báo hiếu ngoài trống chiêng, chũm chọe, gậy để múa… người ta thấy hàng dâu thường khua lóng để xua tà ma và cũng là báo hiệu một chương của thầy cúng đã kết thúc. Cũng phải nói thêm rằng: Trong đám tang, người ta triệu tập toàn bộ cô dâu ba đời trong dòng họ để tiễn đưa hồn người mất nên được gọi chung là hàng dâu (tương tự như thế với các chú rể).

Trước khi đưa ma, các cô dâu cũng khua lóng để tiễn biệt người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng. Tuy nhiên, cách khua lóng trong đám tang khác với kiểu khua mừng lúa mới, tiếng lóng rời rạc, não nề mang nặng không khí tang tóc, bi ai… và kiểu khua lóng này vẫn duy trì cho đến ngày nay.

Cách sàng sảy cốm khéo léo của người Tày
Cách sàng sảy cốm khéo léo của người Tày

Trong dân gia dân tộc Tày-Thái vùng Tây Bắc còn lưu truyền một câu chuyện thú vị về tục khua lóng xưa kia, thực ra là hiện tượng tự nhiên theo quy luật: Do sơ xuất trong khi chăn dắt mà một con ếch khổng lồ của Then Trời bị tuột xích. Nó đói quá liền há miệng ngoạm vào mặt Nàng Trăng làm cho trời đất bỗng nhiên tối tăm mặc dù lúc đó bầu trời trong xanh và đầy sao. Dưới trần gian, trai gái đang vui chơi bỗng nhiên thấy trời tối sầm. Nhìn lên trời thấy ánh trăng bị che tối gần hết, họ cho rằng con ếch nhà Then đã ăn mất trăng, nhưng không biết làm cách nào để cứu liền hò nhau cầm chày khua vào thành lóng thật to để tiếng vang lên trời ếch sợ mới nhả Nàng Trăng ra: “…Cốp kịn bượn mé hươn quành lóng. Quành lóng pốn mưa chói nang bượn,…”, câu này có nghĩa là: ‘Ếch nuốt Trăng, con gái khua lóng. Tiếng lóng vang lên cứu Nàng Trăng”.

Như vậy, khua lóng là một hình thức sinh hoạt dân gian rất độc đáo mang tính cộng đồng và tâm linh của riêng đồng bào Tày ở Đà Bắc. Ngày nay, do khoa học công nghệ phát triển, máy xay xát gạo mi ni đã thay thế công cụ thủ công bằng gỗ nên những chiếc lóng dần đi vào quên lãng. Mặt khác, gỗ dùng làm lóng cũng ngày một cạn kiệt khiến cho hình thức nghệ thuật dân gian độc đáo này có nguy cơ mai một theo thời gian. Người viết bài đã cố gắng sưu tầm, khai thác một vài điệu khua lóng và đưa lên sân khấu Hội diễn Nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số của huyện được khán thính giả ghi nhận.

Nét quyến rũ trong văn hóa ẩm thực của người Tày ở Lâm Bình Vài suy cảm về người Thái ở Đà Bắc
Nguồn (Tạp chí Văn nghệ Hoà Bình số 3/2024)
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...