Trải qua bao thời kì lịch sử, kiến trúc vẫn luôn đại diện cho những giá trị của những nền văn minh trên khắp thế giới. Những di sản kiến trúc có ý nghĩa lớn lao bởi chúng cho chúng ta biết mình từng và đang là ai, và các căn tính xã hội và quốc gia đã phát triển hay thay đổi như thế nào. Giữa thế kỉ 20 là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong việc định nghĩa và đại diện căn tính Việt Nam sau thời kì thuộc địa. Các công trình kiến trúc của Việt Nam đã tiếp nhận chủ nghĩa hiện đại toàn cầu và phản chiếu nó vào căn tính Việt Nam trong một nền văn hóa vừa mới giành lại độc lập. Bởi vậy kiến trúc hiện đại Việt Nam có vai trò lớn trong việc chỉ ra cho người Việt và cả người dân trên thế giới căn tính và giá trị rõ rệt của một dân tộc mạnh mẽ.
Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Alexandre Garel, 2020.
Tính đại diện của kiến trúc
Kiến trúc thể hiện dòng lịch sử của nền văn minh nhân loại qua thời gian. Khi những sử gia nghiên cứu về quá khứ cổ đại, họ nhận ra rằng, những công trình còn lưu lại đến ngày nay kể lại những câu chuyện về giá trị và khát khao của những con người thời kì đó. Chẳng hạn, rất nhiều ngôi đền được xây dựng thời kì Hy Lạp cổ đại cho thấy tôn giáo có vai trò cực kì quan trọng trong nền văn minh này. Người Hy Lạp cổ biểu lộ các giá trị của mình qua các công trình kiến trúc thờ tự.
Giá trị biểu hiện của kiến trúc thể hiện ở mọi nền văn hóa và ở mọi giai đoạn. Kiến trúc còn thể hiện khao khát của con người, những điều mà cả con người cổ đại lẫn các nền văn minh gần đây đều muốn vươn tới. Vào thời kì Trung Cổ ở nền văn minh phương Tây, người dân thường góp tiền xây dựng những nhà thờ gothic tinh xảo, đại diện cho những lý tưởng cao quý nhất trong nền văn minh của họ, mong ước vươn cao để chạm tới Chúa. Những thiết kế và xây dựng của những nhà thờ này đều thể hiện rõ rệt và trực tiếp mong muốn của người dân thời đó.
Khi diễn giải những giá trị tinh thần trong thời đại của mình, các nghệ sĩ, kiến trúc sư và kĩ sư sẽ xem xét những tư tưởng nào đại diện chủ yếu vào thời điểm đó. Đặc biệt, họ thử nghiệm những ý tưởng và thiết kế mà có thể tận dụng tối đa những khả năng mà công nghệ vật liệu và xây dựng mới mở ra đối với họ.
Trong thời kì cổ đại và cổ điển ở cả văn minh phương Đông lẫn phương Tây, các vật liệu phải rất chắc chắn để chịu được lực nén mạnh từ mái xuống móng công trình. Đá và gạch có thể đáp ứng được điều này một cách hiệu quả, bởi vậy các công trình ở các thời kì này có vẻ ngoài nặng nề với tầng tầng lớp lớp gạch đá xếp chồng lên nhau để chịu lực ép. Nhưng gạch và đá lại không chịu được lực kéo. Lực kéo sẽ nhanh chóng làm đổ vỡ những vật liệu này.
Bởi vậy, ở các ô cửa, người ta phải tìm một con đường tự nhiên khác cho lực ép đi qua mà không làm ảnh hưởng đến tính vững chắc của công trình bằng đá và gạch. Đó là lí do sinh ra các mái vòm – một kĩ thuật phổ biến để “mở đường” cho các lực tự nhiên “giải tỏa” quanh các chỗ hở trong công trình. Tuy nhiên, các ô cửa thời kì bấy giờ chiếm một tỉ lệ diện tích rất nhỏ trên toàn bộ bức tường, để lại một bề mặt lớn để trang trí, là nơi để thể hiện sâu sắc hơn căn tính và những quy chuẩn xã hội của con người thời kì đó.
Nền văn minh châu Á cũng thể hiện tương tự những giá trị của con người trên những công trình trong ở những thời điểm khác nhau trong suốt thời kì lịch sử. Những ngôi chùa đá của nền văn minh Khmer và những ngọn tháp của nền văn minh Champa ở Việt Nam diễn tả những giá trị tôn giáo và tinh thần khác nhau của hai nền văn minh này, và họ cũng sử dụng công nghệ nén từ những viên gạch và đá tảng để xây dựng những công trình mà chúng ta còn thấy dấu tích ngày nay. Các di sản kiến trúc cổ điển trong lịch sử phương Đông và phương Tây chủ yếu là ngôi mộ, chùa, nhà thờ và các công trình tôn giáo khác đại diện cho những giá trị tôn giáo tuyệt đối của Thời kì Nông nghiệp.
Cũng cần hiểu rằng, trong tất cả các nền văn minh, rất ít nơi cư trú và nhà ở từ thời cổ đại còn tồn tại đến ngày nay bởi chúng thường được xây dựng từ các nguyên vật liệu kém bền như gỗ và rơm – nhanh chóng tiêu tán qua thời gian. Nơi ở cũng không hề được coi là quan trọng trong việc đại diện căn tính và giá trị của nền văn minh cổ đại.
Khi nền văn minh của Việt Nam phát triển ở phía Bắc ngày nay, họ mượn tạm những tiêu chí của láng giềng Trung Quốc cho đến khi các giá trị của Việt Nam có thể phát triển và biểu hiện qua kiến trúc. Suốt một nghìn năm đầu sau Công nguyên, Việt Nam bị xâm lược liên tục bởi Trung Quốc, bởi vậy không có gì ngạc nhiên khi kiến trúc còn tồn tại từ thời kì đó đến nay được dựa trên các quy chuẩn của kiến trúc Trung Hoa. Tuy nhiên sau khi thoát khỏi sự đô hộ của Trung Quốc và bắt đầu bước vào thiên niên kỉ thứ hai, khoảng vào năm 940 sau Công nguyên, Việt Nam bắt đầu thử nghiệm và phát triển các tư tưởng trong kiến trúc của riêng mình.
Ảnh 2: Nhà thôn quê ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Alexandre Garel, 2020.
Đại diện căn tính của Việt Nam với những hiện tượng và vật liệu tự nhiên, qua thời gian, kiến trúc Việt Nam có vẻ ngoài khiêm nhường và giản dị hơn kiến trúc của Trung Quốc, và đồng thời cũng vẫn đại diện cho nét riêng của từng triều đại. Những nhà xây dựng Việt Nam đã sử dụng một cách hoàn hảo những cột và thanh gỗ lớn với công nghệ dựng xà nhà. Họ sử dụng xà và cột để đỡ lực ép xuống móng nhà, trong khi lường trước những chiếc xà lớn sẽ bị cong, nhưng sẽ chỉ cong vừa đủ khả năng chịu tải nhỏ của vật liệu gỗ.
Sự ra đời của chủ nghĩa hiện đại
Nhưng giá trị và khao khát của tất cả các nền văn minh đều thay đổi theo thời gian, đặc biệt là khi những công nghệ mới và khoa học hé lộ những vật liệu và bộ ghép mới cho phép những hình thức biểu hiện mới về căn tính và giá trị xã hội. Những cuộc cách mạng khoa học bắt đầu ở giữa thế kỉ 16 đã lật đổ những giá trị tôn giáo tuyệt đối thịnh thành vào thời kì cổ đại và để đến với quá trình hiện đại hóa. Tính hiện đại và các xu hướng gần với tư tưởng hiện đại bắt đầu thay đổi các thiết chế xã hội và kinh tế của nền văn minh nhân loại. Chủ nghĩa duy lý của thời kì này dẫn đến sự lên ngôi của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tư bản và nền kinh tế thị trường, đô thị hóa và công nghiệp hóa. Con đường của tính hiện đại đem đến một cảm nhận về sự tiến bộ theo hướng hoài nghi quá khứ và truyền thống.
Sau đó, những quá trình phát triển công nghiệp trỗi dậy từ Cuộc cách mạng Công nghiệp cuối thế kỉ 18 còn cho phép máy móc sản xuất ra máy móc cũng như tạo ra nguyên vật liệu và bộ ghép mới. Các dây chuyền sản xuất ra đời để tối ưu hóa nhân công lắp ráp sản phẩm từ những vật liệu công nghiệp mới. Cuộc cách mạng công nghiệp này, khoảng 250 năm trước, trở thành dấu mốc khởi đầu của Kỷ nguyên Công nghiệp, thay thế vai trò và di sản của Kỷ nguyên Nông nghiệp trước đó. Cần phải lưu ý từ “cách mạng” ở đây bởi nó đã thay đổi quan niệm của con người trên khắp thế giới, chuyển từ việc tôn thờ các giá trị tuyệt đối sang một góc nhìn cơ giới hóa hơn về thế giới.
Chủ nghĩa hiện đại trở thành phong trào thẩm mĩ và triết học phát sinh từ những điều kiện bước ngoặt ở cuối thế kỉ 19 và đầu 20. Một thực tế mới do những thay đổi căn cốt trong khoa học, công nghệ, văn hóa và kinh tế đem lại đã tạo ra chủ nghĩa hiện đại. Chủ nghĩa hiện đại thể hiện tinh thần của thời điểm nó ra đời, chính là kỷ nguyên công nghiệp.
Ảnh 3: Sài Gòn hiện đại 1972. Ảnh: Mel Schnenck
Khi những kĩ sư kiến trúc phát triển kết cấu giàn không gian vào giữa thế kỉ 19, sử dụng những vật liệu mới từ thép và bê tông cốt thép, các kiến trúc sư ban đầu từ chối ứng dụng chúng. Phải mãi đến đầu thế kỉ 20, các kiến trúc sư mới bắt đầu nhìn thấy sự uyển chuyển trong kết cấu giàn không gian của cột, xà và nền bê tông được dùng cho các hình thái kiến trúc. Những bức tường không còn phải chống đỡ lực ép lớn, bởi vậy chúng hầu như chỉ có một mục đích là để che chắn, và nó có thể đặt ở bất cứ đâu kết nối với khung của công trình. Thực tế, các bức tường ngoại thất vốn được sử dụng như những tấm rèm, “đính” vào khung công trình mà thôi.
Các hình thái xây dựng mới mang đậm tính chất của chủ nghĩa hiện đại bởi chúng không còn dựa trên phong cách và nguyên tắc của chủ nghĩa lịch sử trong quá khứ để định hướng quy hoạch và thiết kế cho các công trình và nhà ở. Thay vì nhìn về quá khứ, họ sáng tạo ra một loại hình kiến trúc mới phù hợp với kỉ nguyên công nghiệp. Thay vì chấp nhận những tư duy khuôn mẫu định trước về hình thái và trang trí một công trình, những người theo chủ nghĩa hiện đại tiếp cận việc thiết kế như một chuỗi các vấn đề thực tiễn cần phải được giải quyết một cách hợp lý, và quan trọng nhất với họ, là chức năng của tòa nhà và cách mọi người sẽ sử dụng chúng. Bởi vì cửa ngõ ra vào của công trình cho phép kích thước có thể mở rất rộng, nên hầu như không còn mấy diện tích bề mặt để trang trí, và thậm chí các vật liệu để xây cửa ngõ giờ đây cũng khiến người ta không còn nhu cầu để tô điểm nữa. Kiến trúc theo chủ nghĩa hiện đại bởi vậy đại diện cho cuộc đoạn tình với quá khứ.
Những cuộc cách mạng công nghiệp lan tỏa nhanh chóng toàn cầu tới khắp các nền văn minh, bởi vậy, kết quả là kiến trúc hiện đại cũng bắt đầu được quan tâm trên toàn thế giới. Người ta sáng tạo ra hàng loạt các phong cách theo chủ nghĩa hiện đại khác nhau để phù hợp với điều kiện của từng quốc gia. Các kiến trúc sư theo chủ nghĩa hiện đại không chỉ nổi lên ở châu Âu và Mỹ mà còn ở khắp mọi nơi.
Việc trở thành thuộc địa của Pháp vào giữa thế kỉ 19 đã cản trở sự phát triển tự nhiên của kiến trúc Việt Nam. Thực dân Pháp đã phá hủy phần lớn các kiến trúc truyền thống nội đô của Việt Nam để xây dựng kiến trúc cổ điển châu Âu của họ với mục tiêu phô trương sự thượng đẳng của nền văn minh Pháp và nô dịch người Việt phục vụ nền kinh tế vơ vét tài nguyên của đế quốc. Cho đến tận thập kỉ thứ ba của thế kỉ 20, các kiến trúc sư người Pháp vẫn tiếp tục khước từ chủ nghĩa hiện đại.
Một nghệ sĩ người Pháp và một nghệ sĩ Việt Nam đã cùng nhau thuyết phục Chính phủ Pháp thuộc địa thành lập cao đẳng mỹ thuật ở Hà Nội, và cuối cùng nó cũng ra đời vào năm 1925. Khoa kiến trúc ra đời trong trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội vào năm 1926. Những sinh viên học ở đây đến từ cả miền Bắc và miền Nam, và họ đều học về chủ nghĩa hiện đại bên cạnh kiến trúc truyền thống Việt Nam, phong cách Indochine và cả phong cách Tân cổ điển và Phục Hưng. Nguyễn Cao Luyện từ Hà Nội là một trong số những người thuộc khóa tốt nghiệp đầu tiên vào năm 1933 và có giấy phép thành lập văn phòng kiến trúc của người Việt năm 1939. Huỳnh Tấn Pháp từ Bến Tre, ở Đồng bằng sông Cửu Long, tốt nghiệp năm 1938 và mở văn phòng kiến trúc Việt Nam đầu tiên ở Sài Gòn vào năm 1941. Những kiến trúc sư người Việt đã phớt lờ các tư tưởng thuộc địa và trở thành những nhà kiến trúc hiện đại cũng như lãnh tụ cách mạng.
Kiến trúc hiện đại của Việt Nam
Ảnh hưởng của sự phát triển chủ nghĩa hiện đại ở Việt Nam đến từ xa bên ngoài. Khác với Campuchia, Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác, không có một kiến trúc sư nước ngoài nào thiết kế công trình ở Việt Nam vào giữa thế kỉ 20. Trong khi Frank Lloyd Wright đã thiết kế hai công trình ở Nhật Bản và Le Corbusier còn thiết kế một bảo tàng lớn ở đây. (Frank Lloyd Wright và Le Corbusier là hai kiến trúc sư tiên phong trong kiến trúc hiện đại trên thế giới) Bởi vậy, các kiến trúc sư người Việt đã tự mình phát triển chủ nghĩa hiện đại Việt Nam.
Ảnh 4: Dinh Độc lập. Ảnh: Alexandre Garel, 2020.
Ở Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, các sinh viên kiến trúc nghiên cứu kiến trúc truyền thống Việt Nam rất cặn kẽ. Họ hiểu rõ căn tính Việt Nam được thể hiện qua kiến trúc truyền thống như thế nào, đặc biệt là trong kiến trúc đình làng – nơi vừa thực hiện các hoạt động hành chính của làng, vừa để người dân thờ thành hoàng làng và vừa tổ chức các hoạt động văn hóa. Các sinh viên kiến trúc từ đó nhận ra rằng mình cần phải phát triển một kiến trúc mới phản ánh căn tính Việt Nam tương tự như vậy.
Thư viện quốc gia (Ảnh 1), xây dựng ở Sài Gòn vào năm 1971, giờ được biết đến là Thư viện Khoa học tổng hợp trên đường Lý Tự Trọng ở quận 1 là một ví dụ. Kiến trúc sư Bùi Quang Hạnh và Nguyễn Hữu Thiên đã thiết kế công trình này cùng với sự tư vấn của Lê Văn Lắm. Tất cả các công trình lớn được xây dựng ở Sài Gòn sau năm 1945 đều mang phong cách của chủ nghĩa hiện đại và đều bởi các kiến trúc sư Việt Nam, ngoại trừ khu chung cư phong cách art deco do các kiến trúc sư người Pháp thiết kế tới tận năm 1954.
Thiết kế thư viện này cho thấy các kiến trúc sư Việt Nam đã ứng dụng các bài học về căn tính Việt Nam mà họ chứng kiến trong các cấu trúc truyền thống. Họ không sao chép các thiết kế truyền thống, mà khéo léo kết hợp những gì họ đã học được vào kiến trúc hiện đại của họ. Họ cũng cho thấy kiến trúc hiện đại dễ dàng thích ứng với khí hậu nhiệt đới như thế nào.
Chẳng hạn, các cấu trúc truyền thống thường có mái cao để cho phép thông gió khi nhiệt độ trong mái tăng lên. Ở thư viện này, điều đó thể hiện ở các mái treo để tạo ra các lớp không khí lưu thông để cách nhiệt giữa tấm mái dày và trần của các phòng nội thất phía dưới. Cấu trúc xà và cột tinh tế và giản dị gợi nhắc cấu trúc tương tự của đình, được tôn lên bởi phức hợp brise-soleil, hay còn gọi là những tấm chắn nắng, sử dụng các họa tiết Việt Nam truyền thống trong trường hợp này. Tông màu của tòa nhà là màu của đất, từng rất phổ biến với những nguyên liệu tự nhiên dùng trong kiến trúc truyền thống.
Và cũng giống như hiên nhà trong các công trình truyền thống, đặc biệt là các nhà cổ, hành lang dưới tầng trệt của thư viện bảo vệ khu vực bên trong tòa nhà khỏi ánh nắng chói chang và những trận mưa rào, đồng thời tạo ra bóng mát để mọi người có thể trao đổi, trò chuyện dưới chân của tòa nhà.
Và cuối cùng, thiết kế này tập trung vào việc tôn vinh người Việt và các hiện tượng, sự kiện tự nhiên với những họa tiết ánh sáng nhảy múa trong các phòng đọc được tạo ra bởi các tấm brise-soleil và hào nước bao quanh công trình làm dịu đi những cơn gió nóng trước khi chúng thổi vào các phòng đọc sách bên trong.
Tòa nhà này chỉ là một trong rất nhiều ví dụ bộc lộ căn tính Việt Nam mà các sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, về sau trở thành kiến trúc sư, đã vận dụng hoàn hảo trong kiến trúc hiện đại của Việt Nam. Và các nguyên tắc thiết kế theo chủ nghĩa hiện đại mà họ sáng tạo ra vẫn tiếp tục đặt dấu ấn lên căn tính Việt Nam hiện đại ngày nay.
Chỉ có 147 người đăng ký chứng chỉ kiến trúc sư dưới chính quyền miền Nam tính đến năm 1975, và họ đều bị cuốn vào việc thiết kế các công trình lớn cũng như dinh thự của các gia đình giàu có. Nhưng sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu và nền kinh tế trong suốt những năm tháng chiến tranh đã tạo ra một nhu cầu lớn trong việc thiết kế nhà ở, đặc biệt là các shophouse (cửa hàng) ở thành thị và cả các ngôi nhà ở thôn quê như ví dụ sau đây.
Người dân đa số cần phải tự thiết kế nhà của mình. Ta có thể thấy kí ức của họ về kiến trúc truyền thống Việt Nam phản chiếu trong kiến trúc hiện đại Việt Nam ở những kiến trúc sư này và họ có thể lựa chọn căn tính Việt Nam theo khía cạnh mà họ muốn bộc lộ trong ngôi nhà của họ và cả trong căn tính của chính họ. Họ bởi vậy, mượn các ngôn ngữ kiến trúc từ các kiến trúc sư và áp dụng các ý tưởng đó trong nhà mình. Và những thiết kế này, theo ý kiến của tôi, hầu hết đều có chất lượng cao và khớp với chủ nghĩa hiện đại của Việt Nam. Căn nhà thôn quê ở Đồng bằng Sông Cửu Long (Ảnh 2) hoàn toàn không phải là của một kiến trúc sư thiết kế. Nhưng nó thể hiện những quyết định thiết kế tốt của người chủ dựa trên ngôn ngữ của chủ nghĩa hiện đại.
Ảnh 3 do tôi chụp vào năm 1972, nhìn ra nơi giờ là đường Lê Thị Riêng ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Lúc này tôi mới tốt nghiệp trường kiến trúc ở Mỹ trước đó một năm và tôi thực sự kinh ngạc trước trình độ kiến trúc hiện đại ở Sài Gòn và ở các vùng quê. Có rất nhiều kiệt tác nghệ thuật theo chủ nghĩa hiện đại ở Mỹ, nhưng kiến trúc hiện đại không hề chiếm ưu thế ở Mỹ và ở châu Âu, kể cả bây giờ. Nhưng ở đây, dọc các con đường, tất cả các khu nhà tập thể đều mang hơi hướm chủ nghĩa hiện đại Việt Nam. Ở con đường chạy song song với Lê Thị Riêng, giờ đây là đường Nguyễn Trãi, 100% các shophouse đều thiết kế theo chủ nghĩa hiện đại. Tôi cảm thấy mình đang sống trong thiên đường kiến trúc. Kiến trúc phương Nam của Việt Nam thời bấy giờ tràn ngập chủ nghĩa hiện đại.
Hẳn là bản thân người Việt cũng chấp nhận và đón nhận chủ nghĩa hiện đại, chứ không như phần lớn các nơi khác trên thế giới.
Sự khởi công của Dinh Độc Lập (Ảnh 4) ở Sài Gòn năm 1966 càng khẳng định rằng người Việt Nam chào đón chủ nghĩa hiện đại. Vốn là dinh của Toàn quyền Pháp chiếm đoạt vào năm 1873 và được đổi tên thành Dinh Norodom vào những năm 1920. Sau khi giải phóng khỏi chế độ thuộc địa vào năm 1954, Tổng thống của Việt Nam Cộng hòa sống trong dinh này và đặt tên nó thành Dinh Độc Lập. Tuy nhiên, trong một cuộc ám sát tổng thống bất thành vào năm 1962, dinh đã bị đánh bom và phía cánh Tây Bắc của công trình hoàn toàn bị phá hủy. Phần còn lại của tòa nhà bị hạ giải sau đó và một cuộc thi thiết kế được tổ chức để thay thế nơi chốn cũ. Công trình mới sẽ sử dụng lại nền móng của Dinh Toàn quyền và bởi vậy nó phải giữ nguyên hình dạng và kích thước. Có bảy đồ án được mời tham dự, năm trong số đó bao gồm việc xây dựng lại dinh theo phong cách cũ kiểu tân Baroque thuộc địa Pháp cũ, hoặc theo trường phái tân cổ điển, hoặc theo phong cách Indochine, hoặc pha trộn kiểu Baeux-Art cổ điển Pháp với trang trí kiểu Châu Á. Một phương án khác theo kiến trúc truyền thống Việt Nam. Và phương án cuối cùng theo chủ nghĩa hiện đại của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, được lựa chọn.
Điều gì họ muốn đối thoại với thế giới nếu những người Việt Nam sau ngày độc lập quyết định xây dựng lại dinh theo phong cách kiến trúc của thực dân xâm lược trước đây? Họ đã có một quyết định xác đáng là tạo ra một tuyệt tác theo chủ nghĩa hiện đại, thực sự thể hiện được những giá trị và độc đáo của người Việt trong kỉ nguyên công nghệ. Công trình nắm bắt sự phức tạp nhưng cũng thể hiện sự khiêm nhường của đời sống và tinh thần người Việt Nam, sử dụng những hình thái kiến trúc truyền thống theo cách hiện đại, và ứng dụng những kinh nghiệm của người Việt Nam trong việc đối phó với khí hậu nhiệt đới. Công trình này vừa đại diện cho kiến trúc hiện đại Việt Nam giữa thế kỉ 20 trong việc nâng cao căn tính Việt Nam trên trường quốc tế.
Bởi vậy kiến trúc hiện đại của Việt Nam không phải là thứ chủ nghĩa hiện đại nhạt nhẽo, vô hồn như các tòa cao tầng theo phong cách quốc tế (hình hộp, khung thép, tường kính) mà người ta vẫn thấy khắp nơi, kể cả trong khu trung tâm của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Năng lượng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đã tạo ra một lối sống và căn tính rõ nét, và điều đó chính là đặc điểm cốt lõi của kiến trúc hiện đại của Việt Nam. Kiến trúc hiện đại của Việt Nam giữa thế kỉ 20 là kiểu kiến trúc đầy sức sống, thân thiện với con người cùng sự rành mạch cao độ về hình thái và kết cấu công trình. Kiến trúc Việt Nam khiêm tốn, nhưng tinh tế. Tuy nhiên, bản chất khiêm nhường của kiến trúc Việt Nam đồng hành cùng với sự sôi động của đời sống đất nước. Những kiến trúc sư của Việt Nam đã thành công trong việc nắm bắt sự phức tạp trong thiết kế các công trình theo chủ nghĩa hiện đại, thể hiện sự sôi động và mãnh liệt trong căn tính người Việt. Những giá trị của kiến trúc hiện đại Việt Nam vẫn tiếp biến đến tận ngày nay chừng nào người Việt còn bảo vệ và giữ gìn những công trình này và căn tính mà nó thể hiện.
Kiến trúc hiện đại vào giữa thế kỉ 20 của Việt Nam được hình thành trên những giá trị văn hóa và lịch sử của Việt Nam ý nghĩa cả ở thời điểm đó lẫn bây giờ. Nó cũng thích nghi tốt với khí hậu nhiệt đới và bền vững hơn rất nhiều những tòa tháp theo phong cách quốc tế nhan nhản khắp thế giới ngày nay. Nhưng giờ đây, quá nhiều công trình kiến trúc giữa thế kỉ 20 đang bị phá hoại ngày càng nhanh. Căn tính của Việt Nam vì thế cũng bị cuốn trôi theo sự mất mát này. Người Việt nên tự hào về những thành tựu họ đạt được trong việc phát triển một phong cách kiết trúc phản ánh rõ ràng căn tính của mình. Hãy dành chút thời gian nghiên cứu về kiến trúc này và chú ý tới những đóng góp của nó trong thành phố mà các bạn sống. Và cố gắng làm sao để thuyết phục những người xung quanh và các lãnh đạo về giá trị của kiến trúc này, để nó được bảo tồn, cũng như căn tính Việt Nam mà nó đại diện.
Những giá trị của kiến trúc hiện đại Việt Nam giữa thế kỉ 20 cũng thể hiện căn tính Việt Nam rõ rệt như kiến trúc truyền thống trong quá khứ, và nó vẫn tiếp tục thể hiện những mơ ước của Việt Nam và vị thế của nó trên trường quốc tế ở thời điểm hiện tại, trong kỉ nguyên thông tin. □
Hảo Linh dịch
——
Mel Schenck là kiến trúc sư người Mỹ nhập cư vào Việt Nam. Ông bắt đầu nghiên cứu về kiến trúc Việt Nam kể từ khi mới bắt đầu sống và làm việc tại đây từ năm 1971-1972. Nghiên cứu của ông được xuất bản thành sách (bằng Tiếng Anh): “Southern Vietnamese Modernist Architecture” bởi NXB Thế giới năm 2020 và minh họa bằng các bức ảnh kiến trúc của nhiếp ảnh gia Alexandre Garel. Bản Tiếng Việt của cuốn sách “Kiến trúc hiện đại Miền Nam Việt Nam – Dấu ấn bản địa giữa thế kỷ XX” được xuất bản năm 2021.
Nguồn Tia Sáng