Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ sửa Hiến pháp, cho ý kiến 13 dự án luật phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Trong đó có Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn và Luật Thanh niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Phá sản và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự cũng được cho ý kiến.
![]() |
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ sửa Hiến pháp, cho ý kiến 13 dự án luật phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Ảnh minh họa. Nguồn QH |
Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 dự thảo quan trọng khác, gồm Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Các Nghị quyết của Quốc hội được xem xét thông qua gồm Nghị quyết về Trung tâm tài chính tại Việt Nam; kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công; về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy Kỳ họp Quốc hội; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT; về giảm thuế giá trị gia tăng cho 06 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026.
Nội dung bổ sung trình Quốc hội xem xét, quyết định có việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; Thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia về danh sách Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; chủ trương hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam từ nguồn ngân sách Nhà nước; bố trí nguồn thanh toán các khoản nợ thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) và một số nội dung về tài chính, ngân sách nhà nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, khối lượng công việc lập pháp tại kỳ họp 9 là rất lớn, đòi hỏi yêu cầu cao và trách nhiệm lớn với cơ quan Quốc hội và Chính phủ. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là sửa Hiến Pháp, sửa luật về sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính; bỏ cấp huyện và sáp nhập tỉnh.
Hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn chỉnh tài liệu các nội dung Kỳ họp để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật. Đồng thời, giao Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chuẩn bị đầy đủ, chu đáo các điều kiện bảo đảm, trong đó chú trọng công tác thông tin, truyền thông, các điều kiện về cơ sở vật chất, an ninh, an toàn… để phục vụ tốt cho Kỳ họp.
Để Kỳ họp thứ 9 đạt kết quả tốt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chính thức đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội dành thời gian nghiên cứu, góp ý kiến về các nội dung Kỳ họp. Các Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri và gửi báo cáo tổng hợp về Ủy ban Thường vụ Quốc hội…