LTS. Kĩ năng Đọc hiểu văn bản trong bài thi môn Văn; Kĩ năng viết bài nghị luận Xã hội; và Kĩ năng viết bài nghị luận văn học. Đó là 3 phần chính trong cấu trúc đề thi môn Văn Phổ thông trung học. Nhân thời điểm kỳ thi sắp bắt đầu, Văn nghệ xin lần lượt giới thiệu các bài viết của Nhà văn, Dịch giả Trần Hinh, trong tư cách là một nhà giáo, Tiến sĩ Văn học, giảng viên khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) về các vấn đề này. Dưới đây là bài đầu tiên.
Trong cấu trúc đề thi môn Ngữ văn, tốt nghiệp Phổ thông trung học (PTTH), theo quy định, câu hỏi gồm 2 phần. Phần I, Đọc hiểu văn bản (3 điểm). Phần II, Làm văn, gồm 2 câu: viết bài nghị luận xã hội (2 điểm), và viết bài bài nghị luận văn học (5 điểm). Bài viết này chỉ xin phép được tập trung phân tích kĩ năng làm bài thi Đọc hiểu văn bản (ĐHVB).
1. Thế nào là “văn bản” và “Đọc hiểu văn bản”?
Để trả lời tốt nhất dạng câu hỏi ĐHVB, điều trước tiên cần phải hiểu khái niệm văn bản là gì? Có thể trả lời một cách ngắn gọn như sau: văn bản là chuỗi lời nói miệng hay bài viết có chủ đề thống nhất, có liên kết, mạch lạc, vận dụng phương thức biểu đạt phù hợp để thực hiện mục đích giao tiếp. Về dung lượng, văn bản có thể ngắn hoặc dài, tùy thuộc vào nội dung, ý nghĩa và mục đích của người nói hoặc người viết. Có thể có một văn bản trọn vẹn, đầy đủ là cả một hay nhiều cuốn sách; nhưng cũng có thể có văn bản ngắn chỉ trong một câu văn (Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa – tục ngữ). Vấn đề ngắn hay dài, không phải là tiêu chí định dạng môt văn bản, mà chỉ do yêu cầu của sự lựa chọn. Điều quan trọng nhất, nếu là một văn bản, thì nhất thiết văn bản ấy phải nói được một nội dung trọn vẹn, phải có sự thống nhất về mặt chủ đề, phong cách, có sự liên kết thống nhất trong tổng thể, và được vận dụng bằng một (hoặc một số) phương thức biểu đạt phù hợp.
Tất nhiên, do khuôn khổ của một đề thi, dung lượng của một văn bản được trích dẫn không thể quá dài, cũng không quá ngắn. Vấn đề quan trọng là dù ngắn, một văn bản được lựa chọn thường phải đáp ứng được các tiêu chí như đã đặt ra ở trên: phải trọn vẹn ý, một cách lý tưởng phải bao gồm cấu trúc 3 phần (mở đầu, thân đoạn và kết luận), phải thống nhất về mặt phong cách, dung lượng có thể khoảng từ 200 đến 250 chữ, kể cả thơ và văn xuôi. Hiểu văn bản như vậy thì ĐHVB, nghĩa là “giải mã” sao cho người đọc nắm được các yếu tố thuộc chủ đề, nội dung, ý đồ, các biện pháp nghệ thuật mà người viết sử dụng để tạo lập ra văn bản đó.
2. Nhận diện những yếu tố quan trọng của một văn bản đọc hiểu
Thông thường, để nhận diện tốt nhất một văn bản trong thời gian ngắn nhất, nên dựa vào một số tiêu chí cơ bản như nhan đề, các từ khóa, câu chủ đề, kết luận của đoạn văn bản đó.
Nhan đề, là yếu tố đầu tiên dễ nhận biết nhất của một đoạn văn bản. Với một văn bản nghệ thuật (tiểu thuyết, truyện ngắn, kí sự, thơ ca), hay văn bản khoa học, báo chỉ, chính luận, hành chính…, bao giờ nhan đề cũng hé mở cho ta biết ít nhiều về nội dung, chủ đề của văn bản đó. Ví dụ, nội dung, chủ đề bài thơ Mẹ và quả của Nguyễn Khoa Điềm, lẽ đương nhiên không ra ngoài phạm vi mối quan hệ của hai hình tượng “mẹ” và “quả”. Tác giả muốn qua mối quan hệ này để làm nổi bật một quan hệ khác quan trọng hơn, đó là sự gắn bó không thể tách rời giữa con và mẹ. Nếu đọc thêm phần thân đoạn, ta sẽ hiểu đầy đủ hơn nội dung còn quan trọng hơn nữa của bài thơ này. Đó là nỗi băn khoăn, trăn trở của người con về công lao sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục của mẹ, qua đó muốn bày tỏ lòng biết ơn với mẹ của mình. Về nghệ thuật, nét nổi bật nhất là sự lựa chọn trục so sánh giữa Mẹ và Quả - Mẹ và Con, để nhằm khẳng định tính nhân văn, ưu việt của thế giới con người trong tương quan với thế giới tự nhiên, sinh học. Nhan đề bài thơ Tiếng Việt đã cho ta thấy lòng yêu tiếng Việt nồng nàn của người làm thơ (Lưu Quang Vũ). Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, bản thân nhan đề đã nhằm khẳng định sự ra đời của nước Việt Nam mới. Đây thôn Vĩ Dạ lẽ đương nhiên là vẻ đẹp quyến rũ của thôn Vĩ Dạ, xứ Huế; Tràng Giang ca ngợi vẻ đẹp kì vĩ của dòng sông đất nước, quê hương. Vội vàng là cuống quýt, gấp gáp, nhanh nhẩu sống và yêu; là quan điểm nhân sinh và thẩm mỹ mới mẻ chưa từng có của nhà thơ Xuân Diệu…
Tuy nhiên, cũng có những nhan đề, nội dung chính của văn bản có thể ẩn phía sau câu chữ, ví dụ như Rừng xà nu, là viết về thế hệ những người cách mạng của làng Xô Man, Tây Nguyên; Chiếc thuyền ngoài xa, nhưng ngay cạnh đó lại là Chiếc thuyền ở gần, tức là vấn đề nhận thức của tác giả khi tiếp cận với hai tình huống đặc biệt đó. Trong trường hợp này, để hiểu chính xác, đầy đủ hơn một văn bản, ngoài nhan đề, người đọc cần phải vận dụng một số tiêu chí khác nữa, như từ khóa, câu mở đầu, kết thúc và đặc biệt là phần thân đoạn của văn bản. Nhưng trước hết và trên tất cả, người đọc phải có được sự nhanh nhẹn, quyết đoán, phải hiểu được những quy tắc cấu tạo của một văn bản nói chung, văn bản văn chương nói riêng. Đó chính là một phần quan trọng đánh giá năng lực ĐHVB của người viết.
Cụ thể, về từ khóa, thông thường trong một văn bản dù dài ngắn thế nào, cũng có thể chứa đựng một (hoặc một số) từ khóa. Có thể hiểu từ khóa là từ trọng tâm, chứa đựng nội dung chính, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong đoạn văn bản. Hiện nay trong các văn bản được in trên báo điện tử, chúng ta thường bắt gặp, tác giả (hoặc người biên tập) thống kê các từ khóa tiêu biểu ở phía cuối, giúp người đọc lĩnh hội bao quát nội dung bài viết. Nắm được từ khóa, người đọc sẽ dễ dàng hiểu được nội dung cơ bản của đoạn văn/thơ mà tác giả muốn đề cập. Nhận diện từ khóa trong một văn bản văn xuôi thường dễ hơn văn bản thơ. Ví dụ: một văn bản rất ngắn như câu tục ngữ: “Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”, đoạn văn bản chỉ gồm 6 từ, nhưng có tới 3 từ khóa gồm chớp đông, gà gáy, mưa. Từ khóa của đoạn văn bản Thú vui của việc đọc sách, chính là thú vui, đi bộ, đọc sách. Xác định đầy đủ, chính xác từ khóa trong một văn bản bao giờ cũng giúp ta lĩnh hội dễ dàng và nhanh chóng đầy đủ nội dung và nghệ thuật của đoạn văn bản đó.
Bên cạnh nhan đề, từ khóa, để nhận diện dễ dàng một văn bản, chúng ta còn có thể dựa vào hệ thống các câu chủ đề. Thông thường câu chủ đề xuất hiện nhiều hơn trong các văn bản văn xuôi (khoa học, nghệ thuật, báo chí, hành chính). Chẳng hạn trong đoạn văn bản Tự học – một nhu cầu của thời đại của Nguyễn Hiến Lê, câu chủ đề đã xuất hiện ngay từ đầu đoạn văn: “Cái thú tự học cũng giống cái thú đi chơi bộ ấy”. Tuy nhiên, trong văn bản thơ, việc xác định câu chủ đề, có thể khó khăn hơn, bởi trong thơ, đây không phải là yếu tố quan trọng. Có thể trong một số văn bản thơ, xuất hiện những câu mang dáng dấp chủ đề, như: “Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi” trong bài Ta đi tới của Tố Hữu. Nhưng với bài Việt Bắc (cũng của Tố Hữu), việc xác định câu chủ đề trong đó lại rất khó. Tóm lại, để nhận diện bao quát một đoạn văn bản trước khi đi vào ĐHVB, chúng ta rất cần vận dụng một số tiêu chí cơ bản như nhan đề, từ khóa, câu chủ đề, và cả câu kết luận, như đã nói ở trên.
3. Các công cụ cơ bản cần biết để trả lời câu hỏi Đọc hiểu văn bản
Cuối cùng để trả lời các câu hỏi nội dung đề thi đọc hiểu văn bản, học sinh cần phải nắm được những kiến thức gì? Công cụ nào cần được trang bị để đi vào khám phá, giải mã tốt nhất câu hỏi ĐHVB? Xin được giải đáp một cách ngắn gọn như sau:
Trước tiên, để hiểu văn bản được tạo lập như thế nào, học sinh phải nắm được các phương thức biểu đạt của đoạn văn bản đó. Nên nhớ, phương thức biểu đạt khác với phương thức biểu hiện. Thông thường khi nói tới phương thức biểu hiện của một tác phẩm (nghệ thuật), ta hay nhắc tới các phương thức tự sự, trữ tình hay phương thức kịch. Trong khi yêu cầu với một đề thi ĐHVB, phương thức biểu đạt mới là câu hỏi chính. Có 6 phương thức biểu trong tạo lập và hình thành văn bản. Đó là phương thức tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận và hành chính công vụ. Để tra lời chính xác câu hỏi này, học sinh có thể dựa vào tính đặc thù riêng của từng loại văn bản. Chẳng hạn với loại văn bản văn xuôi có yếu tố sự kiện, câu chuyện, thì thường là tự sự; với văn bản thơ, là biểu cảm; miêu tả thường được dùng trong cả hai loại văn bản văn xuôi và thơ. Với các đoạn văn có yếu tố lập luận, dẫn giải qua chứng cứ, thì là nghị luận. Các loại văn bản liên quan đến giấy tờ công vụ là phương thức biểu đạt hành chính…
Thứ hai, để phân biệt văn bản theo chức năng ngôn ngữ, có thể thống kê được 6 loại phong cách ngôn ngữ như sau: phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ hành chính, phong cách ngôn ngữ báo chí, phong cách ngôn ngữ chính luận và phong cách ngon ngữ khoa học. Nhận diện các loại phong cách ngôn ngữ này, học sinh cần hết sức tinh ý. Chẳng hạn, một đoạn văn bản viết về Thơ mới Việt Nam của nhà phê bình Hoài Thanh (trong Ngữ văn lớp 11), là khoa học, chứ không phải nghệ thuật. Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc phong cách chính luận, trong ít đó chứa đựng ít nhiều mang phong cách nghệ thuật. Một truyện ngắn in trên báo chí, thì đích thị mang phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, chứ không phải báo chí. Một vài đoạn ngắn trong Vợ nhặt của Kim Lân, hay Chí Phèo của Nam Cao, cũng có đôi chút phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, nhưng chủ chủ yếu vẫn là nghệ thuật. Phong cách của một văn bản thường có sự trùng hợp với giọng điệu, nên để trả lời chính xác loại câu hỏi này, học sinh phải nắm chắc kiến thức trên.
Một phần quan trọng khác của việc ĐHVB, với các loại văn bản văn chương, đặc biệt thơ ca, là phải nắm được các biện pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng trong các đoạn văn bản này. Các biện pháp nghệ thuật đó thường rất đa dạng. Chẳng hạn với văn xuôi, phải nắm được các yếu tố cấu trúc, bố cục, hệ thống nhân vật, vấn đề không và thời gian, ngôn ngữ và giọng điệu tác phẩm. Với thơ, đó lầ các vấn đề: thể thơ, hình ảnh, ngôn ngữ, vần điệu, cấu tứ; kịch thì quan trọng nhất vẫn là xung đột, kịch tính, đối thoại và hệ thống nhân vật. Cần nắm và phân biệt được các cấp độ trong biện pháp tu từ. Trước tiên, cần phân biệt được 3 loại cấp độ tu từ: ngữ âm, từ ngữ và và cú pháp. Chi tiết hơn, phải nhớ và hiểu được các hình thức tu từ sau đây: ẩn dụ, so sánh, hoán dụ, nhân hóa, nói quá, nói giảm nói tránh, liệt kê, chơi chữ, phép đối và các loại câu hỏi tu từ. Trong khi, với các loại văn bản nghị luận, học sinh lại phải được trang bị các khái niệm thế nào là thao tác lập luận, có những loại thao tác lập luận nào, và làm thế nào để phân biệt và chỉ ra các thao tác đó. Thao tác nghị luận là gì? Có thể trả lời ngắn gọn: đó là những động tác được thực hiện theo trình tự và yêu cầu kĩ thuật, được quy nạp trong hoạt động nghị luận. Phân tích, tổng hợp, diễn dich, quy nạp và so sánh là những thao tác thường gặp trong hoạt động nghị luận. Một cách đầy đủ nhất, có 6 thao tác lập luận cơ bản gồm: thao tác lập luận giải thích, thao tác lập luận chứng minh, thao tác lập luận phân tích, thao tác lập luận so sánh, thao tác lập luận bác bỏ, và thao tác lập luận bình luận. Nhìn từ góc độ tổng quát hơn, ta có thể rút ra được 4 loại phương pháp lập luận cơ bản, đó là phân tích, tổng hợp, quy nạp và diễn dịch…
Để rèn luyện kĩ năng tốt nhất làm một bài thi ĐHVB, còn cần những phân tích, lý giải, dẫn chứng đầy đủ và chi tiết hơn. Tuy nhiên, trong phạm vi một bài viết ngắn gọn này, có thể tạm coi những công cụ trên là cơ bản. Chỉ cần hiểu rõ và có khả năng vận dụng, các em hoàn toàn có thể đạt được kết quả kì thi tốt nghiệp trung học tới đây, với riêng môn Ngữ văn.
Nguồn Văn nghệ số 23/2020