Văn hóa nghệ thuật

Kỹ thuật làm phim hoạt hình stop-motion

Hà Thy Linh
Điện ảnh
19:30 | 13/07/2024
Các nhà sản xuất phim Việt Nam có thể ứng dụng kỹ thuật stop-motion để tạo nên những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của khán giả.
aa

1. Stop-motion là gì?

Stop-motion là thuật ngữ dùng để chỉ những đoạn phim được tạo nên bởi hàng loạt hình ảnh chụp tĩnh. Nó xuất hiện ngay từ thuở sơ khai của điện ảnh và vẫn luôn là một trong những kỹ thuật làm phim có sức mê hoặc lớn đối với các nhà sản xuất bởi tính độc đáo và những hiệu ứng đặc biệt mà nó tạo ra. Nguyên tắc cơ bản của kỹ thuật làm phim này là chụp liên tiếp những bức ảnh ở trạng thái tĩnh, sau đó tiến hành xử lý trên bàn dựng chuyên dụng để tạo thành đoạn phim ở trạng thái động. Sau khi chụp từng bức ảnh riêng lẻ, các chuyên gia hoạt ảnh sẽ thao tác và cắt ghép tỉ mỉ. Hàng nghìn bức ảnh được chỉnh sửa và sắp đặt theo trình tự định sẵn sẽ tạo thành các nhân vật và khung cảnh sống động.

Hoạt hình stop-motion (hay frame-by-frame) có thể là hoạt hình 2D hoặc 3D tùy thuộc vào từng mục đích cụ thể. Khi sử dụng ảnh chụp vật thật, dàn dựng dưới ánh sáng phỏng theo tự nhiên, kỹ thuật stop-motion có thể tạo được hiệu ứng nổi 3D mà không cần đến sự can thiệp của các chương trình đồ họa khác. Stop-motion là kỹ thuật giúp cho các đối tượng tĩnh có thể chuyển động khi quay. Những đối tượng này dịch chuyển một khoảng cách rất nhỏ giữa các frame liên tiếp, tạo ra hiệu ứng chuyển động khi phim được phát lại, cũng giống như phim hoạt hình được tạo ra bằng cách vẽ tay tất cả các hình ảnh mô tả chuyển động.

Kỹ thuật làm phim hoạt hình stop-motion
Các hình ảnh chụp rời được ghép lại để tạo nên chuyển động - Ảnh: "Cracking Animation: The Aardman Book of 3D Animation"

Kỹ thuật stop-motion yêu cầu phải di chuyển nhân vật bằng tay và chụp lại từng sự thay đổi nhỏ nhất của chúng. Do vậy, tạo hình nhân vật rất quan trọng, nên việc thiết kế và tạo ra những con rối, mô hình nhân vật cần phải hết sức cầu kỳ và tỉ mỉ. Bên cạnh đó, cần rất nhiều thời gian cũng như công sức để thực hiện chụp từng cảnh phim một và ghép chúng lại. Đối với phim stop-motion, ánh sáng góp phần tạo hiệu ứng nổi 3D, tạo khối và tạo bóng. Để có sự đồng nhất trong các hoạt ảnh, đòi hỏi luồng sáng phải cực kỳ ổn định, đồng thời kỹ thuật phối đèn và góc máy quay cũng là nhân tố quyết định giúp phim stop-motion đẹp và ấn tượng hơn.

Claymation là một dạng của phim hoạt hình stop-motion. Dạng này yêu cầu rất nhiều bức ảnh chụp mô tả những chuyển động rất nhỏ trong một cảnh. Claymation thường bao gồm các mô hình 3D được chạm khắc rồi đặt trong một cảnh 3D. Series phim Wallace and Gromit ra đời từ năm 1989 của đạo diễn Nick Park là ví dụ điển hình về loại phim hoạt hình stop-motion 3D kiểu này.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc sản xuất phim ngày càng trở nên dễ dàng và tinh xảo hơn. So với kỹ thuật làm phim hoạt hình 2D truyền thống hay bằng kỹ xảo vi tính, stop-motion ít được sử dụng hơn. Tuy nhiên, việc hàng loạt phim stop-motion giành được các giải thưởng lớn trong những năm gần đây cho thấy kỹ thuật stop-motion không hề lạc hậu và vẫn rất được ưa chuộng.

2. Lịch sử hình thành và phát triển

Kỹ thuật làm phim stop-motion có lịch sử phát triển lâu đời. Hoạt cảnh đầu tiên đánh dấu sự ra đời của kỹ thuật stop-motion là phim The Humpty Dumpty Circus (1898) của đạo diễn Albert E.Smith và J.Stuart Blackton. Các bộ phim sau đó như Fun in a Bakery Shop (1902), The Haunted Hotel (1907)... cũng rất thành công.

Phim hoạt hình stop-motion đầu tiên được làm bằng hình nộm đất sét là Modeling Extraordynary (1912). Tiếp đó, nữ họa sĩ Helena Smith Dayton cũng bắt đầu thử nghiệm làm phim stop-motion bằng đất sét và công chiếu bộ phim Romeo and Juliet của mình vào năm 1917.

Năm 1925, 49 loài động vật thời tiền sử đã được tái hiện sinh động trong phim The Lost World của Willis O’Brien chính là bước tiến lớn trong lịch sử phim hoạt hình stop-motion.

Song, phải đến tận năm 1950, hoạt hình stop-motion mới đến được với công chúng một cách rộng khắp với series truyền hình Gumby. Năm 1965, khi phim hoạt hình stop-motion dài đầu tiên mang tên Willy McBean and his Magic Machine được bộ đôi huyền thoại Arthur Rankin và Jules Bass sản xuất ở Mỹ, kỹ thuật làm phim stop-motion mới bắt đầu được nhìn nhận như một phương án thay thế tiềm năng cho hoạt hình thủ công truyền thống, chứ không phải một xu hướng phô trương nhất thời.

Kỹ thuật làm phim hoạt hình stop-motion
Một số phim hoạt hình stop-motion tiêu biểu - Ảnh: Internet

Sau này, khán giả được thưởng thức những bộ phim kinh điển sử dụng kỹ thuật stop-motion như Rudolph the Red-Nosed Reindeer (1964) và Santa Claus is Comin’ to Town (1970) của các đạo diễn Arthur Rankin Jr. và Jules Bass. Sự thống trị của series phim Rankin/Bass Christmas specials vào những năm 1960-1970 đã tạo đà cho sự phát triển lớn mạnh của stop-motion và cũng gia tăng việc sử dụng chuyển động tĩnh với hiệu ứng đặc biệt. Đi tiên phong là series phim khoa học viễn tưởng Star Wars nổi tiếng của đạo diễn George Lucas.

Năm 1975, phim Closed Mondays của đạo diễn Will Vinton và Bob Gardiner là phim hoạt hình stop-motion đầu tiên đoạt giải Oscar.

Năm 2000, studio Aardman Animations cho ra mắt Chicken Run, cũng là phim hoạt hình 3D đầu tiên trên thế giới.

Series phim Wallace and Gromit ra đời từ năm 1989 đã chinh phục hàng triệu khán giả bởi tạo hình ngộ nghĩnh và nội dung dí dóm, nhân văn. Đến năm 2006, tập phim Wallace and Gromit: The Curse of the Were-Rabbit (2005) đã giành được nhiều giải thưởng lớn, trong đó có giải Oscar cho Phim hoạt hình xuất sắc nhất.

Năm 2009, phim Coraline áp dụng những kỹ thuật tân tiến giúp cho nhân vật chính Coraline có thể biểu hiện được 200.000 trạng thái và cảm xúc khác nhau. Shaun the Sheep (2015) cũng áp dụng kỹ thuật này để có được những hình ảnh sống động, đẹp mắt, khiến những chú cừu trở thành nhân vật biểu tượng được đông đảo khán giả trên thế giới mến mộ.

Năm 2010, bộ phim Dot đã được ghi vào sách Kỷ lục Guinness với danh hiệu Phim nhỏ nhất thế giới. Bộ phim kể về cuộc phiêu lưu của một con búp bê tên là Dot chỉ cao 9mm, được quay bằng điện thoại Nokia N8 và một CellScope (kính hiển vi video gắn với điện thoại).

Năm 2016, hãng Laika Entertainment cho ra mắt bộ phim Kubo and the Two Strings, được sản xuất bằng kỹ thuật stop-motion 3D có sự hỗ trợ của CGI (Computer generated imagery - hình ảnh được tạo nên bằng vi tính). Dù được làm bằng kỹ thuật stop-motion nhưng những hành động võ thuật trong phim vẫn được thể hiện rất chuyên nghiệp và sống động.

Phim Isle of Dogs sản xuất năm 2018 đã mang về giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho Wes Anderson tại Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 68 và nằm trong 5 đề cử giải Oscar 2019 cho Phim hoạt hình xuất sắc nhất.

Phim Missing Link do Laika Entertainment sản xuất năm 2019 đã giành được Giải Quả cầu vàng 2020 cho Phim hoạt hình hay nhất.

Ngoài ra, chúng ta có thể kể đến những phim hoạt hình stop-motion nổi tiếng khác như: Mad Monster Party (1967), The Nightmare before Christmas (1993), James and the Giant Peach (1996), Corpse Bride (2005), The Fantastic Mr. Fox (2009), Timmy Time (2009), Paranorman (2012), Frankenweenie (2012), The Boxtrolls (2014), Anomalisa (2015)...

Ở Việt Nam, năm 2009, nhóm làm phim Keen Crew với những đoạn clip light motion (kết hợp giữa stop-motion và hiệu ứng light art) có thể xem là nhân tố đầu tiên mang stop-motion phổ biến rộng rãi trong nước. Phim hoạt hình stop-motion đầu tiên tại Việt Nam là series Xin chào Bút Chì được sản xuất bởi Hi Pencil Studio năm 2012. Series này đã đoạt giải UNTV trong cuộc thi Plural+ diễn ra tại Mỹ, được giới truyền thông đánh giá cao, đồng thời nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ: xếp thứ 3 trong mục khán giả yêu thích của Liên hoan phim Yxineff, nhận được nhiều sự theo dõi trên YouTube... Stop-motion đã từng trở thành trào lưu trong cộng đồng đam mê đồ họa. Nhiều bạn sinh viên ngành mỹ thuật chọn stop-motion làm đề tài tốt nghiệp, nhiều bạn trẻ không chuyên cũng đã tạo ra những video clip thú vị bằng stop-motion.

Gần đây, phim Giấc mơ gỏi cuốn (Spring Roll Dream) đã được trình chiếu và tranh giải trong hạng mục La Cinef tại Liên hoan phim Cannes 2022 và mang về giải Light on Women cho Mai Vũ - nữ đạo diễn của hơn 70 tập phim Xin chào Bút Chì. MV OST Nắng thủy tinh của phim Em và Trịnh được thực hiện bằng kỹ thuật stop-motion cũng gây ấn tượng mạnh và được khán giả yêu thích.

3. Những khó khăn của kỹ thuật stop-motion

Về bản chất, kỹ thuật stop-motion khá đơn giản. Tuy nhiên, kỹ thuật này cũng có những khó khăn nhất định, đòi hỏi người sản xuất phải thật kiên trì, nhẫn nại.

Về tạo hình nhân vật: Khác với những kỹ thuật làm phim hiện đại, stop-motion không cần tạo dựng những cảnh tượng lớn lao, hoành tráng mà phải tập trung vào thao tác tỉ mỉ với những chi tiết nhỏ. “Diễn viên” chính trong phim stop-motion thường là những hình nộm hay con rối (puppets) được làm từ đất sét, silicone, plastis hoặc thậm chí là giấy... Các nhà làm phim sẽ lựa chọn những chất liệu phù hợp để tạo hình cho nhân vật của mình sao cho hình nộm nhân vật vừa bền, vừa giữ được hình dạng nhưng cũng phải dễ dàng thay đổi chuyển động.

Kỹ thuật làm phim hoạt hình stop-motion
Các công đoạn trong việc tạo hình nhân vật - Ảnh: "Cracking Animation: The Aardman Book of 3D Animation"

Trong nhiều bộ phim, người ta còn làm sẵn hàng loạt hình nộm bằng thạch cao với nhiều cử động khác nhau để thay đổi khi cần thiết. Vấn đề ở chỗ, mọi dịch chuyển của nhân vật đều đòi hỏi phải có sự di chuyển hợp lý và logic, trong khi đó kích thước của các hình nộm hay đồ vật thường rất nhỏ nên khó để thao tác với chúng. Vì vậy, muốn thay đổi chuyển động cho nhân vật, cần hết sức cẩn trọng, bởi trong quá trình thao tác, các bộ phận trên hình nộm rất dễ bị gãy, hỏng. Khung nền và vật dụng cũng cần được sắp xếp và cố định vị trí, đồng thời có sự cân đối về tỷ lệ với hình nộm. Cần lưu ý, chỉ một xê dịch nhỏ cũng đủ khiến cho “background” của mỗi tấm hình bị khác nhau (lỗi “sai raccord”).

Về thời gian thực hiện: Một trong những lý do khiến các hãng phim chuyển hoàn toàn sang đồ họa máy tính là làm phim stop-motion khá mất thời gian.

Trên thực tế, kỹ thuật stop-motion đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện chụp từng cảnh một và ghép chúng lại thành đoạn phim. Các nhà làm phim phải di chuyển vật thể cho từng khung hình tại một thời điểm. Một bộ phim hoạt hình chứa 24 khung hình mỗi giây thì phải mất vài tiếng mới tạo ra được vài giây của đoạn phim. Như vậy, một đoạn phim vài phút cũng mất đến vài ngày. Edwin Porter, đạo diễn của phim Teddy bear, phải dành ra 50 giờ để tạo một cảnh ngắn trong phim chỉ dài 1 phút, miêu tả hoạt động của chú gấu Teddy; còn để thực hiện cảnh người hùng La Mã chiến đấu với các bộ xương cạnh ngôi đền Apollo trong phim Jason and The Argonauts, nhà làm phim đã mất tới 4 tháng... Chính vì vậy, để làm ra một bộ phim stop-motion với thời lượng hơn trăm phút có khi phải mất tới hàng năm trời, kinh phí đầu tư cũng không hề nhỏ.

Ngoài ra, sẽ có những cảnh phim khó, không đạt hiệu quả như mong muốn, nhà làm phim không thể làm theo kỹ thuật stop-motion. Khi đó, họ cần phải có sự hỗ trợ của các kỹ xảo và công nghệ tiên tiến khác. Hiện nay, các nhà làm phim có thể áp dụng phương pháp RP (Rapid Prototyping - tạo mẫu nhanh) để tạo thêm nhiều biểu cảm trên khuôn mặt nhân vật mà không làm ảnh hưởng đến tạo hình của các con rối. RP là công nghệ tiên tiến cho phép sử dụng trực tiếp mô hình 3D CAD (Computer-Aided Design), thông qua các máy in 3D để tạo ra mô hình sản phẩm. Trước khi có RP, nhà làm phim phải tạo biểu cảm cho con rối bằng phương pháp thủ công. Chính điều này đã làm hạn chế cách biểu lộ cảm xúc của các nhân vật.

Tuy có nhiều khó khăn, nhưng kỹ thuật stop-motion vẫn được các nhà sản xuất phim hoạt hình ưa chuộng và sử dụng nhiều trên thế giới.

4. Hướng đi cho phim hoạt hình Việt Nam

Trải qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, phim hoạt hình Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, nền hoạt hình Việt Nam vẫn chưa vươn tới tầm quốc tế, chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, cũng chưa thành công trong việc hấp dẫn khán giả, nhất là các khán giả nhỏ tuổi. Đa số phim hoạt hình Việt Nam chỉ được chiếu trên truyền hình hoặc internet, hiếm có phim được chiếu rạp, trong khi số lượng phim hoạt hình ngoại “càn quét” doanh thu phòng vé thì mỗi ngày một tăng. Điều này thật đáng phải suy ngẫm.

Kỹ thuật làm phim hoạt hình stop-motion
Các nhà làm phim trẻ luôn khát khao đưa điện ảnh Việt Nam ra thế giới - Ảnh: Internet

Có thể thấy, các nhà sản xuất vẫn đang từng bước cố gắng vì sự phát triển của phim hoạt hình Việt. Về mặt nội dung, hằng năm, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam phối hợp với Hội Điện ảnh Việt Nam mở Trại sáng tác kịch bản phim hoạt hình nhằm nâng cao chất lượng và số lượng kịch bản phim hoạt hình phục vụ sản xuất, và bước đầu đã có những khởi sắc. Về mặt hình thức, các nhà làm phim hoạt hình Việt Nam cũng đang cập nhật công nghệ làm phim tân tiến và lưu tâm đến việc đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghệ mới. Đặc biệt, các nhà làm phim trẻ cũng luôn mang trong mình hoài bão và khát vọng đưa điện ảnh Việt Nam ra thế giới, mà U Linh tích ký: Bột thần kỳ được trình chiếu trong Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Stuttgart (ITFS) lần thứ 29 và Liên hoan phim Seattle (SIFF) lần thứ 48 hay Giấc mơ gỏi cuốn (Spring Roll Dream) là ví dụ điển hình.

Cũng như bất kỳ bộ phim điện ảnh nào, bên cạnh giá trị nghệ thuật, phim hoạt hình còn phải mang tính thương mại. Nghĩa là ngoài việc tạo ra những bộ phim hoạt hình ý nghĩa, có tính nghệ thuật cao, các nhà làm phim còn phải đảm bảo được rằng khi đưa ra thị trường, những sản phẩm mà họ đầu tư có chỗ đứng trong lòng khán giả, được đón nhận, đồng thời mang về khoản doanh thu xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Như vậy, họ sẽ có nguồn kinh phí xoay vòng để tiếp tục đầu tư cho những dự án phim mới, thay vì cứ mãi chờ khoản tiền trợ cấp của Nhà nước, hay chỉ làm ra những bộ phim chiếu trên truyền hình một lần rồi biến mất, tham dự vài giải thưởng rồi rơi vào lãng quên... Để giải quyết vấn đề này, trước tiên các nhà làm phim cần phải khắc phục được những hạn chế về công nghệ và tư duy nghệ thuật. Muốn làm được điều đó, cần phải có một lộ trình rõ ràng, với kinh phí đầu tư lớn trong một khoảng thời gian tương đối dài. Thiết nghĩ, về công nghệ sản xuất phim, các nhà sản xuất phim Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng kỹ thuật làm phim stop-motion để tạo nên những sản phẩm chất lượng, đồng thời đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của khán giả.

Tài liệu tham khảo

1. Barry J C Purves (2008), Stop-Motion: Passion, Process and Performance, Focal Press.

2. Ken A. Priebe (2011), The Advanced Art of Stop-Motion Animation, Course Technology - A part of Cengage Learning.

3. Peter Lord (2015, Cracking Animation: The Aardman Book of 3D Animation, Thames & Hudson.

Ì ạch như phim hoạt hình Việt Công chiếu 50 bộ phim hoạt hình đặc sắc Tổ chức tọa đàm về "Năng lực sản xuất và hợp tác quốc tế làm phim hoạt hình Việt Nam” Những khó khăn trong sản xuất phim hoạt hình lịch sử Việt Nam "Sân chơi mới" của phim hoạt hình
Bản tin Văn nghệ: Lan tỏa "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam ra thế giới

Bản tin Văn nghệ: Lan tỏa "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam ra thế giới

Baovannghe.vn - Mỗi doanh nghiệp trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan tỏa "sức mạnh mềm" của văn hoá Việt Nam.
Nhà văn Sao Mai - Văn chương và cuộc đời

Nhà văn Sao Mai - Văn chương và cuộc đời

Baovannghe.vn - Văn chương Sao Mai luôn gắn liền với số phận con người, hết sức bình dị và lôi cuốn. Những tác phẩm của ông đã ăn sâu trong tâm trí bao bạn đọc. Một đời văn sống lam lũ nơi rừng xanh núi đỏ, viết văn dưới ánh sáng đèn dầu, mà cho ra đời đến hơn 30 tác phẩm.
Khoảnh khắc không mùa - Thơ Đỗ Bạch Mai

Khoảnh khắc không mùa - Thơ Đỗ Bạch Mai

Baovannghe.vn- Người đi trên phố nắng/ Ta về sau cơn mưa
Khoe giọng - Thơ Phạm Đình Ân

Khoe giọng - Thơ Phạm Đình Ân

Baovannghe.vn- Quẩn quanh trong lồng sắt/ năng hót
Thách thức và cơ hội của BSR với "chính sách, thị trường và xu thế mới trong kinh doanh xăng dầu"

Thách thức và cơ hội của BSR với "chính sách, thị trường và xu thế mới trong kinh doanh xăng dầu"

Baovannghe.vn - Chiều ngày 8/11, tại TP HCM, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức Hội thảo về Chính sách, thị trường và xu thế mới trong kinh doanh xăng dầu.