Sự kiện & Bình luận

Lễ hội Sen Hà Nội 2024: Định vị thương hiệu văn hóa Thủ đô

Thu Hà
Đời sống
08:04 | 14/07/2024
Lễ hội Sen Hà Nội 2024 khẳng định giá trị và thương hiệu văn hóa, du lịch của Thủ đô; đặt ra bài toán lan tỏa giá trị của sen Tây Hồ, mang lại lợi ích kinh tế.
aa

Lần đầu tiên, nhân dân Thủ đô và du khách quốc tế được thưởng thức những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội, cùng vùng đất Tây Hồ qua Lễ hội Sen Hà Nội. Lễ hội không chỉ khẳng định giá trị và thương hiệu văn hóa, du lịch của Thủ đô mà còn đặt ra bài toán chính sách lan tỏa giá trị của sen Tây Hồ, mang lại lợi ích kinh tế.

Văn hóa sen trong đời sống người Hà thành

Buổi sớm mùa hè, nếu muốn “chạm” vào vẻ đẹp hay thưởng thức phong vị Hà Nội hãy đến Hồ Tây. Không khí tinh mơ trong lành, mát mẻ còn “ngậm” hương sen mùa hè ngọt mát, thanh khiết đến lạ lùng. Cứ như vậy, sen Tây Hồ như món quà trăm năm quyến rũ biết bao tâm hồn yêu Hà Nội về những mùa sen ngọt ngào, đầy cảm xúc.

Có lẽ bởi vậy, Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 diễn ra từ ngày 12 đến 16-7 tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ nhanh chóng thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo người dân và du khách. Sen Hồ Tây đẹp và ấn tượng với người Hà Nội không chỉ bởi hình ảnh của những đầm sen kết hợp với khung cảnh lãng mạn của Hồ Tây mà sen còn gắn với đời sống của người Hà thành.

Sen là một trong những loại cây trồng không bỏ phí thứ gì, từ thân, lá, hoa đến củ... Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân, đời sen dâng hiến cho con người rất nhiều sản vật độc đáo, hữu dụng. Trà sen Tây Hồ là một trong những thức uống làm say lòng thực khách. Thức uống tinh hoa này như tấm lòng của người Hà Nội, mang đầy đủ những nét đẹp văn hóa trong đời sống của người Việt. Có thưởng một chén trà sen mới hiểu thế nào là tinh túy đất trời được kết tinh trong những lá trà ngậm hương sen thơm ngát. Ẩn sau sức hấp dẫn ấy là sự tỉ mỉ, chăm chút của nghệ nhân. Nghệ nhân Ngô Văn Xiêm cho biết, để có chén trà sen thơm ngát từ lúc mới pha đến khi trắng nước đòi hỏi sen phải được hái lúc 4 giờ sáng, các công đoạn thực hiện thật nhanh, sao cho trà phải được ướp hương sen trước 10 giờ mới giữ được vẹn nguyên hương vị.

Bên cạnh nghề trà sen, nhiều sản phẩm sen đã được khẳng định trên thị trường. Nghệ nhân Phan Thị Thuận ở huyện Mỹ Đức đã sáng tạo và thành công trong việc mang được hồn cốt của “quốc hoa” vào từng tấm lụa. Tơ sen lớn lên từ lòng đất, ngậm hạt mưa từ bầu trời để phát triển. Do đó, khăn lụa từ tơ sen không chỉ mềm mại mà khi quàng có thể cảm nhận được âm hưởng đất trời gợi đến đầm sen quê hương.

Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024: Định vị thương hiệu văn hóa Thủ đô
Khai mạc Lễ hội Sen Hà Nội 2024 - Ảnh: Thu Hà

Nói về loài hoa đặc biệt của vùng đất Tây Hồ, ông Bùi Mạnh Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Thung lũng hoa hồ Tây, cũng là người trồng sen lâu năm ở Tây Hồ chia sẻ: “Sen Hồ Tây tạo nên một đặc sản không nơi nào có được. Nếu biết tận dụng, ứng dụng kỹ thuật vào bào chế, bảo quản sẽ cho ra những sản phẩm rất giá trị. Qua hai năm, chúng tôi đã nỗ lực đưa ra nhiều sản phẩm độc đáo khác như phấn hoa sen chế biến thành đồ uống, mặt nạ sen được làm từ gạo sen và lô hội. Hiện các sản phẩm này đang được gửi tới cơ quan chức năng để kiểm nghiệm và chứng thực chất lượng”.

Phát huy giá trị của sen

Hiện Hà Nội có 600ha diện tích trồng sen, tập trung ở các quận, huyện: Tây Hồ, Mỹ Đức, Mê Linh, Thạch Thất... Những đầm sen ngoài trở thành điểm tham quan còn giúp Hà Nội khai thác, phát triển các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, ẩm thực từ sen. Nhiều sản phẩm đã được công nhận OCOP, tiêu biểu như: Khăn lụa tơ sen (tiềm năng 5 sao), trà sen Quảng An (4 sao), trà sen Mê Linh (4 sao) và các sản phẩm OCOP 3 sao, như: Giò sen, xôi cốm sen, chè long nhãn sen, mứt sen, sữa sen... được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Để mở rộng diện tích trồng sen, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông triển khai các mô hình khuyến nông, đưa giống sen mới chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP Hà Nội cho biết: "Hà Nội phấn đấu mở rộng diện tích trồng sen lên 900ha vào năm 2025. Chúng tôi đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, tổ chức hội thảo quốc tế, nghiên cứu phát triển giống sen nở 4 mùa để thúc đẩy du lịch nông nghiệp. Hà Nội cần liên kết với các tỉnh để phát triển vùng trồng sen, đặc biệt là giống sen quý Bách Diệp.

PGS.TS Đặng Văn Đông, Viện Nghiên cứu Rau quả, Bộ NN-PTNT cho rằng, việc phát triển cây sen gặp nhiều hạn chế do các đầm sen chưa có cơ chế giao khoán rõ ràng và thiếu chủ nhân thực sự. Mặt khác, cây sen cần đất và nước sạch để phát triển, nhưng hiện nay, nhiều nơi bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt chưa được kiểm soát khiến cây sen khó sống nếu không có giải pháp trước mắt và dài hạn. “Để bảo tồn và phát triển sen bền vững, cần có sự tham gia cụ thể từ các cơ quan quản lý, tổ chức bảo tồn và cộng đồng. Các cơ quan quản lý cần xây dựng và thực thi chính sách bảo tồn, bao gồm quy định về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và hỗ trợ tài chính cho các dự án bảo tồn sen. Thiết lập hệ thống quan trắc nước tự động và kiểm tra định kỳ các chỉ số về môi trường”, PGS.TS Đặng Văn Đông nói.

Ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, để lan tỏa giá trị của sen Hà Nội cũng như lễ hội sen trở thành điểm đến văn hóa, du lịch hằng năm cho du khách, quận Tây Hồ cần phải có chính sách liên kết các điểm du lịch trên địa bàn; xây dựng thêm những hoạt động đặc sắc khi vào mùa sen, chẳng hạn như giới thiệu ẩm thực với các món ngon về sen; các chương trình nghệ thuật gắn với mùa sen...

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Bí thư Quận ủy Tây Hồ, quận sẽ quy hoạch, khai thác các điểm tham quan, ẩm thực, trải nghiệm về sen trên địa bàn để thu hút du khách trong và ngoài nước một cách bền vững. Lễ hội Sen Hà Nội được tổ chức nhằm phát huy giá trị tự nhiên, con người và các làng nghề nổi tiếng để phát triển công nghiệp văn hóa. Quận đã liên kết tổ chức các hoạt động như ngày hội đạp xe bên Hồ Tây, đua thuyền rồng, dù lượn và sử dụng phố đi bộ Trịnh Công Sơn làm không gian sáng tạo cho các hoạt động về sen.

Đánh giá về ý nghĩa của Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Thủ đô Hà Nội nên tổ chức lễ hội sen định kỳ hằng năm để không chỉ góp phần lan tỏa giá trị của hoa sen trong đời sống người Việt mà còn phát triển các sản phẩm văn hóa, du lịch, thương mại mang thương hiệu sen Việt ra thế giới. Ban tổ chức cần liên kết với các địa phương nổi tiếng về hoa sen như Làng Sen quê Bác, đồng sen Tháp Mười... để tạo giá trị gia tăng cho hoạt động và câu chuyện về sen trong lễ hội, thậm chí có thể liên kết với các nước châu Á xây dựng mạng lưới quảng bá, giới thiệu, làm tăng giá trị của sen trong đời sống.

Theo Thu Hà - Báo Quân đội nhân dân

Lễ hội Sen Hà Nội 2024: Sự hội tụ những tinh hoa của Sen Việt Bảo tồn và phát huy chuỗi giá trị đặc sắc từ hoa sen Việt Nam Khai mạc Lễ hội Sen Hà Nội 2024: Tôn vinh và phát huy giá trị hoa sen Thưởng lãm tranh sen của họa sĩ cố đô Huế Hà Nội: 1.000 người mặc áo dài truyền thống họa tiết hoa sen
www.qdnd.vn

Tags:

Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ đêm và sáng sớm trời rét, ngày nắng hanh.
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.