![]() |
Bà Lê Thị Hà - Viện trưởng Viện Phim Việt Nam - Ảnh: QĐND |
- Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, một cuộc sống mới thanh bình đã tràn về trên núi sông đất nước. Bầu trời xanh không còn tiếng máy bay gầm rú, mặt đất không còn gót giày của viễn chinh, xóm làng đã không còn tiếng súng. Những tưởng chiến tranh đã lùi xa, mọi điều đã đi vào dĩ vãng, nhưng như thơ Nguyễn Đình Thi: Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về!
Những buổi ngày xưa vọng nói về ấy, theo tôi, không chỉ là tiếng ông cha, tiếng đất đai, mà trước hết là tiếng của những trái tim đứng lên cầm súng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tiếng của những cuộc đời, những thế hệ chiến đấu cho đất nước, non sông. Nó đi vào văn học nghệ thuật như một cảm hứng bất tận của người nghệ sĩ, đồng thời là nguồn cảm hứng vĩ đại cho văn học nghệ thuật trong đó có điện ảnh. Hơn lúc nào hết, chính những tháng ngày này đã cho ra đời nhiều tác phẩm về chiến tranh, trong đó nhiều tác phẩm điện ảnh đã trở nên kinh điển của nền điện ảnh nước nhà. Trên cương vị Viện trưởng Viện Phim Việt Nam, bà suy nghĩ thế nào về dòng phim này?
Viện trưởng Lê Thị Hà: Phim về đề tài chiến tranh là một phần rất quan trọng trong di sản điện ảnh cách mạng Việt Nam, đã chứng minh được giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh. Các nhà làm phim Việt Nam, từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, đã lăn lộn trong mưa bom bão đạn, sáng tác nhiều tác phẩm nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu, khắc họa sự hy sinh oanh liệt của các nhân vật và sự kiện anh hùng. Trong chiến tranh, đội ngũ các nhà làm phim đã trưởng thành qua thực tế cuộc chiến đấu của dân tộc, đề tài chiến tranh được thể hiện xuất sắc, chân thực qua từng tác phẩm và được các nghệ sĩ điện ảnh coi như một sự báo đáp tinh thần, lòng tri ân đối với đất nước, những người đã ngã xuống, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
![]() |
Viện trưởng Lê Thị Hà (thứ hai từ trái sang) tại hội thảo "Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước" |
- Theo dõi Liên hoan phim những ngày qua, chúng tôi được biết, Viện Phim Việt Nam đã đồng hành rất tích cực cùng chương trình "Nửa thế kỷ phim Việt Nam về chiến tranh", tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ ba (DANAFF III). 18/22 bộ phim truyện chiến tranh đặc sắc sản xuất trong giai đoạn từ năm 1977 đến nay, lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam, đã được lựa chọn trình chiếu phục vụ tại nhiều hệ thống rạp ở thành phố Đà Nẵng. Xin bà chia sẻ thêm về vấn đề này?
Viện trưởng Lê Thị Hà: Nửa thế kỷ phim Việt Nam về chiến tranh là chương trình trọng điểm mang ý nghĩa sâu sắc hướng đến Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà chị Ngô Phương Lan, Ban Tổ chức DANAFF III đã tập trung nguồn lực, cũng như dành nhiều kỳ vọng. Chương trình diễn ra từ ngày 30/6 đến ngày 5/7/2025, tại các rạp chiếu phim và điểm chiếu công cộng ở thành phố Đà Nẵng. Hơn 20 bộ phim chọn lọc về chiến tranh sản xuất sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975 mang đến cho khán giả những câu chuyện, bối cảnh trước, trong và sau cuộc chiến khốc liệt qua góc nhìn nghệ thuật đa diện, tươi mới, thấm đẫm cảm xúc, giàu tính nhân văn của nhiều thế hệ đạo diễn điện ảnh Việt Nam tài năng. Hầu hết các tác phẩm trong số này đều đã gặt hái được nhiều giải thưởng điện ảnh uy tín trong nước và quốc tế. Có hơn 2/3 số phim chiếu tại chương trình được khai thác từ kho phim lưu trữ của Viện Phim Việt Nam. Điều đặc biệt là sau mỗi buổi chiếu, khán giả sẽ được gặp gỡ, giao lưu với nghệ sĩ, những người làm phim để cùng chia sẻ và thấu cảm hơn về tác phẩm... Xin được nói thêm, trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ ba, Ban Tổ chức đã chiếu lại hơn 20 bộ phim chọn lọc về chiến tranh, được sản xuất sau năm 1975. Một số phim tiêu biểu là: Cánh đồng hoang (1979); Mối tình đầu (1980); Về nơi gió cát (1983); Lưỡi dao (1995); Ngã ba Đồng Lộc (1997); Vào Nam ra Bắc (2000); Giải phóng Sài Gòn (2005); Sống trong sợ hãi (2006); Áo lụa Hà Đông (2006); Sinh mệnh (2007); Mùi cỏ cháy (2011); Những người viết huyền thoại (2013); Người trở về (2015); Truyền thuyết về Quán Tiên (2019)...
![]() |
Đoàn làm phim "Sinh mệnh" (đạo diễn Đào Duy Phúc) giao lưu với khán giả |
- Vâng! Những tác phẩm điện ảnh ấy không chỉ cuốn hút hàng triệu trái tim người xem, mà còn mang lại nhiều vinh quang cho nền điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế qua nhiều giải thưởng mà phim ảnh Việt Nam đạt được... Để làm nên những tác phẩm điện ảnh về chiến tranh xuất sắc, là những thế hệ nghệ sĩ điện ảnh sinh ra và sống cùng những cuộc chiến tranh vĩ đại của Tổ quốc. Song, cũng có những thế hệ đạo diễn điện ảnh không sinh ra trong chiến tranh, nhưng những năm qua đã có những tác phẩm điện ảnh xuất sắc về những cuộc kháng chiến của đất nước, tiếp nối dòng phim chiến tranh cách mạng rất đáng tự hào của chúng ta. Xin bà chia sẻ thêm?
Viện trưởng Lê Thị Hà: Hai đạo diễn trẻ nhất của Liên hoan phim lần này có phim về đề tài chiến tranh là Nguyễn Quang Dũng (sinh năm 1978) và Đinh Tuấn Vũ (sinh năm 1988). Nghĩa là các anh đều sinh ra trong những ngày tháng thanh bình. Nhưng họ vẫn mạnh dạn làm phim về chiến tranh, về những tháng năm kháng chiến hào hùng của cha anh. Bộ phim Truyền thuyết về Quán Tiên của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ thực hiện đã 6 năm, từng đoạt giải Bông Sen Bạc và Cánh Diều Vàng, nay tiếp tục được công chiếu phục vụ người xem Đà Nẵng liền hai đêm tại rạp Galaxy Đà Nẵng, thu hút đông đảo khán giả và rất được hoan nghênh. Chúng ta có quyền hy vọng vào lớp dạo diễn trẻ mới sinh ra trong hòa bình, nhưng rất tâm huyết làm phim về đề tài chiến tranh. Bởi phim về đề tài chiến tranh luôn cần thiết và bổ ích cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của chúng ta hôm nay.
![]() |
Khán giả Đà Nẵng với phim "Truyền thuyết về Quán Tiên" |
- Có thể nói, trong những ngày diễn ra Liên hoan phim vừa qua, công chúng đã hiểu nhiều hơn về công việc, vị thế và tầm vóc của Viện Phim Việt Nam. Xin bà giới thiệu thêm về Viện Phim Việt Nam mà bà đang trên cương vị Viện trưởng?
Viện trưởng Lê Thị Hà: Viện Phim Việt Nam là đơn vị lưu trữ điện ảnh lớn nhất cả nước. Phim chiến tranh của điện ảnh Việt Nam sản xuất trước và sau ngày đất nước thống nhất đang chiếm một khối lượng rất lớn và được bảo quản cẩn trọng, theo các quy chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt tại hệ thống kho lưu trữ của Viện. Trong suốt nhiều năm qua, hoạt động khai thác, phổ biến di sản điện ảnh cách mạng nói chung, phim Việt Nam đề tài chiến tranh nói riêng, luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu mà Viện Phim Việt Nam tập trung đầu tư thực hiện. Thông qua nhiều hình thức hoạt động phong phú, giá trị văn hóa, lịch sử của hàng trăm tác phẩm điện ảnh Việt Nam đề tài chiến tranh cách mạng đã được giới thiệu đến hàng triệu công chúng khắp các vùng miền trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Trong số này, các bộ phim đề tài chiến tranh sản xuất sau ngày đất nước thống nhất, cả phim truyện lẫn phim tài liệu, luôn được đón nhận nồng nhiệt và nhận được sự đánh giá tích cực về chất lượng nghệ thuật từ khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
Viện Phim Việt Nam luôn mong muốn, sẵn sàng kết nối, hợp tác với các tổ chức, cá nhân cùng chung mục tiêu lưu giữ và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa giá trị di sản hình ảnh quốc gia, đặc biệt là phim chiến tranh của điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
- Xin trân trọng cảm ơn Viện trưởng.