Sự kiện & Bình luận

Say nắng ở Arab Saudi. Bút ký của Lê Đình Thực

Lê Đình Thực
Bút ký phóng sự 07:00 | 06/07/2025
Baovannghe.vn- Vào giữa mùa hè, vùng Trung Đông trời tối muộn. Mặt trời lặn lâu rồi mà cái nóng vẫn hầm hập, buổi chiều mới dịu bớt.
aa

Tôi cùng vợ con đi dạo ở công viên Dam Mam, phía Nam Thủ đô Riyadh của Arab Saudi. Công viên này thuộc diện hiếm hoi của thành phố được trồng nhiều cây xanh. Đây là lí do để nhiều người đến nghỉ ngơi, thư giãn vào cuối tuần.

Vào giữa mùa hè, vùng Trung Đông trời tối muộn. Mặt trời lặn lâu rồi mà cái nóng vẫn hầm hập, buổi chiều mới dịu bớt. Tôi cùng vợ con đi dạo ở công viên Dam Mam, phía Nam Thủ đô Riyadh của Arab Saudi. Công viên này thuộc diện hiếm hoi của thành phố được trồng nhiều cây xanh. Đây là lí do để nhiều người đến nghỉ ngơi, thư giãn vào cuối tuần. Đang bước, tôi nghe có người nói bằng tiếng Việt, tiếng của Tổ quốc và dân tộc mình. Lại gần thì được biết đó là Lam, một kĩ sư xây dựng. Anh sang Arab Saudi đã gần ba năm. Ngoài Lam còn có bốn người là thợ xây cùng dạo công viên sau một ngày làm việc dưới cái nắng như đổ lửa, gay gắt như đòi nợ. Nói là “đổ lửa” là không quá lời, vì từ tháng năm đến hết tháng mười, cả vùng Trung Đông như một quầng lửa khổng lồ. Nắng thiêu từ sáng mai tới chiều tối muộn, hầm hập như muốn xé toạc bầu trời. Nắng nóng quấy rối não bộ, gây khó chịu cả khi ăn, ngủ. Cây xanh bên ngoài vốn đã lưa thưa lại bị kiệt sức trong nắng gắt nên chúng vật vờ, thoi thóp, xác xơ. Còn ở trong nhà thì quạt và máy điều hòa nhiệt độ chẳng mấy khi ở chế độ nghỉ. Có nhiều lúc bật điều hòa mà cũng như không. Vậy mà bao đời nay người Arab vẫn tìm mọi cách chống lại hiệu quả cái nóng để sinh tồn.

Say nắng ở Arab Saudi. Bút ký của Lê Đình Thực
Minh họa Đào Quốc Huy

Phải thừa nhận người Arab có một tình yêu cuộc sống, sức mạnh và lòng kiên trì vô bờ bến. Xứ sa mạc này, tới tám tháng trong năm, trời cứ xanh thăm thẳm, nắng tựa rang người lên và như đang hút toàn bộ cái nóng của vũ trụ bao la. Hơi nóng bốc từ cát lên làm héo quắt cây cối, dù dưới mỗi gốc cây đều đặt cái vòi, cứ đến giờ, nước được tự động phun vào gốc cây. Chỉ thấm mát gốc cây, vòi tự động ngắt để tiết kiệm nước. Những tháng nóng trong năm, người lao động ngoài trời ở Arab Saudi bắt đầu một ngày làm việc từ ba giờ sáng. Sau tám giờ, khi bên ngoài bắt đầu hầm hập thì họ nghỉ ngơi một quãng dài để hồi phục sức khỏe. Ca làm việc buổi chiều (ở ngoài trời) thường là từ bốn giờ và thời gian cũng ngắn hơn buổi sáng. Ban ngày nóng đến mức, nếu ở ngoài trời ít phút, nhiều người sẽ say nắng ngay. Nóng như xuyên qua vỏ ô tô, thấu bức tường mới xây, phả rát mặt người. Đường phố thời điểm ấy thưa hẳn xe đi lại. Từ bốn giờ chiều trở đi, nhiệt độ dịu dần, đôi khi có gió nhẹ, người lao động ngoài trời chớp thời gian làm việc hối hả. Trên đường phố, lượng xe cộ tăng dần và đi lại như mắc cửi đến tận khuya.

Khí hậu khắc nghiệt là vậy, nhưng theo số liệu từ truyền thông, người có trình độ chuyên môn cao từ nhiều nơi trên thế giới nườm nượp đổ về vùng Vịnh sinh sống, làm việc và chứng minh tài năng. Con số ấy chiếm tới một phần ba dân số Arab Saudi. Tiếc là người Việt Nam chỉ hơn bốn ngàn người trong số trên chục triệu cư dân ngoại quốc đổ bộ đến một nơi được xem là “nước Mỹ của vùng Trung Đông”. Một con số rất nhỏ. Xứ sở này hấp dẫn người tài là bởi chế độ đãi ngộ tốt, tiền lương cao, công việc ổn định và lại dễ mua nhà. Nước này còn miễn thuế thỏa đáng và khá hào phóng về các phúc lợi. Họ “chịu chơi, chịu chi” vậy để đảm bảo rằng đất nước này có thể hút “đại bàng” từ khắp nơi. Lao động sang đây có hai nhóm: làm việc chân tay và người có tay nghề cao. Lam là một trong số người có chuyên môn giỏi khi vượt qua được kì kiểm tra tay nghề nghiêm ngặt từ một tập đoàn xây dựng của Nhật. Mặc dù tuổi đã cao nhưng Lam vẫn kí hợp đồng sang Arab Saudi. Anh tâm sự: Thực ra em bị “đuổi khéo” sang Trung Đông. “Tội” của em là phản ứng lại mấy tay kĩ sư Nhật. Em không chịu được khi họ coi thường thái quá trình độ chuyên môn và quản lí của người Việt Nam mình.

Thật tình cờ, Lam và sáu công nhân người Việt Nam thuê trọ gần chỗ gia đình tôi đang ở. Quen biết nhau rồi nên vào ngày cuối tuần, anh em vẫn thường ngồi hàn huyên. Những hộp trà, chai nước mắm, lọ tương đem từ Việt Nam sang được hai bên san sẻ, thêm ấm áp tình quê hương xứ sở. Ở Arab Saudi, ngày nghỉ cuối tuần là thứ 6 và 7. Riêng thứ 6, người dân đi lễ nhà thờ cả ngày hoặc làm những phần việc liên quan đến các lễ nghi tôn giáo. Ngày này những lúc rỗi, Lam lại mở máy tính làm việc và tranh thủ học thêm tiếng Đức. Anh thổ lộ, các kĩ sư người phương Tây đa phần thông thạo ba, bốn ngoại ngữ, trong khi lao động có trình độ chuyên môn cao ở ta chủ yếu chỉ biết một ngoại ngữ, phần lớn là tiếng Anh. Chừng ấy thì chưa đủ trong môi trường toàn cầu hóa hòa nhập và cạnh tranh ngày một mạnh mẽ.

Nhóm thợ của Lam hầu như chỉ nghỉ trọn ngày thứ 6. Ngày thứ bảy, phần nhiều anh em vẫn làm việc ở công trường. Họ còn trẻ khỏe nên muốn tranh thủ thời gian ngắn ngủi bên này để tăng thêm thu nhập. Còn Lam, anh có sự vất vả riêng của người lao động trí óc. Tháng ngày với những bản vẽ kĩ thuật, tính toán dầm, xà, móng, cọc và cùng anh em chịu đựng tiếng kêu kin kít của những cỗ máy trộn bê tông. Rồi thêm khói bụi và nhịp sống công trình. Người phụ trách kĩ thuật và giám sát thi công như Lam chỉ rời công trường khi công nhân đang làm việc trong điều kiện bắt buộc. Bởi ngoài chuyện chất lượng và an toàn lao động còn phải quản lí dự án theo đúng tiến độ, phải đảm bảo mĩ thuật và hiện đại. Việc nối việc. Công trình này nối công trình kia, cứ cuộn chảy như nước rút.

Ở Thủ đô Riyadh, dự án xây dựng mọc nhiều như nấm. Hầu như chúng đều hiện đại, hoành tráng và in đậm dấu ấn của người Âu hay Nhật, Hàn, Trung Quốc. Chính phủ Arab Saudi có tham vọng đưa nước này trở thành nơi giàu có nhất vùng Trung Đông, làm nên những kì tích trên sa mạc. Để hiện thực hóa giấc mơ lớn lao này, Arab Saudi đang tiên phong trong việc thu hút nhân tài từ khắp năm châu…

“Em sang đây đến nay cũng gần ba năm rồi đấy. Bỡ ngỡ mấy ngày đầu rồi cũng nhanh chóng hòa nhập. Môi trường làm việc có tính chuyên nghiệp cao đòi hỏi mình cần sớm điều chỉnh để thích nghi. Không chỉ phần chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, am hiểu văn hóa, phong tục, pháp luật nước sở tại là công việc mà một kĩ sư phải thường xuyên theo dõi, cập nhật. Chỉ như vậy mới theo kịp trình độ các đồng nghiệp đến từ nhiều nước. Khi vấn đề chuyên môn, tác phong làm việc đã bắt nhịp thì cản trở lớn mình phải vượt qua mỗi ngày là khí hậu khắc nghiệt. Nắng nóng kinh khủng! Ở Arab Saudi, nắng gay gắt từ tháng năm đến hết tháng mười, kỉ lục nắng nóng liên tục bị phá vỡ. Những ngày làm việc trên công trường, cơ thể cứ như bị phơi nắng cho cong lên, thịt da cứ như đang bị luộc sôi. Làm rốn một chút là dễ dàng bị say nắng và sốc nhiệt. Nhìn ai cũng thấy già nua, đen cháy. Vậy mà “đại bàng” từ khắp nơi trên thế giới vẫn dồn về đất nước này “xây tổ”. Ngoài số bác sĩ, kĩ sư giỏi thì những công việc làm chân tay thường nhật cũng hút rất nhiều người ngoại quốc vì dân nước này thường bỏ qua những việc “cỏn con”. Từ người chạy xe taxi là dân Philippines, người chăn lạc đà đến từ Bangladesh, cô hướng dẫn viên du lịch người Nepal, anh công nhân vệ sinh người Ấn Độ hay Palestine, người bán hàng ở siêu thị đến từ Iraq, Bahrain, Yemen, Sri Lanka, người thợ cắt tóc là dân Thổ Nhĩ Kì... Tại các nơi làm việc, dân Arab Saudi chính gốc luôn thuộc con số hiếm hoi.”

“Làm việc với dân từ nhiều nước cùng một công ty, anh thấy điểm chung của họ là gì?” Tôi hỏi Lam.

Nghĩ ngợi một lúc rồi Lam trả lời: “Nổi bật ở họ là trách nhiệm, kỉ luật, tác phong công nghiệp trong thời gian làm việc, bác à. Với họ, đích cuối là chất lượng, hiệu quả, và sản phẩm cạnh tranh. Đến đây rồi em mới thấy vương quốc này mở ra cánh cửa việc làm cho một thị trường toàn cầu. Trong công việc, họ coi trọng những phát hiện mới, ý tưởng mới, thể hiện khả năng tư duy riêng biệt, nổi trội, độc đáo. Chúng được thể hiện qua sản phẩm mình được giao trong hợp đồng giữa hai bên. Ở công ty, em quan hệ gần gũi với hai kĩ sư, một người Úc tên là Akira, và người Nhật là Kudo Shinichi. Họ từng làm việc ở Việt Nam cũng lâu nên khá am hiểu phong cách làm ăn của người Việt mình. Qua lối nói thẳng thật của hai người, em nhận ra, ngoài việc ghi nhận sự chăm chỉ của đội ngũ công nhân Việt Nam thì họ cũng có những tính xấu mà người Việt mình nên biết, để tránh và nếu cần thì chặn. Trong suy nghĩ, họ muốn các kĩ sư Việt yếu kém, dưới cơ của họ. Luôn phải học và cầu cạnh họ. Cách quản lí của người Việt cũng yếu nốt… Chắc là họ luôn xem mình ở thế bề trên?”

Kudo Shinichi chia sẻ: “Từng làm việc ở Việt Nam nhiều năm, tôi nhận thấy khá đông kĩ sư Việt Nam chỉ thể hiện sự thuần thục về lí thuyết, nhưng phần thực hành thì đa phần chưa sắc nét, mờ nhạt dấu ấn của sự đam mê sáng tạo. Họ còn thiếu độ dày trong độc lập trong nghiên cứu, thiếu độ sâu về tư duy. Nhưng đáng để quan tâm hơn, phần đông người Việt một khi có bằng đại học hay thạc sĩ thường lựa chọn công việc bàn giấy, thích ngồi ở vị trí quán triệt chỉ đạo, điều hành, mà xem nhẹ, thậm chí coi thường lao động chân tay. Số khá đông lười cập nhật cọ xát về sự phong phú và phức tạp của thực tiễn...”

Em nhắc nhở luôn: “Tôi biết rồi, người Việt đang vươn lên mỗi ngày, người nước ngoài ở Việt Nam nên thấy và thừa nhận. Chính phủ, người dân, các doanh nghiệp nỗ lực hàng ngày để tự chủ trong điều hành, tư duy, nghiên cứu, tìm tòi con đường phát triển. Chúng tôi biết, nhiều người Nhật, Hàn, Đài chỉ ngồi ở nước họ điều hành nhưng lương cao gấp hàng chục lần công nhân Việt làm đến mờ mắt, vẹo người trong xưởng. Chúng tôi hợp tác với nước ngoài để cùng thắng, chứ không dựa dẫm vào họ.”

Sau vụ em nhắc khéo tay kĩ sư người Nhật chưa lâu thì lại gặp sự phàn nàn thái quá của một kĩ sư người Úc về các kĩ sư người Việt và cung cách quản lí của ta: “Làm việc ở Việt Nam mười năm, tôi nhận thấy phần lớn người Việt có trình độ đại học trở lên luôn tìm cơ hội để có chân trong ban quản lí hay bàn giấy; xin đi học bổ sung bằng cấp nhưng lười phần tìm tòi cọ xát khâu thực hành hoặc đam mê nghiên cứu khoa học. Chuyện này cũng xuất phát từ thực tế: bộ phận quản lí, lương và quyền lợi luôn có khoảng cách đáng kể với người không thuộc đối tượng ấy. Việc lại nhàn. Địa vị xã hội ở đẳng cấp khác. Vì nặng tâm lí này nên kết quả thu về thường trội phần bề nổi, nghiêng về cóp nhặt, trang trí hơn là phần bề sâu. Ở khía cạnh này, các bạn bị mất điểm so với mấy nước thuộc vùng Á Đông, như người Hàn, Nhật, Đài Loan hay Trung Quốc. Vì thế, sau mấy chục năm mở cửa làm ăn với nước ngoài nhưng nền kinh tế của Việt Nam cơ bản vẫn dựa nhiều vào nhập linh kiện về lắp ráp thay vì đầu tư về công nghệ. Sản phẩm do người Việt thiết kế, sản xuất toàn bộ đạt chuẩn về công nghệ để xuất ra toàn cầu chưa nhiều, chưa phủ khắp, còn mỏng dấu ấn khác biệt nên không dễ làm ăn lớn khi muốn thâm nhập vào những thị trường khó tính. Trong khi đó Trung Quốc lại rất thành công trong lĩnh vực này. Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế rất cao hàng Trung Quốc thì hàng của họ lại tràn ngập thị trường Trung Đông. Ngoài hàng Trung Quốc thì còn hàng Mỹ hay Ấn Độ… Bên cạnh hàng tiêu dùng cao cấp thì cơ man nào là loại “tạp nham” như thảm chùi nồi, dao thớt, đũa tre… đều là made in China. Rộng đồng vơ lại. Tiền cả đấy! Trong các siêu thị to đùng ở thủ đô Riyadh như Lulu, Aakkah mall, Mall of Arabia... hàng Việt “khép nép” trong góc, không dễ nhìn. Soi đi nhìn lại vẫn chỉ mấy quả thanh long, quả dừa Bến Tre, túi gạo An Giang, cái ấm siêu tốc... Trong khi “tất tần tật” là hàng Trung Quốc. Mấy tỷ đô hàng Việt xuất hàng năm sang Arab Saudi chắc là đang cất vào kho?”

Tranh luận với các đồng nghiệp Nhật, Tây để họ không nên coi thường ý chí của người Việt, nhưng em phải giấu nỗi buồn thừa nhận là chúng ta còn phải điều chỉnh, đổi mới, nỗ lực rất nhiều. Phải thực sự đau đáu, trăn trở. Trước đây khi làm ở trong nước, em thấy một công ty nhà nước to đùng với cả trăm kĩ sư mà suốt năm không có sản phẩm nào ra hồn. Lãnh đạo thì chỉ cố nặn các trang báo cáo thật hay để gửi đi. Khó khăn thì đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho thiên tai. Các công trình của nhà nước gần như bị đội vốn, ngắn tuổi thọ. Tại sao? Mình cũng là con người, cũng bằng cấp như ai, sao lại không làm được cái gì cho tử tế?

Em tranh luận với người Nhật, cự cãi như muốn đánh nhau với họ, nhưng trong thâm tâm, em thừa nhận, họ nói quá lên nhưng không phải là vô lí. Em cáu là sự coi thường của họ, nhưng cũng thấy điểm yếu của mình và đồng nghiệp. Đảng, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng thấy rõ điểm yếu này. Các doanh nghiệp trong nước đang bứt phá để hòa vào guồng phát triển chung của thế giới. Làm việc với người nước ngoài bên Trung Đông, em nhận thấy vì sự yếu kém tồn tại quá lâu nên đất nước mình phát triển chưa ngang tầm. Bản thân em cũng học được nhiều cái hay khi trực tiếp làm việc với người Nhật, phương Tây. Họ vượt xa chúng ta về quản lí, tư duy.

“Cuối năm ngoái, Thủ tướng nước mình sang thăm Arab Saudi. Chuyến đi của ông mở một trang mới cho hợp tác lao động giữa hai nước. Nhưng phía bạn cần nhiều lao động có tay nghề cao, chứ không phải diện lao động phổ thông. Lao động chân tay thì các nước vùng Nam Á, châu Phi luôn dồi dào, tiền lương lại không đòi hỏi cao như người Việt. Đây là lợi thế của họ. Ngoài xây dựng, còn nhiều ngành khác như chế tạo ô tô điện, cơ khí, điện tử… Rất nhiều việc làm bên Trung Đông. Nhưng thẳng thắn mà nói, nhân lực có trình độ cao bên nước mình chưa đủ để đáp ứng số lượng lớn của họ. Chúng ta đang thiếu vắng một đội ngũ kĩ sư thực hành giỏi. Trong khi số đông những người có trình độ chuyên môn cao lại đầu quân cho các công ty nước ngoài. Bài toán này buộc các trường đại học bên mình cần đổi mới quy trình đào tạo. Cần phải tinh hơn, thông minh và nhanh hơn, thực tế hơn, tập trung vào thực tiễn ứng dụng thay vì lối đào tạo “bác học hàn lâm”. Tức là giảm đi việc nhồi kiến thức mà tăng năng lực sáng tạo, sự độc lập trong tư duy. Nước mình cần đẩy mạnh phong trào nói thật, làm thật để đất nước nhanh lớn. Cần trăn trở khi nhiều thanh niên Việt có bằng cử nhân, thậm chí thạc sĩ mà phải giấu tiệt tấm bằng mấy năm đi học để xin làm công nhân cho các công ty nước ngoài. Rồi chính họ có khi bị đốc công người Hàn, người Đài hay Nhật quất roi vào mông...”

*

Khi tâm sự với nhau nhiều hơn, tôi được biết, Lam tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi của trường Đại học Xây dựng Hà Nội hơn ba chục năm trước. Hồi ấy bằng giỏi rất hiếm, chứ không phổ biến ở các trường đại học như bây giờ. Lam nói: “Ra trường, em làm ở một công ty xây dựng lớn. Cơ quan làm việc theo mệnh lệnh hành chính; máy móc, rập khuôn nên không tránh khỏi sự đơn điệu, tẻ nhạt. Đến cơ quan gặp toàn người là người. Nào thủ quỹ, văn thư, trưởng phó các phòng ban... Các vị trí “ngồi mát” gần như là con cháu các ông sếp lớn nhỏ. Toàn chức tước lù lù ngay cạnh! Có mặt ở cơ quan, cánh nam thì pha trà tán gẫu chán chê mới ngồi vào bàn, chị em thì bất tận buôn dưa lê. Lương cuối tháng lĩnh đều và đủ. Trong khi đó đa phần lãnh đạo ưa người “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, e dè những anh ít giơ cánh tay biểu quyết cùng tập thể, ngại người hay nói lời thẳng thật. Sáng cắp cặp đi chiều cắp cặp về. Tổng kết cuối năm, ngập tràn những lời đẹp đẽ về thành tích của cơ quan. Trong bối cảnh ấy, giỏi chuyên môn gần như khó địch được người biết làm hài lòng sếp...”

Lam nói, khát vọng trong em theo thời gian cứ chìm dần.

Trầm ngâm một lúc rồi Lam cho biết: “Thực ra, em rời cơ quan nhà nước cũng do mâu thuẫn với vị giám đốc quyền uy. Ông ấy mắc nặng bệnh chuyên quyền, độc đoán, áp đặt kinh khủng. Chấp nhận sao được một người lãnh đạo, cuối thế kỉ hai mươi rồi mà vẫn giữ lối tư duy “Đường sữa từ trên xuống, cuốc xẻng từ dưới lên.” Tiền của Nhà nước xem như của chùa nên mặc nhiên “đội vốn” hết công trình này đến công trình khác. Còn chuyện năng suất lao động thấp, trăn trở cho trình độ công nghệ của ngành mình đang rất tụt hậu thì đó là việc của... Trung ương!”

Thật may, cơ chế mới xuất hiện. Đang lúc chán cảnh Ai cũng có việc làm mà không ai làm việc/ Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương/ Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống/ Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng/ Không ai hài lòng nhưng ai cũng giơ tay đồng ý..., Lam xin thôi việc, ra ngoài làm cho công ty của người Nhật mới đổ bộ sang Việt Nam. Ở môi trường mới, năng lực cá nhân được coi trọng. Làm sai phải nhận lỗi, chịu phạt, ít nhất cũng bị trừ lương. Lặp lại lỗi thì coi như bị đuổi việc... Lam chấp nhận thử thách, chọn cung cách làm ăn dựa theo năng lực và trình độ thât. Nhưng được một thời gian, anh biết người Nhật cũng không vừa. Anh cự lại mấy tay kĩ sư Nhật coi thường người Việt nên họ ngầm “đẩy” sang Arab Saudi với hợp đồng kí là sáu năm.

“Trung Đông khí hậu sa mạc khô nóng, nhiều ngày như rán mỡ, nhất là ở vùng sâu trong nội địa như thủ đô Riyadh, luôn thử thách nghiệt ngã đối với em cũng như những người Việt làm việc ở ngoài trời nơi sa mạc này. Người làm nghề xây dựng càng áp lực vì phải thường xuyên có mặt ngoài công trường, chứ không thể hàng ngày ở trong phòng mở máy tính, bật điều hòa như hầu hết ngành nghề khác. Anh là kĩ sư phụ trách thiết kế và thi công thì phải thể hiện bằng sản phẩm. Sản phẩm ấy được hoàn thiện, nghiệm thu ở ngoài trời. Vậy là buộc anh phải bám vị trí, theo dõi kiểm tra đôn đốc để chất lượng công trình được kịp tiến độ, đúng kĩ thuật và đảm bảo mĩ thuật nữa. Chính phủ Arab Saudi trả lương thỏa đáng, làm mọi việc để củng cố vị thế kiến trúc hiện đại, khác biệt của mình ở vùng Trung Đông cũng như với thế giới. Cho nên người lao động trí óc và chân tay đến đây chiếm tới một phần ba dân số của nước này. Lam thông tin số liệu này cho tôi.

“Thế các kĩ sư người Nhật, người phương Tây vẫn phải nắng gió trên công trường à?” Tôi hỏi.

“Vâng. Không có sự phân biệt nào ở đây. Bình đẳng. Sòng phẳng. Trình độ cao hay thấp phải rõ. Ra ngoài trời, làn da trắng của họ bắt nắng, đỏ như gà chọi. Giống như em, các vị cũng phải chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối từ bản vẽ thiết kế đến phần thi công. Phải vắt óc ra để tính toán sao cho công việc của mình giảm tối đa sai sót. Chỉ khác là đội ngũ thợ của họ không phải người Việt mà lấy từ các nước Nam Á hay người Philippines, Ai Cập hay Thổ Nhĩ Kì… Lợi thế của nhóm thợ này là quen với nắng nóng và sức khỏe rất tốt.”

Lam chỉ cho tôi xem một số tòa nhà đồ sộ mà công ty của anh từng tham gia thi công đang lưu trong máy. Anh bảo đây khu điều hành của một số tập đoàn lớn ở nước này, trong đó có tập đoàn dầu mỏ Aramco danh tiếng trên toàn cầu…

“Đến nay, em cũng gần hai chục năm làm ăn với người ngoại quốc. Từ kiến thức, kinh nghiệm và nguồn tài chính có được sau khi hết hợp đồng ở Trung Đông, về nước, em sẽ làm hồ sơ lập công ty riêng, dù tuổi cũng sắp chạm sáu mươi. Chỉ có vậy mình mới không mai một kinh nghiệm quý giá tích lũy được trong những năm làm việc ở xứ sở sa mạc này.”

*

Lam và nhóm thợ được điều làm ở nơi xa Riyadh cả nghìn cây số. Một tháng sau họ về nhà trọ cũ. Cả kĩ sư lẫn thợ đen như cột nhà cháy. Anh cho biết, công ty trúng thầu một trường đại học trị giá xây dựng bốn tỷ đô la, trong khi các công trình ở thủ đô Riyadh vẫn tiếp tục giai đoạn nước rút. Chúng tôi lại hàn huyên những câu chuyện về vùng Vịnh, căng thẳng vùng Biển Đỏ, về Ukraine, về giá cả trong các siêu thị. Rồi Lam hỏi tôi:

“Hai bác có đi siêu thị thường xuyên không?”

“Có chứ, ít nhất cũng tuần hai lần.” Tôi nói.

“Bác thấy các siêu thị có thêm nhiều hàng Việt đấy chứ?” Lam hỏi.

“Có thấy, xuất hiện thêm gạo nếp, trái cây như dừa, thanh long và thêm cái ấm siêu tốc.” Tôi trả lời Lam.

Rồi Lam và tôi nói về chuyến thăm mới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Arab Saudi. Từ chuyến thăm ấy, hàng Việt Nam xuất hiện nhiều hơn trong các kệ hàng một số nước Trung Đông. Còn tôi mỗi lần vào siêu thị, thấy xuất hiện hàng tiêu dùng bên Việt Nam sang, lòng xúc động. Giữa một rừng hàng hóa của nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc, tay chạm vào sản phẩm từ người dân nước mình làm ra, thấy ấm áp thiêng liêng. Trung Đông là thị trường đang nâng dần khó tính. Mặt hàng khắp thế giới đổ về cạnh tranh nhau. Người Việt phải tham gia cuộc đua, cần khéo tay, sáng tạo, có hàm lượng chất xám cao mới làm được sản phẩm đi khắp năm châu bốn biển.

Cái nắng toác cả đường nhựa ở Trung Đông đã đốt tôi “cháy thui,” nhưng cũng dạy tôi sáng ra nhiều điều. Ở vùng đất này, các “cá mập” đổ vốn, đổ tài trí, kinh nghiệm để làm ăn. Họ đã giàu lại càng giàu. Ước một ngày gần nhất, Việt Nam mình cũng tung các “đại bàng” sang các nước vùng Vịnh làm ăn sòng phẳng để thu ngoại tệ, uy tín về cho đất nước. Tôi mong Lam và nhóm người thợ Việt ngày một giỏi giang, chuyên nghiệp để người nước khác phải thừa nhận năng lực của người Việt.

Hai tháng nay tôi không gặp Lam, nghe nói anh về vùng Biển Đỏ để nhận việc mới.

Thấm thoắt, lại thứ 6 rồi, chuông nhà thờ ở Thủ đô Riyadh và trên đất nước Arab Saudi đồng loạt ngân lên…

Mẹ gieo - Thơ Lê Gia Hoài

Mẹ gieo - Thơ Lê Gia Hoài

Baovannghe.vn- Mẹ gieo lên cánh đồng/ Những toan lo vất vả
Từ ngày em tới - Thơ Khuê Việt Trường

Từ ngày em tới - Thơ Khuê Việt Trường

Baovannghe.vn- Ta vốn vậy, vốn quên điều cần nhớ/ Những sớm mai chạm phố với mặt trờ
Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 29/2025

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 29/2025

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 29 ra ngày 19/7/2025 có các nội dung sau đây:
Điểm thi TN PTTH không "gây sốc" nhưng buộc các trường nhìn nhận lại cách dạy và học

Điểm thi TN PTTH không "gây sốc" nhưng buộc các trường nhìn nhận lại cách dạy và học

Baovannghe.vn - Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, thành công của kỳ thi 2025 đến từ việc mạnh dạn đổi mới theo hướng đánh giá năng lực thay vì kiểm tra kiến thức thuần túy. Việc học sinh được chọn môn thi theo sở trường đã tạo cơ hội để các em phát huy năng lực cá nhân.
Triển lãm "Nối" - Sự giao thoa giữa di sản và nghệ thuật đương đại

Triển lãm "Nối" - Sự giao thoa giữa di sản và nghệ thuật đương đại

Baovannghe.vn - Chiều 14/7, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm Nối với sự hiện diện của đông đảo họa sĩ, khách mời và công chúng yêu mến nghệ thuật, đánh dấu chặng mở đầu cho hành trình nghệ thuật kéo dài hơn hai tuần giữa lòng di sản.