Liên hoan phim Venice lần thứ 77 là sự kiện lớn đầu tiên không chọn hình thức trực tuyến diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp trên toàn thế giới đã chính thức khai mạc vào Thứ tư (2/9).
Theo giám đốc liên hoan phim Robert Cicutto, quyết định tổ chức liên hoan phim là một dấu hiệu quan trọng cho sự hồi sinh của Venice nói riêng và ngành công nghiệp điện ảnh nói chung. Ông hy vọng, liên hoan sẽ đem tới bài học kinh nghiệm cho các sự kiện văn hóa lớn khác trong tương lai.
Tuy nhiên, để tiến hành việc tổ chức liên hoan trực tiếp, BTC cũng gia tăng các biện pháp phòng dịch anh toàn như: Công chúng sẽ không được tiếp cận thảm đỏ. Ngoài ra, người tham dự sẽ phải đeo khẩu trang cả trong và bên ngoài khán đài khi liên hoan khai mạc vào Thứ tư (2/9).
Những biện pháp trên chứng tỏ thái độ cứng rắn của chính quyền thành phố Venice và vùng Veneto trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Không giống như vùng láng giềng Lombardy (nơi từng là tâm điểm khi dịch bệnh mới bùng phát tại châu Âu), vùng Veneto hầu như đã kiểm soát được tốc độ lây lan của dịch bệnh nhờ vào các biện pháp phong tỏa sớm và xét nghiệm diện rộng.
Liên hoan Venice lần thứ 77 cũng đánh dấu sự quay lại của Italy với nghệ thuật thế giới sau khi trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên bùng phát dịch bệnh. Vào thời điểm đó, thậm chí cả bộ phim của Tom Cruise là "Mission: Impossible 7" cũng đã phải tạm ngừng mặc dù đã quay được 3 tuần ở Venice.
Tuy nhiên, do các lệnh hạn chế đi lại từ Mỹ tới châu Âu, không chỉ phần lớn các ngôi sao điện ảnh và người nổi tiếng cũng sẽ vắng mặt, mà các bộ phim Hollywood sẽ không có cơ hội tranh tài tại liên hoan phim năm nay. Thông thường, các nhà sản xuất Hollywood coi Venice là một "phép thử" trước các kỳ liên hoan phim khác, đặc biệt là Oscar.
Phần lớn các phim tham dự sẽ đến từ các nước châu Âu, trong đó phim Italy chiếm vị thế đặc biệt nổi bật. Một cái tên đáng chú ý là "Lacci" – bộ phim Italy đầu tiên được trình chiếu trong đêm mở màn liên hoan.
Nguyễn Phương