Măng giang, măng trúc, măng mai
Măng vầu, măng sặt, măng lay bạn cùng
Nhớ thời chiến khu kiên trung
Sống nhờ tre, đói nhờ măng ân tình
(Măng mọc trong lửa đạn- Hoa Cẩm Chướng )
Hồi công tác các tỉnh Tây Nguyên, chưa biết, chưa đến Măng Đen, nghe bạn bè thi hữu nhắc đến cái tên này, tôi ngô nghê nghĩ, chắc là vùng núi của Kon Tum này có khu rừng tre mà búp măng của nó có màu đen khác lạ, hấp dẫn để nhìn để ăn thứ một đặc sản riêng có: măng đen. Hay nghĩ khác lẩn thẩn hơn, đây là nơi có loại măng đắng, nhưng đồng bào phát âm ra măng đen.
Toàn cảnh Măng Đen. ảnh Internet |
Nhưng khi về Kon Tum, theo lời mời của nhà báo, nhà thơ Lê Văn Thiềng, thời còn làm Tổng biên tập báo Kon Tum, đi với các bạn làm báo, làm văn về Măng Đen tôi mới ngộ ra. Măng Đen là thị trấn cao nguyên của tỉnh Kon Tum, cách thành phố Kon Tum khoảng 50 cây số, cách huyện Ba Tơ ( Quảng Ngãi khoảng 100 cây số. Nó là tên đọc trại ra từ T’măng Deeng, theo đồng bào dân tộc sở tại Mơ Nâm nghĩa là vùng đất bằng phẳng, rộng lớn.
Măng Đen hấp dẫn tôi bởi ở thành phố Kon Tum mùa hè nóng bức, khó chịu mà chạm chân đất cao nguyên- khu du lịch sinh thái này đã mát lành, khỏe nhẹ như Đà Lạt bởi các loại cây bản địa, thông xanh, các loại hoa, nhất là hoa anh đào, các loại cây ăn quả hấp dẫn khác. ..
Đi Măng Đen có hai đường, một là từ thành phố Kon Tum đi qua Kon Rẫy, hai là từ thành phố Quảng Ngãi đi tắt qua huyện Nghĩa Hành, lên huyện miền núi Ba Tơ để lên. Xe qua các con đèo Đá Chát, đèo Vi-ô-lắc...chập chùng, ngoạn mục, ngoằn ngoèo quanh co nhìn xuống các thửa ruộng, nhà sàn đồng bào đẹp không thể diễn tả cảm xúc.
Một góc đường Trường Sơn Đông qua huyện Kon Plong |
Lên chơi với Măng Đen hãy bỏ xe con, mà đi xe hon đa mang ba lô đi phượt đường xa, hoặc đi bộ ngắm thông, hít hà mùi hoa lan rừng thoang thoảng, nghe tiếng chim ríu rít, tiếng suối thác rì rầm. Biết bao nhiêu cảnh sắc mê hoặc lòng người như: vườn hoa nhiều sắc màu Ê Ban Farm, các hồ: Toong Đam, Toong Zơn, Toong Pi, Đăk Ke. Tại nhà rông Kon Pring, đồng bào Ka Dong đã biết làm du lịch, ăn ở sạch sẽ, gọn gàng, tổ chức múa hát cồng chiêng đón các đoàn du khách. Khi đoàn nhà văn chúng tôi đến, đã nghe rộn rã tiếng chiêng trống mừng đón. Chúng tôi được thưởng thức cơm lam, thịt nướng, vít rượu cần, Một già làng sau khi vít một hơi rượu cần mời chúng tôi vào “ đoàn kết” cùng nhảy múa, uống rượu, ăn bốc với đồng bào. Những đôi chân trần, tay trần rắn chắc mà mềm dẻo, thơm thơm mùi cơm nếp, mùi lá rừng, hoa rừng cứ ám ảnh mãi trong tôi. Nhà văn, cựu giáo viên Nguyễn Thị Phú cứ ôm lấy cái cột nhà rông có hoa văn mà buột miệng: Ui chao, ước chi gác hết mọi công việc nhà cửa, gia đình để lên đây chơi, nói chuyện và cùng làm mùa với đồng bào để viết chuyện thường ngày nơi hoang dã mà hấp dẫn của rừng núi, buôn làng nơi đây
Tác giả dưới chân thác Đa Sỹ |
Có lẽ với nhiều anh em văn nghệ, thác Pa Sỹ là đẹp nhất ở Măng Đen, nó ở trên độ cao phả xuống dưới như mái tóc con gái dài óng mượt. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh nâng máy ảnh lên chụp cho tôi một cái ảnh đứng dưới xa ngước mắt lên như hứng nước thác vào mắt, vào người cho thỏa chí đam mê với thác thật ưng ý.
Qua lão thành cách mạng Sô-Lây –Tăng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, tôi còn biết thêm, Măng Đen là cửa ngõ giao thông Bắc-Nam quan trọng của chiến trường Tây Nguyên, một căn cứ cách mạng của khu Năm. Ngày 30 tháng 10 năm 1974, quân và dân ta đã tiêu diệt tòan bộ Ban chỉ huy các Tiểu khu: Kon Tum, Chương Nghĩa, Bảo An 254 của địch, tiêu diệt 226 tên, thu 539 khẩu súng các loại, giải phóng hơn 2000 dân trong hệ thống kìm kẹp của địch, góp phần mở rộng vùng giải phóng tạo thế lực mới cho chiến dịch giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Vậy là về Măng Đen, chúng tôi đi phượt, được thưởng thức, thưởng lãm ba trong một như đã kể trên. Về Măng Đen mùa thu mà không khí phong cảnh vừa mát nhẹ vừa rực rỡ, ấm áp tình người, tình đất như mùa xuân.
Ngẫu hứng, nhà thơ, bác sĩ Mai Hữu Phước, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Đà Nẵng sáng tác tại chỗ: Như một nàng công chúa. Ngủ quên ở góc rừng. Bỗng choàng mình thức giấc. Măng Đen đầy sắc xuân”.
Đáp tình, nhà thơ, bác sĩ trẻ Nguyễn Đức Hưng, hội viên Hội VHNT Kon Tum, quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh, quê của đại thi hào Nguyễn Du, công tác ở Trung tâm y tế huyện Kon Plong, đọc liền bài thơ Xuân Măng Đen bằng chất giọng của núi Hồng sông Lam: Mơ màng chờ xuân đến. Thấm vào tầng không gian. Xuân chầm chậm tan loãng. Vào thông xanh mơ màng. Xuân rơi vào xanh thẳm. Mắt đung đưa đại ngàn. Mây vờn trên sương trắng. Chạm vào trời miên man...Xuân chạm vào đánh thức. Gã lữ hành cô đơn. Trong khói chiều lam biếc. Nhớ quê cha bồn chồn”
Khác với nhà thơ bản địa Nguyễn Đức Hưng, nhà thơ nữ Vy Tế, lại thích không gian tờ mờ sáng của nơi đây qua bài thơ mới viết: Bình minh Măng Đen: “ Bạn rủ săn mây trên đèo Măng Đen. Đỉnh đồi phủ kín cỏ lau tháng lạnh. Mắt em ướt. Áo em tím. Chìm trong sương trắng. Chờ mặt trời lên...Bình minh Măng Đen. Thoáng mùi nhựa cây. Bình minh Măng Đen. Rộn ràng tiếng thác. Em nhón chân. Chạy qua những hoa vàng vừa bung nở. Thở hơi thở núi rừng. Thơm mùi thanh sạch. Ngắm bình minh Măng Đen lộng lẫy. Trải dài trên những rặng thông xanh
Nhà thơ nữ tuổi tám mốt Vạn Lộc, hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng, mà thơ và người không chịu già, cứ xăng xái, băng băng tìm nẻo... khu vườn cây hoa anh đào của ông chủ khách sạn Bạch Dương, rồi thốt lên cái giọng của thiếu nữ mười tám : Măng Đen, Măng Đen, Măng Đen. Ta về đây với mùa trăng đại ngàn. Đêm cao nguyên gió mênh mang. Sương buông từng tiếng tơ đàn dịu êm”.
Nhạc sĩ Phan Đức Luận, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kon Tum say sưa hát cho tôi nghe bài hát “Bài ca về Măng Đen” đầy chất thơ của anh: Chuyện tình xưa hồ Toong Đăm đắm say bao người. Chuyện ngày xưa thác Đak Ke âm vang còn đó. Chuyện ngày nay Măng Đen đổi thay bao đời. Măng Đen thiết tha gọi mời...Măng Đen tôi yêu . Ai đến ngỡ ngàng. Sương buông giăng lối. Điện mờ chao nghiêng. Đường ta đi tới thông reo vẫy gọi. Hồn chiêng lên tiếng trào dâng tin yêu”
Có nét gì mới, lạ ở Măng Đen?
Thay vì trả lời, anh Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch Văn - Xã huyện Kon Plong đưa chúng tôi lên thăm khu vực Tượng đài chiến thắng Măng Đen. Chỉ tay lên những phiến đá dạng hình điêu khắc, anh thủ thỉ: Huyện chúng tôi vừa khánh thành Công trình vườn đá Măng Đen, công trình chào mừng 47 năm ngày giải phóng tỉnh Kon Tum (16.3.1975-16.3.2022). Dự án gồm các nội dung chính yếu: Khắc các câu danh ngôn, văn thơ của các anh hùng dân tộc qua các thời kỳ; Khắc những câu về Măng Đen- Kon Plong, những câu thơ thiền, thơ trữ tình, thơ nghiệm sinh với khoảng 130 câu trên 130 phiến đá tự nhiên được bố trí xung quanh tượng đài chiến thắng Măng Đen, xung quanh trung tâm huyện và dọc các tuyến đường Hùng Vương, Nguyễn Huệ, Phạm Văn Đồng. Dự kiến, ngày 31/12/2022 huyện Kon Plong có kế hoạch tổ chức lễ hội hoa anh đào để thu hút du lịch và kêu gọi các nhà đầu tư, xin mời các nhả văn, nhà thơ lên dự
Là Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn Đà Nẵng, Phó giám đốc giúp việc cho nhà thơ Bằng Việt, Giám đốc Trung tâm thơ Lục Bát Vạn Xuân, cố vấn Hội duyên dáng áo dài Việt Nam tại Đà Nẵng, tôi có nhã ý sẽ vận động hơn 100 áo dài nón lá của phái đẹp lên hỗ trợ lễ hội và mở cuộc thi thơ lục bát tại chỗ về hoa anh đào Măng Đen. Tôi cũng gợi ý huyện mời các nhà thơ mọi miền có sáng tác tuyển thơ hay của mình về Măng Đen để được chọn khắc vào các phiến đá nơi đây: Khắc vào phiến đá nguyên sơ. Những danh ngôn những câu thơ đại ngàn. Măng Đen thiên đường. địa đàng. Thông, hoa, thác, suối... không gian thơm lành. Đầu xanh, đầu bạc em - anh. Mẹ thiên nhiên mãi giữ dành cho ta”