Mê thảo, thời vang bóng (đạo diễn Việt Linh, Hãng phim Giải Phóng, 2002) tái hiện lại bức tranh xã hội Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20. Đây là một chuyển thể văn học, phỏng theo tiểu thuyết Chùa Đàn của cố nhà văn Nguyễn Tuân.
GIẢI THƯỞNG - Giải Nữ diễn viên phụ (Thúy Nga), LHPVN lần thứ 14, 2004 - Giải khuyến khích của tại Giải Cánh diều lần thứ I của Hội Điện ảnh Việt Nam, 2004 - Giải nhì của Quỹ cổ động phát hành quốc tế (Promotion Internationale des Films du Sud) - Bông hồng vàng - Liên hoan phim Bergamo, Ý, từ 15 đến 23 tháng 3 năm 2003. |
Đạo diễn Việt Linh đã theo đuổi dự án làm phim này từ năm 1994, đã hai lần bộ phim chuẩn bị được thực hiện bởi các hãng phim Pháp, nhưng cả hai lần đều không thành do những trục trặc trong việc huy động vốn từ phía Pháp. Cuối cùng, bộ phim lại được hãng phim Giải Phóng (một trong ba hãng phim truyện lớn trực thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin) sản xuất bằng nguồn kinh phí từ kế hoạch tài trợ hàng năm của nhà nước Việt Nam.
Các nhà làm phim không đưa toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Tuân lên màn ảnh mà cố gắng nắm bắt được cái không khí, cái thần thái của tác phẩm văn học. Cốt lõi của phim là câu chuyện tình bi thảm mà đắm đuối của Nguyễn - 0020 chàng chủ ấp Mê Thảo (Lê Dũng Nhi đóng) với người yêu của chàng vừa đột ngột ra đi trong một vụ tai nạn ô tô ngay trước ngày cưới. Cái chết của nàng khiến cho chàng căm thù đến tận xương tủy tất cả những gì liên quan đến thế giới văn minh và muốn thiêu hủy mọi phương tiện văn minh. Chàng cứ nửa tỉnh nửa mê ôm ấp hình bóng người tình, mê muội kéo cuộc sống của toàn bộ nông dân trong ấp về thời kỳ đồ đá.
Bộ phim khái quát lên hai chủ đề. Một là “cho dù tình yêu có sâu sắc đến đâu cũng không còn cao đẹp nếu con người trở nên vị kỷ”. Hai là “cho dù ý chí của một con người dù có mạnh mẽ đến đâu cũng không ngăn trở được xu thế của thời đại”. Đây là những bài học rút ra từ một câu chuyện cách đây gần một thế kỷ nhưng cho đến ngày hôm nay vẫn còn có ý nghĩa.
Các nhà làm phim đã tô đậm thêm một số nhân vật khác với nguyên mẫu văn học, nhằm làm tăng kịch tính của phim đồng thời đan thêm những sợi dây quanh số phận bi kịch của chàng chủ ấp Nguyễn. Đó là đôi tình nhân, nàng là Tơ - một ả đào tài sắc trời cho còn chàng là Tam - một tay đàn cự phách, với mối tình định mệnh đắm say nhưng oan nghiệt.
![]() |
Cảnh trong phim "Mê thảo thời vang bóng" |
Mê thảo, thời vang bóng (Hãng phim Giải Phóng sản xuất, 2002). Phỏng theo truyện Chùa Đàn của Nguyễn Tuân; Kịch bản: Phạm Thùy Nhân; Đạo diễn: Việt Linh; Quay phim: Phạm Hoàng Nam; Họa sĩ thiết kế: Phạm Hồng Phong; Âm nhạc: Văn Dung; Diễn viên: Đơn Dương vai Tam, Dũng Nhi vai Nguyễn, Nguyễn Minh Trang vai Cam, Thúy Nga vai Tơ (lồng giọng hát: NSND Thanh Hoài), Hồng Chương vai ông bố già, Hoàng Dũng vai Sinh, Hoàng Yến vai Lụa |
Vì muốn thức tỉnh Nguyễn, ân nhân cứu mạng mình mà Tam đã bước qua lời nguyền tìm đến Tơ và quyết cùng nàng hòa khúc đàn ca cho dù đó là khúc đàn ca tuyệt mệnh. Đúng lúc tình cảm đang dâng lên cuồn cuộn theo điệu hát văn cuốn hút đến ma quái thì lời nguyền ứng nghiệm: Tam đã ngã gục trên cây đàn đáy đứt dây. Và đây cũng là lúc Nguyễn bừng tỉnh khỏi cơn mê muội. Có thể nói trường đoạn hòa đàn này là trường đoạn được thể hiện thành công nhất trong phim, gây xúc động mạnh mẽ đến gai người!
Cũng cần kể thêm một nhân vật nữa là cô Cam (Minh Trang đóng) - một cô gái câm mồ côi đi ở từ nhỏ, thầm yêu ông chủ Nguyễn một cách đắm đuối và tội nghiệp. Trong khi Nguyễn xả thân theo đuổi hình bóng của người tình đã khuất thì cô Cam luôn sẵn sàng xả thân vì Nguyễn, trở thành một vị thần hộ mệnh cho chàng.
Một sáng tạo là các nhà làm phim hoàn toàn không để người yêu của Nguyễn xuất hiện, mà người xem chỉ thấy nàng như một vẻ đẹp hoàn mỹ qua tình yêu và nỗi nhớ của Nguyễn dành cho nàng. Điều này nâng nhân vật lên thành biểu tượng, làm ý nghĩa triết lý của phim cao hơn. Nhưng ngay ở đây tôi lại thấy một sự bất ổn: người yêu của Nguyễn được thiên thần hóa, thánh thiện hóa như vậy thì tình cảm của chàng phải là thứ tình cảm ngưỡng vọng, khó có thể “trần tục” và bản năng như trong những cảnh chàng ân ái, làm tình với bức tượng gỗ hình của nàng do chính chàng đẽo nên! Cho dù có ai khen đó là những cảnh độc đáo nhất trong phim thì người xem vẫn thấy nó lạc điệu. Với cách thể hiện công phu, kỹ lưỡng đến từng chi tiết, với cố gắng tận dụng sức biểu cảm của ngôn ngữ điện ảnh, phim lôi cuốn người xem vào tâm trạng căng như sợi dây đàn, rồi khiến họ rưng rưng trong lòng trước tình cảnh và số phận của các nhân vật, đó là thành công đáng kể nhất!
"Mê thảo, thời vang bóng", được trích từ Phần I tác phẩm "Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập" của TS Ngô Phương Lan. Sách được chia thành 2 phần, trong đó phần đầu tập trung khái quát về những tác phẩm điện ảnh tiêu biểu 30 năm qua. Phần 2 cuốn sách gồm những bài tiểu luận phản ánh những suy nghĩ của tác giả về quá trình phát triển, những vấn đề thăng trầm của điện ảnh Việt Nam trong suốt 30 năm qua. |