Triển lãm gồm 53 mô hình được thiết kế bởi giáo sư Sugihara Kokichi. Tác giả trong quá trình nghiên cứu phát triển mắt cho robot, đã tìm ra các kỹ thuật dựng những bức tranh đánh lừa thị giác thành mô hình thực tế và mở rộng nghiên cứu sang cả lĩnh vực vật thể đánh lừa thị giác. Ông đã sáng tạo nhiều vật thể tưởng chừng phi lý và hiện nay vẫn đang hoạt động với tư cách nghệ sĩ làm mô hình Opt Art.
![]() |
Giáo sư Sugihara Kokichi phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm. Ảnh: BTC |
Khác với những hình ảnh ảo thị chỉ giới hạn trên giấy, các tác phẩm tại triển lãm là những mô hình thật, được tạo ra bằng các công thức lượng giác. Một hình tròn từ góc này song lại có thể biến thành chuỗi hình vuông lồng vào nhau khi nhìn từ góc khác.
Chiếc gương đặt cạnh chú cá nhưng chỉ phản chiếu lại bộ xương. Một số thiết kế, kích cỡ chỉ tầm 8cm song lại tạo ra hiệu ứng choáng ngợp, làm mê mẩn cả những cặp mắt tinh nhất, dù quan sát xa hay gần.
![]() |
Triển lãm "Ảo thị" mang đến cho công chúng Việt Nam những trải nghiệm mới mẻ về thị giác. Ảnh: BTC |
Thông thường mắt là nhân chứng đáng tin và xác thực nhất nhờ chức năng thị giác ba chiều. "Phản biện" lại niềm tin này một cách hóm hỉnh, giáo sư Sugihara Kokichi đã tận dụng “điểm mù” của thị giác, tạo ra những hiện tượng tưởng chừng như không thể, đem đến cho người xem trải nghiệm thú vị và suy tư trước những câu hỏi triết học lớn.
Ngoài ra, những phát hiện của ông còn khơi gợi tư duy khoa học, hé lộ vẻ đẹp và mối liên hệ giữa toán học, nghệ thuật và cảm nhận của con người.
Từ những năm 2000, giáo sư Sugihara Kokichi đã bắt đầu khám phá các hiện tượng thị giác thú vị này và tham gia triển lãm ở Nhật cũng như nhiều nơi trên thế giới. Tác phẩm của ông từng được lên sóng nhiều chương trình truyền hình Nhật Bản nổi tiếng như “DESIGN TALK plus” của đài NHK, “Arashi ni Shiyagare” của nhóm nhạc trứ danh Arashi, được công chúng đón nhận rộng rãi.
![]() |
Một tác phẩm tại triển lãm. Ảnh: BTC |
Những sáng tác của giáo sư Sugihara Kokichi đã được trưng bày tại nhiều bảo tàng khoa học và nghệ thuật hàng đầu thế giới, trong đó có thể kể đến Bảo tàng Cố cung quốc gia tại Đài Loan (Trung Quốc).
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 24/8, giúp công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam tiếp cận một phong cách hiếm thấy, đạt đến độ tinh xảo cả về tính toán toán học và sáng tạo nghệ thuật.