Là người hoạt động mỹ thuật gần 40 năm qua cả ở lĩnh vực hội họa và đồ họa, tham gia hầu hết các cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc, triển lãm do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức và một số cuộc thi, triển lãm tranh cổ động trước đây. Với đồ họa ứng dụng, đây là lần đầu tiên tôi góp mặt tại triển lãm Nghệ thuật thiết kế bìa sách, báo, tạp chí Việt Nam 2025. Tuy vậy, qua theo dõi hoạt động này xin có đôi điều như sau:
![]() |
Nhà phê bình Mai Ngọc Oanh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc triển lãm |
1. Trước hết, tôi cảm phục và đánh giá cao sáng kiến và cách làm chủ động sáng tạo của họa sĩ Lê Tiến Vượng trên cương vị Trưởng Chi hội Đồ họa 2 - Hội Mỹ thuật Việt Nam với nhiều hoạt động mỹ thuật ý nghĩa trong thời gian vừa qua như: triển lãm Nghệ thuật sáng tác logo Việt Nam, tháng 5/2018; triển lãm Nghệ thuật thiết kế bìa sách Việt Nam, tháng 5/2022; triển lãm Nghệ thuật thiết kế quảng cáo Việt Nam, tháng 6/2024... Và lần này là triển lãm Nghệ thuật thiết kế bìa sách, báo, tạp chí Việt Nam 2025.
Các triển lãm trên đều thành công tốt đẹp, càng về sau càng thành công hơn, quy mô hơn, lan tỏa hơn và đặc biệt là chuyên nghiệp hơn, tôn vinh và khẳng định được vị trí xứng đáng của mỹ thuật ứng dụng trong hoạt động mỹ thuật nói riêng và đời sống xã hội nói chung. Sau mỗi triển lãm đều có tọa đàm chuyên môn, tổng kết trao giải thưởng... Điều này không chỉ nói lên sáng kiến của họa sĩ Lê Tiến Vượng mà còn thể hiện năng lực tổ chức, uy tín nghề nghiệp của họa sĩ trong việc quy tụ đông đảo các tác giả, nhiều đối tượng, thành phần trong cả nước tham dự. Bên cạnh đó còn mời gọi tài trợ, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động mỹ thuật...
![]() |
Họa sĩ Lê Tiến Vượng - Trưởng Chi hội Đồ họa 2 giới thiệu khái quát về triển lãm |
2. Với cuộc triển lãm Nghệ thuật thiết kế bìa sách, báo, tạp chí Việt Nam 2025 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, của Hội Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 13 đến 22/6/2025. Một triển lãm khá hoành tráng với sự góp mặt của hầu hết các họa sĩ thiết kế các vùng miền trong cả nước; sôi động và lan tỏa tích cực ngay từ buổi khai mạc, giúp cho công chúng có cái nhìn đúng đắn hơn về mỹ thuật ứng dụng nói chung và thiết kế bìa sách, báo, tạp chí nói riêng. Nhất là triển lãm được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Như chúng ta đã biết, trong xã hội hiện đại, hình thức bao bì luôn có vai trò quan trọng trong truyền tải nội dung bên trong. Một cuốn sách hay ấn phẩm báo, tạp chí, giúp nó sẽ trở nên hấp dẫn, giá trị hơn, chiếm được cảm tình, gây sự tò mò của độc giả muốn đọc nó hay không. Trước hết, đó chính là trang bìa, có yếu tố quyết định quan trọng, nhất là đối với sách văn học. Thiết kế bìa không chỉ đẹp mà còn phải có sức truyền tải thông điệp chính của ấn phẩm. Màu sắc, hình ảnh phải đảm bảo hài hòa, phản ánh được chủ đề, thể loại. Chẳng hạn bìa một cuốn tiểu thuyết lãng mạn, tiểu thuyết trinh thám khác với bìa báo chính luận hay thời trang... Tôi đã từng bắt gặp rất nhiều bìa báo, tạp chí văn nghệ đẹp của các hội văn học nghệ thuật địa phương, nhưng cũng thật sự buồn khi cũng gặp không ít trang bìa quá kém, thậm chí là quê mùa, dễ dãi từ trình bày măng séc (manchette) đến tranh vẽ hay ảnh minh họa, màu sắc... Đồng thời, cũng rất thiếu hứng khởi khi gặp không ít cuốn sách mà các tác giả tặng có trang bìa quá xấu, khiến không muốn nhận nó chứ chưa nói đến đọc cuốn sách ấy.
Có lẽ người ta đọc nhiều các tác phẩm kinh điển, không chỉ bởi nó là sáng tạo của các tác giả tên tuổi, mà nhìn chung những cuốn sách này cũng được trình bày bìa khá kinh điển, hấp dẫn bạn đọc, truyền tải được nội dung, tinh thần đặc trưng nhất của tác phẩm. Có thể kể đến: Những người khốn khổ, Nhà thờ Đức Bà Paris của Victor Hugo; Trăm năm cô đơn, Tình yêu thời thổ tả của García Márquez; Ba người lính ngự lâm, Trà hoa nữ của Alexandre Dumas cha và con; hay Không gia đình của Hector Malot; Don Quijote của Cervantes... Tóm lại, một thiết kế bìa hiệu quả sẽ thúc đẩy hành vi mua hàng. Bìa đẹp không chỉ tăng giá trị thẩm mỹ mà còn tạo sự tin tưởng cho độc giả muốn có nó ngay cả khi chưa biết về nội dung. Nó có vai trò marketing thầm lặng nhưng rất mạnh mẽ.
![]() |
![]() |
Các đại biểu dự khai mạc triển lãm |
3. Về hình thức sáng tạo bìa sách, báo, tạp chí: Theo tôi, tạm chia thành 3 dạng thức thể hiện như sau:
Một là, trình bày bìa: Hình thức này thường là sản phẩm bìa của những tác giả mới vào nghề, những người có thể không học mỹ thuật nhưng biết sử dụng công nghệ máy tính, hoặc có kinh nghiệm làm công việc in ấn xuất bản. Họ đều có thể tạo ra các bìa sách, báo, tạp chí, chỉ cần tạo ra một mảng màu nền hay chọn hình ảnh phù hợp, đặt chữ hoặc măng séc lên là thành bìa. Cách làm này đơn giản, dễ làm nhưng nhìn chung hạn chế về tính sáng tạo cũng như sự hấp dẫn của trang bìa, sắc độ đậm nhạt của nền và chữ thường bị dấp dính. Dạng thức này trong triển lãm bên cạnh những trang bìa khá đẹp, còn có những tác phẩm non tay.
![]() |
Các đại biểu dự tọa đàm ngày 22/6/2025 |
Hai là, thiết kế bìa: Đây là tác phẩm của các họa sĩ, nhà thiết kế có chuyên môn vững, giỏi sử dụng công nghệ đồ họa, khai thác và tận dụng được lợi thế của công nghệ, sắp đặt màu sắc, lồng ghép hình ảnh, vẽ hình ảnh trên máy tính tạo ra sản phẩm ưng ý hấp dẫn, truyền tải được nội dung, lôi cuốn độc giả. Có thể kể đến các tác phẩm bìa của họa sĩ Lê Huy Văn, Lê Tiến Vượng, Nguyễn Lê Tâm, Kim Duẩn, Trần Thắng, Bích Ngân, Nguyễn Mạnh Tiến, Lê Ngọc Huyền, Hà Huy Chương, Nguyễn Đình Thi, Thái Thanh Vân, Lê Thuận Long, Bùi Hải Nam...
Ba là, vẽ bìa: Các bìa sách, báo, tạp chí được họa sĩ sáng tạo và thể hiện hoàn toàn bằng vẽ tay, có thể sau đó chụp ảnh nhờ máy tính trau chuốt lại, cũng có thể để nguyên mảng màu, nét vẽ rồi đặt chữ, hoặc măng séc lên tạo sự hấp dẫn từ cái duyên của mảng màu loang hay nét vẽ tay giàu tính trang trí. Nhóm bìa này thường sử dụng đối với sách, báo, tạp chí văn nghệ. Có thể dẫn ra nhóm bìa của họa sĩ Lê Trí Dũng, Phạm Minh Hải, Ngô Xuân Khôi, Đỗ Ngọc Dũng, Đỗ Dũng...
![]() |
Các tác giả có tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng tại triển lãm |
4. Về phê duyệt chọn bìa: Trong bài viết mạn đàm Triển lãm nghệ thuật thiết kế bìa sách, báo, tạp chí Việt Nam 2025, họa sĩ Lê Tiến Vượng từng đề cập đến nội dung này. Ông cho rằng, người sử dụng - Giám đốc hay Tổng Biên tập cơ quan xuất bản, cơ quan báo chí với họa sĩ, nhà thiết kế bìa trong một số trường hợp xảy ra góp ý sửa đổi, bổ sung thay đổi... cần dung hòa xây dựng tiếng nói chung đồng thuận vì mục tiêu hướng tới bạn đọc. Tôi đồng tình cao với quan điểm này của ông. Tôi cũng nhận thấy, bên cạnh những Tổng Biên tập hiểu biết mỹ thuật, góp ý kiến chính xác cũng không ít Tổng Biên tập, nhất là các Tổng Biên tập báo chí địa phương còn hạn chế về hiểu biết nghệ thuật, thường góp ý, yêu cầu sửa chữa, thêm bớt nhiều khiến họa sĩ rất bị ức chế. Tuy vậy, đôi khi với tôi cũng phải tặc lưỡi, miễn cưỡng chiều theo ý của Tổng Biên tập mà sửa chữa, cho dù biết nó rất rườm rà, có khi còn vô lý... Nay theo kinh nghiệm của họa sĩ Lê Tiến Vượng có lẽ cũng phải ghi: "Trang bìa 1 thể hiện theo yêu cầu của..."
5. Về nhuận bút: Theo tôi được biết, nhìn chung chế độ thù lao mà các cơ quan báo chí, xuất bản trả cho họa sĩ thiết kế bìa thường rất thấp, chưa xứng với công sức bỏ ra. Bởi vẽ một bìa sách, báo, tạp chí đẹp không hề dễ, nhất là vẽ bìa các báo, tạp chí số Tết Âm lịch. Vài ba năm gần đây, tôi có vẽ khá nhiều bìa báo, tạp chí số Tết cho các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương (mỗi năm từ 15-17 bìa). Thường nhận được nhuận bút trung bình trên dưới 1 triệu đồng, hiếm đến 2 triệu đồng cho một bìa. Riêng tạp chí Việt Nam hội nhập, Tổng Biên tập - nhà thơ Đoàn Mạnh Phương luôn ứng xử tinh tế, ông thường lên tận nhà biếu quà Tết, báo biếu và gửi nhuận bút 10 triệu đồng cho mỗi bìa báo Tết.
![]() |
Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng bên cụm tác phẩm đoạt giải thưởng của mình |
6. Trong kỷ nguyên công nghệ số - thời đại 4.0, công nghệ in ấn phát triển mạnh, nghệ thuật thiết kế bìa sách báo, tạp chí ngày càng thuận lợi giúp các nhà thiết kế, họa sĩ tạo ra những bìa ấn phẩm đẹp, bắt mắt hấp dẫn bạn đọc, truyền tải thông điệp nội dung, tinh thần bên trong của ấn phẩm, nhất là đối với ấn phẩm văn chương, nghệ thuật. Nhưng theo tôi mỗi nhà thiết kế cần tạo được phong cách riêng của tác giả, dấu ấn nhận diện riêng cho từng ấn phẩm báo chí. Bìa không chỉ đẹp về hình thức, mà cần phải gợi mở trí tò mò, khơi gợi xúc cảm của độc giả, lôi cuốn độc giả muốn khám phá nội dung của ấn phẩm. Bởi nó không chỉ là công đoạn kỹ thuật mà còn là một nghệ thuật, một chiến lược quan trọng góp phần không nhỏ vào kết quả của ấn phẩm. Đó mới thực sự là thành công của họa sĩ, nhà thiết kế bìa sách, báo tạp chí, trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay.