Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ đầu công nguyên, theo chân các tăng lữ Ấn Độ, Nhưng từ thế kỷ thứ 5 trở đi tình hình đã khác. Nếu như ở phía Nam Phật giáo hòa đồng với các tôn giáo bản địa vốn thuần nhất và thuần phác, thì ở phía Bắc Phật giáo bắt đầu chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Từ Ấn Độ, Phật giáo vào Trung Quốc và khi tiếp tục du nhập vào Việt Nam, các triều đại phong kiến Trung Quốc muốn sử dụng Phật giáo bên cạnh các phương tiện khác để nô dịch nước ta. Do vậy bên cạnh mục đích ban đầu: tu thân, tích đức để mong được siêu thoát, thì tín đồ Phật giáo Việt Nam càng ngày càng phải “nhập thế” mà tư tưởng hộ quốc an dân là một trong những tư tưởng chủ đạo, để chống lại sự nô dịch của phương Bắc.
Ngoài sức mạnh tự thân, triết lý Phật giáo còn dung nạp những thế mạnh của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, để trở thành chỗ dựa tinh thần, là quốc giáo của Việt Nam từ triều Lý trở về trước. Sau này khi không còn là quốc giáo nữa, nhưng Phật giáo vẫn giữ vai trò quan trọng trong từng xã hội (đặc biệt là trong dân gian). Câu ngạn ngữ “Đất Vua chùa làng, phong cảnh Bụt” thể hiện rất rõ điều ấy. Bụt là tên gọi khác của Phật, dịch trực tiếp từ chữ Phạn. Nhà sư trong các chùa làng trở thành các trí thức dân gian, coi sóc “phần hồn” của dân làng: nhiều nhà sư dạy học, bốc thuốc… và trở thành trung tâm của các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh. Nhiều hoạt đông như dâng sao giải hạn, gọi hồn, cắt tiền duyên… tuy không nằm trong giáo lý của nhà Phật, nhưng các nhà sư cũng phải thực hiện theo yêu cầu của tín đồ. Có điều cách đây mấy chục năm, những hoạt động ấy rất trong sáng, không vụ lợi như bây giờ. Tôi nhớ mẹ tôi trước đây đầu năm nào cũng ghi tên tuổi, năm sinh tháng đẻ, địa chỉ… của con, cháu, chắt để ra chùa dâng sao giải hạn. Mỗi người chỉ hết vài nghìn, chứ không đến 500.000 đ hoặc 1 triệu như một số chùa ở Hà Nội “kinh doanh”. Khi đó cũng không có hòm công đức đặt khắp nơi như bây giờ. Tiền dâng sao giải hạn, ngoài việc làm lễ, đây cũng là cách các tín đồ đóng góp để các sư sãi trong chùa mua hương, nến, trong những dịp cúng tế. Ngoài ra các nhà sư cũng phải làm vườn, cày cấy để có cái mà ăn. Sinh hoạt của nhà chùa cũng rất đạm bạc, chứ không có phong cách “đại gia” như không ít nhà sư bây giờ.
Cũng vì được rảnh rang hơn để lo Phật pháp nên sinh hoạt của các tín đồ Phật giáo ở phía Nam thuần phác hơn, nhưng cũng chặt chẽ hơn. Các tín đồ ở phía Nam đều phải học kinh kệ có tính chất bắt buộc, thậm chí ở một số tỉnh (như Sóc Trăng chẳng hạn) thanh niên đến tuổi còn phải vào chùa tu tập. Đồng bào ở một số tỉnh phía Nam (cũng như tín đồ của các nước bạn: Lào, Căm pu chia, Thái Lan…) không lạ gì cảnh các nhà sư đi khất thực. Ngay ăn mặc của những người đi tu cũng khác: nâu sồng là chỉ vẻ giản dị, mộc mạc của các nhà sư phía Bắc. Người ta tôn trọng những người có đức tính và đạo đức nhà Phật hơn là người tu tập cụ thể. Do đó mới có câu “Thứ nhất thì tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Người ta tôn trọng những người một đời ăn chay niệm Phật, Phật tại tâm hơn là những ông sư hổ mang. Như vậy xét về một phương diện nào đó Phật giáo ở Việt Nam (đặc biệt là phía Bắc) là môt tôn giáo mở và dân chủ.
Cái hay của tín ngưỡng nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng là không thể không ảnh hưởng phương Bắc, nhưng cố gắng để ảnh hưởng ít nhất hoặc biến triết lý của người thành của mình, có lợi cho mình. Chẳng hạn “tết hàn thực” của Trung Quốc sang Việt Nam trở thành “tết bánh trôi, bánh chay”, “tết đoàn viên” của Trung Quốc trở thành tết Trung Thu, “tết trông trăng” của thiếu nhi Việt Nam. Rõ nhất là những lễ tiết và tục lệ nhân dịp rằm tháng Bảy (Âm lịch) cũng xuất phát từ tích ông Mục Kiều Liên thấy mẹ bị quỷ sứ hành hạ trong địa ngục, đã đặt ra tục “lễ Vu Lan báo hiếu” rằm tháng Bảy nhưng nếu ở trong Nam người ta chú ý nhiều đến lễ Vu Lan báo hiếu và “Bông hồng cài áo” thì ở phía Bắc lại là lễ cúng cô hồn, với ngô luộc, khoai lang luộc và cháo lá đa, với triết lý: Đây là ngày cúng cô hồn - những người chẳng may chết đường, chết chợ, không có ai cúng giỗ. Ngày này địa ngục được mở ra để những kẻ phạm tội cũng được hưởng lộc cúng tế. Việc báo hiếu cha mẹ cũng được phật tử phía Bắc lưu tâm, nhưng với ý nghĩa: việc báo hiếu là việc cả đời, việc cúng cô hồn chỉ có 1 dịp vào rằm tháng Bảy. Bây giờ các bạn trẻ không lưu ý vấn đề này, cho nên rằm tháng Bảy chủ yếu chỉ để tâm vào lễ Vu Lan báo hiếu và Bông hồng cài áo mà quên mất triết lý rất nhân bản của cha ông ta trong việc dành một ngày để cúng các cô hồn. (Đây cũng là lý do đại thi hào Nguyễn Du viết Văn tế Thập loại chúng sinh).
Có thể nói Phật giáo Việt Nam là môt hình mẫu về tôn giáo đồng hành với lịch sử dân tộc. Hình thành và phát triển cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Phật giáo Việt Nam luôn luôn giữ vững và phát triển phẩm cách của dân tộc. Đã có biết bao nhiều nhà sư “Cởi áo cà sa khoác chiến bào” cùng cả dân tộc đứng lên chống giặc ngoại xâm. Vì lẽ đó (và cũng một phần vì khí hậu) các chùa thường nhỏ, khiêm tốn nép mình bên cạnh cuộc sống cần lao của người dân. Tất cả những chùa cổ đều có kiến trúc đẹp, phong cảnh hữu tình, theo đúng triết lý nhà Phật “cứu một người hơn xây bảy tòa tháp”. Do vậy rất nhiều tín đồ phiền lòng khi thấy một số chức sắc Phật giáo bây giờ quá chú trọng đến quy mô của chùa khi xây mới như “to nhất Đông Nam Á, nhiều tượng nhất Đông Nam Á, tương to nhất Đông Nam Á”. Điều Phật giáo và tín đồ Phật giáo hết sức phản đối là sự vụ lợi trong việc xây dựng và tôn tạo chùa chiền.
Nguồn Văn nghệ số 24/2022