Sự kiện & Bình luận

Mùa hè không phải... “mùa hè”

Chính trị xã hội
08:26 | 20/06/2024
Mùa hè là mùa các lớp học đều đóng cửa, sân trường vắng vẻ, học trò được nghỉ ngơi sau 9 tháng bận rộn học hành, thi cử Xưa, mùa hè là mùa mong đợi của các thế hệ học trò, bởi mùa hè là được nghỉ hè, được vui chơi thỏa thích, được tham gia các hình thức sinh hoạt hè vui khỏe, được theo người lớn đi du lịch đó đây
aa

Mùa hè là mùa các lớp học đều đóng cửa, sân trường vắng vẻ, học trò được nghỉ ngơi sau 9 tháng bận rộn học hành, thi cử... Xưa, mùa hè là mùa mong đợi của các thế hệ học trò, bởi mùa hè là được nghỉ hè, được vui chơi thỏa thích, được tham gia các hình thức sinh hoạt hè vui khỏe, được theo người lớn đi du lịch đó đây...

Trẻ em thành phố thì được về thăm quê nội, quê ngoại, ngoài nhu cầu tình cảm cội nguồn thì còn được trải nghiệm bao điều lý thú của thôn quê. Trẻ em nông thôn thì được “lên tỉnh, ra phố” mở mang tầm nhìn theo nguyên lý “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Và nữa, mùa hè là khoảng thời gian để thực hiện bao dự định bấy lâu ấp ủ nhưng chưa thể thực hiện vì bận theo thời khóa biểu học tập...

Tuổi hoa. Ảnh: Minh Trường

Thế nhưng từ nhiều năm nay, khái niệm mùa hè truyền thống trên đây không còn nữa đối với đa số học sinh phổ thông các cấp, cả ở thành thị và nông thôn. Bởi bây giờ nghỉ hè là bước vào một kỳ học mới thậm chí còn nặng hơn hai học kỳ chính khóa, vì kế hoạch và nội dung của “kỳ học” này đa phần do phụ huynh và học sinh chủ động sắp xếp, lựa chọn. Thôi thì đủ môn học và đủ các hình thức học thêm. Học cả ngày lẫn đêm; cả thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ; học trên lớp, học ở nhà thầy cô, học tại “lò” ôn luyện, tại gia đình có gia sư kèm cặp... Thật không ngoa khi hiện nay có nhiều người gọi mùa hè là “học kỳ ba” của học sinh

Hiện tượng trên đây diễn ra đã vài chục năm nay, dư luận phàn nàn đã nhiều, ngành giáo dục - đào tạo cũng đã có các qui định chấn chỉnh... Nhưng thực tế “học kỳ ba” vẫn diễn ra thậm chí ngày càng sôi động hơn. Sở dĩ như vậy bởi ngoài các nguyên nhân tiêu cực khách quan, còn có một nguyên nhân chủ quan, đó là rất nhiều gia đình có nhu cầu cho con em học hè với rất nhiều lý do chính đáng, như: Phụ đạo kiến thức vì học lực yếu, nâng cao kiến thức để thi vào trường chuyên lớp chọn... Và học thêm vì thấy con cháu nhà ai cũng học thêm, nên không thể để con em mình... ngoại lệ! Ngoài ra, không ít gia đình vì bố mẹ bận làm ăn nên cho con học thêm để quản lý trong thời gian nghỉ hè. Lại cũng có không ít gia đình muốn cho con em được nghỉ hè thoải mái, nhưng không biết cho các cháu chơi gì và chơi ở đâu, vì phong trào Đoàn thanh niên và Đội thiếu nhiên ở đó thường im ắng. Các Nhà văn hóa xây dựng cho thanh niên và thiếu niên thì hoặc là đã không hoạt động gì từ lâu, hoặc là đã cho thuê làm các dịch vụ-kinh doanh, hoặc là có hoạt động nhưng cũng là một loại... học thêm biến tướng!

Đối với học sinh các thành phố lớn hiện nay, một trong những lý do “khẩn thiết” phải học thêm trong dịp hè còn là để thi vào các trường phổ thông công lập. Ngoại trừ một số gia đình thuộc diện “nhà có điều kiện”, muốn con em mình được học những trường có uy tín cao, dù phải đóng thêm khoản tiền “trái tuyến”, thì đa số các gia đình tìm cách thì đỗ vào các trường công lập là để giảm bớt gánh nặng học phí ở các trường tư thục, thường chiếm quá nửa lương tháng của cha mẹ là những người lao động bình thường. Trong khi đó, tại nhiều thành phố lớn hiện nay, nhất là ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hiện tại hệ thống các trường phổ thông công lập chỉ đáp ứng khoảng trên dưới 50% nhu cầu xã hội, vì vậy vào trường công thực sự là một cuộc đua quyết liệt bằng nhiều cách của phụ huynh và học sinh, trong đó có cách phải học thêm cật lực để thi thố cạnh tranh. Bên cạnh việc tăng dân số cơ học trong cơ chế thị trường, thì thực trạng thiếu trường học còn có nguyên nhân thiếu đồng bộ từ các dự án chung cư và khu đô thị mới. Trong các dự án xây dựng các khu đô thị mới đã được các cấp và các ngành chức năng phê chuẩn, đều có các hạng mục y tế, giáo dục, văn hóa… và nhiều dịch vụ sinh hoạt khác. Thế nhưng phần chung cư thì đã xây, đã bán và đưa vào sử dụng đã nhiều năm nay, nhưng các công trình phúc lợi như trên thì vẫn nằm… trên giấy, học sinh phổ thông các cấp không có trường để học.

Không chỉ học sinh phổ thông, mà tình trạng thiếu nhà trẻ và trường mầm non cũng đang là một vấn nạn ở các thành phố lớn, nhất là ở các khu đô thị mới xây dựng. Rất ít các nhà máy ngoài quốc doanh có nhà trẻ cho con công nhân đang làm việc tại nhà máy. Địa bàn nơi họ cư trú thì nhà trẻ công lập hoặc là không có, hoặc là đã quá tải không thể chen vào được. Gửi con vào nhà trẻ tư thục có giấy phép hoạt động thì giá cao ngất ngưởng, vượt quá khả năng tài chính của những người lao động bình thường. Thế là nhiều gia đình phải liều gửi con vào các nhà trẻ “chui” và nhiều chuyện đau lòng đã xảy ra do các cơ sở “chui” này thiếu các điều kiện vật chất và kiến thức nuôi dạy trẻ, thiếu các điều kiện vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm; đặc biệt một số trường hợp bạo hành trẻ em khiến dư luận bức xúc căm phẫn...

Những điều trên đây không phải là cá biệt ở một khu công nghiệp hay một địa phương mà là tình trạng chung của cả nước ta hiện nay. Dư luận đã bàn tán khá nhiều và thường đổ cho “cơ chế thị trường”... Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng thực trạng này có một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương và các ngành hữu quan. Tại sao các khu đô thị mới chưa có nhà trẻ, trường học, bệnh xá… và các công trình phúc lợi khác đi kèm như trong dự án đầu tư, mà chính quyền địa phương và các ngành chức năng vẫn “làm ngơ” cho các nhà thầu được kinh doanh nhà ở hợp pháp, thậm chí còn được cấp phép triển khai dự án mới?

Bất luận vì những lý do gì thì việc tiếp tục “nhồi nhét” thêm kiến thức cho học sinh phổ thông trong dịp nghỉ hè, biến mùa hè thành “học kỳ ba” của học sinh phổ thông cũng là việc làm phản khoa học, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm-sinh lý của lứa tuổi học đường. Để khắc phục vấn nạn “học kỳ ba”, rõ ràng cần có giải pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Biện pháp căn cơ hơn cả là ngành giáo dục cần phải cải cách triệt để lối học nhồi nhét kiến thức, chạy theo thành tích, nặng nề thi cử... tạo áp lực tiêu cực lên học sinh như hiện nay. Chăm lo cho học sinh phổ thông có được những kỳ nghỉ hè vui khỏe, bổ ích, lý thú... là thiết thực thực hiện những quyền lợi cơ bản của con em chúng ta đã được ghi trong Công ước quốc tế về Quyền trẻ em mà Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tham gia ký kết!

Nhân đây cũng nêu thêm một hiện tượng là gần đây một số đám cưới ở các thành phố lớn thường có thêm phần mua vui của dàn vũ công và ca sĩ nhí gồm độ chục cháu bé, độ 6-7 tuổi khá xinh xắn, ăn mặc rất.. “thời trang” và múa hát rất điệu nghệ. Những cô bé, cậu bé ngây thơ xinh đẹp, trong những bộ cánh trắng muốt như những thiên thần bé nhỏ làm phù dâu, phù rể trong lễ thành hôn, trông thật ấn tượng. Tiếp đến là những tiết mục múa hát của các cháu. Hát song ca, tam ca có múa phụ họa như… người lớn. Các bé gái thì guốc cao gót, váy ngắn, áo hở; bé trai thì giày đen, áo đuôi tôm, cổ thắt nơ... Các cháu múa hát trong khi người lớn thì… say sưa ăn uống và thỉnh thoảng lại rộ lên những tràng “zdô…zdô”... Quả thật hồi mới xuất hiện “mốt” này ở một số đám cưới, nhiều thực khách cũng thấy là lạ, vui vui. Nhưng khi loại hình dịch vụ này đang có xu hướng đại trà, phổ biến thì nhiều thực khách trong tiệc cưới bỗng… trắc ẩn: Tuổi các cháu đâu phải tuổi đi phục vụ để kiếm tiền ở khách sạn, nhà hàng? Mà sao các cháu lại múa hát toàn những ca khúc và điệu bộ của người lớn thế kia? Và trong khi các bậc chú bác, ông bà thì ăn uống cười đùa mà bắt các cháu tuổi nhi đồng múa hát phục vụ thì… khó coi quá!

Được biết, chuyện đồng ấu phù dâu phù rể là một nghi thức hôn lễ đã có hàng trăm năm trước trên thế giới và mới du nhập vào nước ta khoảng giữa thế kỷ trước. Đó là một nghi thức giàu ý nghĩa tượng trưng được chấp nhận ở nhiều nền văn hóa Đông-Tây. Nhưng nếu nghi thức ấy bị lạm dụng, bị biến tướng theo mục đích thương mại thì ý nghĩa thiêng liêng nguyên khởi của nó cũng không còn nữa. Và như vậy thì xét về cả lý lẫn tình đều rất đáng băn khoăn, áy náy…

TUYÊN HÓA

Nguồn Văn nghệ số 24/2024


Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.