*Trong 5 năm trở lại đây, triển lãm Mỹ thuật khu vực V (Nam Miền Trung-Tây Nguyên) lần thứ XXVII (năm 2022) được ghi nhận là mùa “bội thu” tác phẩm, cả về số lượng lẫn chất lượng và trong không gian có phần “khá đặc biệt”.
Triển lãm Mỹ thuật khu vực V (nam Miền Trung - Tây Nguyên) lần XXVII (năm 2022) quy tụ 167 tác phẩm được sáng tác từ tháng 8/2021 đến giữa năm 2022, của 156 tác giả. Trong số 156 tác giả, 70 tác giả đã là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam (mang đến 81 tác phẩm); 86 tác giả là hội viên, cộng tác viên của Liên hiện các Hội Văn học - Nghệ thuật 9 địa phương (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và 3 tỉnh Tây Nguyên là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk)), mỗi tác giả có 1 tác phẩm được chọn triển lãm.
Cùng với các phiên triển lãm ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước (với tư cách là điểm triển lãm cho khu vực), Triển lãm Mỹ thuật khu vực V góp phần khần khẳng định sự sôi động trở lại của đời sống sáng tác, các tác phẩm đã có cơ hội đến với công chúng, sau một thời gian rất dài chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh COVID-19.
*Bên ngoài khu vực triển lãm là một vườn tượng “có một không hai”, bên trong là nơi quy tụ tác phẩm của các họa sĩ tại 9 tỉnh, thành Nam Miền Trung-Tây Nguyên cho thấy phong trào sáng tác ở các Hội Mỹ thuật địa phương đang bừng lên sức sống mới, đánh thức sự sáng tạo mạnh mẽ trong mỗi họa sĩ
“Tôi luôn mơ một không gian trang trọng, rộng, thoáng lại đẹp và nhiều ý nghĩa như thế này. Mong rằng trong quy hoạch kiến trúc các công trình công cộng, các cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư ưu ái dành một phần không gian cho nghệ thuật. Nơi đó, anh em chúng tôi trải lòng mình với công chúng, được tỏ bày trách nhiệm của người nghệ sỹ” – một họa sỹ “có tiếng” của Mỹ thuật Đà Nẵng bộc bạch.
Triển lãm Mỹ thuật khu vực V (nam Miền Trung - Tây Nguyên) lần XXVII (năm 2022) quy tụ 167 tác phẩm được sáng tác từ tháng 8/2021 đến giữa năm 2022, của 156 tác giả. |
Lắng lòng với những cung bậc cảm xúc
“Triển lãm Mỹ thuật khu vực V có nhiều tác phẩm xuất sắc. Tượng Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu (tác giả Đinh Gia Thắng – Hội Mỹ thuật Đà Nẵng) ; Hồi ức của Mẹ (bút Gelly trên giấy Canxon, tác giả Lê Huy Hạnh- Hội Mỹ thuật Đà Nẵng); Tác phẩm Hát bội – đoạt giải A của triển lãm (tác giả: Họa sỹ Lê Nguyên Chính - Hội Mỹ thuật Quảng Nam), hay tác phẩm Bàn tay của đất (điêu khắc – sắp đặt), được trao giải B của tác giả Lê Trọng Nghĩa (Hội Văn học nghệ thuật Bình Định)...” – Họa sỹ Nguyễn Trung Kỳ, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng - một trong những thành viên đảm nhận vai trò giám tuyển tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, chia sẻ.
Hát bội – tác phẩm được giải A của triển lãm |
Hát bội – tác phẩm được giải A của triển lãm, nhận được rất nhiều lời ngợi khen. Với nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ cho một chủ đề đã “đi vào trong tiềm thức, trong máu thịt của tôi, từ lúc còn ngồi trên ghế giảng đường”, họa sỹ Lê Nguyên Chính bất ngờ mang đến cho công chúng khám phá riêng của anh, góc nhìn vào phía sau cánh gà của nghề hát bội. Nhân vật chính của tác phẩm là vai Lão (người già), sau khi đã hoàn tất khâu hóa trang, diễn viên đang ăn vội lót dạ, chờ lên sàn diễn … Gương mặt đã được hóa trang nên không ai nhận ra diễn viên đang vui hay buồn, chỉ biết đó là một vai Lão… Cái tất bật, động thái sẵn sàng, chỉ chờ đến giờ “được” xuất hiện trước công chúng của diễn viên hát bội hiển hiện rõ trên tác phẩm. Nhưng thông điệp chính mà tác giả Lê Nguyên Chính – đã khéo léo được ẩn dụ - muốn nói, lại là câu chuyện nặng lòng…
“Hát bội đã mai một nhiều, nghề diễn chẳng mấy khi còn đất diễn … Nhưng những diễn viên hát bội vẫn cố gắng trụ lại với nghề, bởi nghề là một phần trong cuộc đời của chính họ. Không còn được diễn, thì cuộc sống thật chẳng còn ý nghĩa gì. Tôi không chọn biểu đạt cái rực rỡ của hát bội như mặt nạ, động tác vũ đạo, tôi chọn những thân phận nghề diễn. Những người đang giữ nghề và chờ cơ hội trao truyền. Muốn vậy, chính họ phải thật lòng, sống chết với nghề. Bất luận trước giờ diễn đã gặp phải chuyện gì, dù phải bỏ dở một cuộc vui, hay đang gặp chuyện buồn; dù đang sống thiếu thốn, thậm chí rất nghèo khó, nhưng khi lên sân khấu, họ vẫn phải diễn hết mình, ngay ở lúc này, phía sau cánh gà, vẫn đau đáu nỗi lo phải thể hiện đúng với tính cách nhân vật mà mình được phân vai” – họa sỹ Lê Nguyên Chính trải lòng khi trò chuyện với Văn nghệ Online.
Tác giả Lê Trọng Nghĩa bên tác phẩm Bàn tay của đất. |
Lê Trọng Nghĩa – Nghệ sỹ đa tài đến từ Phố biển Quy Nhơn – cũng gây bất ngờ với tác phẩm nghệ thuật điêu khắc - sắp đặt: Bàn tay của đất. “Ý tưởng chủ đạo của tác phẩm tôi mang đến và ra mắt triển lãm khu vực V lần này là sự vươn lên mạnh mẽ của những thân phận, những cảnh đời phải đối mặt với bao nghiệt ngã. Anh thấy đó, trên mảnh đất khô cằn những ngón tay – biểu hiện cho những thân phận, vẫn vươn lên, ngạo nghễ. Bàn tay có ngón ngắn, ngón dài, sự vươn lên của mỗi cảnh đời cũng như thế. Tùy vào nghị lực, tùy vào năng lực, không như nhau. Nhưng sự vươn lên nào trong một điều kiện “nghẹt thở” như thế cũng vô cùng đáng quý” – họa sỹ Lê Trọng Nghĩa bộc bạch.
Lê Trọng Nghĩa hoạt động chính trong lĩnh vực điêu khắc với vai trò là Giảng viên Mỹ thuật (trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn). Đồng thời, Lê Trọng Nghĩa còn là một Nhạc sỹ có nhiều tác phẩm được công chúng đón nhận … Tại Triển lãm Mỹ thuật Khu vực V (Nam miền Trung và Tây Nguyên) lần thứ XXVI - 2020, Lê Trọng Nghĩa cũng giành giải B (với tác phẩm “Chuỗi mộng” (chất liệu gỗ + sắt). Cũng trong năm 2020, anh giành giải Nhất giải thưởng Mỹ thuật Bình Định (do Hội Mỹ thuật Việt Nam chấm chọn).
“Trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, chúng tôi có một tác phẩm của Lê Trọng Nghĩa. Tên tác phẩm là Mắc kẹt, tức bị kẹt lại giữa lúc muốn di chuyển…Tác phẩm của Nghĩa đề cập đến nhịp sống vội vã, hối thúc của đô thị. Mọi thứ đều qua nhanh, lao nhanh, hối hả không ngừng. Con người buộc phải “cắm đầu” chạy theo dòng dịch chuyển đó, càng cố gắng hòa nhập vào đám đông lúc nào cũng vội vàng, tất bật, càng thấy dường như mình vẫn đang kẹt lại, chậm lại, không thể theo kịp, để rồi rơi vào trạng thái bơ vơ. Thông điệp và chiều sâu trong tác phẩm của Lê Trọng Nghĩa chính là lời cảnh báo cho tương lai của sự “mắc kẹt” đó. Con người cứ nghĩ mình đang bắt kịp nhịp sống, nhưng thực ra họ đang bị nhịp sống cuốn đi, chẳng kịp suy nghĩ hay làm được điều gì. Ngôn ngữ hình tượng mà Nghĩa sử dụng là khi con sóng tràn bờ, có cái sóng cuốn theo, có cái lại dừng nhịp trên cát. Mắc kẹt ở đó !” – họa sỹ Nguyễn Trung Kỳ chia sẻ.
Tác phẩm “ Bến cá Thọ Quang , Sơn Trà“ |
Với trách nhiệm của một họa sỹ và cũng thể hiện hết “bản lĩnh, độ chín của nghề”, họa sỹ Nguyễn Trung Kỳ ra mắt công chúng tác phẩm “ Bến cá Thọ Quang , Sơn Trà“ “Tôi vẽ những con người Đà Nẵng chăm chỉ với cái nghề bám biển cha truyền con nối đã bao đời gắn bó thiết thân với họ. Một nhịp điệu “đậm chất duyên hải” của Đà Nẵng. Đoàn thuyền đánh cá lại trở về cập cảng, công việc thu mua, vận chuyển thủy hải sản lên bờ để kịp đưa đến nơi tiêu thụ nhộn nhịp. Một chuyến đánh bắt khá bội thu. Ngoài lượng cá được đưa lên bờ, những người công nhân vẫn tiếp tục đưa cá từ khoang lên boong thuyền …Tác phẩm được vẽ trên lụa, rất khó, nét nào phải “chết” nét đó, không sửa được. Lụa này cũng là sản phẩm của đất Quảng, dù khó chơi, tôi vẫn chọn lụa làm chất liệu. Tôi muốn cả bức vẽ “đậm đặc chất Đà Nẵng” – họa sỹ Nguyễn Trung Kỳ xúc động kể.
Tác phẩm " Hồi ức của mẹ" |
Mỗi tác phẩm đến với triển lãm là một thông điệp của tình yêu cuộc sống, cô đọng trong sáng tạo những rung cảm của tâm hồn, đồng thời thể hiện trách nhiệm của các nghệ sĩ. Đó là góp phần nuôi dưỡng và bảo vệ những giá trị văn hóa - nghệ thuật, tiếng nói riêng, đậm đà bản sắc Việt Nam trong xu thế hội nhập.
Với vai trò chủ nhà, các họa sỹ - giới điêu khắc Đà Nẵng tham gia triển lãm lần này đã có sự đầu tư lớn hơn, nhọc công hơn. Điều này đã và đang góp phần khẳng định “bản lĩnh” trong sáng tạo nghệ thuật cũng như tầm vóc phát triển của các họa sĩ - giới điêu khắc nói riêng, Mỹ thuật Đà Nẵng nói chung.
Chuỗi giá trị sáng tạo thăng hoa
Triển lãm Mỹ thuật khu vực V (Nam Miền Trung - Tây Nguyên) lần thứ XXVII (năm 2022) chính thức khai mạc chiều 12/8/2022 kéo dài đến hết ngày 5/9/2022. Hoạt động văn hóa thưởng lãm này góp phần làm đa dạng các hoạt động lễ và hội dọc 2 bên bờ sông Hàn; được kỳ vọng làm phong phú cho đời sống tinh thần của một thành phố du lịch. Đặc biệt, cũng là sự kiện nghệ thuật hướng tới chào mừng kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2022) và Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2022). Sự kiện do UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Triển lãm khai mạc chiều 12/8/2022 kéo dài đến hết ngày 5/9/2022 |
Lần đầu tiên, Công viên - Vườn tượng APEC (Đà Nẵng) được ra mắt công chúng. Ở đây, vừa có tác phẩm điêu khắc đại diện cho 21 nền kinh tế thành viên được trưng bày ngoài trời (kể từ tháng 11/2017 đến nay), vừa có tác phẩm tranh và tạo hình của một triển lãm lớn (cấp khu vực), được trưng bày ở không gian rất trang trọng của Công viên càng tôn thêm nét đặc biệt của Đà Nẵng .
Sau 2 năm đối mặt với đại dịch, đây là lần đầu tiên chúng tôi có dịp gặp gỡ , hạnh ngộ đông đúc và đông vui nhất, nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc mỹ thuật chia sẻ. Trước Triển lãm Mỹ thuật khu vực V, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức các hoạt động triển lãm Mỹ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước. Đặc biệt lần Triển lãm Mỹ thuật vào tháng 7năm nay tại tỉnh Quảng Trị, cũng là dịp để chúng tôi thành kính có nén nhang tri ân đến các Anh hùng – Liệt sỹ đã ngã xuống ở Thành cổ Quảng Trị, hay yên nghỉ ở Nghĩa trang Trường Sơn”, Họa sỹ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ.
Triển lãm mang đến một " bữa tiệc thị giác" |
“Đây là tín hiệu rất vui khi năng lượng sáng tạo của các nghệ sỹ được đánh thức và chính các nghệ sỹ đang làm nên hành trình mới cho Mỹ thuật dương đại Việt Nam. Triển lãm Mỹ thuật khu vực V (nam Miền Trung-Tây Nguyên) lần này tiếp tục thể hiện đậm nét tính “đa phong cách trong thể hiện – đa ngôn ngữ trong sáng tạo” của các nghệ sỹ. Cùng với các triển lãm khác, triển lãm khu vực V cũng là dịp phác lộ những gương mặt mới và chúng ta kỳ vọng anh chị em nuôi dưỡng khát vọng mới, có ý tưởng mới, đặc biệt có tác phẩm mới, đóng góp cho hành trình mới của Mỹ thuật Việt Nam đương đại” – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh thêm.