Khi nhắc đến loài người, chúng ta sẽ nhắc đến nghệ thuật. Nghệ thuật chính là thứ khiến cho giống loài của chúng ta khác biệt so với những loài khác. Thay vì chỉ sinh ra, truyền mã gen của mình cho thế hệ tiếp theo rồi chết đi, chúng ta đã tạo ra văn hóa, mà cốt lõi của nó là nghệ thuật. Nghệ thuật là một thể di truyền khác biệt của con người, nó vượt qua cơ thể sinh học để hướng tới một sự di truyền về tư duy trừu tượng - điều đã làm con người vượt trội suốt hàng ngàn năm qua. Nghệ thuật gắn liền với tất cả lĩnh vực trong quá trình lao động, sản xuất, từ lịch sử, khoa học đến tôn giáo…
Nghệ thuật mà tôi nói ở đây bao gồm cả hội họa, điêu khắc, đồ họa, thủ công mỹ nghệ, minh họa... Chúng ta đã trải qua hàng ngàn năm để phát triển nghệ thuật từ những nét vẽ trong hang động Chauvet cho tới những thước phim Avatar chiếu trên màn ảnh rộng. Hành trình phát triển của những người nghệ sĩ qua từng giai đoạn lịch sử phản chiếu sự tiến hóa trong nhận thức của loài người, dù phải trải qua những biến động xã hội, nghệ thuật vẫn luôn đứng vững, vì nó chính là cốt lõi của nhân tính. Nhưng hiện tại, nghệ thuật và người làm nghệ thuật lại tiếp tục bị đe dọa, bởi AI?
AI (Artificial Intelligence) được tạo ra từ ba yếu tố chính: con người, máy tính, dữ liệu. Con người là những kỹ sư tạo ra những model AI, máy tính là những GPU vận hành nó và dữ liệu là “thức ăn” để huấn luyện chúng. Các công ty AI chi hàng tấn tiền cho việc phát triển các model ấy, hàng triệu đô cho một kỹ sư, hàng tỷ đô cho một model AI, nhưng yếu tố thứ ba - dữ liệu, thứ mà họ không tốn một xu. Hiện tại các công ty AI đang sử dụng các tác phẩm nghệ thuật để huấn luyện model của mình mà không mua hay hỏi ý kiến của tác giả về quyền sử dụng tác phẩm. Đây là một điều tệ hại và bất công cho những người sáng tạo, nếu không có những nghệ sĩ tạo ra tác phẩm thì sẽ không có dữ liệu huấn luyện các AI, một hành động ăn cắp thành quả lao động đúng nghĩa. Họ sẽ nhồi nhét tất cả dữ liệu có được bằng những công cụ duyệt web để tìm “thức ăn” cho AI mà chẳng cần thông qua bất kỳ bản quyền nào, từ đó AI có thể sao chép tất cả các tác phẩm và tạo ra bản sao cạnh tranh với chính tác phẩm gốc của chúng.
Bạn còn nhớ trào lưu tạo ảnh theo phong cách hoạt hình Studio Ghibli bằng phiên bản ChatGPT-4o mới nhất đã góp phần tạo nên một tháng bùng nổ chưa từng có cho OpenAI, với các chỉ số người dùng và doanh thu phá kỷ lục. Không khó để bắt gặp một tấm hình phong cách Studio Ghibli được tạo ra và đăng tải trên mạng xã hội, và thực sự tạo được niềm vui cho rất nhiều người. Nhưng đằng sau đó chính là một sự vi phạm nặng nề quyền tác giả. Hãy tưởng tượng bạn và hàng trăm cộng sự mất nhiều thập kỷ lao động và sáng tạo, bào mòn cả thể lực lẫn trí lực để tạo ra một phong cách đồng nhất cho những bộ phim của mình, để sau đấy chỉ cần một vài dòng lệnh, người khác có thể biến toàn bộ sức lao động của tập thể ấy trở nên quá dễ để đạt được. Tôi tin chắc một người như Hayao Miyazaki sẽ cực kì đau buồn bởi chuyện ấy, ông đã cống hiến cho nghệ thuật bằng sức lao động thủ công hoàn hảo và tính kỷ luật đến mức cực đoan, và giờ đây trong vài giây ai cũng có thể tạo ra những thứ đáng lẽ phải mất rất nhiều thời gian để có thể đạt được. Đó chỉ là một ví dụ điển hình trong hàng triệu trường hợp những tác phẩm nghệ thuật đang được AI tiêu thụ để hoàn thiện bản thân nó.
Nghiêm trọng hơn, đó chính là chúng ta, những người sử dụng AI, đã dần được huấn luyện để phụ thuộc vào nó. Khi chúng ta đạt được một thứ quá dễ thì chúng ta sẽ không trân quý nó, trong trường hợp này chính là một bộ phận người dùng AI đã công khai chỉ trích những người nghệ sĩ đang đấu tranh cho công bằng của họ. Những người này tự nhận mình là “nghệ sĩ AI”, họ tuyên bố rằng nghệ thuật không phải là thứ phải dành hàng chục năm để học tập, thay vào đó họ chỉ cần vài câu lệnh và thao tác, tất cả sẽ hoàn thành.
Tiếp theo đó chính là những nhãn hàng, những khách hàng đang cần tìm một giải pháp về hình ảnh, họ sẽ chấp nhận hy sinh một phần chất lượng để đạt tới mục tiêu cuối cùng là cắt giảm chi phí. Trường hợp của Amber Yu, một họa sĩ chuyên vẽ tranh minh họa cho các công ty game, cho biết để hoàn thành một ấn phẩm quảng cáo (poster), cô dành cả tuần phác thảo ý tưởng, thêm chi tiết, sửa màu sắc, bố cục. Trung bình mỗi poster như vậy được trả 5.000 nhân dân tệ. Tuy nhiên, đơn đặt hàng ngày một giảm đi khi các công ty game lớn ở Trung Quốc bắt đầu trang bị AI vẽ tranh thay họa sĩ. Các công cụ trí tuệ nhân tạo có thể sáng tác những poster chất lượng chỉ trong vài giây. Amber Yu thậm chí còn nhận được vài hợp đồng với nhiệm vụ sửa lỗi ánh sáng, bộ phận cơ thể nhân vật bị lệch trong tác phẩm của AI. Thu nhập chỉ bằng 1/10 số tiền cô kiếm được trước đây. Cũng như Yu, rất nhiều họa sĩ, nhà hoạt họa đang phải cạnh tranh công việc với một cỗ máy mà có lẽ một phần kỹ thuật của nó cũng là sao chép từ họ. Và lợi nhuận vẫn là thứ khách hàng đặt lên hàng đầu thay vì nhân tính trong công việc nghệ thuật.
Đôi khi ta còn có thể thấy được những khách hàng dùng AI để phân tích và đánh giá sản phẩm của một nhà thiết kế thay vì dùng chính đôi mắt và bộ não của họ. Vậy thì câu hỏi đặt ra là chúng ta đang sử dụng AI hay AI đang sử dụng chúng ta?
![]() |
Câu hỏi chưa có lời giải đáp, 130x190cm, Acrylic trên vải bố, Tèo Phạm. |
Không chỉ riêng nghệ thuật thị giác, các ngành sáng tạo khác cũng đang phải đối mặt với sự đe dọa của các “nghệ sĩ AI”. Đạo diễn Ram Gopal Varma nói rằng ông ấy sẽ dùng “nhạc AI” trong tất cả mọi dự án tới của mình. Cũng có những báo cáo cho thấy hiện tại khán giả đang dần chuyển sang nghe “nhạc AI” thay cho âm nhạc con người sáng tác. Ví dụ bài hát đứng top 48 bảng xếp hạng nước Đức chính là “nhạc AI”.
Thuật toán chính là thứ điều khiển hành vi của con người hiện đại, họ sẽ cho bạn xem những gì họ muốn bạn xem, sẽ thúc đẩy những việc họ muốn bạn làm qua thuật toán. Những hình ảnh, nội dung liên tục được hiển thị sẽ dần luyện cho não bạn rằng điều đó là đúng, dần dà, chúng ta mất dần sự tự chủ trong việc đưa ra quyết định dù chúng ta vẫn ngỡ đó là thứ mình muốn. Từ đấy, chúng ta không còn tự cảm nhận được vẻ đẹp của nghệ thuật như cách chúng ta đã từng. Một xã hội mất dần sự tôn trọng đối với nghệ thuật chính là một xã hội đang mất dần nhân tính. Nghệ thuật là sự học hỏi, hy sinh, dấn thân để có thể mang lại những tác phẩm làm rung động con người, là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của người nghệ sĩ. Nếu người làm nghệ thuật không thể sống được với nghề, vậy thì cũng không còn ai muốn làm nghệ thuật nữa.
AI là một công cụ tuyệt vời và nó đã giải quyết rất nhiều vấn đề cho xã hội, nhưng còn đó những bất cập đằng sau mà ít ai biết đến. Sự phát triển của AI là điều không thể ngăn cản và trong tương lai không xa, AI sẽ ngày càng hoàn thiện hơn nữa. Chúng ta chỉ có thể trông chờ vào những cập nhật mới trong các đạo luật AI để bảo vệ người sáng tạo trong bối cảnh họ là nhóm yếu thế.
Và cuối cùng, nghệ thuật không thể rời xa nhân loại, vì quá trình làm ra tác phẩm chính là thứ khiến người nghệ sĩ biết ơn và khiến người khán giả rung động. Dù máy móc có thể làm tốt công việc đó đến mức nào đi chăng nữa thì nghệ thuật vẫn là một địa hạt không bao giờ lay chuyển dù có phải trải qua bao nhiêu cuộc phong ba nữa, vì vẫn còn đó chính là nhân tính trong xã hội này. Hãy bảo vệ nghệ thuật, bảo vệ người nghệ sĩ và hãy giúp họ có một cuộc sống xứng đáng với tất cả nỗ lực họ đã bỏ ra.