Nghệ thuật múa của dân tộc Việt Nam từ xa xưa đã có ba hình thái múa: múa dân gian, múa cung đình và múa tôn giáo. Hơn nửa thế kỷ qua, ba loại hình múa này được sáng tạo, phát triển khá phong phú và đã gặt hái được nhiều thành quả to lớn với những tác phẩm múa được cải biên, phát triển, sáng tạo, nâng được bản sắc dân tộc lên tầm cao mới cùng thời đại chứ không làm mất đi cái hồn, cái gốc của dân tộc. Tiêu biểu như các điệu múa "Mùa hoa ban nở", "Múa Ka Tu", "Múa sạp", "Xòe hoa", "Múa rong chiêng", "Sắc bùa", "Múa Chàm rông". Đây chính là những "quốc vũ", là tài sản, di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Trong đời sống nghệ thuật đương đại, múa Việt Nam có vị thế như thế nào?
Tiết mục múa đương đại của Việt Nam tham dự Liên hoan “Múa Đương đại: Sự gặp gỡ Á-Âu” lần thú 7 |
Vở múa đương đại “Ngưỡng cửa lãng quên” với phần biên đạo của Sebastien Ly, biên đạo múa người Pháp gốc Việt, vừa được ra mắt công chúng yêu nghệ thuật thủ đô trong khuôn khổ festival Krossing Over 2019. Đây là vở diễn được giới chuyên môn đánh giá thành công không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn mang tính tương tác cao, một xu hướng mới của nghệ thuật truyền thống trong nỗ lực đưa khán giả trở lại sân khấu. Tuy nhiên, những vở diễn có sức hút như Ngưỡng cửa lãng quên không nhiều, đủ để những trăn trở về nghệ thuật Múa đương đại tiếp tục được đặt ra, đó là làm sao để Múa đương đại trở thành gia vị không thể thiếu trong món ăn tinh thần của công chúng, chứ không chỉ xuất hiện xuân thu nhị kỳ trong các dịp liên hoan, kỷ niệm?
Mở rộng dư địa cho nghệ thuật Múa
Không ồn ào như các loại hình nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật Múa giống như một dòng chảy âm thầm góp tiếng nói vào đời sống nghệ thuật đương đại. Song, chính điều này đã hình thành một cách nhìn sai lệch đối với nghệ thuật múa khi cho rằng, múa chỉ tồn tại dưới hình thức phụ hoạ, thuyết minh hay trang trí tại các chương trình ca nhạc, show diễn. Theo NSND Lê Ngọc Canh, trong cuộc cạnh tranh tồn tại hay bị lãng quên, múa rõ ràng đã mất dần vị trí, trở thành môn nghệ thuật phụ họa cho các loại hình nghệ thuật khác. Gần 20 năm qua, mảng múa dân tộc và múa hiện đại chưa phát triển đồng đều, múa vẫn thiếu những tác phẩm xuất sắc trong đó mảng kịch múa, đỉnh cao nhất của nghệ thuật múa vẫn chưa có được tác phẩm nào mang tầm vóc thời đại để tạo nên một dấu ấn cho ngành múa.
Thiếu tác phẩm tạo dấu ấn, mất dần vị thế trong cuộc đua nghệ thuật là một thực tế mà không chỉ những nghệ sĩ múa nỏi riêng, ngành múa nói chung phải đối mặt. Nhưng để Múa không bị các loại hình nghệ thuật khác nhấn chìm và có được một vị trí xứng đáng trong làng nghệ thuật vẫn còn là bài toán khó. Và Ngưỡng cửa lãng quên, một chuyến du hành đến tận cùng của ký ức, hoài niệm, là sáng tác của biên đạo múa người Pháp gốc Việt, Sébastien Ly, đã trở thành một gợi ý cho việc mở rộng dư địa của Múa.
Câu hỏi đặt ra, chính là ngoài múa truyền thống, thì múa đương đại có thể thoát ra ngoài những khuôn mẫu, chuẩn mực của múa truyền thống, để Múa mang hơi thở đương đại? Và không khó để có được câu trả lời, Múa cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác, muốn tồn tại không thể thoát ly hiện thực cuộc sống, càng không thể cứ bấu víu vào quá khứ để để tồn tại. Và thực tế, việc đưa hơi thở cuộc sống vào những vở diễn đã tạo mối liên kết giữa khán giả với sân khấu. Có thể điểm qua những gương mặt nghệ sĩ đã thổi hồn cho múa đương đại như Tễu của Trần Ly Ly và Phan Thanh Hằng, hay Sắc sắc không không, Hồn đất, Từ nơi gió ngàn... Bằng kỹ thuật múa kết hợp hiện đại, ballet cổ điển và hơn cả là chất liệu văn hóa dân gian cổ điển, các nghệ sĩ đã mang đến cho khán giả một món ăn hoàn toàn mới, không chỉ hấp dẫn mà còn khó quên. Đặc biệt, với sự thành công của Tễu tại Liên hoan Nghệ thuật 5 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan tại Quảng Bình năm 2018 đã giúp múa đương đại nhận được sự quan tâm nhiều hơn của giới làm nghề và công chúng.
Giấc mơ về một ngôn ngữ nghệ thuật múa mới
PGS.TS.NSND Ứng Duy Thịnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, nhìn nhận: “Hiện nay chúng ta chưa xây dựng được tiêu chí thẩm định nghệ thuật, đặc biệt với múa. Do đó, cần phải có động thái kịp thời và tạo ra không khí. Mỗi cá nhân tác giả cần có hai thiên chức để tồn tại và phát triển đó là trách nhiệm công nhân và trách nhiệm của nghệ sĩ”.
Chưa có tiêu chí thẩm định nghệ thuật cho múa, cũng đồng nghĩa với việc sẽ khó phân biệt “vàng, thau” trong các tác phẩm múa không chỉ tại các hội diễn, hay các cuộc thi, thế nên tình trạng sao chép ý tưởng, thậm chí bê nguyên cả một trường, đoạn múa của người khác cho tác phẩm dự thi của mình là chuyện không hiếm tại các cuộc thi do Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức. Không chỉ vậy, nhiều show diễn, chương trình nghệ thuật, những tiêt mục múa bị nhái phiên bản gốc vẫn xuất hiện thường xuyên, khiến cho những nghệ sĩ chân chính ít nhiều giảm nhiệt huyết.
Cũng chia sẻ về chất lượng nghệ thuật Múa, NSND Ứng Duy Thịnh chia sẻ, gần đây nhất năm 2018 có nhiều cuộc thi sáng tác và biểu diễn, nhiều cuộc liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp do Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch tổ chức, nhưng nhìn lại những tác phẩm có chất lượng cao rất hiếm. Nếu không nói là na ná giống nhau. Phương pháp biểu hiện khá giống nhau, ngôn ngữ không độc đáo… cho thấy, hiện nay các tác giả khá bất ổn về định hướng sáng tác. Đa số chỉ lo tác phẩm của mình sáng tác có đáp ứng được yêu cầu của các ông chủ hay không. Triết lý bên doanh nghiệp “Khách hàng là thượng đế” thực tế đang trở thành triết lý trong các sáng tác nghệ thuật chuyên nghiệp.
Trước xu thế áp đảo của các loại hình nghệ thuật, để tồn tại, nghệ thuật múa buộc phải thích ứng với cơ chế thị trường. Xã hội hoá nghệ thuật múa chính là sự lựa chọn của nhiều đơn vị nghệ thuật hiện nay. Đây cũng là một kênh để múa đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, trong một chừng mực nhất định, việc đáp ứng những yêu cầu của nhà tài trợ (đơn vị chủ đầu tư) đã biến múa trở thành những tiết mục ít giá trị nghệ thuật nhưng lại giàu giá trị giải trí. Từ thực tế trên cho thấy chất lượng nghệ thuật múa đang có nhiều vấn đề cần xem xét. Muốn thay đổi, cần có những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa khâu đào tạo, thẩm định các tác phẩm múa nghệ thuật. Bên cạnh yếu tố giải trí phục vụ thị hiếu công chúng, cần tìm đến những sáng tạo nghệ thuật mang ý nghĩa trường tồn. Đặc biệt, cần tạo ra nhiều sân chơi và có sự đầu tư thích đáng cho những tác giả, tác phẩm.
Nghệ sĩ Lê Vũ Long đã từng trăn trở: “Liệu nghệ thuật của chúng ta đã đủ mạnh và phát triển rực rỡ để xây dựng nên một ngôn ngữ nghệ thuật múa mới? Hay chúng ta đang tự làm khó mình trên con đường hội nhập với thế giới?”.
Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều hoạt động nghệ thuật mang tầm quốc tế. Với múa, những Festival, liên hoan múa được tổ chức nhiều hơn. Gần đây nhất là Festival Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á-Âu. Đây là hoạt động thường niên kể từ năm 2011, nhằm tạo điều kiện cho các nền nghệ thuật múa đương đại trên thế giới có cơ hội giao lưu, trao đổi, đồng thời đây cũng dịp để nghệ thuật múa đương đại còn khá non trẻ của Việt Nam khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của mình trong những năm qua.
Ngoài Festival Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á-Âu, còn có các hoạt động tôn vinh nghệ thuật múa đương đại khác như: Lễ hội Sân Khấu PAS – Festival PAS 2018, Liên hoan Krossing Over Arts… cho thấy múa đang dần khẳng định vị thế của mình trong đời sống nghệ thuật hiện nay, nếu như không muốn nói là rất phổ biến trong các hoạt động nghệ thuật. Hầu như chương trình, lễ hội nào cũng có. Thiếu múa, một số chương trình biểu diễn sẽ kém hay. Nhưng để múa trở thành một chương trình độc lập thì chưa nhiều, do để có được một tác phẩm múa đương đại ra mắt khán giả, cần khá nhiều điều kiện: Tư duy và khả năng biên đạo, khả năng của diễn viên, ê kíp sản xuất, nhạc sĩ, người làm phim ảnh, ánh sáng, sân khấu trình diễn, kinh phí tổ chức…
Với Ngưỡng cửa lãng quên cũng vậy, vở diễn chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các nghệ sĩ múa của Việt Nam và Pháp. Lấy cảm hứng từ câu chuyện về người phụ nữ gốc Huế sang Pháp định cư từ thế kỷ trước, Ngưỡng cửa lãng quên diễn tả nỗi khắc khoải về nguồn cội và nỗ lực để cánh cửa ký ức không vĩnh viễn khép lại.
Mang hơi thở cuộc sống vào múa, tạo sự tương tác với khán giả chính là hướng mà Múa đương đại Việt Nam trong suốt 20 năm qua hướng đến. Những nghệ sĩ thành danh trong làng múa Việt cũng đã dày công xây đắp được con đường nghệ thuật múa khá dài trong suốt những năm qua với nhiều thành tựu kết hợp giữa tinh túy của nghệ thuật múa dân tộc với nghệ thuật múa thế giới. Song để nghệ thuật múa thực sự phát triển rất cần sự đầu tư của Nhà nước tạo động lực thúc đấy sáng tạo nghệ thuật đích thực
Nguồn Văn nghệ số 21/2019