Liên hoan Thơ quốc tế Thượng Hải lần thứ VIII với chủ đề “Thơ trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI)” diễn ra trong 4 ngày (2 – 5.12.2023) đã khai mạc trang trọng tại thành phố cùng tên của Trung Quốc.
Hơn 20 nhà thơ đến từ hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự liên hoan thơ, trong đó có nhà thơ người Nigeria Wole Soyinka, từng đoạt giải Nobel Văn chương năm 1986, cũng là người đã được trao giải Hoa Mộc Lan Vàng của liên hoan.
Nhà thơ Phan Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc – Chủ biên Vanvn.vn cũng là khách mời đại diện Việt Nam tham dự liên hoan thơ.
Nhà thơ Zhao Lihong – Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật của Liên hoan Thơ quốc tế Thượng Hải phát biểu ngày khai mạc
Nhà thơ Wole Soyinka (đứng giữa) được trao giải Hoa Mộc Lan Vàng của liên hoan thơ
Đông đảo các nhà thơ và người yêu thơ tham dự lễ khai mạc
Một tiết mục sinh động minh họa về trí tuệ nhân tạo (AI)
Nhà thơ Zhao Lihong – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà văn Thượng Hải, Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật Liên hoan Thơ quốc tế Thượng Hải phát biểu tại lễ khai mạc: “Trong kỷ nguyên công nghệ cao hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của AI, chúng ta phải chú ý đến cách AI và nhân văn hội tụ, khám phá cách AI sẽ hỗ trợ sáng tạo văn học và thơ ca cũng như xem xét lại mối quan hệ giữa loài người và AI”. Nhà thơ Zhao Lihong còn nói: “Chúng tôi cũng hy vọng kết nối thế giới bằng thơ ca và thể hiện đầy đủ sức sống và sự quyến rũ của văn hóa Trung Quốc”.
Các nhà thơ Trung Quốc và nước ngoài được mời tham dự Liên hoan Thơ quốc tế Thượng Hải lần thứ VIII sẽ tham gia đọc thơ, đối thoại và thảo luận văn học trong bốn ngày ở những địa điểm khác nhau tại trung tâm thành phố.
Vào sáng ngày 3.12, tại Thư viện thành phố Thượng Hải đã diễn ra cuộc Hội thảo “Thơ trong thời đại trí tuệ nhân tạo”. Nhà thơ Phan Hoàng – tác giả của những tập thơ Bước gió truyền kỳ, Chất vấn thói quen, Hộp đen báo bão… và cũng là người khai sinh thể thơ 1-2-3 thuần Việt đã phát biểu: “Tôi rất vui mừng được mời tham dự Liên hoan Thơ quốc tế Thượng Hải lần thứ VIII – một trong những sự kiện văn hóa quan trọng của Trung Quốc và thế giới. Việt Nam chúng tôi là quốc gia giàu truyền thống văn học và thi ca. Giống như Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, thơ trở thành món ăn tinh thần sâu rộng không thể thiếu trong đời sống người dân Việt Nam”.
Nhà thơ Phan Hoàng (ngồi giữa) tại hội thảo về thơ, bên trái là nhà thơ Tony Mochama người Kenya, còn bên phải là nhà thơ Dariusz Tomasz Lebioda của Ba Lan
Trong chương trình hội thảo, nhà thơ Phan Hoàng nói về sự phát triển của thơ Việt và vai trò quan trọng của thơ 1-2-3 trong đời sống sáng tạo thi ca nước ta hiện nay. “Trí tuệ nhân tạo (AI) đang mang lại nhiều lợi ích cho nhân loại. Thế nhưng AI không thể thay thế được tâm hồn con người. Mà thơ là tiếng nói của tâm hồn. Vì vậy, AI chỉ có thể là công cụ giúp ích cho nhà thơ trong đời sống thường nhật, chứ không thể thay thế tiếng nói đặc sản riêng từ tâm hồn nhà thơ. Chẳng hạn, thể thơ 1-2-3 mới xuất hiện và lan tỏa ở Việt Nam là kết quả mấy mươi năm nghiên cứu, sáng tạo, kết tinh từ tâm hồn con người chứ không máy móc nào sáng tác ra được. Thể thơ 1-2-3 cũng có mặt trong tuyển thơ liên hoan thơ quốc tế lần này ở Thượng Hải”, nhà thơ Phan Hoàng cho hay.
Nhà thơ Phan Hoàng và nhà thơ Yang Xiu Li của Trung Quốc, người từng sang Việt Nam tham dự Liên hoan Thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 2.
Liên hoan Thơ quốc tế Thượng Hải lần thứ VIII tiếp tục có nhiều hoạt động chuyên môn phong phú, tương tác giữa các nhà thơ với bạn đọc, đồng thời giúp các vị khách mời hiểu thêm về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, con người của Thượng Hải, một trong những thành phố lớn hàng đầu không chỉ của Trung Quốc.
YÊN LAN
Nguồn VANVN
*Tên bài viết do Vannghe đặt