Năm 1968, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn lên Tây Bắc thăm chồng. Vì là thời kỳ chiến tranh nên chuyến đi mất ba ngày, ba đêm mới đến nơi. Chưa hết, cơ quan của chồng bà phải sơ tán vào rừng nên ô tô không thể đến mà chỉ có thể đi bộ.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn |
Nhà thơ kể: "Tôi không nhớ chỗ ấy cụ thể là chỗ nào mà chỉ nhớ chồng đón mình ở một ngã ba, sau đó vào ngủ trong một hang đá. Hang đá rất lạnh, nhưng vợ chồng tôi cảm giác vẫn ấm cúng, hạnh phúc...
Sáng hôm sau, tôi và chồng thức giấc, đi ra phía cửa hang thì một hình ảnh khiến tôi không bao giờ quên, đó là cả một rừng hoa ban, những thung lũng ngập hoa ban nở rất đẹp, tưởng như mình đang sống trong cảnh thần tiên vậy. Sau này tôi trở lại Tây Bắc cũng chưa bao giờ được chứng kiến hoa ban nở đẹp và nhiều như lần ấy. Đó là một kỷ niệm đẹp mà ấn tượng về Tây Bắc, về hoa ban tôi sẽ không bao giờ quên.
Trong những ngày ở Tây Bắc, tôi được chồng dẫn đi xuyên rừng, thăm các đồn biên phòng và bà con dân bản. Gặp các anh biên phòng, bà con dân bản và các em thiếu nhi tôi thấy ai cũng đẹp, một vẻ đẹp giản dị, mộc mạc rất đáng quý. Vì xe ô tô không thể đi được nên hằng ngày tôi chỉ thấy các anh chiến sĩ biên phòng phi ngựa đi tuần qua các bản. Mặc dù triến tranh, đời sống nơi rừng sâu núi cao rất nhiều gian khổ nhưng hình ảnh các anh thật đẹp và oai phong.
Chú công an biên phòng
Rạp mình trên lưng ngựa
Ngựa phi nhanh như bay
Cả cánh rừng nổi gió
Ngựa phăm phăm bốn vó
Như băm xuống mặt đường
Mặc sớm rừng mù sương
Mặc đêm đông giá buốt
Chân ngựa như sắt thép
Luôn săn đuổi quân thù
Vó ngựa như có mắt
Chẳng vấp ngã bao giờ
Xong công việc trở về
Ngựa bước đi thong thả
Chú công an đi bên
Tay vỗ về lưng ngựa
Chúng em trong bản nhỏ
Phơi thật nhiều cỏ thơm
Để mùa đông đem tặng
Ngựa biên phòng yêu thương.
(SGK Tiếng Việt lớp 5)
Bài thơ "Ngựa biên phòng" trong sách giáo khoa |
Sau ngày nhà thơ Thi Nhị (chồng nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn) mất, cuộc sống của bà dường như chỉ có nỗi buồn. Bà chống chọi với nỗi cô đơn từ bấy đến giờ để nuôi con gái và chăm sóc mẹ già. Nhưng mới đây, người mẹ mà bà rất đỗi yêu kính cũng đã khuất núi, để lại cho bà một nỗi đau mới tựa như câu thơ bà đã viết: Căn phòng vắng một người/ Bỗng trở nên trống rỗng... Cứ thế, thơ và đời khác xa với chính cái tên của bà - Phan Thị Thanh Nhàn.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn còn đau nỗi đau mất đi người em trai - nhân vật trong bài thơ Hương thầm nổi tiếng. Cùng với mẹ, chồng, em trai là người luôn sống trong tâm trí và hiện ra trong thơ bà. Như chúng ta đều đã biết, Hương thầm là bài thơ bà đã "thay lời" em trai mình - liệt sĩ Phan Hữu Khải - để kể lại câu chuyện Cửa sổ hai nhà cuối phố/ Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ... Xung quanh câu chuyện này còn có nhiều điều ít người biết. Bà kể: "Nhiều người hỏi tôi, nhân vật nữ trong bài Hương thầm là ai, còn sống hay đã mất, hiện giờ ở đâu khiến tôi không biết trả lời thế nào. Vì bài Hương thầm tôi viết bằng tưởng tượng nên cũng không biết là cậu em và cô gái đã yêu nhau hay chưa nên thành thử tôi cũng không thể nói rõ hơn điều gì. Ngày em tôi chưa vào lính, chơi thân với cô gái ấy tôi cũng biết và chị em chúng tôi cũng hay gặp nhau. Nhưng bây giờ tôi không biết cô gái sống ở đâu, có gia đình, nên ông, nên bà hay chưa nữa... Bài Hương thầm không phải viết ra để khẳng định hai người đã yêu nhau như nhiều người vẫn nghĩ".
Không chỉ có Hương thầm, bà còn có rất nhiều bài thơ khác tặng hoặc tưởng nhớ người em trai mình đã hy sinh. Một trong số đó là Em tôi. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả:
Em tôi đi bộ đội
Năm nó tròn hai mươi
Chưa một lần gặp lại
Nó đã hy sinh rồi
Nó ngã xuống chiến trường
Giữa những ngày ác liệt
Đồng đội chưa tìm ra
Nơi tạm chôn hài cốt
Mẹ khóc khô nước mắt
Tôi tìm hỏi nhiều nơi
Nhưng vẫn chưa tìm được
Nấm mộ nào em tôi
Thế rồi kỳ lạ quá
Trong tất bật tháng ngày
Tôi mấy lần sửng sốt
Chợt gọi thầm Khải ơi!
Có phải chính em tôi
Vai tựa vào chiếc nạng
Ánh mắt nhìn điềm đạm
Trong đêm mừng chiến công
Rồi khu kinh tế mới
Chính em đang mải làm
Chợt dừng tay vẫy gọi
Khi xe tôi qua đường
Hôm tôi thăm Côn Đảo
Tàu cặp cảng đã khuya
Chính em ùa ra đón
Quân hàm sao binh nhì
"Em chưa thể về nhà
Em còn nhiều việc bận
Chị có hiểu em không
Mẹ ơi, xin đừng giận"
Với mọi người, em tôi
Không còn tên, còn tuổi
Đài liệt sĩ vô danh
Nấm mồ chung cỏ xanh
Nhưng riêng tôi vẫn gặp
Giữa biển xa đèo cao
Trên bao gương mặt trẻ
Đứa em trai thuở nào
Nó sống cùng đồng đội
Vĩnh viễn tuổi hai mươi
Tôi gọi tên em mãi
Giữa núi sông ngàn đời.