Chuyên đề

Tiếng thơ của hai cha con Chế Lan Viên, Phan Thị Vàng Anh

Trần Quốc Toàn
Văn học nhà trường
11:26 | 25/11/2024
Baovannghe.vn - Bộ sách giáo khoa của nhóm Cánh Diều có tác phẩm của hai cha con đặc biệt. Đó là quyển Ngữ văn 11, tập 2 có trích bài thơ Tình ca ban mai của Chế Lan Viên (1920-1989); còn ở Tiếng Việt 2, tập 1 có trích bài thơ Mèo con đi học của Phan Thị Vàng Anh (sinh 1968).
aa

Tiếng thơ của hai lứa tuổi, hai trang giáo khoa khác nhau, nhưng có cùng một thi đề: Thời gian.

Một ngày hai thước đo thời gian

Hôm nay trời nắng chang chang

Mèo con đi học chẳng mang thứ gì

Chỉ mang một cái bút chì

Và mang một mẩu bánh mì con con

(Mèo con đi học -Phan Thị Vàng Anh).

Tiếng thơ của hai cha con Chế Lan Viên, Phan Thị Vàng Anh
Nhà thơ Chế Lan Viên

Cũng là một ngày, nhưng của Phan Thị Vàng Anh là ngày tràn ngập nắng, lấp lánh trong một từ láy "chang chang", với thứ nắng vàng vô lo. Hai dòng 6/8 trên và dưới như hai tia nắng chơi trò cụng đầu nhau bằng một điệp từ, bên này "chẳng mang" tinh nghịch, thì bên kia lí lắc "chỉ mang" như cãi cự.

Những mỹ từ thi pháp vừa dẫn là người đọc chúng ta tìm ra, chứ cô bé thi sĩ 7 tuổi Phan Thị Vàng Anh khi làm bài thơ này, có thi thuật, thi pháp gì đâu, cứ thuận miệng, trơn vần mà "xuất khẩu thành thi". Nhưng thuận miệng mà tự nhiên thuận lý, đời người cần học vấn (bút chì) vào đầu và cần cái ăn (bánh mì) bỏ bụng, cho nên thành thơ hay, được tuyển vào nhiều sách giáo khoa.

Ngày của con vô lo như thế, ngày của cha thì bao nhiêu thấp thỏm, phán đoán, đe dọa, biện luận... để rồi quả quyết:

Em đi, như chiều đi

Gọi chim vườn bay hết

Em về, tựa mai về

Rừng non xanh lộc biếc

Em ở, trời trưa ở

Nắng sáng màu xanh che

Tình em như sao khuya

Rải hạt vàng chi chít

Sợ gì chim bay đi

Mang bóng chiều bay hết

Tình ta như lộc biếc

Gọi ban mai lại về

Dù nắng trưa không ở

Ta vẫn còn sao khuya

Hạnh phúc trên đầu ta

Mọc sao vàng chi chít

Mai, hoa em lại về

(Tình ca ban mai - Chế Lan Viên)

Thơ bắt đầu từ hoàng hôn và kết bằng ban mai. Một ngày dài nối những so sánh, ẩn dụ, tượng trưng... để trong dòng thời gian tuần tự ngoài thiên nhiên có sợi thời gian của hai người yêu nhau.

Tiếng thơ của hai cha con Chế Lan Viên, Phan Thị Vàng Anh
Một đồ họa về sự nghiệp của Chế Lan Viên - Ảnh: Vietnam+

Vào lúc sợi tình ấy như buộc hai tình nhân làm một, thì thơ kết ở một thông điệp lớn hơn những thông điệp thông thường của một bài thơ tình - chúng ta yêu nhau, làm cho nhau đẹp hơn, để em của anh là ban mai, một thứ ban mai xòe cánh. Vì "người ta là hoa đất", đúng như dân gian vẫn dạy.

Được cha dạy từ nhỏ, nhưng lớn lên con viết khác cha

Tiếng thơ của hai cha con Chế Lan Viên, Phan Thị Vàng Anh
Nhà văn Phan Thị Vàng Anh

Nhà văn Phan Thị Vàng Anh từng kể: "Cha dạy chúng tôi: Phải học, học không phải để vui, mà để không ai giết được mình! Cha cũng muốn tôi học, tôi đã có gần một chục quyển vở chép tay của cha, ở bìa ghi rõ: Sách dạy cho Vàng Anh. Cha muốn hằng ngày đều có ít thì giờ để giảng cho tôi, nhưng tôi, vì đã không ý thức được những giờ học ấy quý như thế nào, tôi đã trốn bằng đủ mọi cớ, khi ấy, tôi chỉ thích làm thơ, chứ không thích học thơ".

Chị kể thêm: "Chỉ khi cha tôi vào nằm bệnh viện, tôi biết cha bệnh nặng, khó mà qua khỏi, mỗi chiều, sau khi đi học về, tôi vào thăm, cha luôn để dành cho tôi bánh kẹo hoặc một quả cam, và tôi dù mệt đến mấy cũng đề nghị cha giảng bài, không tiếp thu được bao nhiêu, nhưng tôi muốn cha được an tâm. Ở bệnh viện, cha tôi đã làm một phong bì to đựng các bài học của tôi, chép thành giấy rời, cuối mỗi bài đều ký: Cha: Chế Lan Viên".

Vàng Anh và những người con khác của Chế Lan Viên không chỉ được học bài cha mình soạn, họ còn có các bài học sống, đó chính là các văn nghệ sĩ tài danh, tới chơi với cha mẹ mình (cặp đôi Chế Lan Viên - Vũ Thị Thường). Và nhà thơ - người cha Chế Lan Viên trân trọng lấy những tài danh kia làm gương soi cho các con.

Tiếng thơ của hai cha con Chế Lan Viên, Phan Thị Vàng Anh
Trang sách giáo khoa có trích bài của Chế Lan Viên

Ông kể bằng thơ chuyện học nhạc của các con mình, trong thơ có hình ảnh Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Khoát: Lên ba bé Thắm tập đàn/ bắt chước chú Thi, chú Khoát/ Như một nhạc sĩ đàng hoàng/ Đầu nghiêng tay lần nốt nhạc. Những ngón tay bé thơ theo người mở đường, "ấn lên phím đàn ríu rít" để làm thành nhạc theo mẫu: Thầm thì nhựa rót cành cây/ Tiếng gió thổi chùm lá mới/ Xôn xao tiếng giục bò cày/ Giữa bãi tiếng vồ đập đất/ Ngoài xa tiếng nước sông trôi...

Là con nhà nòi, dù Phan Thị Vàng Anh học y khoa và đã là bác sĩ trong bệnh viện, nhưng dòng máu văn chương trong người vẫn đưa chị tới vị trí của người viết chuyện nghiệp. Sáng tác, biên tập văn học và thành công ngay từ tác phẩm đầu tiên, tập truyện ngắn Khi người ta trẻ.

Với thành công này, chị được Đại học Iowa (Mỹ) mời tham gia khóa học văn chương ngắn ngày, được tham quan tìm hiểu nước Pháp theo lời mời của Bộ Ngoại giao nước này. Sau những "độ đàng" xuất ngoại ấy, Phan Thị Vàng Anh tâm sự trên báo Tuổi trẻ: "Tôi thấy mình và bạn viết cùng trang lứa của mình may mắn. Và cái may mắn lớn nhất là được viết tại nước mình. Thêm một điều nữa, người viết ở ta được dành rất nhiều đất, báo nào cũng có thể đăng truyện ngắn, đăng thơ... Ở Pháp, người ta có nhiều đất cho phê bình văn học hơn là sáng tác. Khi gặp các nhà xuất bản, nghe họ kể mới thấy, vai trò của nhà xuất bản, của phê bình bên họ là rất lớn, nó giúp ai tài chưa rõ thì rõ ra, nó khuyến khích một tiềm năng thật sự trở thành một tài năng, nó kiên nhẫn và yêu người viết".

Chị kể tiếp, một trong các biện pháp khuyến khích và thử thách các cây viết trẻ là khi đã ký hợp đồng xuất bản với các nhà xuất bản, thì họ có trách nhiệm tới mức "nếu sách bán không được, sẽ có giải pháp cuối cùng là nghiền thành bột, trước đó sẽ báo cho tác giả để tác giả nếu tiếc thì mua lại sách".

Chế Lan Viên là nhà văn - chiến sĩ trong suốt hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, thời ấy thơ ông được tuyển chọn, giới thiệu phần lớn là thơ "sử thi": Người đi tìm hình của nước, Đế quốc Mỹ là kẻ thù riêng của mỗi trái tim ta, Cái hầm chông giản dị, Sao chiến thắng...

Tiếng thơ của hai cha con Chế Lan Viên, Phan Thị Vàng Anh
Trang sách giáo khoa có trích bài của Phan Thị Vàng Anh

Phan Thị Vàng Anh là nghệ sĩ hậu chiến, nghệ sĩ của thời bình. Dù bắt đầu văn nghiệp bằng những bài học từ Chế Lan Viên, nhưng chị viết theo một cảm hứng khác hẳn cha mình. Truyện ngắn Hoa muộn của chị được trao giải Nhất cuộc thi sáng tác do Hội Nhà văn Việt Nam và tạp chí Thế giới mới đồng tổ chức năm 1993-1994. Ông chánh chủ khảo nhận xét: "Hoa muộn lặng lẽ, hiền lành thế mà lại là một tiếng kêu thét thống thiết, càng thống thiết vì nghẹn tắc, chống lại sự nhàm chán, vô vị của cuộc đời".

Những riêng tư ngày càng tha thiết hơn

Trách nhiệm một công dân thời chiến khiến Chế Lan Viên viết nhiều, viết hay, với những bài thơ đánh giặc, kiểu thơ "đâm mấy thằng gian..." mà Nguyễn Đình Chiểu từng viết. Nhưng ngoài "thơ đánh giặc" như một bài chính luận, Chế Lan Viên còn viết rất nhiều thơ trữ tình.

Viết khi cùng đất trời chờ thư ai:

Núi mờ và núi đậm

Rừng xa chen rừng gần

Chiều trung du đến chậm

Như thư của người thân.

Viết khi không chờ được nữa, phải đạp tuyết bên thăm thẳm trời Tây tìm nhau:

Những ngày không em, anh xuống các sân bay

Tuyết trắng lặng im kêu dưới gót giày

Mái nhà tuyết không có em trong đó

Những hình thông đứng lặng im cây

Tuyết bên ngoài nghĩ suy trong im lặng

Nghĩ sâu thêm rơi mỗi lúc mỗi dày

Tuyết trắng tinh, trắng tinh... lòng anh trắng tinh

Chỉ mình anh nhìn cửa kính phòng anh

Ngỡ thấy em hiện qua rừng tuyết ấy

Tự quê nhà đạp tuyết đến tìm anh.

Những chuyến bay cứ mang "anh" mỗi ngày mỗi xa "em" hơn. Gót giày công cán đưa con người cá nhân ngày càng xa ngôi nhà của mình, cõi tình của mình. Một người Việt trong ngôi nhà có cây thông Tây xa lạ chẳng thể thành đôi. Người đã buồn mà cây cũng buồn. Tuyết trắng bên ngoài hết vẻ hồn nhiên cũng sầu tư theo để mà lặng im và cảm thông rơi lẫn vào dòng tâm tư ngày một sâu thêm, nặng thêm của người xa xứ. Sâu nặng đến cảm lòng trời đất khiến em như tiên như bụt hiện ra đạp lên tuyết trắng tìm đến!

Tiếng thơ của hai cha con Chế Lan Viên, Phan Thị Vàng Anh
Gia đình Chế Lan Viên và Vũ Thị Thường

Đã nửa thể kỷ đất nước thống nhất và thanh bình. Nhịp sống này khiến mảng thơ riêng tư của Chế Lan Viên tha thiết hơn, hay hơn!

Chế Lan Viên tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan. Ông vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. Tên ông được đặt cho một số con đường tại Việt Nam.

Phan Thị Vàng Anh vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1996. Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 dành cho tập truyện ngắn Khi người ta trẻ. Hiện cư ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

thethaovanhoa.vn
The Vienna Concert - Trái tim âm nhạc cổ điển châu Âu đập rộn ràng tại Hà Nội

The Vienna Concert - Trái tim âm nhạc cổ điển châu Âu đập rộn ràng tại Hà Nội

Baovannghe.vn - Hai đêm diễn Hòa nhạc Vienna - The Vienna Concert, thuộc chuỗi Musical Seasons 2024-2025, đã chính thức khép lại vào tối 24/11/2024 tại Nhà hát Hồ Gươm, để lại những dư âm không thể nào quên trong lòng khán giả Thủ đô.
Đeo lại xà tích - Thơ Trần Đức Tín

Đeo lại xà tích - Thơ Trần Đức Tín

Baovannghe.vn- Em đã về rồi phải không/ hãy đến đây ngồi xuống bên cọn nước
50 năm Văn học Đà Nẵng: Nhìn lại để vươn tới đỉnh cao

50 năm Văn học Đà Nẵng: Nhìn lại để vươn tới đỉnh cao

Baovannghe.vn - Với sự kế thừa một truyền thống Văn học quý giá và với những tiềm năng, những triển vọng đã và đang có, các Nhà văn Đà Nẵng và Hội Nhà văn TP Đà Nẵng sẽ có một bước phát triển mới, có bước bứt phá để vươn đến đỉnh cao
Mưa trong mắt mẹ - Thơ Trần Đức Tín

Mưa trong mắt mẹ - Thơ Trần Đức Tín

Baovannghe.vn- Phố phường mưa lạnh mềm áo bụi/ bao mùa rồi chúng con vẫn ra đi
Quán trọ chân đồi - Truyện ngắn của Phạm Xuân Hùng

Quán trọ chân đồi - Truyện ngắn của Phạm Xuân Hùng

Baovannghe.vn - Quán trọ nằm dưới chân một ngọn đồi, đồi thấp toàn cỏ tranh liền kề với những dãy núi liên hoàn của dãy Giăng Màn... Đường đến quán trọ phải qua con sông có tên rất hay, sông Tùy Duyên. Chắc Ngộ cũng tùy duyên mà bỏ quê quán lên đây mở quán trọ.