Văn hóa nghệ thuật

Nhà thơ “trẻ” yêu nghệ thuật “già”

Văn hóa nghệ thuật
08:38 | 28/03/2023
Hoàng Anh Tuấn là gương mặt thơ trẻ đang được công chúng yêu thơ quan tâm. Thơ anh hiện đại và mang âm hưởng dân ca, nghệ thuật truyền thống. Theo nhà thơ, giáo dục văn hóa nghệ thuật truyền thống cho một con người từ ấu thơ là vô cùng quan trọng
aa

Hoàng Anh Tuấn là gương mặt thơ trẻ đang được công chúng yêu thơ quan tâm. Thơ anh hiện đại và mang âm hưởng dân ca, nghệ thuật truyền thống. Theo nhà thơ, giáo dục văn hóa nghệ thuật truyền thống cho một con người từ ấu thơ là vô cùng quan trọng.

* PV: Tôi theo dõi nhà thơ đã lâu ở mảng thơ trẻ, sau này thấy anh bày tỏ đam mê nghệ thuật truyền thống, trong đó có nghệ thuật Chèo, và hiện nay, biết anh đang nỗ lực trở thành soạn giả Chèo. Nghệ thuật Chèo đã cuốn hút như thế nào vậy?

- Hoàng Anh Tuấn: Tôi sinh ra ở làng Hoành Nha, một làng nhỏ thuộc trấn Sơn Nam Hạ nép mình ven dòng sông Sò đổ ra cửa Hà Lạn. Làng tôi là cửa ngõ của huyện Giao Thủy, nhưng lại là cái nôi của nghệ thuật Chèo. Bà tôi kể, ngày xưa làng tôi có gánh Chèo nức tiếng một vùng. Những nghệ sĩ chèo của làng tôi không chỉ diễn quanh làng lúc hội hè, khi nông nhàn mà còn có thể “ăn cơm thiên hạ”. Điều đó phần nào cho thấy sự chuyên nghiệp của những nghệ sĩ - nông dân làng tôi. Sinh ra và lớn lên ở một làng quê như thế thì nếu tôi không trở thành thi sĩ hay nghệ sĩ thì thật là phụ công sinh thành và nuôi dưỡng của đất và người làng. Tôi từng viết trong bài thơ Chim xanh “Tôi lớn lên bằng truyện Kiều bà kể/Điệu đường trường bà đã hát ru tôi/Lời mẹ lời bà phù sa bên bồi/Cứ đắp mãi vào lòng tôi bên lở”. Tôi đam mê những làn điệu chèo từ những ngày thơ bé. Khi Đoàn chèo Hà Nam Ninh, đoàn chèo Thái Bình về quê tôi diễn, tôi dành dụm những đồng bạc lẻ để mua vé, hoặc cùng lắm thì …trốn vé để được xem Chèo. Thường thì tôi say sưa nhập hồn vào các nhân vật trên sân khấu. Thậm chí còn muốn bỏ đi theo đoàn Chèo nữa. Trong giấc mơ tuổi nhỏ, tôi vẫn thấy tiếng trống Chèo vọng về náo nức. Lớn lên, tôi đi xa làng thì tình yêu với Chèo có phai nhạt đi đôi chút.

* Tôi nghe nói anh đã từng muốn theo đuổi chuyên nghiệp Chèo?

- Học xong cấp 3, tôi cũng từng có ý định thi vào khoa Kịch hát dân tộc, trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, nhưng rồi lại nghĩ mình không phải con nhà nòi, lại không sống trong cái nôi Chèo nữa thì khó mà thực hiện được. Bố tôi thì muốn tôi trở thành một chiến sĩ Công an, và tôi cũng thấy ước mơ đó, ngành nghề đó thực tế hơn với mình. Khi học đại học, một lần tôi nghe một bài hát Văn “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” phổ thơ Nguyễn Duy, tôi làm thơ rồi và thầm ước có ngày thơ mình được hát lên như thế. Sau đấy chục năm thì thơ tôi được hát lên như thế thật, bài hát Văn “Mật mía Đồng Trạ” do soạn giả Mai Văn Lạng chuyển thể và phát trên Chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi thơ tôi phổ thành hát Chèo, hát Xẩm, hát Ca Huế, cả hát Bài Chòi nữa. Tôi nghe nhiều và hát theo rồi tự chuyển thể thơ mình theo các làn điệu Chèo rồi chuyển thể hát Văn nữa. Tôi không thực hiện được đam mê trở thành một nghệ sĩ thì tôi yêu Chèo theo cách của mình. Đó là viết lời mới cho những làn điệu Chèo. Tôi làm thơ rồi chuyển thể sang hát Chèo, vì lời thơ vốn đã trau chuốt, mài giũa rồi, cũng có khi tôi viết lời Chèo luôn, nhưng tôi tin lời Chèo tôi viết luôn có chất thơ bởi suy cho cùng tôi là một thi sĩ.

Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn

* Có thể nói lễ hội là sân khấu đặc biệt cho các loại hình nghệ thuật truyền thống phô diễn. Tại rất nhiều hội làng, người ta tổ chức các chiếu Chèo, hát Tuồng, Chầu Văn, Ca Trù, Quan Họ… ở trung du, miền núi thì hát Xoan, hát Then, có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, kết hợp các câu lạc bộ nghệ thuật địa phương, cho thấy sức sống của nghệ thuật truyền thống vẫn khá mãnh liệt, mặc dù khi nhắc đến nghệ thuật truyền thống, người ta chỉ “kêu khổ”, hay sự “lạnh nhạt” của giới trẻ. Sắp tới, sự kiện “Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể” được UNESCO ghi danh lần thứ nhất sẽ diễn ra vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương 2023. Anh có chia sẻ gì với độc giả, đặc biệt là các bạn trẻ về sự kiện này?

- Đôi khi tôi tự hỏi tại sao tôi lại yêu mến văn hóa truyền thống đến thế. Ngoài Chèo ra, tôi cũng rất thích quan sát và tìm hiểu hát Văn, hát Xẩm, hát Xoan, dân ca Quan Họ, Ca Trù, Tuồng… Không phải tự dưng mà văn hóa truyền thống lại có sức sống trường tồn đến thế nếu nó không có những giá trị bất biến. Thế hệ tôi và các thế hệ sau này nữa, nếu không thể sáng tạo thêm thì cũng đừng làm những giá trị ấy bị mai một, thậm chí có nguy cơ biến mất như nhiều người từng lo lắng. Tôi cho rằng, sự “lạnh nhạt” của giới trẻ có lỗi rất lớn của những thế hệ đi trước, đó là giáo dục văn hóa truyền thống. Việc giáo dục không chỉ trong nhà trường mà còn ngoài xã hội. Nếu tôi không sinh ra ở ngôi làng ven sông ở vùng châu thổ ấy, và người làng tôi không hát Chèo, hát Văn nữa thì tôi sẽ vẫn trở thành tôi bây giờ nhưng không có đam mê với nghệ thuật, hoặc có thể là một đam mê khác. Nói như vậy để thấy cội nguồn, xứ sở hết quan trọng để nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn của một đứa trẻ, định hướng nó sẽ có đam mê gì.

Chèo được coi là loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình nhằm phản ánh đầy đủ mọi góc độ của bản sắc dân tộc Việt Nam: lạc quan, nhân ái, yêu cuộc sống yên lành, bình dị, nhưng tràn đầy tự hào dân tộc, kiên cường đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Cũng chính vì nội dung tư tưởng lành mạnh đó mà trong Chèo có đầy đủ các thể loại văn học: trữ tình, lãng mạn, anh hùng ca, sử thi, thơ ca giáo huấn... hơn hẳn các loại hình nghệ thuật khác như Tuồng, Cải Lương, Ca Kịch… Và tôi coi trọng sự giáo dục văn hóa truyền thống từ khi sinh ra đến khi trưởng thành để nghệ thuật truyền thống như một mạch nguồn trong trẻo và tươi mát tưới đẫm tâm hồn của những người con đất Việt… đó chính là bản sắc để chúng ta không bị trộn lẫn, hòa tan trong thế giới rộng lớn này.

“Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể” là sự kiện rất ý nghĩa, tôi rất vui, vì đó là những di sản Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Hai chữ “khẩn cấp” khiến tôi có chút chạnh lòng. Cái mà tất cả chúng ta quan tâm đó là sự lan tỏa của di sản văn hóa phi vật thể đó đối với cộng đồng sẽ thế nào, để chữ khẩn cấp kia chỉ còn nằm trong hồ sơ di sản.

* Nếu là một người quản lý văn hóa nghệ thuật, anh có đề xuất gì để thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật truyền thống, để không chỉ ít ỏi trong các dịp lễ hội hay sự kiện văn hóa, mà còn thường trực trong đời sống nghệ thuật hiện nay?

- Nếu đặt cương vị một người làm công tác quản lý văn hóa nghệ thuật, theo tôi điều đầu tiên phải coi trọng giáo dục văn hóa truyền thống cho công dân từ khi bắt đầu sinh ra, đồng thời đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy, học tập trong nhà trường, có thể thông qua những buổi ngoại khóa, tìm hiểu, trải nghiệm với trực quan sinh động như xem và học hát, học biểu diễn nghệ thuật truyền thống với nghệ sĩ của nhà hát, nghệ nhân ở thôn quê để khơi dậy niềm thích thú và đam mê của trẻ nhỏ, thành lập các CLB, “gánh hát”, “giáo phường” để truyền dạy nhằm bảo tồn và lan tỏa cách hát, cách múa, cách diễn của nghệ thuật, rồi phát hiện, bồi dưỡng những tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống và cuối cùng là đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất của nhà hát, các đoàn nghệ thuật truyền thống, và có chính sách đãi ngộ đặc biệt để tác giả, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, cán bộ…Để họ có thể sống tốt được với nghề, vì họ chính là linh hồn để giữ gìn, bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Tôi tin vào văn hóa, nghệ thuật truyền thống, sẽ còn mãi, bền bỉ và mãnh liệt.

* Cảm ơn nhà thơ, tôi vẫn mong đợi được biết đến soạn giả Chèo Hoàng Anh Tuấn trong tương lai gần.

An Cư (thực hiện)

Nguồn Văn nghệ số 12/2023


Mẹ. Tản văn của Trần Mỹ Thương

Mẹ. Tản văn của Trần Mỹ Thương

Baovannghe.vn - Mẹ của con, chẳng một lời oán than dù phải thui thủi một mình khi chúng con lớn khôn sải cánh tự lập. Tuổi thất thập ăn ngủ vò võ một mình.
Vị phố. Truyện ngắn dự thi Kiều Bích Hương

Vị phố. Truyện ngắn dự thi Kiều Bích Hương

Baovannghe.vn- Nhìn từ ngoài vào, Phở Hà lặng bặt trước cái siêu thị lúc nào cũng như siêu nước sôi réo. Phở Hà như cái bánh cuốn mỏng tang. Hàng thịt của ông Thổ như chiếc Kebab sắp bung nứt vì nhồi nhiều thịt và hành tím. Mỗi sáng Phở Hà nhường nhịn hàng người dài rì rầm trò chuyện chờ đến lượt vào hàng bánh mì Muối và Đường của chị Hà Lan phía bên kia phố.
Nhà thơ của đường Trường Sơn huyền thoại

Nhà thơ của đường Trường Sơn huyền thoại

Baovannghe.vn - Trong thế hệ nhà thơ những năm đánh Mỹ, Phạm Tiến Duật có nhiều đóng góp xuất sắc về giọng điệu thơ, về cách tân thơ. Ông dựng nên một tượng đài Trường Sơn hùng vĩ bằng thơ. Phạm Tiến Duật là nhà thơ của đường Trường Sơn huyền thoại...
Con mộng trắng. Truyện ngắn của Song Ngư

Con mộng trắng. Truyện ngắn của Song Ngư

Baovannghe.vn - Cái chuồng trâu nằm dưới gốc nhãn. Nó sơ sài, được quây bốn xung quanh bởi mười bốn thân cây gỗ to bằng bắp chân. Mái chuồng lợp tranh, trong mái tranh có đôi vợ chồng thằn lằn sống đã nhiều năm, đôi lần con mèo mướp tìm được mấy quả trứng thằn lằn nhỏ như đầu ngón tay út trẻ con, hình trái xoan, vỏ trắng mềm nhẵn nhụi.
Chiếu không - Truyện ngắn của Tống Phước Bảo

Chiếu không - Truyện ngắn của Tống Phước Bảo

Baovannghe.vn - Thiệt chỉ biết con người chỉ sống cuộc đời này một lần mà thôi. Vậy nên thương là thương, chứ câu nệ làm gì mấy chuyện xưa xa cũ càng. Chiếu đêm ấm hơi. Bếp tráng bánh bận đó cũng có đôi. Tiếng bìm bịp gọi bầy cũng ngọt lừ trên dòng sông Đợi.