Nhà văn Mã A Lềnh - Nhà văn tiêu biểu, nổi bật của dân tộc Mông đã qua đời vào lúc 7h30 sáng 21/2, hưởng thọ 82 tuổi. Trong suốt cuộc đời sáng tác của mình, nhà văn Mã A Lềnh đã để lại 55 tác phẩm ở nhiều thể loại văn học có giá trị. Ông cũng từng đoạt một số giải thưởng văn học như: Giải A cuộc thi Sáng tác văn học thiếu nhi do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức 1994-1995; hai giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Nhà văn Mã A Lềnh sinh năm 1942 ở xã Trung Chải, thị xã Sa Pa (Lào Cai) và là nhà văn dân tộc Mông đầu tiên của tỉnh Lào Cai được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1982). Trước khi trở thành nhà văn - nhà báo chuyên nghiệp, ông là giáo viên dạy học ở quê nhà Sa Pa, sau đó được điều động về công tác ở Ty Giáo dục Lào Cai. Với văn chương ông quan niệm “Văn học viết, đơn giản là cuộc đời, cuộc đời riêng và cuộc đời hòa nhập với cộng đồng. Đã là cuộc đời thì nhất định gắn liền với số phận, vận mệnh, vì thế có người thì nổi tiếng, khoáng danh, có người thì lặng im như hột thóc, ngọn cỏ. Nhưng văn học có cái chung là kỳ vọng, mộng tưởng, luôn hướng tới chân thiện mỹ, do đó văn học là tiếng nói đẹp, hay, là ngôn từ của trí tuệ".
Ông là sinh viên đầu tiên của Trường Đại học viết văn Nguyễn Du và là nhà văn duy nhất của tỉnh Lào Cai được du học dài hạn tại Học viện Văn học Goóc ky (Nga ). Ông đã từng công tác và giữ cương vị cán bộ chủ chốt tại Hội văn học nghệ thuật Hoàng Liên Sơn, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Lào Cai, Hội văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai.
Các tác phẩm của nhà văn Mã A Lềnh đã xuất bản, như: "Nhọc nhoài với ký" (2000), "Chuyện bây giờ mới kể" (1996), "Bên suối Nậm Mơ" (1995), "Có một con đường" (1996), "Thằng bé củ mài" (2000), "Rong ruổi vùng cao" (2003), "Cột mốc giữa lòng sông" (1984), "Chộn rộn đường xuân" (2005)...
Ghi nhận về những đóng góp của nhà văn Mã A Lềnh trong dòng chảy Văn học Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, "Ông sáng tác bằng tiếng Mông và tiếng Việt. Ông từng cảnh báo về nguy cơ biến mất của chữ Mông trong tương lai. Và con người ông, tác phẩm ông là một trong những mảnh đất còn lại cho tiếng Mông cư trú. Không có gì của thời hiện đại trộn được vào “lãnh thổ Mông” trong tâm hồn ông. Ông là một trong những người bảo vệ những giá trị “văn hoá Mông” trong tác phẩm và trong chính con người ông. Với tôi, ông chính là "thần hộ mệnh" của văn hóa Mông".
Tiếc rằng, vị " thần hộ mệnh" của Văn hóa Mông đã dừng bước " Chộn rộn đường xuân".
VN