VƯỜN MẸ MAI VÀNG
|
NGUYỄN HỮU QUÝ
Ngấn lũ mùa thu
in trong ký ức
con đi xa, thương mẹ vô chừng!
Những cánh đồng van vát miền Trung
neo vào Trường Sơn để không trôi ra biển
như chúng con
neo vào mẹ để còn xứ sở!
Mẹ tần tảo trong miền Trung chìm nổi
áo nối tay, gieo vớt những mùa màng
giọt mồ hôi rơi xèo đất hạn
củ sắn, củ khoai vùi bão ngọt bùi.
Hạt thóc chín vàng đọng bao nhiêu nỗi
mẹ ơi, nỗi nào không đắng đót núi sông
núi miền Trung dốc, sông miền Trung ngắn
mẹ miền Trung trĩu gánh gập ghềnh.
Tết con về quê, vườn mẹ mai vàng
như hương sắc cả năm dồn tụ lại
miền khắc bạc mùa xuân chừng ngắn ngủi
vẫn dâng đầy thơm thảo một miền Trung!
LỜI BÌNH
Thơ hay chạm tới bản thể con người và cảnh vật, được cấu trúc trong một thi pháp đa nghĩa; chưng cất những biểu tượng nghệ thuật riêng có, hàm chứa, dội vào người đọc những thăng trầm của cõi thân phận nhân gian. Bài thơ “Vườn mẹ mai vàng” của Nguyễn Hữu Quý xây dựng hình tượng người mẹ vừa mang những nét cụ thể, riêng biệt vừa mang tính khát quát; ngôn ngữ và hình ảnh dễ hiểu nhưng gây được ấn tượng, bởi nó chân thật, mang mùi dân dã. Vị thế của người con miền Trung xa quê vọng về nơi chôn nhau cắt rốn như đang xoáy vào ta một nỗi niềm trắc ẩn.
Nói đến mùa thu, nghe dịu dàng mát mẻ, ẩn chứa bao vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng. Nhưng, mùa thu miền Trung, mùa của giông bão. Bao nỗi xót xa, quặn thắt, thương mẹ còng lưng chạy đua với ngấn lũ dội về, ăn sâu trong tiềm thức của nhà thơ: Ngấn lũ mùa thu / in trong ký ức / con đi xa, thương mẹ vô chừng!. Ngấn lũ dâng cao, nỗi đau, tình thương của nhà thơ càng lớn, mãnh liệt. Bão tố, lũ lụt miền Trung cũng chính là giông tố trong lòng thi nhân. Nơi tha phương, lòng nhà thơ rưng rức, quặn thắt không yên, ào ạt theo từng đợt lũ tràn về.
Địa hình miền Trung hẹp theo bề ngang, mặt giáp với biển Đông, lưng tựa vào Trường Sơn để đứng vững, chống chọi, duy trì nguồn sống: Những cánh đồng van vát miền Trung/ neo vào Trường Sơn để không trôi ra biển/ như chúng con/ neo vào mẹ để còn xứ sở!. Miền Trung neo vào Trường Sơn như cách chúng con neo/dựa vào cuộc đời mẹ. Biết bao lần mẹ ngụp lặn, tần tảo, dãi dầu mưa nắng, từng giọt mồ hôi mặn mòi trào sôi bỏng rát nắng xối, manh áo mỏng manh chắp vá... cho đất nở hoa, “gieo vớt những mùa màng”, làm nên vị “ngọt bùi” rất riêng của vùng rốn lũ có một không hai này: Mẹ tần tảo trong miền Trung chìm nổi/ áo nối tay, gieo vớt những mùa màng/ giọt mồ hôi rơi xèo đất hạn/ củ sắn, củ khoai vùi bão ngọt bùi. Hai từ “gieo” và “vớt” đã lột tả cả một quá trình cực khổ, lam lũ của mẹ. Nếu động từ “gieo” chứa đựng trong nó niềm tin, hi vọng về một mùa bội thu thì động từ “vớt” lại đong đầy nỗi niềm đắng đót, nhức nhối, tái tê. Bóng dáng mẹ vớt vát, nhặt nhạnh, tìm những gì còn sót lại của mùa màng sau bão lũ mà lòng nghe sao nhói buốt. Thương mẹ bao nhiêu, nỗi lo lắng, day dứt, bứt rứt càng sâu đậm, ám ảnh khôn nguôi trong lòng nhà thơ bấy nhiêu. Cho nên, nhà thơ đã nhìn thấy trong hạt thóc căng mẩy vàng óng là hình bóng liêu xiêu, vất vả, cơ cực của mẹ vì cuộc sống mưu sinh, vì con cái, quê hương. Nỗi niềm xót đắng đó giăng bủa khắp núi sông, khắc hoạ hình bóng mẹ thành bức phù điêu vô giá: Hạt thóc chín vàng đọng bao nhiêu nỗi/ mẹ ơi, nỗi nào không đắng đót núi sông/ núi miền Trung dốc, sông miền Trung ngắn/ mẹ miền Trung trĩu gánh gập ghềnh. Miền Trung được ví như “đôi lưng trần”, “chiếc đòn gánh trĩu nặng” gánh đôi thúng lớn Nam Bắc, là cái eo thiếu nữ “thắt đáy lưng ong”, là “lão nông khòm lưng” gánh nặng nhiều trận mưa bão, khô hạn, lũ chồng lũ, sẵn sàng cuốn trôi, nuốt chửng mọi thứ. Cùng cảm hứng đó, nhưng Nguyễn Hữu Quý lại rất riêng, tinh tế khi ví miền Trung như bóng dáng của mẹ: “mẹ miền Trung trĩu gánh gập ghềnh”. Từ một người mẹ cụ thể, mẹ của mình, Nguyễn Hữu Quý đã khái quát hình tượng mẹ, nâng lên thành “mẹ miền Trung” với đòn gánh cong cong trĩu nặng màu nâu rám của đất đai, ruộng đồng, quê hương. Nỗi vất vả, gian khổ, tần tảo, giản dị, đôn hậu của mẹ cũng chính là vẻ đẹp của con người miền Trung. Lồng nhập hình ảnh mẹ trong hình ảnh quê hương miền Trung, Nguyễn Hữu Quý đã gửi gắm tất thảy tình yêu thương của mình dành cho mẹ, cho dải đất “trĩu gánh gập ghềnh” và hơn cả, nhà thơ đã bất tử, vĩnh cửu hình tượng mẹ miền Trung, khắc sâu vào trái tim của người dân Lạc Hồng.
Vùng đất “khắc bạc” “nắng nẻ mưa nguồn” níu chặt lấy vùng đất và con người nơi đây, vì vậy, cái đói nghèo, vất vả, cơ cực cứ thể đeo bám, đè nặng, nhưng không thể nào đánh gục được ý chí kiên cường, vượt khó của họ. Ai từng sống ở miền Trung mới hiểu con người miền Trung. Thiên nhiên khắc nghiệt đã đúc nên bản tính chịu đựng, trực diện, ngay thẳng như gió và cát, đất và nước vậy. Một năm lam lũ, bươn chải, đánh đổi biết bao mất mát, nước mắt để “đất hạn” nảy lên những mầm xanh sự sống khi tết đến, xuân về: Tết con về quê, vườn mẹ mai vàng/ như hương sắc cả năm dồn tụ lại/ miền khắc bạc mùa xuân chừng ngắn ngủi/ vẫn dâng đầy thơm thảo một miền Trung!. Khu vườn ngấn lũ của mẹ nay đang khoác lên mình một chiếc áo mới, thắm tươi sắc hoa. Dẫu “mùa xuân chừng ngắn ngủi” nhưng cũng đủ làm nên một không gian rực rỡ, rộn ràng, ấm cúng, hạnh phúc, “vẫn dâng đầy thơm thảo một miền Trung!”, tự hào hoà chung không khí hân hoan, phấn khởi đón xuân mới của cả nước.
Đọc “Vườn mẹ mai vàng” dung dị, chân thật như đang xem một bức tranh hiện thực mà sắc nét, để ta thêm tự hào về đất và người miền Trung cũng như thấu tỏ tấm lòng của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý trước mẹ, trước khúc ruột quê mình. Tết đến xuân về, âu đó cũng là tấm lòng thơm thảo mà nhà thơ dâng trọn cho “mẹ miền Trung”.