Sáng tác

Thầy giáo dạy văn. Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh

Lê Ngọc Minh
Truyện
13:36 | 15/01/2025
Baovannghe.vn - Với vùng nửa quê nửa tỉnh hồi đó, thì bốn cô nhà ông Vại đều cao số. Thông thường, gái làng nhất là gái đẹp, mười sáu, mười bảy tuổi đã có người nhắm nhe, nhưng cô cả Sứ nhà ông Vại đã hai bốn tuổi, cô út Liễn đã hai mốt nhưng vẫn chưa đâu vào đâu. Đã thế, cô Sứ lại có một tuyên ngôn rất chí khí Pavel Corsaghin: "Đời người chỉ lấy chồng một lần, không đáng mặt không lấy!".
aa

1. Được mời viết câu đối cho ngôi đền của làng, nhà báo Bùi Đa tra mạng Google tìm bằng hết các từ mục có liên quan đến câu đối nhưng việc ông bất thành. Bí rì, ông vào thư viện mượn báo Tết của năm năm lại đây nghiên cứu. Ông gặp được mấy đôi câu đối của tác giả Đỗ Tiến, thầy giáo dạy văn ngày ông học cấp III. Mừng quá, ông bốc máy gọi: “Dạ! Thưa thầy, học trò cá biệt Bùi Đa lại phải xin phép đến quấy quả thầy…”. Nghe học trò cá biệt trình bày cơn cớ dài dằng dặc, thầy Tiến bảo cứ đến chơi, nhờ giời may ra... Được thầy học cũ cởi mở nhận lời, nhà báo Bùi Đa tin chắc, việc ông sẽ xong. Sướng tỉ, ông tự thưởng cho mình một điếu thuốc lá thơm thời thượng made in Hàn Quốc.

Thầy giáo dạy văn. Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

2. Bùi Đa từng là học sinh cá biệt. Ông nhớ lại, tiết giảng của thày dạy văn Đỗ Tiến ngày đó như là một định mệnh. Thầy Tiến vào lớp. Cho các trò ngồi xuống xong, thầy cầm phấn đến chỗ bảng đen, viết: Phân tích hình tượng chị Sứ. Tất cả tên bài thầy đều viết bằng chữ in hoa theo kiểu phăng tê di, khác với sự chỉn chu lâu nay của thầy. Thay vì chép đầu bài, cậu Đa lại bưng miệng nén cười viết vào vở: Thưa cùng chị Sứ! Chị Sứ là chị Sứ nào? Sao thầy lại vận chị vào văn chương? Chị Sứ ở khắp mười phương? Hay là chị Sứ ở phường Lò Chum? Cậu Đa đang cơn say ngắm nghía đứa con tinh thần cậu vừa đẻ xong thì cậu Hức ngồi cạnh chộp ngay lấy quyển vở và đứng phụt lên, tố: “Thưa thầy, bạn Đa làm thơ đả kích thầy đây ạ!”. Nghe thế, thầy Tiến hơi sững rồi thầy đi đến chỗ có sự. Cậu Hức đưa quyển vở cho thầy. Thầy đọc và hỏi cậu Đa: “Của cậu viết?”. Đa vội đứng dậy: “Vâng, thưa thầy!”. Lớp học trở nên ồn ào, những cái đầu nghiêng ngó, có trò nào đó còn nói: “Thêm quả này nữa thì thằng Đa toi đặc rồi! Đáng kiếp!” Thầy Tiến nhìn lại quyển vở và nói với cả cậu Đa lẫn cậu Húc: “Cho thầy mượn!”. Thầy cầm quyển vở đi lên bàn giáo viên, chép lại. Lớp lặng phắc, nặng nề và chông chênh như núi Thái Sơn sắp sập.

Chép xong, thầy Tiến mang trả quyển vở cho cậu Đa. Thầy gật gật đầu nói: “Ghê đấy!".

Cả lớp tiếp tục ngơ ngác không hiểu. Chỉ thấy thầy Tiến đi lên bảng viết thêm vào dòng chữ đã viết mấy từ: ...trong tác phẩm "Hòn đất" của nhà văn Anh Đức. Lớp lại ồn lên tiếp nhưng thầy ra hiệu để học trò im lặng và bắt đầu giảng bài như chưa có chuyện gì xảy ra.

Buổi trưa, mang bộ mặt “vàng như nghệ" vừa đạp xe về đến cái ngõ ống hun hút, cậu Đa bị anh Đề đứng sau đống rơm xồ ra cho ba cái bạt tai đến toé máu mồm. Lúc cậu Đa lảo đảo đứng lại được, anh Đề còn văng cho cậu một cú đá đít nữa. Không khóc, không thanh minh giải thích, cậu Đa dựng lại xe đạp lủi thủi dắt vào nhà. Anh Đề vào theo, anh ném cho cậu Đa một cái khăn mặt cáu bẩn và quát: "Lau đi! Chó dại còn có mùa. Mày định làm loạn hả?". Cậu Đa cầm khăn lau máu ở mồm, cậu không nhìn vào vệt máu mà nói: "Em chỉ đùa…". Anh Đề liền khùng lên: "Đùa! Hôm trước thì mày đùa với ban quản trị, hôm nay thì mày đùa với thày học. Giặc xâm lược nó đánh còn có điểm, có hướng. Mày…!". Anh Đề lại định bạt tai cậu Đa nhưng thấy máu vẫn chảy ở khoé miệng thằng em dại nên thôi. Anh móc trong túi áo ra tờ giấy chữ viết nguyệch ngoạc dí vào mũi cậu Đa, hỏi: "Có phải mày nghĩ ra cái trò này không?". Cậu Đa cầm tớ giấy. Trên đó là bài vè: Dân quân tập bắn máy bay/ Sáng đi cơm vợ, tối ngày nửa công/ Còn ban quản trị xung phong/ Tổ chức thăm đồng ngả lợn ra xơi/ Đi qua nhắn nhủ mấy lời.

Thoạt nhìn, cậu Đa hỏi: "Anh chép ở đâu ra đấy ạ?". Anh Đề: "Khốn kiếp, cả làng này đều thuộc nó rồi! Ông Sức chủ nhiệm đang kiện mày lên trường, sắp này thì mày hết học hành nhá, về làng bám đít trâu nhá!". Anh Đề rít qua kẽ răng nói: "Tội cũ chưa qua, tội mới dồn đến. Ôi trời, lần này không khéo mày tù chứ chẳng chơi!".

Cậu Đa chỉ im lặng nhìn vào cái khăn lau thấm đẫm máu miệng.

Sự nhẫn nhịn pha cả hãi sợ của cậu Đa khiến anh Đề tỏ ra thương cảm rồi anh tự thú với cậu em: "Anh cũng trót dại, anh đã phục kích ném đá làm hỏng xe của thầy giáo văn mày đấy! Ông ấy thù tao nên lần này sẽ cộng tội và riềng cho mày ra bã. Khổ thân mày!". Cậu Đa hỏi anh Đề: "Vì sao anh lại ném đá vào xe của thầy Tiến em?". Anh Đề: "Tao thích cái Sứ, thầy mày hót tay trên nên tao cú, hoá dại".

Có ai đó gọi anh Đề, trước lúc bỏ đi, anh Đề còn nói: "Khốn nạn! Anh em mình gặp phải vận đen con chó mực rồi!".

Vài ngày sau đó, cậu Đa mới biết rõ, đúng là có chuyện anh Đề và nhiều trai làng Hà Chung của cậu rất thích chị Sứ xinh đẹp nổi tiếng ở làng Lò Chum bên cạnh. Mặc dù bị một số kẻ bất hảo của làng Lò Chum phục kích đánh đòn, ném đá củ đậu làm sứt đầu mẻ trán nhưng các trai Hà Chung vẫn không nguôi cơn khát thèm chinh phục chị Sứ. Anh Đề có mẹo hơn các đồng phạm, anh chỉ đón đường ở ngoài biên ải làng Lò Chum để tán chị Sứ và ngày nào anh cũng viết cho chị một lá thư gửi qua bưu điện. Nhưng rồi sự xuất hiện của thầy Tiến ở gia đình ông Vại, bố của chị Sứ, mọi sự đam mê của anh Đề và các trai làng Hà Chung đã thành công dã tràng.

Cậu Đa còn điều tra thêm được, ông Vại sinh con liền tù tì một bề bốn cô đẹp như tiên nữ. Ông đặt tên các cô toàn bằng tên sản phẩm của làng nghề Lò Chum: Sứ, Sành, Ang, Liễn… Lớn lên để có tên đẹp, cô Sành bỏ đi cái dấu huyền thành cô Sanh, cô Ang thì thêm chữ S vào đầu tên thành cô Sang. Tứ nữ bất bần, có lẽ nhờ thế mà trong cái thời ai cũng nghèo, nhà ông Vại vẫn là hộ có của ăn của để nhất nhì làng Lò Chum. Tuy nhiên, với vùng nửa quê nửa tỉnh hồi đó, thì bốn cô nhà ông Vại đều cao số. Thông thường, gái làng nhất là gái đẹp, mười sáu, mười bảy tuổi đã có người nhắm nhe, nhưng cô cả Sứ nhà ông Vại đã hai bốn tuổi, cô út Liễn đã hai mốt nhưng vẫn chưa đâu vào đâu. Đã thế, cô Sứ lại có một tuyên ngôn rất chí khí Pavel Corsaghin: "Đời người chỉ lấy chồng một lần, không đáng mặt không lấy!". Chính anh Đề dày mặt của cậu Đa cũng bị cô Sứ cho một câu đau như hoạn: "Đừng đón đường tán tỉnh mất công vô ích, phải biết mình là ai chứ?". Tục ở làng Lò Chum, trong nhà, nếu chị cả chưa lấy chồng thì các em sau rất bị vướng. Vì thế, sau khi cô Sứ nhận lời cầu hôn của thầy Tiến, trong vòng chỉ có bốn tháng, ba cô Sanh, Sang và Liễn liền có người đến đặt lễ trầu cau, chiếm chỗ vào mùa cưới.

Sau sự cố trong tiết giảng văn, ông Sức, chủ nhiệm hợp tác xã làm thêm cái công văn thứ hai gửi lên trường cậu Đa, tố cáo sự phạm tội của cậu Đa là có hệ thống, tội sau hiểm độc tinh vi hơn tội trước, tội tấn công vào truyền thống tôn sư trọng đạo, nó là vấn đề tư tưởng...

Anh Đề càng nghe càng nẫu ruột. Một đêm, anh khóc nói với em trai: "Vài tháng nữa anh đi bộ đội, coi như thoát. Em mới khổ, đành phải nín nhịn và vững tâm em nhé!".

Lớp họp để xem xét vụ việc hiểm độc tinh vi do cậu Đa gây ra. Thầy Tiến không phải là chủ nhiệm lớp nhưng vẫn được mời vì có liên quan đến thầy.

Thầy chủ nhiệm cho đọc công văn của ông Sức do ban giám hiệu chuyển để giải quyết theo thẩm quyền. Thầy tỏ ra khách quan khi nêu vấn đề nhưng lại chốt bằng một câu rất luật pháp: "Đề nghị thầy Tiến và cả lớp cho ý kiến xử lý nghiêm túc vụ việc, đúng người, đúng tội". Sau câu nói có tính đề dẫn, thầy chủ nhiệm mời thầy Tiến phát biểu như một đối tượng bị hại. Thầy Tiến nói với thầy chủ nhiệm, thầy sẽ xin phát biểu sau.

Thầy chủ nhiệm nhìn các học trò. Cậu Hức giơ tay xin phát biểu đầu tiên. Cậu ta dường như thuộc lòng nội dung hai cái công văn của ông chủ nhiệm hợp tác xã và đọc lại khá diễn cảm các bài thơ của đương sự Bùi Đa. Tiếp theo ý kiến dài hơn cả đề dẫn của thầy chủ nhiệm là các ý kiến khác rất bất lợi cho cậu Đa. Cũng có một vài ý kiến bênh vực cậu Đa nhưng nhợt nhạt và lưỡng tính, kiểu như: “Bạn Đa có lỗi là đúng rồi song đây là sự bồng bột của tuổi trẻ,” hoặc: “Bạn Đa có năng khiếu thơ ca nếu được uốn nắn tốt thì sẽ có lợi cho phong trào học văn của lớp”...

Thầy Tiến được thầy chủ nhiệm mời phát biểu. Thầy đứng lên trịnh trọng thưa thầy chủ nhiệm rồi nói: "Tôi đã đọc kỹ hai bài thơ mang tính trào phúng đả kích của học sinh Bùi Đa. Bài thứ hai, tức là bài Thưa cùng chị Sứ đúng như nguyên tác, còn bài thứ nhất, có một số từ khác với bài thầy chủ nhiệm đang cầm". Thầy chủ nhiệm ngạc nhiên vội hỏi: "Thế ạ? Lại còn dị bản nữa à?". Thầy Tiến hơi mỉm cười rồi thầy nói: “Vâng! Tôi xin phép được đọc”. Thầy Tiến mở sổ ra và đọc dị bản: Dân quân luyện tập mấy ngày/ Sáng đi cơm vợ, chiều về uổng công/ Còn ban quản trị lòng thòng/ Bày vẽ thăm đồng, mổ lợn đem xơi/ Đi qua bắn thẳng mấy lời.

Thầy Tiến vừa dừng thì cậu Hức kêu lên: "Nghiêm trọng quá! Rõ ràng là bản chất địch!". Thầy chủ nhiệm nhìn thẳng vào mặt cậu Đa và cũng thốt lên: "Tôi không ngờ cậu Đa lại cá biệt tới mức cùng cực đến thế!". Cậu Đa lúng búng nói: "Dạ thưa!..". Thầy chủ nhiệm gắt lên: “Không cãi!”. Thầy nhìn thầy Tiến như người có lỗi và nói: "Cảm ơn thầy giáo Tiến! Xin mời thầy tiếp tục phát biểu!".

Thầy Tiến nói: "Có một điều là bản chính và bản dị tôi vừa đọc không phải do cậu Đa viết. Nói đúng ra cậu Đa là người biên tập bài vè hiện có trong tay thầy chủ nhiệm".

Cậu Hức nói chen: "Biên tập là nối giáo cho giặc đấy ạ!".

Thầy Tiến: "Bình tĩnh, em Hức". Sau khi nhắc cậu Hức, thầy Tiến kể lại, thầy có biết bài vè từ hơn tuần trước, thầy đã lặng lẽ về làng Hà Chung hỏi han bà con. Bà con cho biết bài vè gốc của nó là do cố Sầy, một lão nông có óc hài hước trong làng viết. Cố Sầy biết cậu Đa học giỏi văn và cũng hay thơ phú nên đến nhờ cậu góp ý. Cậu Đa nói với cố Sầy rằng, nếu viết: "Dân quân luyện tập mấy ngày, sáng đi cơm vợ, chiều về uổng công" là cái nhìn phiến diện và phủ nhận. Thực ra dân quân tập chuyên đề bắn máy bay địch rất hào hứng chăm chỉ nhưng vì là phi sản xuất nên họ chỉ được trả nửa công một ngày. Cậu Đa sửa lại cho cố Sầy thành: "Dân quân tập bắn máy bay / Sáng đi cơm vợ tối ngày nửa công". Cố Sầy chịu và khen: "Cậu sửa lại vừa vần vừa không quá hàm hồ phủ nhận". Cậu Đa sửa tiếp các câu sau, từ nội dung: "Còn ban quản trị lòng thòng/ Bầy trò thăm đồng, mổ lợn đem xơi/ Đi qua bắn thẳng mấy lời " thành nội dung: "Còn ban quản trị xung phong/ Tổ chức thăm đồng, ngả lợn ra xơi/ Đi qua nhắn nhủ mấy lời". Cố Sầy hục hặc không chịu nhưng cậu Đa phân tích, ở đây ban quản trị không lòng thòng mà chỉ hay bầy biện ra cách đi thăm đồng để tâng công với cấp trên là luôn sâu sát đồng ruộng nhưng mục đích là tìm cớ đánh chén. Cuối cùng cậu Đa nói với cố Sầy: “Ban đầu cố cứ tạm nhắn nhủ, nếu họ không chịu nghe thì cố hãy bắn thẳng”. Cố Sầy chịu và khen: “Cậu có học hành có khác!".

Cậu Hức phản ứng, từ xung phong mà cậu Đa dùng là rất nguy hiểm, là biểu tượng lấp lửng thò lò, bộ đội ta đang xung phong đánh địch thì sao đây! Thầy Tiến lại thêm một lần nhắc cậu Hức bình tĩnh. Thầy đi đến kết luận: "Thực ra, xét cho cùng em Đa tội ít, công nhiều trong vụ bài vè; còn với bài Thưa cùng chị Sứ thì tôi phải cám ơn em Đa đã nhắc nhở về sự tắc trách. Đúng là trên đời có nhiều chị Sứ. Còn chị Sứ trong tiết giảng văn của tôi là chị Sứ trong tác phẩm Hòn đất của nhà văn Anh Đức! Tôi xin hết lời và chân thành cảm ơn sự nhắc nhở rất văn học của em Đa". Nói xong thầy đến bắt tay cậu Đa.

Một tảng băng lạnh đổ sập xuống những cái đầu nóng bỏng trong cuộc họp lớp. Im lặng kéo dài đến hai phút.

Thầy chủ nhiệm cảm ơn thầy Tiến nhưng thầy cũng không kết luận, thầy chỉ nói sẽ thẩm tra lại và báo cáo nội dung cuộc họp về ban giám hiệu.

Sau đó, cũng không thấy có hồi âm gì nhưng cậu Đa nghiễm nhiên trở thành đối tượng học sinh cá biệt và nguy hiểm. Chỉ có thầy Tiến vẫn hay nhắc cậu Đa, cậu có năng khiếu tưởng tượng và hài hước. Đó là thứ trời cho, cậu cố gắng giữ lấy.

Dấu ấn không mấy suôn sẻ từ tuổi học trò luôn cảnh báo cậu Đa nhưng thay đổi bản tính thật khó nên cậu vẫn cứ nhìn đời bằng kiểu tưởng tượng hài hước của mình. Khi trưởng thành số phận run rủi cho cậu Đa trở thành một nhà báo. Nhà báo Bùi Đa được giao phụ trách cái Góc hài hước của tờ báo lớn nhất tỉnh. Ông thuộc diện làm quan không có ấn kiếm, không bộ hạ đệ tử vì phụ trách Góc hài hước chỉ có mỗi mình ông. Khi ông được tổng biên tập phong cho hàm trưởng bộ phận thì cái bộ phận của ông cũng không có thêm biên chế nào nhưng ông được mời họp giao ban hàng tuần như một đầu mối chủ chốt, ông còn được hưởng phụ cấp trách nhiệm tương đương với các chức vụ trưởng phòng, trưởng ban của báo.

Hôm nhận hàm, ông đến thăm thầy giáo dạy văn Đỗ Tiến. Thầy đã nghỉ hưu và đang chí thú làm công việc của một nhà khảo cứu văn hoá cổ trong địa bàn tỉnh. Dù nhà báo Bùi Đa có hỏi về kế sách đổi mới Góc hài hước thế nào thì thầy Tiến cũng chỉ cười cười và bảo: "Hậu sinh khả uý! Mỗi người có thời của mình". Vẫn tiếp tục gạ, nhà báo Bùi Đa được thầy cho bốn chữ: "Gạn đục khơi trong!".

3. Cái công việc sáng tác câu đối mà nhà báo Bùi Đa đang cần sự giúp đỡ của thầy Tiến cũng là do uy tín công việc của ông đem đến. Chả là sau khi liên tiếp đổi mới, Góc hài hước của báo là một chuyên mục năng động và có chất văn hẳn lên. Bộ phận quảng cáo của báo công bố ti-ra tăng liên tục, có số tăng đến ba ngàn bản là do đóng góp phần lớn của Góc hài hước. Đặc biệt, sau khi ông Bùi Đa chọn sáu trong số các bài thơ in ở Góc hài hước gửi cho một cuộc thi thơ lục bát của câu lạc bộ thơ tỉnh và đoạt một giải nhất, một giải ba, hai giải khuyến khích trong tổng bảy giải của cuộc thi thì ông Bùi Đa được đánh giá là bà đỡ mát tay, là người phát hiện ra một trạng nguyên và một thám hoa thơ lục bát tỉnh nhà. Vị thám hoa cuộc thi lại là cư dân của làng Hà Chung. Tiếng thơm của nhà báo Bùi Đa nổi hơn cả cồn.

Vì thế, khi làng Hà Chung dựng lại ngôi đền Thánh Cả, ban tổ chức cử một đoàn lên báo tỉnh gặp ông Bùi Đa với lời đề nghị, xin ông cống hiến cho làng đôi câu đối treo ở hai cột cái của ngôi đền.

Việc dựng lại ngôi đền nổi tiếng của quê nhà khiến ông Bùi Đa rất mừng. Ông đã làm một bài thơ đăng ở chuyên san cuối tuần của bản báo và được đài phát thanh truyền hình trích hai câu trong mục điểm báo: "Ngày xuân con cháu lên đền / Chắp tay hương hỏa rước tiên tổ về". Ngôi đền này, ông đã ngồi học suốt bốn năm cấp I, ông còn nhớ trong đền có con ngựa bạch thắng yên cương chầu ở bên phải bàn thờ chính. Đức Thánh Cả là một vị tướng văn vũ song toàn đời Nhà Lý, ngài được phái về lập đồn trại trấn giữ cả vùng đông nam của Ái Châu. Ngài để lại sáu nhánh họ lớn, chiếm đến hơn hơn bốn phần năm cư dân của làng Hà Chung. Hồi chiến tranh đền thờ ngài bị phá, toàn bộ ngôi đền, cái sân lớn, cái cổng ba tầng và hai cây thông đại thụ biến mất trong ba cái vũng bom lớn sâu đến chục mét. Đền Thánh Cả chỉ còn lại trong ký ức lớp người như ông Bùi Đa trở lên. Cũng đã mấy lần, ông Bùi Đa liên hệ với những người thành đạt trong làng bàn cách góp gom công đức để dựng lại ngôi đền nhưng bàn đi tính lại, lực bất tòng tâm.

Năm ngoái ông Hức thầu khoán (tức là cậu Hức bạn học với ông Bùi Đa ngày trước) từ tỉnh ngoài về làng dựng cờ công đức xây lại đền. Ông Hức đặt móng trước một tỷ đồng và kêu gọi những người có máu mặt công đức hỗ trợ. Nhưng các máu mặt của làng cố gắng lắm cũng chỉ được hơn trăm triệu, bản thân máu mặt như nhà báo Bùi Đa, bà đỡ của một trạng nguyên và một thám hoa thơ lục bát tỉnh cũng chỉ góp được năm triệu đồng.

Theo như tinh thần cổ đông lớn nắm cổ phần chủ đạo, ông Hức gần như được toàn quyền quyết định về việc dựng lại ngôi đền. Ông không cho xây ngôi đền năm gian kín đốc như cũ mà xây ba gian hai chái, mái cong cánh phượng sơn toàn màu xi măng. Con ngựa bạch bằng gỗ, ông Hức cũng không cho phục chế mà ông chở về hai con sư tử đá, lắp máy bơm kích cho phun nước cầu vồng đến ba chục mét. Những người hoài cổ như ông Bùi Đa tỏ ra khó chịu nhưng túi tiền đầy có uy lực đặc biệt của nó.

Đền được dựng xong, mọi ấm ức cũng êm dần nhưng khi ông Hức nói, sẽ treo đôi câu đối của ông ở gian chính thì làng không chịu. Đôi câu đối của ông Hức được diễn đạt bằng tiếng ta, tiếng Tàu và cả tiếng Tây như ông quảng cáo. Ông Hức kể, ông đã nhọc công tìm thầy, tìm thợ mấy tháng trời, lại nhờ cả giáo sư ngoại ngữ tiếng tăm của một trường đại học ngoài Hà Nội nhuận sắc mới có được câu đối rất đặc trưng thời @: "Ơn đức cao xanh, phú quý bằng an lai tuýt- suỵt*/ Nhờ uy tông tổ, gian nan bần tiện phút- lơ -căm".**

Ông thám hoa thơ lục bát làng Hà Chung liền làm một bài thất ngôn bát cứ đả kích thói rởm đời hợm tiền của ông Hức và gửi Góc hài hước của ông Bùi Đa. Ông Bùi Đa đang cân nhắc thì trang thơ trào phúng của một tờ báo ngoài Hà Nội đã đăng. Báo đăng mặc báo, vì bài thơ không nói địa chỉ đả kích, nó cũng không phải là đơn khiếu kiện nên ông Hức không động tâm. Nhưng hôm ông Hức tính giờ tốt chính thức cho treo đôi câu đối lên thì các cụ ra đền đứng ba hàng trước cửa chính, cản ông ta một cách quyết liệt.

Trong lần tiếp các phụ lão Hà Chung, ông Bùi Đa đã cố giải thích, ông không thể vâng lời được, vì thơ khác với câu đối, nhất là câu đối thờ ở ngôi đền thiêng như đền Thánh Cả. Mặc, các cụ cứ một mực giao phó đại sự cho ông.

Ông Bùi Đa nhận lời các cụ trong muôn nỗi lo. Lo vì sợ không nghĩ ra được câu đối, lo vì bị mang tiếng đối đầu với ông Hức, người lắm tiền nhiều của, quen biết rộng, người mà lâu nay ông cố gắng chỉ kính nhi viễn chi…

Ông Bùi Đa về một thị trấn ở huyện miền biển tìm gặp thầy Đỗ Tiến. Cụ Tiến và cụ Sứ đã hưu về quê giữ đất hương hỏa. Hai cụ hay đi chùa. Cụ ông làm nghiên cứu sưu tầm văn hoá đình chùa theo sở thích, cụ bà công đức từ thiện.

Nghe chuyện nhà báo Bùi Đa kể về đôi câu đối đa ngôn ngữ thời @ của ông Hức, thầy Tiến cười và bảo, ông Hức đã lấy motiv từ một câu đối vui dân gian có từ thời Pháp thuộc về chủ đề Tết. Nguyên gốc là: Phú quý năm nay lai túyt- suỵt/ Bần tiện năm ngoái phút- lơ- căm, đại khái là: Phú quí năm nay đến lập tức/ Bần tiện năm cũ cút đi ngay. Ông Hức chế biến ra được như thế kể cũng khá láu lỉnh và không làm mất đi nội dung của nguyên tác nhưng một ngôi đền như đền Thánh Cả thì thờ loại câu đối đó không hợp. Các cụ người làng Hà Chung phản ứng là lẽ đương nhiên. Cụ giáo Tiến dừng và bảo nhà báo Bùi Đa: "Cậu chờ tí!". Cụ giáo bật laptop. Lịch sử về ngôi đền Thánh Cả của làng Hà Chung hiện lên. Ngôi đền được xây từ hơn năm trăm năm trước, đã trùng tu nhiều lần và có đến tám câu đối. Câu đối treo ở gian chính có nội dung ca ngợi công tích vị tướng quân họ Bùi, người được thờ với mỹ danh Thánh Cả: "Công tại Lý triều danh tại sử / Sinh vi thượng đẳng tử vi thần". Cụ Tiến phiên luôn sang quốc ngữ: “Tức là, vị tướng quân họ Bùi có công lao với triều Lý, tiếng thơm còn trong sử sách. Tướng quân lúc sống là danh tướng, lúc mất được phong thần.”

Được câu đối đó, ông Bùi Đa mừng lắm, ông xin cụ giáo Tiến viết cho cả phần chữ nho lẫn phần quốc ngữ. Cụ giáo Tiến vui vẻ làm theo ý cậu học trò cũ nhưng dặn, không để cho ai biết, cụ là người cung cấp nguồn dữ liệu này.

Ông Bùi Đa đem câu đối về làng nói rõ, đó là câu đối của đền trước đây, nói về sự nghiệp của đức Thánh Cả, tướng quân họ Bùi.

Ông Hức và phe nhóm của ông không chịu. Ông Hức khăng khăng nói, ông bỏ ra tiền tỷ để dựng đền là cho cả làng hưởng phúc chứ không phải làm nhà thờ tổ họ Bùi của ông Đa. Ông rất nghi ngờ thông tin của ông Đa và dù có là thật đi nữa thì việc khôi phục ngôi đền chỉ để tôn vinh họ Bùi, không phải là cơn cớ để ông bỏ ra bạc tỷ. Câu đối bị từ chối.

Nhà báo Bùi Đa kìm nén lắm mới không nóng gáy nhưng ông thưa với các cụ trong làng, ông không thể làm gì hơn.

Ông Hức thì đắc thắng tuyên bố, ngày tốt ông cứ cho khánh thành đền, cứ cho đôi sư tử phun nước, và ông cứ cho treo đôi câu đối đa ngôn ngữ thời @ hội nhập.

Trên đường về tỉnh, nhớ lại vẻ mặt đắc thắng của ông Hức, nhà báo Bùi Đa lại rẽ xuống huyện miền biển gặp thầy giáo dạy văn. Khi nhà báo Bùi Đa còn đang bức xúc trình bày mọi nhẽ thì cụ giáo Tiến tủm tỉm cười, nói: "Gỡ cũng dễ thôi! Thầy có câu này cho cậu mang về, tin rằng sẽ đắc dụng!”. Ông Bùi Đa nghe thầy Tiến nói về nội dung câu đối mới, liền thưa: “Như vậy, làng em phải chịu lép trước cậu Hức ạ?”. Thầy Tiến: “Không lép! Văn chương dù gì đi nữa thì cuối cùng cũng phải hướng tới nhân nghĩa và hòa bình. Trong trường hợp này, cậu phải làm như Nguyễn Trãi: Ta lấy toàn quân là hơn để nhân dân nghỉ sức.” Thầy Tiến cười hiền và lại dặn: “Nhưng cậu đừng nói là lấy ở thầy".

Ông Bùi Đa trở lại làng Hà Chung. Trước đông người, ông Hức đắc chí cười ầm ầm, vỗ vai ông Bùi Đa nói: "Biết thế nào cậu cũng quay lại, đầu hàng!". Ông Bùi Đa nói ba câu ngắn liền một lúc: " Tôi không đầu hàng. Câu đối mới đây. Cậu đọc đi!".

Ông Bùi Đa đưa tờ giấy khổ A4 ra, ở đó là chữ hoa in vi tính. Nội dung: “Thiên thu thể phách tồn thiên địa/ Vạn đại tinh thần tại tử tôn".

Ông Hức đọc xong cười khẩy, lắc đầu lẩm bẩm: " Nghìn thu thể phách hòa vào trời đất/ Vạn thời tinh thần còn trong con cháu! Hừ! Nhạt! Chung chung quá, không dấu ấn, không bản sắc đền Thánh Cả, làng Hà Chung. Mà cậu đem một nghìn thu đối với một vạn thời thì cập kênh quá! Này, cậu kiếm ở đâu ra nhanh thế? Từ trong cái đầu đầy óc đả kích của cậu hay cóp nhặt?".

Lần này thì nhà báo Bùi Đa nóng gáy, ông không giữ được lời dặn của cụ giáo Tiến. Ông nghiêm mặt bảo ông Hức: "Cậu nói năng cẩn thận! Đây là chữ của thầy Tiến!”. Ông Hức có thần mặt ra nhưng liền cả cười được ngay và khật khật nói:"Nhân bảo như thần bảo! Biết mà! Ông Tiến dạy văn ngày trước chứ gì? Bố già này là chúa dĩ hòa vi quý! Hừ! Tuy nể các bố lắm nhưng tôi không thể xài!". Ông Bùi Đa không đáp, lấy lại tờ giấy từ ông Hức. Ông thám hoa và các cụ đứng quanh đã nghe thủng câu chuyện. Họ tháp tùng nhà báo Bùi Đa đem đôi câu đối vào dâng trước bài vị Đức Thánh Cả.

Điên tiết lên, ông Hức kích máy bơm cho sư tử đá phun nước mạnh như vòi rồng.

Bỗng có tiếng thét lên: “Thánh vật…ật..!”.

Ông Hức bị văng ra đến ba mét từ đuôi sư tử đá. Ông bị gãy xương, bị tay khoèo miệng méo phải phục thuốc mất cả tháng. Thực ra, do nộ khí và bất cẩn nên ông bị điện giật. Nhưng ông Hức sợ lắm, ông âm thầm sai vợ con tìm đến nhà cụ giáo Tiến, xin đủ tám đôi câu đối về khắc, treo ở đền thờ Đức Thánh Cả.

VN17/2016

* Tuýt- suỵt ( Toute de suite, tiếng Pháp: Lập tức)

** Phút- lơ- căm (Foutre le camp, tiếng Pháp: Cút ngay)

Nhà văn Peter Gizzi giành giải thưởng thơ TS Eliot 2025

Nhà văn Peter Gizzi giành giải thưởng thơ TS Eliot 2025

Baovannghe.vn - Với Fierce Elegy (tạm dịch: Khúc bi ca dữ dội), Peter Gizzi đã giành giải thưởng thơ TS Eliot 2025. Đây là một tuyển tập thơ kể về trải nghiệm mất...
Hội Nhà văn Tp Hồ Chí Minh, kết nạp nhiều tác giả thế hệ 8X và 9X

Hội Nhà văn Tp Hồ Chí Minh, kết nạp nhiều tác giả thế hệ 8X và 9X

Baovannghe.vn - Hội Nhà văn TPHCM đã kết nạp 19 hội viên mới, thế hệ 8X, 9X. Đồng thời, trao giấy khen cho tập thể, cá nhân đóng góp cho phát triển Hội năm 2024
Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai công tác Văn học năm 2025

Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai công tác Văn học năm 2025

Baovannghe.vn - Sáng ngày 15/1, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác Văn học năm 2025.
Chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật: Để kiểm soát quyền lực

Chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật: Để kiểm soát quyền lực

Baovannghe.vn - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị
Tết ấm quê nhà - Thơ Tịnh Bình

Tết ấm quê nhà - Thơ Tịnh Bình

Baovannghe.vn- Bâng khuâng theo khói chiều đông/ Cánh đồng ngậm ngùi sương trắng