Tôi vừa có dịp được trở lại quê nhà bên sông Ngàn Phố. Do quỹ thời gian có hạn – 85 tuổi rồi, chẳng thể “bay nhảy” nhiều nơi, cũng không đợi được đến ngày khai giảng năm học mới, tôi ghé Trường THCS Nguyễn Khắc Viện (xã An Hòa Thịnh – huyện Hương Sơn) vào lúc các phòng lớp đều đóng cửa. Thiếu hình bóng thầy cô và học trò, sân trường trông càng thoáng rộng mênh mông, chỉ có những chiếc lá bàng cuối mùa rải rác trên nền gạch phẳng phiu không một vết nứt…
Dạo quanh sân trường một lúc, chợt một tốp học sinh lớp 9 vừa tập tiết mục văn nghệ cho ngày khai giảng ùa ra. Biết tôi đến chỉ để tặng Thư viện thuộc Phòng truyền thống nhà trường cuốn sách vừa in, các em liền tụm lại với những khuôn mặt tươi rói, trong trẻo và háo hức. Có thật các học sinh ở Trường THCS Nguyễn Khắc Viện việc còn “háo hức” và dành thì giờ cho việc đọc sách, khi vừa lo “trả nợ” bài vở nặng chịch, vừa bị các màn hình điện thoại, ti vi cuốn hút như mọi học sinh nơi khác? Thú thật là nỗi băn khoăn không chỉ của tôi mà là của mọi người về “bệnh lười đọc sách” không chỉ với học sinh mà của toàn xã hội không hề thuyên giảm...
Tác giả cùng tốp học sinh lớp 9 trên sân trường THCS Nguyễn Khắc Viện trước ngày khai giảng |
Nhiều, rất nhiều người hoạt động nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa mà tôi có dịp gặp đều cho rằng việc xây dựng thói quen đọc sách hiện nay là rất khó. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong một lần “đàm luận” với tôi về vấn đề này đã nói đại ý: Vì thế, tất cả chúng ta phải xắn tay vào, thậm chí phải vận động từng người một!... Chính là với tinh thần đó, trong bài viết Cần tổ chức việc đọc sách ở nông thôn một cách có thực chất và thường xuyên đăng trên tạp chí Nông thôn Việt, tôi đã nêu vấn đề là muốn những cuốn sách có giá trị không “nằm chết” trong tủ kính thì phải vận dụng bài học Cách mạng Tháng 8 – tức là phải tuyên truyền, cụ thể, bền bỉ, thường xuyên với hình thức thích hợp, với mọi đối tượng. Tôi nêu vấn đề này với một cơ quan truyền thông của Tổng hội nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam vì nông thôn là địa bàn cư trú của hầu hết học sinh tiểu học, trung học – thế hệ là chủ nhân tương lai của đất nước - lại là nơi thiếu sách đọc nhất. “Một bàn tay quen cầm sách sẽ khó vung lên đấm vào mặt bạn hoặc thậm chí mang dao sát hại người thân như không ít vụ án đau lòng xảy ra vừa qua…”
Và hôm nay thì tôi có cơ hội “vận động” việc đọc sách không phải với một người mà có đến 7 gương mặt trẻ trung, sáng láng – những học sinh của ngôi trường mang tên một nhân vật đã có đóng góp ít nhiều cho đất nước chủ yếu nhờ những cuốn sách và di sản ông để lại cho đời cũng chủ yếu là những trang sách. Tuy vậy, tôi không nhiều lời khuyên giải việc nên đọc sách, do trong cuốn sách tôi mang tặng nhà trường đã có đến 2 bài viết khá chi tiết về vấn đề này; tôi chỉ thử làm một “trắc nghiệm” nhỏ xem những cô bé đáng yêu đang ngồi quanh có thật sự thích thú với việc đọc sách không…
Trong Thư viện tại Phòng Truyền thống trường Nguyễn Khắc Viện có một tủ sách gồm khá đầy đủ tác phẩm của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và nhiều cuốn của anh chị em tôi tặng nhà trường, nên tôi thử làm một trắc nghiệm “mi ni”, hỏi các em học sinh ngồi quanh: “Em đã đọc cuốn sách nào của ông Viện? Kể ra xem nào?...”. Sau một phút lúng túng, các em quay phải quay trái, rúc rích cười rồi tiếng trả lời kế tiếp: Bàn về đạo Nho, Việt Nam một thiên lịch sử, Ước mơ và hoài niệm, Nguyễn Khắc Viện Yêu và Mơ… Tôi hiểu ra, các em trả lời sau khi bấm vào điện thoại! Cũng không nghe nhắc các tên sách mà các em cần đọc như Ngây thơ, Nỗi khổ của con em, Từ sinh lý đến dưỡng sinh, Tâm lý học sinh tiêu học, Kể chuyện đất nước… Chưa dám quy kết, nhưng các tên sách đó có lẽ là “điện thoại thông minh” và Google “trợ giúp” trả lời, chứ không phải học sinh Trường Nguyễn Khắc Viện!!!
Các em đang vui, nên tôi không nỡ buông lời chê trách. Mà cả xã hội đều lười đọc sách, kể cả những người có thể gọi là “triệu phú thời gian” nhàn rỗi và cả những thầy giáo dạy văn! Thật tiếc là không ít người – kể cả cán bộ trong ngành giáo dục, chưa nhận ra chương trình dạy văn - học văn trong nhà trường mới chỉ bảo đảm cho học sinh đủ điểm lên lớp, có bằng cấp để xin việc, rồi có thể làm giàu, làm quan, chứ chưa làm được sứ mạng trọng đại của văn chương là gợi cảm hứng, thôi thúc con người hướng đến một cách sống nhân ái, cao đẹp. Ôi chao...
Một lúc sau cô hiệu trưởng đến. Tôi trao cho cô cuốn sách mới và nhắc cô, dù phải lo nhiều việc quan trọng khác, cố gắng tổ chức cho các em có thói quen đọc sách! Tôi từng gợi ý cho nhà trường một cách để “kéo” các em đến với những cuốn sách là thường xuyên tổ chức những buổi ngoại khóa với hình thức cuộc thi có thưởng. Câu hỏi có thể là “Em thích đoạn văn nào trong các cuốn sách được chọn? Vì sao?” Trả lời loại câu hỏi này, không thể bấm điện thoại và nhờ Google cho lời đáp. Không biết nhà trường đã thực hiện “cuộc thi” kiểu này lần nào chưa? Mà quan trọng hơn là những biện pháp “kéo” các em đến với sách phải tổ chức thường xuyên mới xây dựng lại được thới quen đọc sách; chứ chỉ tổ chức theo ngày lễ nào đó hay ngày Hội sách thì chỉ để chụp ảnh đưa tin trên báo cho vui thôi!
Tại sao lại phải đặt vấn đề một cách “quyết liệt” như thế? Vì hầu như “thiên hạ” đã bỏ quên thói quen đọc sách, do đã quá mệt mỏi với cuộc mưu sinh; mà đọc sách chẳng giúp người ta mau giàu có, mau lên chức; mọi thông tin – kể cả kiến thức, chỉ cần bấm điện thoại là có ngay! Những ai quan niệm như thế đã quên rằng, lợi ích chủ yếu mà sách mang lại là bồi đắp, làm giàu cho tâm hồn con người. Nói cách khác, những cuốn sách góp phần quan trọng tạo dựng nên những nhân cách lớn. Chỉ riêng một tỉnh như Hà Tĩnh, có thể kể là những tên tuổi: Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xiển, Phan Đình Diệu, Lê Văn Thiêm, Xuân Diệu, Huy Cận, Hà Văn Tấn, Từ Chi, Nguyễn Đổng Chi, Hoàng Ngọc Hiến… Họ không giàu có, không phải là quan to, nhưng được mọi người kính trọng và yêu mến.
Tôi nhắc những tấm gương này với hy vọng có thêm sức “kéo” mọi người - chứ không chỉ với các học sinh Trường THCS Nguyễn Khắc Viện - đừng quên dành thì giờ đọc sách hàng ngày, dù cuộc sống bận rộn đến đâu…
Nguyễn Khắc Phê
Nguồn Văn nghệ số 38/2023