Chuyên đề

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: “Sách Ngữ văn lớp 12 bộ Cánh Diều chú trọng vào vận dụng, thực hành”

Văn học nhà trường
16:18 | 19/02/2024
Lớp 12 là năm học cuối cùng của cấp THPT, lượng kiến thức tiếp thu rất quan trọng cho kỳ thi tốt nghiệp và vào đại học. Nhất là đối với các bạn học sinh định hướng nghề nghiệp theo các môn khoa học xã hội. Vì thế, việc tìm hiểu trước các nội dung của sách là cần thiết.
aa

Lớp 12 là năm học cuối cùng của cấp THPT, lượng kiến thức tiếp thu rất quan trọng cho kỳ thi tốt nghiệp và vào đại học. Nhất là đối với các bạn học sinh định hướng nghề nghiệp theo các môn khoa học xã hội. Vì thế, việc tìm hiểu trước các nội dung của sách là cần thiết.

Một trong các môn khoa học xã hội quan trọng là Ngữ văn. Để làm rõ hơn nội dung của sách Ngữ văn theo Chương trình GDPT năm 2018, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, đồng Tổng Chủ biên SGK môn Ngữ văn lớp 12 bộ Cánh Diều.

Bìa sách Ngữ văn lớp 12, bộ sách Cánh Diều

PV: Thưa PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, xin thầy cho biết những thông tin cơ bản của SGK môn Ngữ văn lớp 12 bộ Cánh Diều?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Bộ SGK Ngữ văn lớp 12 gồm 2 tập do Nhà xuất bản Đại học Huế phối hợp với công ty Đầu tư Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) sản xuất. Tập 1 có 172 trang và tập 2 có 152 trang. Ngoài ra có sách chuyên đề học tập Ngữ văn 12 gồm 88 trang.

PV: Đội ngũ tác giả viết sách là những ai, thưa thầy?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Tác giả vẫn là những đội ngũ quen thuộc ở SGK môn Ngữ Văn lớp 11 bộ Cánh Diều, đây là những người thầy, người cô có chuyên môn về sư phạm, có lượng kiến thức sâu về văn chương và phê bình văn học. Đó là GS.TS Lã Nhâm Thìn cùng với tôi là đồng Tổng Chủ biên. Chủ biên là: PGS. TS Trần Văn Toàn; các tác giả gồm: PGS.TS Bùi Minh Đức, PGS. TS Bùi Thanh Hoa, PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương, PGS.TS Phạm Thị Thu Hiền, TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh và TS. Nguyễn Văn Thuấn.

PV: Thầy cho biết về cấu trúc và bài học ở SGK môn Ngữ văn lớp 12 bộ Cánh Diều như thế nào?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: SGK Ngữ văn 12 bộ Cánh Diều được thiết kế theo mô hình tích hợp, lấy hệ thống thể loại có kết hợp với các chủ đề, đề tài. Trong đó, Tập 1 gồm 5 bài: Mở đầu; Truyện truyền kì và truyện ngắn; Hài kịch; Nhật kí, phóng sự, hồi kí; Văn tế, thơ; Văn nghị luận. Tập 2 gồm các bài: Thơ văn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh; Tiểu thuyết hiện đại; Thơ hiện đại; Văn bản thông tin tổng hợp; Tổng kết tiếng Việt, tổng kết văn học, tổng kết phương pháp đọc - viết – nói – nghe. Cuối 2 tập sách có bài Ôn tập và tự đánh giá kì cuối học kì.

Về cầu trúc, mỗi bài học chính trong sách gồm 3 phần: Phần mở đầu yêu cầu trình bày các nội dung cần đạt và kiến thức ngữ văn cơ sở để học sinh đọc hiểu, viết, nói và nghe; Phần kiến thức mới được hình thành qua nội dung phần Đọc hiểu văn bản, Viết, Nói và nghe. Phần luyện tập, vận dụng gồm Thực hành đọc hiểu, Thực hành tiếng Việt, Thực hành viết, Thực hành nói - nghe và tự đánh giá.

Ở cuối sách có các phụ lục, bảng tra cứu từ ngữ, tra cứu tên riêng nước ngoài.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống từng công tác tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, ông từng được giao nhiệm vụ Thường trực ban chỉ đạo đổi mới chương trình và SGK. Sau khi về hưu, tâm đắc với triết lý giáo dục “Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống” của Bộ SGK Cánh Diều, ông đã nhận lời tham gia vào đội ngũ Tổng chủ biên, Chủ biên bộ SGK này. Trong quá trình thực hiện các cuốn SGK, Ngữ văn, ông và các tác giả luôn đề cao tính thực tiễn, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế nhằm phát triển năng lực cho học sinh.

PV: Thưa PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, thầy chia sẻ thêm về cấu trúc chuyên đề dạy học ở lớp 12? Vì được biết đây là phần ở cấp THCS không có.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Chuyên đề học tập là phần tự chọn nhằm đáp ứng, nhu cầu cá nhân của người học. Đây là nội dung giúp học sinh phân hóa theo định hướng nghề nghiệp, theo yêu cầu của chương trình học sẽ có 3 chuyên đề gồm: Chuyên đề 1: Tập nghiên cứu và viết báo cáo vấn đề văn học hiện đại và hậu hiện đại Việt Nam; Chuyên đề 2: Tìm hiểu một tác phẩn chuyển thể từ văn học; Chuyên đề 3: Tìm hiểu phong cách sáng tác của một trường phái văn học: cổ điển, hiện thực hoặc lãng mạn.

Cấu trúc gồm 2 phần Lý thuyết và Thực hành, trong đó thực hành là chính.

PV: Thưa thầy, các điểm nổi bật của SGK môn Ngữ văn lớp 12 bộ Cánh Diều là gì?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Điểm thứ nhất là luôn luôn bám sát yêu cầu của Chương trình GDPT môn Ngữ văn năm 2018, sắp xếp hệ thống các bài học theo thể loại và kiểu văn bản kết hợp với đề tài, chủ đề văn bản.

Thứ hai, thực hiện tích hợp cao, nhằm phát triển năng lực và giảm tải cho học sinh; do nội dung các phần của bài học liên quan, tích hợp với nhau, góp phần củng cố và làm nhẹ cho nhau.

Thứ ba, nội dung các bài học được thiết kế với yêu cầu hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực. Các bài học không sa vào lý thuyết, chú trọng yêu cầu vận dụng, thực hành là chính.

Thứ tư, nội dung sách vừa kế thừa, đổi mới các văn bản hay, những đơn vị kiến thức văn học, tiếng Việt ở sách cũ nhưng đáp ứng được yêu cầu mới. Đồng thời, bổ sung một số văn bản đọc phù hợp với tâm lý lứa tuổi.

Thứ năm, sách được in màu và có nhiều hình ảnh, bảng biểu, minh hoạ đẹp, thực hiện tư tưởng coi hình thức cũng là một nội dung dạy học.

Thứ sáu, từ cấu trúc đến nội dung các bài học và hình thức trình bày của các trang sách đều hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá.

Thứ bảy, bên cạnh SGK, sách giáo viên và phiên bản điện tử, những người làm sách còn biên soạn nội dung hỗ trợ giáo viên sử dụng phương tiện và thiết bị dạy học theo yêu cầu hiện đại trong dạy học và phải mang tính khả thi. Hiện các tác giả đang biên soạn thêm sách Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12.

PV: Vậy sách có những điểm mới nào so với SGK lớp 11, thưa thầy?

GS.TS Đỗ Ngọc Thống: SGK Ngữ văn lớp 12 bộ Cánh Diều có những điểm mới so với lớp 11 mà thầy cô, học sinh cần biết, cụ thể như sau:

Sách có thêm một số thể loại mới là Truyện truyền kì; Truyện và tiểu thuyết hiện đại, hậu hiện đại; Thơ hiện đại; Nhật kí; Phóng sự; Hồi ký; Hài kịch. Nội dung tiếng Việt có thêm Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Lỗi logic, Biện pháp tư từ nói mỉa, Ngôn ngữ trang trọng và thân mật,…

Ngoài ra Văn bản nghị luận và Văn bản thông tin được xây dựng với nội dung và yêu cầu mới: Văn nghị luận xã hội tập trung vào đề tài quyền độc lập dân tộc, vấn đề toàn cầu hoá và bản sắc dân tộc; Nghị luận văn học là vấn đề vai trò, tác dụng của văn học và một số văn bản gắn với tác phẩm được học trong chương trình Ngữ văn 12; Văn bản thông tin tập trung vào đề tài cách mạng 4.0 và vai trò của công nghệ thông tin, bình đẳng giới.

Phần viết của sách tập trung nhiều vào nghị luận xã hội như: bàn về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ dưới hình thức bài phát biểu hoặc thư trao đổi về công việc; Nghị luận văn học tập trung vào so sánh hai tác phẩm văn học.

Ngữ văn 12 có thêm Bài 10. Tổng kết văn học, tiếng Việt và cách đọc, viết, nói, nghe nhằm giúp học sinh hệ thống hóa kiến thức và cách vận dụng vào các hoạt động giao tiếp.

Cám ơn những chia sẻ của thầy!

PV ( thực hiện)


Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...