Nhớ, vào năm 1973, tôi được nhà thơ Đỗ Quang Hưng dẫn đến làm quen Phạm Đình Ân tại báo Nhân Dân. Khi ấy tôi ngưỡng mộ anh qua chuyện anh đã đi xe đạp từ Hà Nội vào Vĩnh Linh, trong chuyến thâm nhập thực tế để sáng tác bài thơ Đi dọc miền Trung in trên tạp chí Tác Phẩm mới (Hội Nhà văn Việt Nam) năm 1972. Từ đó chúng tôi trở thành bạn suốt 45 năm qua…
Đời người được mấy mươi năm?
Gặp lại nhà thơ Phạm Đình Ân gần đây nhân chuyện, anh tâm sự róng riết cái 10 năm đầu tiên làm ở báo Nhân Dân, một thời gắn bó với chuyện mục thơ của ông Thợ Rèn, qua chuyện mục Chuyện lớn chuyện nhỏ. Anh bồi hồi với kỷ niệm, cũng vào thời điểm Đi dọc miền Trung của anh, thì nhà thơ Hoàng Cát bị “dính án” bởi đã viết Cây táo ông Lành (in trên báo Văn nghệ) trước đó. Hoàng Cát bỗng dưng bị họa không báo nào dám in bài của anh nữa. Gia đình Hoàng Cát sống vất vả kiếm ăn ngoài vỉa hè, với quán nước chè chén, nuôi vợ con. Thương bạn (học cùng khóa 5, viết văn trên Quảng Bá, niên khóa 1972-1973), Phạm Đình Ân đánh liều nói với Hoàng Cát đổi tên, viết bài cho chuyên mục “Thợ Rèn”, kiếm tiền thêm cho gia đình. Vậy là đến mấy năm trời, chuyện bí mật ấy được giữ kín mà ban biên tập báo không hề hay biết, vì nếu lộ ra không chừng Phạm Đình Ân mất việc như chơi. Vậy mới hay tấm lòng sẻ chia của Phạm Đình Ân đã vượt lên tất cả, bởi anh thừa biết mình sẽ bị vạ lây khi nào không hay. Chấp nhận.
Nhà thơ Phạm Đình Ân, sinh năm 1946 tại Hà Nam, nhưng theo gia đình định cư và học tập tại Thanh Hóa. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp khoa Văn (1969), được chọn về báo Nhân Dân làm việc (1970). Mười năm sau, ông chuyển sang báo Văn nghệ và được đề bạt Trưởng ban Lý luận Phê bình (1997). Ông đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ văn học (2007), và về hưu năm 2010.
Nhà thơ Phạm Đình Ân có 16 tập sách, trong đó có 4 tập thơ thiếu nhi và 5 tập thơ về tình yêu và thế sự. Nhà thơ đã được một số giải thưởng về thơ thiếu nhi và giải thưởng chùm thơ in trên báo Văn nghệ…”
Tôi biết Phạm Đình Ân là thế. Hiền lành nhưng cũng khá táo bạo. Ngay cả trong thơ cũng vậy. Hỏi có mấy ai dám đi xe đạp trên con đường chiến tranh để làm thơ bao giờ. Đó cũng là một bản lĩnh. Có những câu thơ trong bài Đi dọc miền Trung của Phạm Đình Ân tôi nhớ mãi: Tôi thương những tấm lưng cháy nắng. Những bả vai tấy sần vì vác đạn. Đất nước đau thắt ruột ở miền Trung. Da thịt nơi nào cũng có mảnh bom găm. Một bài thơ làm sống động dư luận một thời gian, sau cuộc thi thơ của báo Văn nghệ (1968-1969). Vậy mà đường thơ của anh cũng khá lận đận. Sau 10 năm làm việc ở báo Nhân Dân, anh được chuyển sang báo Văn nghệ, biên chế vào ban văn xuôi. Năm 1980, Phạm Đình Ân đã xếp hàng tập thơ đầu tiên của mình ở Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới chờ kế hoạch in. Vậy mà mãi 10 năm sau, khi cơ chế thị trường phát triển, không còn chế độ in bao cấp như trước nữa, Phạm Đình Ân đã phải bỏ tiền ra in (1990). Lần này anh in liền hai tập Nắng xối đỉnh đầu (NXB Hội Nhà văn) và Những hoàng hôn ngẫu nhiên (NXB Phụ nữ). Vậy đó phải mất 18 năm sau, bài thơ Đi dọc miền Trung nổi tiếng mới được in vào tập thơ đầu tiên. Cho dù hơi bị muộn ở tuổi 45, nhưng phải nói tập thơ đầu tiên này, Phạm Đình Ân có những bài thơ rất độc đáo với tứ mới lạ, ngoài Đi dọc miền Trung, tôi thường đọc đi đọc lại những bài của anh như Sợi tóc, Giấc mơ, Những cái giật mình, Cơn gió, hoặc như Đồng hồ thu thảo, Một cô gái khác, Những hoàng hôn ngẫu nhiên…
Nhưng thật bất ngờ, 10 năm sau, anh cho in lại hai tập thơ này, với lý do sách lần trước in xấu và trình bày kém, chữ mờ, giấy đen. Chính vì thế đến năm 2001, hai văn bản thơ mới của Phạm Đình Ân hiện diện với bạn đọc như một sự khẳng định thêm một lần nữa, với những chùm thơ hay về thế sự và tình yêu. Quả nhiên, sau đó dư luận sôi nổi bàn luận về hai tập thơ này. Anh được nhận mấy giải thưởng về chùm thơ hay trên báo và giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam kết hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Lại có chuyện, trong thời gian làm việc ở báo Văn nghệ, anh gắn bó với mục Dọn vườn cũng dễ đến 10 năm. Cho dù anh là trưởng ban Lý luận phê bình của báo từ năm 1997, nhưng đây là mục cũng đòi hỏi, phải đọc nhiều hiểu kỹ, mới đảm đương được. Anh tổ chức viết bài, biên tập hay dọn vườn trực tiếp, luôn thể hiện sự hóm hỉnh sinh động và hấp dẫn bạn đọc. Anh còn cho biết, mình đã nghĩ ra tới mươi chuyện mục khác nhau cho báo, chung quanh chuyện nghề và tiểu phẩm… với mục đích hấp dẫn bạn đọc. Và, nhân dịp “buôn chuyện”, Phạm Đình Ân còn cho biết anh cũng phải mất 10 năm chuẩn bị thi, học và bảo vệ luận án Tiến sĩ văn học. Hỏi vì sao lại phải mất tới 10 năm, anh nói toẹt thi trượt ngoại ngữ lần đầu chứ sao. Nói rồi anh cười, sau cũng cố “leo núi”, cho đến khi bảo vệ luận văn xuất sắc, với điểm tối ưu về đề tài Thế Lữ trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại - năm 2007. Lúc này Phạm Đình Ân đã bước sang tuổi 61. Tâm sự đến đây anh tặc lưỡi - Ôi dào! Đời người được mấy mươi năm. Muốn làm được việc gì thì cố thôi.
Bước ngoặt đường thơ
Về hưu (2010), nhưng anh vẫn viết báo và sáng tác đều ở cả hai lĩnh vực thơ trữ tình và thơ cho các em. Nếu nói chính xác anh thường làm thơ cho lứa tuổi nhi đồng. Ngay từ thời con làm việc ở báo Nhân Dân, anh đã in chung tập thơ với hai tác giả khác, từ năm 1978. Đó là tập thơ thiếu nhi Chim khen bé ngoan (NXB Thanh Hóa). Mãi cho đến năm 1996, anh mới in tập thơ thiếu nhi riêng đầu tiên Tắc kè hoa (NXB Kim Đồng, 1996). Dường như cũng một thời gian dài anh tập trung viết cho thiếu nhi, nhưng cũng phải 10 năm sau anh mới in tập thứ hai Đất đi chơi biển (NXB Văn hóa, 2007). Sự xuất hiện của tập thơ thứ hai này của Phạm Đình Ân đã được bạn đọc hồ hởi đón nhận. Đặc biệt là hiệu ứng của tập thơ khá kỳ lạ. Có tới mấy vụ đạo thơ của bạn đọc từ tập thơ này. Đó là những bài thơ anh viết về Trường Sa. Anh vui vẻ kể riêng bài thơ Quà của bố (từng được in vào sách giáo khoa), đã bị một người chép lại gửi ra ngoài đảo, với bút danh khác hẳn. Sau đó bài thơ được đăng lên báo tường của đơn vị. Trong một chuyến đi ra đảo, có nhà báo đã chép lại đưa về in trên báo mình. Khi ấy mọi người mới xôn xao về một vụ đạo thơ. Bởi nhiều người đã từng thuộc bài thơ này của Phạm Đình Ân. Biết vậy, nhà thơ Phạm Đình Ân chỉ im lặng cười, không lấy đó làm phiền lòng hay đi thưa kiện, hoặc đòi hỏi trả lại cho mình quyền lợi gì. Trong lòng anh chỉ có một niềm vui rằng, thơ hay đến với bạn đọc là quý lắm rồi, chẳng cần phải rạch ròi làm gì. Thêm một vết gợn cho bạn đọc cũng đem sự phiền muộn mà thôi.
Và, đặc biệt chỉ 7 năm sau, anh được in liền hai tập thơ, một cho thiếu nhi: Cao nguyên đá (NXB Kim Đồng, 2014); và một cho mảng thế sự: Vòng quay (NXB Hội Nhà Văn, 2014). Nếu ở tập Cao nguyên đá làm nức lòng bạn đọc, qua số lượng in lớn 31.000 bản, thì tập thơ thế sự Vòng quay lại gây dư luận khá sôi nổi, với các thi phẩm như Chuyện kể muộn, Đầu năm mua muối, Lạc nhà, hay Vòng quay, Mặt mình, Phóng sinh… Bỗng dưng tôi chợt nhớ đến bài thơ Chuyện kể muộn, và lại suy nghĩ đến sự liên hệ với tính cách của Phạm Đình Ân. Mọi sự đến với mình luôn luôn thiệt thòi hay tai họa nhưng thi nhân vẫn lặng im trầm tĩnh. Khi đọc đến câu thơ Năm. Đến lượt xét lương đợt muộn. Lại bị giật giành. Anh không nói, tôi nhớ ngay đến chuyện có thật, Phạm Đình Ân đã từng bị nhỡ đợt xét lương (5 năm một lần), chỉ vì có ý kiến của một đồng chí nào đó trong chi bộ. Vậy là phải đợi một lần 5 năm nữa. Lại một lần 10 năm chờ đợi. Có lẽ đó là tính cách của Phạm Đình Ân. Nhường nhịn và im lặng. Anh luôn luôn ngơ ngác và lo ngại mọi thứ. Tuy thường rụt rè thận trọng, nhưng Phạm Đình Ân lại luôn nhẫn nại tìm con đường đi riêng của mình trong thơ, với những khám phá sáng tạo mới.
Đến Vòng Quay thơ anh đã khác hẳn với một nhịp 10 năm trước. Không còn “Những cái giật mình” thuở nào, mà nhân tình thế thái được chia sẻ sâu nặng hơn. Và, giờ đây người đọc đã phải “giật mình” vì sự chuyển động mới trong thơ anh. Đó là màu sắc ảo diệu, gây ấn tượng bất ngờ, với những tứ thơ lạ. Đâu đó ta lại gặp “Thắt buộc vào nhân thế. Muôn mặt đời dại khôn. Còn cái còn mà mất. Mất cái mất lại còn” (Người trong ảnh), hoặc “Rắc muối vào vô cảm. Rắc muối vào vô can. Xót tan lòng muối xát. Hạt đổ vào vết thương” (Đầu năm mua muối); và đây nữa “Dại gì làm kiếp người. Sống làm người khó quá” (Phóng sinh); Tâm hồn thi sĩ không còn chỉ là mơ mộng bay bổng mà khắc khoải với nỗi niềm nhân sinh: “Bồn chồn đi trong nhà như một kẻ mượn chân. Tin thời sự như cơm bữa. Khi thấy tên gây sự trên màn hình thì không thể nuốt được.” (Trời trở gió); Lại có khi tác giả diễu cợt sự giả dối: “Đi cắt tóc, nhuộm tóc. Đành soi gương. Ô kìa! Ai cắm mặt ai và hồn xác ta” (Mặt mình). Những câu thơ nóng hổi thế sự và tâm can, mang tính phản biện cao, xuất hiện trong thơ anh mỗi lúc một nhiều. Đó còn là hình ảnh bàng quan của người đời trước mọi sự biến cố quanh mình trong bài thơ Một chút thời sự. Mọi người khi nghe xóm bên kêu cứu: “Cháy! Cháy! Cháy! …gần xa tiếng la hét”. Nhưng ngược lại, đối diện với nó là sự bình thản của con người. Nhà thơ đã viết: “Bà già giúp việc ra cổng ngó. Yên tĩnh. Ba người con đang bật máy vi tính. Bố và mẹ nằm phòng riêng. Ti vi bị bỏ quên. Đang phát chương trình thời sự. Hỏa hoạn được dập tắt. Yên tĩnh”. Ngay cả những bước chân vòng quanh hồ của mọi người, với sự vô cảm, bàng quan và xa cách. Nhà thơ cũng xao xác trong tâm hồn, khi viết: “Lại giáp mặt. Chỉ tấc gang. Mà hụt tầm không níu kéo được. Nhanh nhanh bước tới. Bước qua chầm chậm. Gặp nhau. Không gặp. Trong vòng quay bất tận quanh hồ” (Vòng quay).
Cùng với mạch thơ trên, người đọc thật sự rung động khi đọc những câu thơ trong bài Lạc nhà. Ở đó là sự chất vấn lương tâm của nhà thơ, đòi sự thân thiện yêu thương trở về, cùng với sự sẻ chia trong cộng đồng. Chỉ là hình ảnh của con chó bị lạc nhà, quên đường về: “Cuống cuồng chạy. Tan vào đêm đen. Lao sâu vào thất vọng. Trời ơi, nhà ta đâu?”. Chi tiết ám ảnh lòng người trong loang loáng ánh đèn, ồn ào phố xá, khi mà: “Đêm đêm lạnh. Một con chó nhỏ màu trắng lạc nhà. Hốt hoảng chạy.”. Nhà thơ luôn vọng tới những nỗi đau cần chia sẻ và một tấm lòng: “Sau chao đảo phận người. Mắc cạn tôi con thuyền chưa cập bến” (Mắc cạn). Càng đọc thơ Phạm Đình Ân tôi càng xúc động bởi hình ảnh: “Tôi đứng lại một mình. Khóc thầm trong hoàng hôn” (Lũ mối). Người đọc yêu thơ anh, ở sự phản biện sắc nét trong mỗi hình ảnh, cùng sự biến động nỗi đời nhân thế.
Những niềm vui màu hồng
Tôi thêm một lần ngạc nhiên vì bản tính chất phác và tinh tế của nhà thơ Phạm Đình Ân; khi anh bất chợt đưa cho tôi xem bộ sưu tập, gồm hàng trăm ảnh chân dung các nhà văn nhà thơ, được lưu giữ hơn 40 năm qua. Tôi bồi hồi ngắm lại những chân dung người thầy và các anh chị, mà tôi đã từng tiếp xúc như nhà văn Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi, Phạm Hổ, Xuân Quỳnh, Bằng Việt… Còn nữa, bên cạnh đó là những bút tích của những nhà văn đã quá cố nổi tiếng, mà nhà thơ Phạm Đình Ân đã gìn giữ, thông qua công việc và giao lưu bài vở. Đây là những tư liệu quý không mấy ai có. Nhưng vẫn chưa hết, tôi thực sự thú vị và thán phục nhà thơ, khi anh còn trong tay mấy chồng thiếp mời đám cưới của bạn bè, bà con và đồng nghiệp. Không chỉ những thiếp anh được mời mà còn của những người khác mà anh đã cất công sưu tập được. Tất cả đều mầu đỏ hồng tạo nên sự ấm áp của tình thân mỗi khi giở ra xem. Biết bao kỷ niệm ùa về với nhà thơ.
Tôi đoan chắc từ đây có những tứ thơ ra đời. Bởi lẽ đó là tấm lòng nặng trĩu tình cảm trong anh. Có lẽ thế chăng, tôi chợt nhớ đến bài thơ Sợi tóc của anh. Hình ảnh một kỷ vật “sợi tóc” được nhà thơ sáng tạo: “Em đã tặng tôi sợi tóc của em. Rồi ngày tháng vèo trôi, em không nhớ nữa”. Sau nửa thế kỷ, chàng trai năm xưa tìm về đã tặng lại người yêu, khi tóc đã bạc trắng. Thơ viết: “Năm mươi năm sau. Khi tìm được về chốn cũ. Tôi gặp một bà già tóc bạc. Bà chẳng biết tôi. Tôi tặng bà sợi tóc. Bà khóc. Sợi tóc vẫn còn đen”. Một tứ thơ hay và độc đáo. Với những thiếp hồng cũng vậy. Tôi ước đến một ngày nào đó, mọi ký ức tươi sáng tràn về, và những thi phẩm mới của Phạm Đình Ân sẽ đến với bạn đọc, như một tri ân đẹp mà mọi người vẫn chờ đợi từ thơ anh.
Nguồn Văn nghệ số 38/2018