XUÂN TÙNG
Có thể nói trong những nhà văn Việt Nam sinh những năm 30 trở về trước, Lê Khâm là một trong những người được đào tạo chính quy có bằng cử nhân văn chương và biết nhiều ngoại ngữ nhất. Bạn bè khóa III - Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp (cũ) Hà Nội, còn nhớ ngày ấy có một anh bộ đội tình nguyện Việt Nam từ Lào về, khi vào trường học còn mang một số cuốn sách vừa được in của mình về tặng các thầy và bạn bè. Đó là Lê Khâm, với cuốn tiểu thuyết “Bên kia biên giới”, nội dung phản ánh cuộc kháng chiến chống Pháp của công dân Lào, những năm 50, mảnh đất mà tác giả đã từng sống và chiến đấu nhiều năm. Anh trở thành thần tượng của nhiều sinh viên Khoa Ngữ văn lúc bấy giờ.
Vào học chưa được bao lâu, Lê Khâm nảy ra sáng kiến thành lập Tổ sáng tác văn học ở Khoa, gồm các bạn: Xuân Trình, Hoàng Tiến, Võ Văn Trực, Ngô Văn Phú, Nguyễn Gia Nùng, Trần Nguyên Vấn, Đoàn Minh Tuấn,... Số anh em này đều đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Qua đây cũng thấy được con mắt tinh đời của Lê Khâm hồi đó.