Văn hóa nghệ thuật

Phim tài liệu "Dành cho Việt" (Dearest Viet) sẽ chính thức ra mắt khán giả Việt Nam

Hân My
Điện ảnh 08:05 | 20/02/2025
Baovannghe.vn - Dành cho Việt (Dearest Viet) - Câu chuyện về nghị lực sống phi thường của Nguyễn Đức, một trong hai anh em sinh đôi bị dính liền thân do chất độc màu da cam, sẽ chính thức ra mắt khán giả Việt Nam tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 28/2/2025.
aa

Phim tài liệu Dành cho Việt (Dearest Viet) của đạo diễn người Nhật Kohei Kawabata là dự án tri ân 35 năm cuộc phẫu thuật mổ tách hai anh em sinh đôi bị dính liền thân do ảnh hưởng của chất độc màu da cam; đồng thời kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam.

Phim đã được phát hành rộng rãi tại Nhật Bản; được công chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (HIFF) 2024; và sắp chính thức ra mắt khán giả Việt Nam.

Phim tài liệu "Dành cho Việt" (Dearest Viet) chính thức ra mắt khán giả Việt Nam

Có những vết thương không nhìn thấy, nhưng âm ỉ suốt cả đời người.

Có những mất mát tưởng chừng khép lại,

................... nhưng vẫn tiếp tục viết tiếp theo một cách diệu kỳ.

Và có những lời hứa, dù người hứa không còn, vẫn mãi được khắc ghi...

Phim được ghi hình từ tháng 2/2023 đến tháng 8/2023, kể về hành trình phi thường của Nguyễn Đức - người sống sót sau cuộc phẫu thuật tách rời thân đầy gian nan; với những thước phim chân thật, sống động, đầy cảm xúc về tình cảm gia đình và sức mạnh, nghị lực sống để vượt lên số phận...

Dành cho Việt xoay quanh câu chuyện về cuộc đời Nguyễn Đức - người bị dính liền với anh trai song sinh tên Việt bởi chất độc da cam của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Sau cuộc phẫu thuật tách rời vào năm 1988, anh trai Việt đã qua đời ở tuổi 26, Đức là người may mắn sống sót cho đến hiện tại. Mặc dù cuộc sống đầy rẫy khó khăn, lại thêm bệnh tật giày vò, song Đức vẫn kiên cường sống tiếp với niềm tin vào tương lai, sống cho chính mình và cho cả người anh quá cố.

Phim tài liệu "Dành cho Việt" (Dearest Viet) chính thức ra mắt khán giả Việt Nam
Phim tài liệu "Dành cho Việt" (Dearest Viet) sẽ chính thức ra mắt khán giả Việt Nam từ ngày 28/2

Phim là món quà đặc biệt Nguyễn Đức dành tặng người anh trai đã hy sinh tất cả để anh có được ngày hôm nay và hai người con song sinh của anh là Fuji và Sakura. Qua bộ phim, Nguyễn Đức gửi gắm nhiều điều chưa từng nói về hành trình của sự cố gắng, ý chí không ngừng để sống thật tốt, sống xứng đáng với điều tuyệt vời mà cuộc đời trao tặng. Và anh vô cùng biết ơn vì điều đó.

Anh chia sẻ: "Có hai thử thách lớn trong cuộc đời tôi: thứ nhất là sống, thứ hai là tiếp tục sống. Tôi hy vọng bộ phim sẽ khiến khán giả nhận ra tầm quan trọng của gia đình và sự quý giá của cuộc sống, trở thành động lực để mỗi người sống tích cực và có ý nghĩa hơn".

Phim được thực hiện bởi Kohei Kawabata, một đạo diễn kiêm nhà sản xuất chuyên về phim tài liệu, nổi tiếng với các bộ phim xuyên biên giới, với khát khao có thể nói hộ tiếng lòng nhỏ bé của những người được coi là "ở rìa" xã hội trên khắp thế giới thông qua những thước phim của mình.

Phim tài liệu "Dành cho Việt" (Dearest Viet) chính thức ra mắt khán giả Việt Nam

"Sở dĩ tôi đồng ý trở thành đạo diễn của bộ phim này vì bất ngờ khi biết tin một trong hai người của cặp song sinh dính liền được biết đến vào những năm 80 là Viet-chan và Duc-chan (chan: kính ngữ trong tiếng Nhật thể hiện người nói đang gọi một người mà mình quý mến) vẫn sống kiên cường cho đến hôm nay.

Khi đã qua tuổi 40, ánh mắt của anh ấy mạnh mẽ đến mức tôi cảm thấy miễn cưỡng khi vẫn gọi anh ấy là Duc-chan. Càng nghe thêm về câu chuyện, tôi càng nhận ra cuộc sống của anh nhiều thăng trầm và hứng thú với những điều sâu thẳm trong tâm hồn mà Đức đã thẳng thắn chia sẻ. Cũng giống như những người khác, anh ấy tràn đầy niềm tự hào và luôn đấu tranh với cuộc sống hằng ngày", đạo diễn chia sẻ.

Theo nhà sản xuất Ruth Yoshie Linton, năm 7 tuổi, cô biết đến và rung động với câu chuyện về cặp song sinh Việt - Đức. Đến năm 2010, cô có cơ hội kết bạn với Nguyễn Đức. Năm 2022, các chiến sự nổ ra trên thế giới thôi thúc Ruth phải truyền tải những gì mình biết về câu chuyện của người bạn Việt Nam luôn không ngừng đấu tranh vì hòa bình. Và cô quyết định kể về Nguyễn Đức như một người đang sống, chứ không phải một nhân vật lịch sử trong quá khứ.

Cô tâm sự: "Tôi mong qua bộ phim, khán giả sẽ trở thành người kể chuyện về hòa bình và truyền tải tầm quan trọng của hòa bình đến các bạn trẻ - những người tạo dựng nên tương lai của chúng ta".

Phim tài liệu Dành cho Việt (Dearest Viet) sẽ chính thức ra mắt khán giả Việt Nam tại các cụm rạp ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu từ ngày 28/2 đến hết ngày 9/3/2025.

Hân My | Báo Văn nghệ

Vì sao Guernica của Picasso là bức tranh phản chiến quan trọng nhất thế kỷ XX

Vì sao Guernica của Picasso là bức tranh phản chiến quan trọng nhất thế kỷ XX

Guernica của Picasso là biểu tượng mạnh mẽ nhất của nghệ thuật phản chiến thế kỷ XX. Ra đời từ thảm kịch ném bom thị trấn Guernica năm 1937, bức tranh không chỉ tố cáo bạo lực mà còn khẳng định vai trò của nghệ thuật như một chứng nhân lịch sử, một tiếng nói kháng cự không thể bị che lấp.
Tăng cường quan hệ chuyên môn trong lĩnh vực bảo tàng học

Tăng cường quan hệ chuyên môn trong lĩnh vực bảo tàng học

Baovannghe.vn - Ngày 28/5, tại Hà Nội, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên PhủBảo tàng Ký ức Chiến tranh Caen (Cộng hòa Pháp) đã ký kết Thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường quan hệ chuyên môn trong lĩnh vực bảo tàng học và phát huy giá trị di sản lịch sử, đặc biệt là những tài liệu, hiện vật liên quan đến trận chiến Điện Biên Phủ.
Mẹ và quê hương trong thơ Nguyễn Hữu Quý

Mẹ và quê hương trong thơ Nguyễn Hữu Quý

Baovannghe.vn - Đọc thơ Nguyễn Hữu Quý tôi chợt nhận ra, mẹ và quê hương là hai dòng chảy song hành, không thể tách biệt. Và có lẽ, sự song hành đó đã làm nên một Nguyễn Hữu Quý rất riêng.
Đá - Thơ Bùi Quang Vinh

Đá - Thơ Bùi Quang Vinh

Baovannghe.vn- Cheo leo/ Nghiêng trong yên tịnh/ Mỏm đá ngủ.
Đọc truyện: Sáng trăng - Truyện ngắn của Trần Ngọc Diệp

Đọc truyện: Sáng trăng - Truyện ngắn của Trần Ngọc Diệp

Baovannghe.vn - Giọng đọc và hậu kỳ: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương