Nhắc đến các chiến công oai dũng và nhân cách khả kính của những vị quan lang xứ Mường sớm giác ngộ lý tưởng yêu nước thời trước và trong Cách mạng Tháng Tám, chúng ta không thể nào không nhớ tới một vị lão thành cách mạng mà cuộc đời ông hơn cả nhiều huyền thoại.
Từ hồi xứ Mường còn có “vương” như một “cõi riêng tự trị” nhiều ấu trĩ với các đội tráng binh (trang bị cả trung liên, tiểu liên) chưa được giác ngộ cách mạng, ông Hoàng Văn Ba đã được tổ chức cử vào “đi sứ”: tay không làm thuyết khách giữa “hang hùm”. Nếu không có những người cộng sản kiên trung, mưu trí và cốt cách vằng vặc như cụ Hoàng Ba (và đồng đội), thì chắc chắn Phó Quan lang (Phó vương) xứ Mường, ông Đinh Công Phủ không bao giờ “quay đầu lại bờ”, đem con trai ông là dũng tướng Đinh Công Đốc với toàn bộ binh mã phục vụ “đội quân của Hồ Chủ tịch” đi đánh giặc, giải giáp vũ khí Phát xít Nhật.
Ông Đinh Công Đốc với đoàn tráng binh tả xung hữu đột, với tiểu đoàn mang tên mình, đã tham gia giải giáp vũ khí quân đội Nhật, đã thu phục rồi làm anh em kết nghĩa với viên sỹ quan Nhật (ông này tên là I-si, vì cảm cái nghĩa hiệp của ông Đốc mà hàng “Việt Minh” rồi chiến đấu chống lại các thế lực xấu trong thời kỳ trứng nước của cách mạng).
Song, bấy giờ, dù nỗ lực, chúng tôi vẫn chưa thể nào tìm được một nhân vật lịch sử nắm nhiều bí mật của giai đoạn lịch sử thú vị, đáng cảm kích mà bài viết này đề cập dưới đây. Chuyện về nhà cách mạng Hoàng Văn Ba. Những hiểm nguy “một mình vào hang cọp” đó, khi cụ kể trực tiếp với chúng tôi, nó sinh động như trang sử lấp lánh lạ kỳ của một giai đoạn không thể nào quên.
Những chuyện ông Hoàng Ba kể với chúng tôi thật ám ảnh, nó có thể khiến bất cứ ai cũng phải liên tục sững sờ trong từng tình tiết:
“Lúc bấy giờ (trước Cách mạng Tháng Tám, năm 1945), Đinh Công Phủ là một cái “anh” ngang ngược ở vùng Hoà Bình rộng lớn. Đinh Công Phủ từng theo Quốc dân Đảng và gặp nhiều thất vọng. Khi chúng tôi lên thuyết phục, toàn bộ “binh sỹ” của ông Phủ là hơn tay 100 súng (có 2 khẩu trung liên, 4 khẩu tiểu liên), phân đội vũ trang rất mạnh với nhiều vũ khí đạn dược đã tình nguyện đem theo phục vụ cách mạng. Trung đội vũ trang ấy do chính con trai ông Phủ (tên là Đinh Công Đốc) chỉ huy. Chúng tôi tiếp quản và huấn luyện thêm 15 ngày nữa. Tổ chức tại khu xóm Nghịt. Lớp huấn luyện ấy đã đánh dấu sự kiện quan trọng: lần đầu tiên người Kinh, Mường, Tày, Dao… ở Mường Diềm cùng đoàn kết lại “võ trang” chống Thực dân Pháp. Bữa khao quân hôm ấy anh Đốc cho giết những lợn to lắm.
Điều tuyệt vời là: sau lớp huấn luyện, cả Mường Diềm chỗ nào bà con các dân tộc cũng rất khí thế. Họ tập quân sự ban ngày và cả ban đêm, cứ 50 - 70 người một “phiên đội” võ trang. Không khí tưng bừng chưa từng có…
… Tôi nhớ nhất là cảnh tôi và Đinh Công Đốc chỉ huy binh lính đánh nhau với tên “địa chủ bóc lột” Hà Công Thắng và tay sai của chúng ở Mai Châu. Chúng tôi bắn súng uy hiếp, bọn chúng đã phải đầu hàng, giải phóng hơn 70 nam nữ thanh niên (nhiều người là phụ nữ đẹp bị tên Thắng và tay chân cướp đi làm tỳ thiếp), thu được bạc vàng và thuốc phiện, với nhiều súng và ngựa chiến”.
Tôi là người trong cuộc, tôi biết rõ, nếu không có ông Đốc thì bấy giờ chúng ta đã không thể tiêu diệt được Đảng trưởng Lý Đông A và tay chân. Bọn chúng thuộc “đảng” Đại Việt Duy Dân, rất thân với Phát xít Nhật. Khi ta đánh Quốc dân Đảng ở các nơi từ Vĩnh Phúc, Yên Bái, Phú Thọ…, bọn Đại Việt Duy Dân cũng bị đánh tơi bời phải chạy lên Hoà Bình với âm mưu thâm độc: liên kết các nhà lang phản động, chiếm Tây Bắc, bắt tay với giặc Pháp. Ông Đốc là người trực tiếp dùng súng bắn chết Lý Đông A ở Bến Chương, thu cả vũ khí, tiền tài và con dấu”.
Gia đình tôi là cơ sở cách mạng từ năm 1930, nhiều số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Xứ ủy thường xuyên đi về nhà tôi, vì thế mà tôi thành liên lạc từ khi còn rất nhỏ. Đến năm 1940 tôi được anh Bôn, là Xứ ủy viên tổ chức cho tham gia phong trào “Thanh niên Phản đế”, anh Bôn chỉ định tôi làm tổ trưởng luôn. Đến năm 1941 thì đổi thành Thanh niên Cứu quốc, tôi cùng cả xã mấy chục thanh niên tham gia. Về sau thành lập đội tự vệ chiến đấu thì tôi làm tiểu đội trưởng.
Năm 1940 thành lập chiến khu Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình, tôi được tổ chức điều lên tỉnh Hòa Bình hoạt động. Cấp trên giao cho tôi xây dựng khu du kích ven sông Đà, là toàn bộ huyện Đà Bắc hiện nay.
Lên Hòa Bình, tôi vào Tu Lý, giả làm người đi làm thuê cho gia đình địa chủ theo cách mạng. Ở nhà ông Đinh Công Sắc, một nhà lang có thế lực ở khu vực. Ban ngày tôi cũng đi cày cấy ngoài ruộng, đêm tối về đi xây dựng tổ chức thanh niên, phụ nữ. Tôi tổ chức được 3 trung đội vũ trang: 1 của người Dao.
Thời gian sau, anh Phan Lang ra, điều tôi lên mường Diềm, tại đây, tôi phải tiếp xúc với “lang Mường Diềm” là ông Đinh Công Phủ. Tay công sứ Pháp của Hòa Bình còn phải ngại ông Phủ. Ông Phủ chặt gỗ lim về làm cái nhà rất to. Kiểm lâm kéo lên, ông ấy bảo không bao giờ tôi lấy gỗ tươi để làm; mà tôi lấy cây gỗ chết; các ông mà cấm thì tôi dỡ nhà ra tôi trả. Về sau bọn ấy không dám động gì đến ông Phủ nữa. Ông Phủ có 12 vợ, 25 đứa con. Đinh Công Đốc là con cả, hơn tôi 2 tuổi. Anh Đốc là tiểu đoàn trưởng trong suốt cả thời kỳ chống Pháp, ông Đinh Công Phủ sau này nhận áo trấn thủ do Hồ Chủ tịch tặng, là Chủ tịch lâm thời của Hòa Bình.
Tôi lên đấy ông Phủ thử thách ghê lắm. Năm đó, tôi mới 20 tuổi, tôi cậy khỏe, cứ đòi leo núi đi vận động bà con theo cách mạng. Ông Phủ bảo cứ từ từ. Tôi quyết đi, ông cho một tay câm điếc dẫn đường. Leo mãi đến trưa không có nước uống, không có nhà ở. Hỏi gì tay câm kia cũng lắc đầu rồi chỉ thẳng lên đỉnh núi. Tôi mới nghĩ có khi họ “thử” hoặc “khử” mình rồi. Tôi kiệt sức vì mệt, đói, khát. Tôi quay xuống bẻ cây làm gậy chống, vì người run lẩy bẩy.
Về đến nhà ông Phủ, mọi ngày nhà có hàng trăm người, tối tối là đốt đèn măng-xông sáng cả một vùng ven sông. Thế mà hôm đó tôi về thấy tối om, vắng ngắt tất cả. Mãi mới tìm được ông chở đò để qua sông, về nhà cụ Đinh Công Phủ. Về đến nơi, tôi mệt quá rồi, nhờ cô con dâu ông Phủ mắc cho cái màn, trải cho cái chiếu nằm ngủ. Đến đúng nửa đêm ông ấy ở đâu về, khua tất cả mọi người dậy, đốt bó đuốc to, mọi người kêu ầm ầm.
Tôi bật dậy: “Chào cụ ạ”. Ông ấy bảo: “Sao mày đi ngủ sớm thế?”; tôi trả lời: “Thưa ông không có việc gì nên tôi ngủ sớm”. Ông ấy gọi dậy là đã bố trí hết người nhà làm cơm xong từ bao giờ rồi, bữa cơm thịnh soạn lắm. “Mày phải dậy ăn cơm đi. Hôm nay mày mà cứ đi lên núi thì mày về xuôi mà làm cách mạng. Mày biết quay về. Thế là được”.
Lúc giành chính quyền xong (tháng 8 năm 1945) là tôi đi, sau này, có thông tin là ông Phủ nuôi cả đại đội Quốc Dân Đảng, nên tỉnh cử tôi lên xem tình hình thế nào. Bà con gặp tôi bảo: “Anh Ba ơi, anh đừng lên, ông Phủ thay đổi rồi, anh mà sang đấy là bọn Quốc dân Đảng giết chết anh đấy”. Tôi tin ông Phủ không hại tôi.
Đến nhà ông Phủ thì vẫn thấy bình thường, bọn Quốc dân Đảng ở cách đấy hơn một cây số. Tôi vào nhà khách, thấy tất cả các bà vợ và các con ông Phủ cùng ra gặp, chào hỏi tôi. Bữa cơm ông Phủ hỏi: “Mày có muốn vào xem bọn Quốc dân Đảng thì tao dẫn vào, chúng nó trong kia kìa. Chúng nó khác bọn mày lắm, mày ăn cơm, ăn cháo, có gì ăn nấy; chứ chúng nó đem gái, đem rượu suốt ngày, tiền chúng nó tiêu như rác”.
Tôi mới nói cảm ơn cụ, tôi có việc gì đâu mà vào. Ông Phủ bảo: “Anh về bảo anh Vũ Thơ và anh Phan Lang (cả hai là “cấp trên” của tôi) rằng: nếu không tin thằng Phủ thì lên đây tôi mổ bụng ra cho mà xem”.
Nhà ông Phủ nuôi cơm bọn Quốc dân Đảng thật, “vì chúng nó kéo lên, tôi thân cô thế cô, không thể làm khác”. Nhưng sau đó, chúng bị anh Đinh Công Đốc (con trai ông Phủ) giết hết. Vả cả gia đình ông Phủ theo cách mạng thật lòng.
Sau khi tôi đi kiểm tra khu vực nhà ông Đinh Công Phủ với câu chuyện về Quốc Dân đảng hành hoành tàn ác về, anh Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình bấy giờ gặp tôi, nói: “Tao tưởng chúng nó thịt mày rồi!”.
Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, tôi đã là chính trị viên chi đội, chi đội ngày đó tương đương với tiểu đoàn bây giờ. Trong đơn vị tôi quản lý có Phân đội Đinh Công Đốc. Đó là một phân đội mạnh mang tên và do chính con trai Phó Vương Đinh Công Phủ lãnh đạo. Họ có hàng trăm khẩu súng trường, 2 khẩu trung liên… Lúc Nhật – Pháp đảo chính chúng tôi cướp được thêm khá nhiều vũ khí nữa.
Tôi là Đại biểu Quốc Hội Khóa 3. Suốt cả thời chiến tôi không bị thương gì, nhưng đến khi về làm cán bộ, đi phòng chống lụt bão lại bị tai nạn, làm hỏng mất một con mắt bên phải. Tôi đi hoạt động từ bé nên có được học hành gì đâu, sau này về, nguyện vọng của tôi là được đi học cho đến hết lớp 10. Nhưng mà đang học hết đến lớp 4 thì lại “bị” Tỉnh ủy điều về huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) làm Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND huyện.
Tôi từ xứ Mường Hòa Bình về, ở rừng lâu, “chẳng biết gì cả”, nên làm gì cũng phải học hỏi từ anh em; lúc làm về hợp tác xã, 2/3 số hợp tác xã của Nho Quan là tôi xây dựng, cũng làm ăn được. Tôi từng ở Nho Quan được 6 năm thôi, tôi ám ảnh cái đói của vùng đó rất nhiều. Nên khi về đó, nguyện vọng của tôi chỉ có một điều đau đáu nhất, là làm thế nào để giảm cái đói, cái nghèo ở xứ ấy đi. Thứ nghèo đói triền miên từ đời này sang đời khác. Cuối cùng tôi cũng làm được, bằng việc trồng thật nhiều khoai lang. Quân đội lấy giống khoai lang đó, hình như là từ nước ngoài. Tôi mang về Nho Quan trồng, và giải quyết được cái đói. Đến năm 1967 thì tôi rời Nho Quan, làm Trưởng Ban Tổ chức của tỉnh Ninh Bình. Ở quá lâu trên rừng thiêng nước độc, ốm đau mất sức nên mới về làm cán bộ điều tra ở Khu 3. Tổ chức bố trí cho về an dưỡng, do ốm yếu quá. Thành ủy thấy tôi là Bí thư Huyện ủy lâu năm và có kinh nghiệm từ thực tế, nên giao cho tôi làm Bí thư Đảng ủy ở khu điều dưỡng với 160 Đảng viên. Anh em bảo: mày ở rừng nhiều, bị sốt rét ác tính lâu năm. 30 tuổi rồi, mày lấy vợ đi, chúng tao lo cho. Thế là anh em cưới vợ cho tôi luôn ở bệnh viện. Bà nhà tôi làm y tá.
Tôi cũng là lính Tây Tiến, 3 lần đi Lào thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Tôi làm Bí thư Đảng ủy trên tuyến sông Mã, sang Lào, chúng tôi dành nhiều thời gian xây dựng các đoàn thể chính trị. Lúc đánh Mỹ, tôi làm trưởng ban chuyên đi giải quyết hậu quả bom đạn”.
Sau cuộc trò chuyện dài với ông Hoàng Ba, chúng tôi có đọc được một bài viết về ông trên Báo Nam Định. Bên cạnh chiến công trên xứ đèo heo hút gió thuở cách mạng còn trứng nước kể trên, về hưu, ông Hoàng Ba còn là một biểu tượng truyền cảm hứng cho giới trẻ về nguồn, yêu nước. Mới đây, lại nghe tin nhà cách mạng lão thành, hơn 70 năm tuổi Đảng ấy đã về cõi tiên tổ.
“Ông Hoàng Ba đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương chống Pháp cứu nước hạng Ba…, được trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác”.
Nguồn Văn nghệ số 1+2/2022