Đề án “Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến” đang được Cục Điện ảnh, soạn thảo. Đây là đề án được xem là nhu cầu cấp thiết và xuất phát từ thực tế sự phát triển của nền tảng công nghệ số hóa. Nhiều hãng phim lớn đã phát hành song song tại rạp và trực tuyến, đồng thời tạo các nền tảng phát hành mới nhằm khai thác triệt để yếu tố thương mại.
Theo Cục Điện ảnh, đơn vị soạn thảo đề án, ưu điểm của trung tâm là người xem có thể tìm thấy rất nhiều bộ phim Việt Nam sản xuất qua nhiều thời kỳ, đặc biệt là các bộ phim từng đoạt giải cao trong các kỳ liên hoan phim quốc gia, quốc tế, các bộ phim thành công về thương mại trong và ngoài nước. Đồng thời, Trung tâm có thể được coi là một trong những nơi lưu trữ từ phim điện ảnh, tài liệu, hoạt hình, khoa học, tư liệu hình ảnh động… để phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập hoặc sở thích cá nhân
Chia sẻ về kinh phí hoạt động của trung tâm, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, “Viện Phim Việt Nam là một trong những đối tượng, chiếm ít nhất 50% nguồn phim. 50% còn lại sẽ đến từ các đơn vị sản xuất phim trong nước. Tuy nhiên, đối với phim nhà nước, trước hết phải được số hóa mà theo tôi được biết việc này đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không giải quyết, sẽ dẫn đến tình trạng có trung tâm mà không có phim”.
Được biết, theo đề án đang được soạn thảo, Nhà nước sẽ cấp 100% kinh phí cho việc đầu tư hệ thống, thiết bị và kinh phí vận hành trong 5 năm đầu. Trung tâm sẽ duy trì khoảng 3.000-4.000 đầu phim. Phấn đấu đến giai đoạn 2 (2028-2030) sẽ cung cấp tối đa 5.000 giờ phim, đạt khoảng 1 triệu lượt truy cập với khoảng 500.000 thuê bao. Và từ năm 2031, trung tâm sẽ tự đảm bảo chi phí vận hành, cung cấp tối đa 10.000 giờ phim, phấn đấu đạt 3 triệu lượt truy cập với khoảng 1,5 triệu lượt thuê bao.
MH