Sáng tác

Socrate. Truyện ngắn của Ngô Tự Lập

Ngô Tự Lập
Truyện
06:00 | 19/09/2024
Baovannghe.vn - Cái tên Socrate ấy, tên du thủ du thực chuyên lừa đảo núp trong cái áo thụng và những lời lẽ ba hoa về đạo đức, kẻ ngông cuồng nhất trong những kẻ ngông cuồng
aa
Socrate. Truyện ngắn của Ngô Tự Lập
Socrate - truyện ngắn của Ngô Tự Lập

Dưới mặt trời thiêu đốt, mặt Anytus(1) đỏ bừng vì giận dữ. Ông nói với đám đông đang chen chúc trên quảng trường:

- Cái tên Socrate ấy, tên du thủ du thực chuyên lừa đảo núp trong cái áo thụng và những lời lẽ ba hoa về đạo đức, kẻ ngông cuồng nhất trong những kẻ ngông cuồng, kẻ độc ác nhất trong những kẻ độc ác, cái tên Socrate ấy, hắn sẽ phải chết. Hắn là nhà triết học ư - với những câu hỏi dai như đỉa đói của hắn? Hắn là nhà ái quốc ư với hành động phản loạn của hắn? Các vị đây, có ai là người không biết hắn: cái trán hói vì rượu, cái mặt to tròn bủng vì mỡ, đôi mắt như mắt cú. Có trời mới biết hắn làm gì để sống. Hắn thóa mạ thần linh bằng cái thân hình bẩn thỉu, hắn đầu độc tuổi trẻ bằng những ngôn từ phù thủy. Lũ đồ đệ trẻ tuổi và nhẹ dạ của hắn luôn mồm tụng niệm theo hắn rằng cuộc đời không có bàn luận về triết lí là cuộc đời không đáng sống. Thử hỏi, ai đã tìm cách lung lạc tinh thần dân chúng? Chính hắn! Ai đã xúi giục đám thanh niên tổ chức diễn thuyết trên đường phố? Ai đã khuyến khích tên trưởng giả Alcibiade nổi loạn? Cũng chính hắn! Đến thánh thần hắn cũng không tha. Các ngài hãy tưởng tượng xem, một buổi sáng đẹp trời, thằng con trai yêu quí của ngài, thằng con trai mà trước đó chỉ biết học hành và ngoan ngoãn vâng lời, đột nhiên kéo bạn bè về lật đổ bệ thờ. Tôi đoan chắc với các ngài rằng nó đã ăn phải bả của tên triết gia nửa mùa ấy. Kết quả là nền dân chủ bị phá vỡ, tôn giáo bị xói mòn, xã hội lâm vào cảnh hỗn độn, như các vị đã thấy. Vâng, tất cả mọi tội lỗi đều do hắn mà ra. Cho nên, tôi nhắc lại, thưa các ngài, vì chính nghĩa và sự công bằng, tên Socrate ấy sẽ phải chết!

Trong đám đông có nhiều người là học trò của Socrate. Nghe thấy thế họ òa lên khóc.

Những đồ đệ của Socrate thuộc đủ mọi thành phần và đến từ khắp mọi nơi. Trước khi theo Socrate, họ đã học được nhiều điều bổ ích ở những nhà triết học tiền bối. Họ nghĩ Socrate cũng như Thales và Héraclite, hay như Parménide và Zénon. Nhưng hóa ra ông là người khác hẳn. Một lần, nhân đề cập đến Pythagore, Socrate nói với họ:

- Đi tìm bản thể và khám phá những định lí của thế giới bên ngoài, đó là những nỗ lực đáng khen. Nhưng đi tìm bản thể và những định lí của thế giới bên trong mỗi con người còn đáng khen hơn gấp ngàn lần. Bởi chẳng có cây cỏ, trăng sao, sông núi nào sánh được với con người.

Ông nói tiếp:

- Triết lí bắt đầu từ khi người ta biết hoài nghi. Người ta hay nhắc đến hai chữ công bằng. Nhưng công bằng là gì? Và liệu có thể đem hai chữ ấy để giải quyết vấn đề sống chết của đồng loại hay không?

Bây giờ người ta dùng chính hai chữ ấy để bắt ông phải chết, vì thế đám học trò của ông không sao cầm được nước mắt. Những người học trò này về sau đã cố gắng tìm cách cứu Socrate. Họ hối lộ cho tên cai ngục hai chục ngàn drachme(2) và ông ta đã đồng ý làm ngơ cho Socrate trốn đi. Nhưng Socrate từ chối, cũng như ông đã từ chối việc cầu xin đám đông tha tội. "Các con chỉ chôn cái thể xác của thầy!" - Ông nói vậy với những học trò gần gũi. Ông vẫn khinh thường phán quyết của đám đông.

Trong đám người có mặt trên quảng trường hôm đó có cả Xanthippe. Bà đứng không vững nữa, đôi vai từng chịu đựng những cú đánh dữ dội nhất của cuộc đời giờ co rúm lại. Nét mặt thật là buồn thảm nhưng bà không khóc. Với lối suy luận đàn bà, Xanthippe tin rằng chỉ có bà hiểu rõ khí phách của ông. Thực ra, Socrate không phải là một người chồng mẫu mực, nếu như không nói là vô trách nhiệm. Chính Xanthippe cũng có lần gọi ông là một kẻ du thủ du thực mà suốt đời chẳng bao giờ giúp vợ con được lấy một mẩu bánh hay một đồng xu nhỏ. Nhưng Xanthippe hiểu hơn ai hết rằng bà không bao giờ có thể yêu ai khác ngoài ông. Một tình yêu dai dẳng và có lẽ là vô căn cứ. Bà thích đàm đạo với ông. Xanthippe nhớ những buổi trưa trong mảnh vườn nghèo nàn nhưng râm mát. Socrate trở về từ quán rượu hay từ một gốc cây dưới một ngôi đền nào đó. Xanthippe vá lại một trong những chiếc áo thụng của Socrate, và ông bắt đầu với những câu hỏi nhiều khi làm cho bà rối trí. Thực tình, bà cũng không hiểu rõ lắm những điều ông nói. Có lẽ bà chỉ say mê âm điệu của chúng, hoặc bà chỉ say mê giọng nói của ông, một giọng nói trầm trầm, hơi đục vì rượu nhưng ấm áp gây nghiện.

Xanthippe ngước nhìn vẻ mặt đắc thắng của Anytus, lòng đau thắt lại với ý nghĩ rằng rồi đây bà sẽ không bao giờ còn được nghe giọng nói thân yêu ấy nữa.

- Ôi, tôi chỉ biết một điều, đó là tôi không biết gì hết!

Hình như bà đã bất giác thốt lên thành lời, chính là lời Socrate.

Xanthippe nhớ một buổi sáng mùa đông u ám chừng bảy tám năm về trước. Socrate trở về trước khi tia nắng đầu tiên rọi sáng ô cửa sổ phía đông, nơi ông đặt chiếc bàn đọc sách bằng gỗ thông đỏ đã chuyển sang màu nâu xỉn. Ba ngày đêm liền Socrate không về nhà. Nhưng điều đó không có gì đáng ngạc nhiên, ông vẫn thường vắng nhà như vậy. Những cuộc đàm đạo không bao giờ dứt cuốn ông và lũ đồ đệ như những cơn gió cuốn lá khô rong ruổi khắp mọi nẻo đường, chỉ đôi khi dừng chân trên những quảng trường, trước những đền đài hay trong quán rượu. Không gì lôi cuốn tâm trí ông hơn là những triết lí. Với chiếc áo choàng thụng thịnh, ông bước đi khoan thai dưới những hàng cây cao vút, những đền thờ nguy nga đang phô trương quyền lực của thần linh và nền dân chủ.

Lần ấy, cũng những triết lí giữ chân Socrate và đám học trò tại quán rượu kiêm quán ăn của lão gù. Không ai biết tên thật của lão, nhưng lão lúc nào cũng khư khư một cây gậy gỗ đã lên nước bóng loáng. Nghe nói lão còn có tài chữa bệnh.

Trong đám học trò chỉ có Platon vắng mặt vì một lí do vặt vãnh nào đó không đáng nói. Sự vắng mặt này về sau gây ra một sự hiểu lầm nho nhỏ.

Không một ai, kể cả Socrate, nhớ rõ họ nói những gì, nhưng cuộc tranh luận đã kéo dài hai ngày hai đêm liền. Đêm thứ ba, khoảng nửa đêm, có ai đó đấm mạnh vào cái thùng rượu rỗng. Lão gù sực tỉnh, cuống quýt cho người đi mua thêm rượu. Nhiều người còn quả quyết rằng số rượu mua thêm là rượu giả, bởi vì sau đó ai nấy lần lượt lăn ra ngủ, còn Socrate, tuy không ngủ, cũng ở trong trạng thái mơ màng.

Gần sáng, lão gù đánh thức Socrate dậy, đám học trò dậy theo. Ông chủ quán nghếch cổ lên từ cái lưng gù, trông như một con rùa gầy, yêu cầu thanh toán. Như thường lệ, đám học trò chia nhau giả tiền. Nhưng lão gù nói với Socrate:

- Thưa ông Socrate kính mến! Đêm qua ông còn gọi thêm của quán chúng tôi một con gà quay.

Thật chưa bao giờ có một chuyện kỳ quặc như vậy xảy ra với Socrate. Tửu lượng của ông khiến cho nhiều người kinh ngạc. Ông chưa bao giờ từ chối những cốc rượu được mời nhưng cũng tự hào là không bao giờ để cho mình rơi vào cảnh say sưa. Khi uống rượu ông thường ăn rất ít, hơn nữa, gà quay cũng không phải là món ông ưa thích.

- Ồ không, xin chớ có đùa, thưa ông! - Socrate nói - Tôi có say đâu.

- Vâng, nhưng điều đó chẳng liên quan gì đến chúng tôi. - Lão gù lạnh nhạt trả lời.

- Ông mua gà của quán chúng tôi, vậy thì hãy cho chúng tôi xin nhận một số tiền không nhiều hơn không kém hơn so với giá của nó!

Socrate cảm thấy hết sức bối rối.

- Hay là ông không có tiền? - Lão gù lại hỏi.

Đúng là Socrate không có xu nào trong túi. Nhưng đó không phải là điều quan trọng. Trong đám học trò của ông có rất nhiều người giàu có, họ sẵn sàng trả giúp ông, nếu như món nợ là có thực.

Đám học trò nhìn nhau. Lão gù nổi tiếng là một tay xảo quyệt, điều đó ai cũng biết.

Lão gù mỉm cười đầy ý nghĩa:

- Vậy là ông không có tiền. Nhưng ông có thật lòng tin rằng ông đã không gọi con gà quay của tôi trong lúc say rượu không?

- Tôi tin, tôi tin chắc vào điều đó! -Socrate gần như kêu lên.

Lão gù vẫn tiếp tục nụ cười của hắn:

- Vậy thì, thưa ông Socrate, xin ông hãy cứ tin như vậy! Vì niềm tin ấy, ông sẽ không phải trả tiền con gà quay ấy nữa đâu.

Cả Socrate, cả đám học trò của ông đều không hiểu nụ cười của lão chủ quán. Không ai nói một lời, họ ra khỏi quán như những người thất trận.

Vẻ bối rối của Socrate đập vào mắt Xanthippe. Đó là lần đầu tiên ông không còn giữ được vẻ ung dung, thư thái. Bà nhớ rằng từ giọng ông thoang thoảng phả ra hơi rượu. Đáp lại những câu hỏi của bà, ông nói:

- Tôi chỉ biết một điều, đó là tôi chẳng biết gì hết!

Socrate bị xử phải uống thuốc độc. Những giây phút cuối cùng của đời ông được Platon kể lại vô cùng cảm động trong cuốn Phédon:

Chúng tôi ngồi đợi ở ngoài, lòng buồn vô hạn. Ông cũng như cha, bây giờ ông chết, chúng tôi không khác gì những kẻ mồ côi. Giờ mặt trời lặn đã gần kề. Khi ông trở ra, ông lại ngồi với chúng tôi, chuyện trò rất ít. Chẳng bao lâu, người giữ ngục đi vào, đến gần ông và nói như sau: "Ông thật là người cao quí nhất, hiền lành nhất trên đời. Chắc ông sẽ không căm ghét tôi giống như những kẻ vẫn thường chửi bới, mắng nhiếc tôi khi tôi tuân theo lệnh trên, đem thuốc độc vào đây cho họ uống. Xin ông hiểu cho rằng tôi với ông không có thù hằn gì. Chúc ông can đảm chịu đựng." Nói xong người giữ ngục òa khóc và ôm mặt đi ra ngoài.

Socrate đáp với theo: "Tôi sẽ làm như lời ông nói và xin chúc ông mọi sự tốt lành." Quay về phía chúng tôi. Socrate nói: "Người đó rất tốt với thầy. Nhưng Criton ơi, hãy đem chén thuốc vào đây!. Criton nói: "Thưa sư phụ, mặt trời hãy còn trên đỉnh núi. Nhiều kẻ đợi trời tối mới uống, và trước khi uống họ còn có quyền ăn uống no say!" Socrate đáp: "Những kẻ ấy làm rất phải, vì họ có lợi trong sự chần chừ, nhưng ta thì không thấy có lợi gì khi uống chén thuốc độc chậm hơn một chút. Hãy làm như ta nói và xin đừng từ chối!"

Lát sau, người giữ ngục cầm chén thuốc đi vào. "Uống xong ông nên đi dạo một lúc, khi nào cảm thấy nặng ở hai chân thì nằm xuống, thuốc sẽ ngấm dẫn đến tim" - Ông ta nói rồi đưa chén thuốc cho Socrate. Socrate nhận lấy một cách vô cùng nhã nhặn: "Tôi có cần để dành một phần chén thuốc để dâng cúng thần linh không?" Khi người cai ngục nói rằng ông ta chỉ chế thuốc vừa đủ, Socrate bèn vui vẻ nâng chén lên môi.

Từ trước đến giờ chúng tôi cố nén đau buồn, nhưng khi thấy ông uống cạn chén thuốc, chúng tôi không còn cầm lòng được nữa. Nước mắt tuôn trào, tôi ôm mặt khóc. Không phải tôi khóc ông, mà chính là tôi khóc tôi từ nay vĩnh biệt tôn sư... - Praton kể tiếp:

Socrate đi dạo một hồi cho đến khi cảm thấy nặng ở chân, rồi nằm xuống đúng theo lời dặn. Người giữ ngục quan sát tay chân ông, đè mạnh xuống hai bàn chân và hỏi: "Ông có cảm thấy gì không?" "Không." - Ông đáp. Người ấy lại đi dần lên phía trên, vừa đè vừa hỏi. Socrate cũng lấy tay ấn thử và nói: "Khi nào thuốc ngầm đến tim là xong.”

Khi lạnh đến thắt lưng. Socrate bỏ miếng vải che mặt và nói:

- Criton, ta nợ Asclepius một con gà, con nhớ trả(4)!

*

Praton đã ghi lại chính xác câu nói cuối cùng của Socrate?

---------

1. Nhà lãnh đạo Athènes.

2. Tiền Hy Lạp. Theo các tài liệu cổ thì tiền công của công dân và nô lệ Hy Lạp làm việc trên các công trình xây dựng thường vào khoảng 1 drachme mỗi ngày. Xem H.Francotte. L'industrie dans la Grèce ancienne. Bruxelles, 1900, trang 316.

3. Asclepius: Con trai của Apollon với một cô gái người trần, được thần nhân mã dạy chữa bệnh và săn bắn. Asclepius bị thần Deus giết chết vì dám chữa cả cho người chết sống lại và người ta thường cúng gà trống cho ông. Biểu tượng của ông là cây gậy và con rắn.

4. Chúng tôi dịch câu nói nổi tiếng này của Socrate qua bản tiếng Pháp: "Criton, nous devons un coq à Esculape. Payez cettedette, ne soyez pas négligents". Xem Platondette. Phé don, GF-Flammarion, Paris, 1991, trang 309.

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

Thông báo mở lại Chuyên mục “Đọc truyện ngắn hay trên Báo Văn nghệ” Đọc truyện: Bên sông giặt áo - Truyện ngắn dự thi của Bảo Thương Đọc truyện: Búa nước. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Phương Lan Đọc truyện: Huyết lệ chi. Truyện ngắn dự thi của Phạm Hữu Hoàng Đọc Truyện: Gió Cùa se sắt. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp
văn nghệ trẻ, số 21/1997
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Baovannghe.vn - Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Văn nghệ điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm.
Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Baovannghe.vn - Con đường ấy mang tên "Đông - Tây". Đơn giản là nó nối hai phương của một thành phố. Con đường lớn, đẹp, lối đi hai chiều.
Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Baovannghe.vn - Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) là cuốn sách có giá trị tổng quan và sâu sắc về các chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội.
Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Baovannghe.vn- Tôi từ thương nhớ mà đi/ Vọng trong ngày cũ xanh rì chiêm bao/ Nam non ướt ngọn mưa rào/ Nồm già nứt vách chênh chao nếp nhà
Chiều đã Chạp - Thơ Nguyên Hậu

Chiều đã Chạp - Thơ Nguyên Hậu

Baovannghe.vn- Chầm chậm nhé trời chiều nay đã Chạp/ Người tha hương đã kịp về đâu/ Ai rửa phèn chua nhàu nhĩ áo nâu/ Rơi giấc phố tiếng dế ngày xa lắc