Sáng tác

Bóng đè. Truyện ngắn của Tiêu Dao

Tiêu Dao
Truyện
11:00 | 09/09/2024
Baovannghe.vn -Ai đã hơn một lần từng nhận thức sự bé nhỏ của mình trong không gian mới thấu hạnh phúc của tôi, khi âm nhạc ấm áp quanh mình.
aa
Bóng đè. Truyện ngắn của Tiêu Dao
Bóng đè - truyện ngắn của Tiêu Dao

Có tiếng nhạc văng vẳng đâu đây:

Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần...

Ai đã hơn một lần từng nhận thức sự bé nhỏ của mình trong không gian mới thấu hạnh phúc của tôi, khi âm nhạc ấm áp quanh mình. Cũng như bất cứ sự tự ý thức nào, cái mảnh đất chật hẹp dưới chân mà tôi đang đứng, không gian bao la mà mắt tôi đang thấy, và cả sự im ắng khốn kiếp tự hiện bằng tiếng o o trong tai mà tôi đang chịu đựng, không hiểu đã được bắt đầu từ lúc nào. Đúng, tiếng hát tan trong một bản giao hưởng toàn những tiếng côn trùng. Cả những tiếng la hét, vỗ tay mà đám đông nhốn nháo kia đang xả vào mặt tôi chỉ có thể nhận thức được bằng thị giác. Đừng cho đó là khó hiểu, là trừu tượng, tôi - kẻ may mắn nhất trần gian vì có những cơn mộng giống hệt đời thực. Cả biển âm thanh đó ùa vào mắt ta, chia ra ở đâu đó trong đầu, rồi chạy tắt đến tai, sau lại ra vẻ nghênh ngang đi vào bằng con đường chính thống của tai. Khác nào tiếng súng vang trong đầu kẻ bị bắn thẳng vào mặt từ xa. Chẳng có quyền lực nào giúp tôi lựa chọn một trong hai thế giới - mộng hay thực - đó cả, vậy thì chấp nhận thôi. Ngán cái lũ khán thính giả kia ư? Ta quay vào cánh gà, nơi bạn bè đang đợi chờ ta ở đó. Ở đó, ta lại nhìn thấy những tiếng cười, những lời chúc tụng. Mộng thì vô thanh, nhưng các anh bảo đời thực này tồn tại âm thanh ư? Các anh đâu có cái tai của tôi! Đấy, họ ở đấy, bạn bè và, dĩ nhiên, trong đó có cả cô gái mà ta quý mến với đôi mắt lá dăm sâu thẳm. Nàng tặng hoa cho ta, một sự ngược đời dưới mắt kẻ khác, vì những kẻ hay mơ ngủ thường mềm yếu. Nàng đang khen đoạn fantaisie mà ta vừa chơi trên sân khấu, có lẽ nó hay thật, vì những kẻ có những giấc ngủ thường xuyên bị tra tấn vốn bất thường trong cách suy nghĩ. Rồi là những kẻ bằng hữu, chúng cũng bủa vây tôi bằng sự im lặng huyên náo mà tôi đã quen thuộc. Đã có khoảnh khắc, dù là trong một cuộc mộng hay bơi giữa cuộc sống, tôi ý thức về âm thanh chưa nhỉ? Có lẽ đã từng, bởi lúc này đây, tôi ngột ngạt trong cái vũ trụ toàn những tiếng o o. Bỏ nó đi, gạt nó ra mà lao tới giang sơn của ta, nơi mát mẻ với cái tĩnh lặng thuần khiết và hợp lí, nơi âm u dăm nét mộng mơ - phố nhỏ cổ kính.

Đó, cứ đi trên con phố nhỏ thâm nghiêm mát rượi này mà tận hưởng sự thinh lặng này đi. Thỉnh thoảng chỉ có dăm ba tiếng động thân quen từ thuở ta mới biết nghe. Con thạch sùng chắt lưỡi, tiếng đập cửa, sao mà giống tiếng mở cánh cửa sổ phòng ta đến thế. Những phút tiêu dao hợp lí này cơ hồ đã gần tuyệt diệt. Ta đi không phải nhà mục đích di chuyển trong không gian, vậy thì so với bay đâu có khác gì. Vậy đấy, hễ tin là được. Tôi đang bay, đất trôi tuồn tuột dưới chân. Một mảnh lá xà cừ rơi trong đong đưa rồi theo gió bay về cuối con đường. Ta bay đuổi theo nó, một hành động sặc mùi ngẫu hứng, hợp lí như những chuyến tiêu dao nhàn tản.

Nhưng lần này tôi thấy gì thế kia? Hình như 1 bức tường khổng lồ sáng trưng. Không! Một tấm gương vĩ đại. Nó vùn vụt lại gần ta mà không thể dừng lại. Mọi thứ dần dần hiện rõ trong đó và lớn lên vùn vụt. Tôi đang lao vào đó. Sẽ có đổ vỡ, sẽ bị những mảnh thủy tinh cứa vào da thịt. Đó là điểm gở... những ý nghĩ veo veo trong đầu, những đau đớn tự hình dung trước. Khuôn mặt tôi đã hiện ra và tôi đâm sầm vào. Nó rạn nứt ra ngay sát mắt tôi, những mảnh vỡ li ti văng tung tóe. Tôi gào lên một tiếng câm lặng, khuôn mặt kia đã nát vụn, một khoảng tối thỉnh thoảng mở ra nuốt trọn tôi vào.

Tôi đã nhận thức được địa vị của mình - đây là một giấc mơ. Một trường hợp hiếm hoi.

Số mệnh sẽ chấm dứt một cuộc đời, liệu dấu chấm hết cho một giấc mơ đó do số mệnh áp đặt không? Tôi nằm không hề mở mắt nhưng vẫn thấy rõ bức tường đối diện, cái góc nhà loang lổ kì dị do nước ngấm. Một căn phòng bỗng nhiên mênh mông, tôi muốn vùng dậy nhưng cơ thể nặng trịch. Cái nặng trịch ngấm ra từ bên trong không rõ từ lúc nào. Muốn kêu lên nhưng cổ họng đau như cứng lại. Mẹ tôi đi sát qua giường của tôi sau khi vừa vào để mở cánh cửa sổ và sẽ không đánh thức tôi vì người biết tôi thức rất khuya. Gọi không được, ra hiệu cố chạm vào người bà - bất lực. Cơn mộng chưa tận số. Một sự hoảng sợ vây lấy và ngạo nghễ cười quanh tôi. Không trốn chạy được, chỉ có một cách - hãy để cõi mộng sống nốt đời của nó.

Bắt tay với nó rất dễ dàng đối với kẻ đã từng làm việc đó vài lần. Buông thả mình vào một khoảng không vô đáy. Cắt đi, quên đi cái thân xác nặng nề. Vậy là xong, thị giác và xúc giác đã trống rỗng. Thời gian như không tồn tại. Một giây hay hai giây hay đã một tiếng đồng hồ, hay...

Còn gì nhẹ nhàng hơn là trông thấy lại người bạn gái thân quen, một nét dịu dàng phù du giữa dòng trần thế. Cứ nghĩ đến nàng là tôi nghĩ đến một màu vàng nâu nhẫn nại. Nhịp tim dịu lại sau cú sốc vừa qua. Khi đối diện với gương mặt thùy mị ấy, những câu chuyện trở nên nhạt nhẽo, thậm chí chỉ còn là im lặng. Không ai cảm thấy đó là vô lí, mặc dù trong những khoảnh khắc tỉnh táo nhất của trí tuệ, dù thực, dù mộng, tôi cũng phải thừa nhận giữa tôi với nàng không có một sợi chỉ nào ràng buộc cả. Ảnh hưởng của con người đó đối với tôi đã là tiền định, như sông chảy phận sông, hoa sống kiếp hoa và trăng tròn, khuyết đời trăng cho kẻ trên địa cầu chiêm ngưỡng.

Còn gì xáo trộn tâm trạng hơn những đoạn phố gắn liền với những kỉ niệm. Nó đây, nó đang gập ghềnh trước mắt tôi. Từng miệng cống thân quen, từng viên gạch lát vỉa hè khấp khểnh những bóng tối, những ổ gà đã hằn trong trí nhớ. Và nó kia nữa, cái ngõ nhỏ hun hút tối. Nơi đây từng chứa bao đêm trắng trong quá khứ, nơi mang hương vị lao khổ lần đầu tiên ta được nếm trong đời, khoảng thời gian học nghề dằng dặc. Tiếng đe búa như còn đẫm trong màn tối của ngõ hẹp đó. Không thể nhìn vào đó tiếp được nữa, hãy nhìn vào nơi hun hút cuối phố - hồi nhỏ với bạn bè và những chiếu rượu thâu canh.

Còn gì hả hê hơn cuộc cầm tôn với những kẻ tri âm, uống vào những nồng nàn cùng cay đắng. Những tiếng cười thấu mây xanh. Nhưng sau một lần ngẩng lên, tôi lại thấy hắn, như trong suốt, ngồi trước mặt ta nở nụ cười kẻ cả. Tôi không hề giật mình, cuộc sống đã dạy tôi rằng phải che giấu hành động đó. Hãy điềm nhiên mỉm cười vào khuôn mặt ấy, ông chủ của tôi ngày xưa. Từ từ nâng li, tôi hắt chỗ rượu còn trong chén vào gương mặt ngạo nghễ của hắn.

Như được chắn bởi một bức tường thủy tinh, chén rượu bắn tóe trở lại mặt tôi. Tôi giật mình đánh thót...

*

Gã không thể nào vui được. Hai tay thọc túi quần, mắt nhìn vô hồn, gã bước như kẻ mộng du. Cái đích đã được vạch sẵn - như mọi lúc - một quán rượu nhỏ trong một con phố nhỏ.

Gã đang bị đặt trong tình thế buộc phải lựa chọn, không thể khác, đó là sắp làm một việc liều lĩnh hay không. Một chuyện hoàn toàn nghiêm túc. Nếu không mạo hiểm, gã lại quay về làm một ông thợ cò con kiếm đủ ăn, thức dậy, hoạt động và đi ngủ như mọi người, bất chấp những giấc mơ khác người, và cơ hội đạt được một cái gì đó chỉ trông chờ vào vận may. Gã nhổ toẹt miếng kẹo cao su đang nhai trong miệng. Liều lĩnh ư? Nếu thành công, gã sẽ đi học tiếp một cái gì đó một cách ung dung, vẽ vời, chơi nhạc... hoàn thành một lô những mục đích khác người của gã không mấy khó khăn. Mắt gã thoáng lướt trên những ngọn cây xanh mướt dưới bầu trời trong veo. Nhưng nếu thất bại - một con số 0 đen ngòm.

Gã buông mình xuống chiếc ghế nhỏ quen thuộc trong cái góc quen thuộc của cái quán rượu gã đã đi mòn gót, và sượt một tiếng thở dài. Hỏi xin một lời khuyên của người khác ư Gã nhấp một ngụm rồi xua đuổi lập tức cái ý nghĩ đó. Liều hay không liều, đó thuần túy vị kỉ, ai lo cho gã trong khi ít kẻ toại được sở nguyện. Khốn khiếp thật!

Cô bé bán hàng ngừng tay gọt trái cóc, ngước lên hỏi gã: "Anh Quang hôm nay buồn nhỉ?" Gã chỉ hơi mỉm cười, nụ cười chia làm hai nửa khác nhau trên hai nửa khuôn mặt, cái phía quay vào tường mang màu chua chát.

"Vậy thì anh chơi đàn đi, chơi cho đỡ buồn." Gã nuốt trôi ngụm rượu trong miệng, hết chén thứ hai rồi hờ hững nhìn quanh, không trả lời. Ờ, mà sao hôm nay chưa có ai đàn hát gì thế nhỉ? À, họ đang bận uống. Chả có ai quen ở đây cả. Gã quay lại bàn mình và lại rót một chén nữa. Xung quanh bắt đầu lung linh và nhè nhẹ đung đưa. Gã khoái lắm, phải cố mà duy trì cái ngưỡng này, đừng quá mà cũng đừng dưới, gã đã quen với việc này. Khoái thật! Trí tưởng tượng bắt đầu bay bổng, gã quên đi mọi lo âu.

"Chào anh Quang!" Gã ngước lên, một khuôn mặt quen thuộc hồ hởi hiện ra. "Sao hôm nay anh đến ngồi sớm thế, anh thường bận lắm kia mà?" Gã đáp lại bằng một nụ cười nhiệt tình không kém: "Ờ, hôm nay có chuyện không vui, đến uống cho vui. Ngồi đi!", gã chỉ cái ghế. Có cái thằng thầy cãi mới ra trường tập tọng viết văn này là có kẻ để nói chuyện vui đây. Hắn là một trong số ít ỏi các trí sĩ thường xuyên lui tới chỗ này. Hay lắm! Gã rót đầy hai chén, "Cụng một cái chào anh đi!" Hai tiếng khà làm ấm lên bầu không khí.

"Anh Quang đã lập bản tử vi cho em chưa?" Gã ớ ra, lại quên rồi, nhưng gã vẫn nói qua quýt, "Ôi dào, mày tin làm gì mấy cái thứ nhảm nhí ấy! Buồn thì lấy nó làm thú vui thôi, nhưng nói ra nó ám ảnh mình kinh lắm. Mày duy vật, nghe làm gì... Mà uống nhanh lên cho bằng anh, trông cái mặt mày còn trong sáng lắm." Thằng bé kia cười hiền lành rồi tạp một ngụm lớn. Nó kém gã ba tuổi, tức là xung tuổi gã. Mà xung khắc gì ở cái bàn rượu này. Nó đang cười hê hê với gã, cạn một chén và mắt bắt đầu long lanh "Anh Quang không tin số mệnh ạ?", "Vừa tin vừa không tin. "Cái ánh long lanh ban nãy mạnh thêm những tia dò hỏi, gã chặn ngay, "Thôi mà đừng hỏi anh tại sao nữa. Dài dòng lắm, mày cứ uống đi, cứ suy ngẫm đi, rồi mày cũng sẽ nghĩ như anh thôi."

Được vài chén, thằng bé kia bắt đầu lè nhè: "Anh Quang đệm đàn đi, em hát!" Gã cười, loạng choạng đứng dậy đỡ cây đàn trên tường. Gã lên lại dây nhưng cả sáu dây đã nhòe đi trong mắt. Thằng kia nhìn trừng trừng về phía trước rồi... gào lên:

"...Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo...

Nhìn nó hát sao mà say sưa, hồn nhiên. Nó quên xung quanh rồi, đúng hơn là xung quanh đã mờ đi trong mắt nó rồi. Đặc biệt, giọng khàn khàn của nó nghe như một tiếng hú man dại, hoang dã, như tiếng của một con thú, làm gã sởn da gà. Khi bài hát kết thúc, gã như lặng đi.

Như mọi khi, cây đàn được truyền đi qua khắp các bàn. Nhưng hai kẻ đối ẩm ở đây thì lại im lặng, hình như hơi rượu đã phai nhiều sau khúc hát. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Gã chán chường nhìn vào góc tường, một con bướm xấu xí đang giãy giụa tuyệt vọng trong tấm lưới nhện mong manh. Một con nhện to, đen thui với những cẳng chân lông lá nhanh nhẹn bò ra. Tiếng Phi cắt ngang, mà nó hỏi chỉ như để cho có chuyện "Muốn đọc được chữ Hán có lâu không anh?" Gã quay lại, mắt thằng bé đang mơ màng đâu đâu, có khi nó cũng chẳng cần câu trả lời, "Dễ mà, chỉ già một năm nếu mày thích!" Gã quay lại với con bướm, gỡ nó ra, mặc cho chú nhện cáu kỉnh chạy đi chạy lại. "Anh Sa hay nhỉ! Kệ nó đi, rồi nó lại mắc vào đâu đó thôi mà... Đấy, anh thấy chưa, lưới lần này còn xịn hơn lưới lần trước. Hi hi...". Gã không còn buồn giúp con bướm đó nữa. "Nó yếu ớt quá. Những kẻ yếu luôn có một số mệnh, một kết cục vậy cả", gã lại thở dài. "Thế con nhện kia anh bảo là nó mạnh à? Anh thử đoán xem kết cục của nó đi!" Gã im lặng cúi xuống.

"Đây, đây này...", thằng Phi bật cái bật lửa ga đã được chỉnh lại, quệt một vệt lửa qua tấm lưới nhện, chú nhện tội nghiệp hốt hoảng nhảy vọt đi nhưng không kịp, nó chết thui, nằm còng queo dưới đất.

"Mày tạm thời mạnh, chú em ạ!", gã cười nhìn Phi. Phi cũng cười, mà gương mặt nó có gì như mếu máo: "Đúng thế, anh Quang ạ" - nói rồi nó rót vội vã ra hai li rồi ực cái li của mình cũng rất vội vã. Rồi... cả hai lại im lặng.

"Anh Quang có bài thơ nào mới không, đọc cho em nghe đi", mắt nó vẫn nhìn như mắt một người mù. Thằng bé đang có tâm sự gì đây. Gã cũng chẳng để ý đến u già đã ra thay cô bé bán hàng, đang nhìn hai đứa và tủm tỉm cười, một cái cười chứa chan tình mẫu tử: "Không bán rượu cho thằng Quang và thằng Phi nữa, chúng mày say rồi. Uống nốt chỗ ấy thôi!" - giọng bà ê a.

Phi đập vào vai gã làm gã giật mình, "Anh đọc đi, không hiểu sao em khoái cái thơ cộc lốc khó hiểu của anh" - "Ừ, mới có vài câu, nếu mày thích." Gã uống một ngụm lớn, rồi chậm rãi sau một hồi lâu im lặng:

"Đời dằng dặc đất xanh ta nghỉ

Dõi thời gian - tay gõ khúc Cổ bồn

Thoáng bình minh, lại đã hoàng hôn

Sương lan xuống cho long lanh con nắng".

Phi đưa mắt nhìn gã, ánh mắt ấy đã làm gã như ấm lại. Hai cái chén lại chạm nhau, hai khuôn mặt đã lại có nụ cười. "Biết làm thơ sướng thật! Mà "khúc Cổ bồn" là cái gì hả anh?" - "À, ngày xưa có một triết gia Tàu, khi vợ chết lão ta ngồi gõ vào cái chậu, hát. Bài hát ấy gọi là Khúc Cổ bồn ca chàng trai ạ!" - "A, Trang tử chứ gì, tuyệt thật", nó nhún vai.

Hai thằng chia tay, gã lững thững tản bộ, gã thích thế. Mặt khác, còn khá sớm. Tạt vào ven đường mua một cục kẹo cao su, gã định đến chơi nhà cô bạn - một ý nghĩ điên rồ, trong hoàn cảnh đó, với kẻ khác, nhưng gã thích thế. Say bét nhè, nhưng gã biết cách làm cho bước đi vẫn ung dung thư thái, điều đó quả là may mắn.

Lững thững trên phố, gã không để ý đến bất cứ cái gì, cảm giác nửa say nửa tỉnh làm gã thích thú. Như trong một cơn mơ vậy, nhưng mũi vẫn thấy mùi hoa sấu thoang thoảng và mắt vẫn nhận ra những mảng tối trên các mái ngói.

"Sao hôm nay lại đến giờ này à?" Gã cười bẽn lẽn, cúi đầu và đến ngồi vào chiếc ghế quen thuộc, đầu thì nghĩ xem nên bắt đầu bằng chuyện gì đây. Tất nhiên lại là những chuyện vu vơ. Thỉnh thoảng hai người lại kín đáo nhìn nhau, không thể nhận ra cái gì là ranh giới giữa họ. Có thể có một lúc nào đó, nàng cần nghe gã nói một lời mà gã lại loanh quanh không biết nói lúc nào cho đúng lúc. Không có Thượng đế nào mách bảo gã cái thời điểm đó cả.

Nhưng cả hai hình như đã dành một phần nào đó cho nhau trong mỗi người, ít ra là gã cảm thấy vậy. Nàng không đẹp, nhưng vô cùng duyên dáng và quyến rũ. Cái nét khuê các đặt trong một gia đình nền nếp đó khiến gã không dám có một hành động nào mà có thể đem lại sự đổ vỡ, nứt rạn. Gã tìm đến đây chỉ như một chiến binh cởi giáp, mài gươm, như cỏ cây tìm đến mùa xuân sau một mùa đông khô khốc.

"Hình như Diệp chuẩn bị đi đâu?", dù chuếnh choáng, gã cũng đã nhận ra một cái gì đó khác thường. Nàng hơi nhìn gã, rồi nhìn ra xa, bẽn lẽn, nói rất nhỏ: "Ừ!" Gã kín đáo nhìn đồng hồ, gần 9 giờ. Trong người gã như có cái gì nổ ục một tiếng. Một lát, gã cũng cáo từ và gắng gượng để có một nụ cười tươi tắn, một cái nháy mắt ra vẻ thông cảm lúc chia tay, rồi chạy như trốn xuống cầu thang. "Thôi Diệp không phải tiễn đâu!" Ngàn lẻ một ý nghĩ ồn ào trong đầu. Giờ này đâu còn sớm sủa gì. Gã đi thẳng sang bên kia đường, nhà nàng nằm giữa một ngã ba. Đây rồi, một quán cóc nhỏ. Gã buông phịch xuống chiếc ghế bé tẹo trong bóng tối và đưa tay chỉ cái chai - lại cái chai. Ngẩng lên nhìn vào cái ngõ quen thuộc, đã thấy nàng xuất hiện và đang dõi mắt về cuối phố, chờ đợi. Gã nghiến răng trong một cái nhếch mép, tay máy móc vơ cái chén trên bàn, rượu tràn ra tay mát rượi. Phút căng thẳng cũng không lâu, một chiếc xe máy xịch đến và nàng hớn hở ngồi lên phía sau. Gã ực một hơi hết, một hành động hiếm thấy. Gã ngồi đấy chờ, cười nhạt và nhìn tứ phía. Những cây hoa sữa nơi phố đó không còn tỏa cho không gian một thóang xanh diệu kì như mọi khi. Đèn phố mờ tối, hay mắt gã đã hoa, lũ cây hoa sữa đó với những lá tầm gửi bám ở thân trông như những cẳng chân gầy guộc đầy lông lá. Gã ngửi thấy cả mùi rượu thuốc nồng, khét, mọi khi say không bao giờ gã ngửi thấy mùi rượu, và nghe thấy tiếng của cay cú. "Mày lại thất bại!" - như có một gương mặt khổng lồ, đen sì nhưng trong suốt dí sát vào mặt gã mà rít lên trong một cái cười nhếch mép đểu giả. Ừ! Gã cúi đầu tự an ủi, ai chẳng thường như thế khi chiến đấu với ba đào nữ sắc. Gã đã làm mọi việc có thể, trừ dối trá, có khi như thế lại là ngu ngốc lắm chứ. Uống đi để khỏi phải nghĩ tiếp! Họ đã về, nhưng anh chàng kia còn chưa về. Cả hai biến vào bóng tối của ngõ nhỏ, chiếc xe dựng ngoài cửa. Gã như thấy lại gương mặt thân thuộc của thằng bạn rượu với gã đang cười khi trước mặt: "Mày yêu nó rồi!" Sao nó lại nói thế nhỉ? Mà gã cũng không thể nhận ra vị trí đối trọng của nàng đã nặng dần lên từ lúc nào, trước kia nàng chỉ là một chỗ bấu víu của đôi mắt gã, như khi ngồi vào ghế bành người ta cần một chỗ để đặt tay, mà quan trọng nhất - đó là nơi để gã ngã xuống sau thất bại đầu đời, lần mà gã đã run rẩy bởi một cô gái khác, một cô gái vào loại Các - men, một cơn bão với trái tim như lá khô của gã. Họ đã đứng sóng đôi trước cửa, người con trai châm một điếu thuốc, đốm lửa bừng lên cùng ánh đèn "mo" xanh lét. Họ thì thầm với nhau. Hình như gã đã biết anh ta, mà... không sao nhớ nổi. Anh ta làm gì nhỉ. Gã nghe thấy giọng cười của Trương, thằng bạn thanh khí với gã, sinh trước gã 5 năm, già hơn gã 10 năm: "Tôi đếch cần biết. Ông sẽ là Trạng Nguyên, còn nó thì lượm tú cầu. Tình yêu không cần những thứ ông có. Hê hê...!”. Vậy nó cần gì? Gã tưởng mình biết rõ điều này nên khi chưa có những thứ đó, gã chưa dám nói lên cái điều mà mình hằng mong lần chờ đợi. Làm gì bây giờ đây? Gọi bọn đàn em lưu manh, hay chính gã... Không! Không thể. Gã thua rồi. Họ cầm lấy tay nhau, cô gái như định quay bước vào ngõ, chàng trai vẫn cầm tay cô gái như níu lại... Tách! - cái chén méo mó vỡ ra trong tay.

...Ông chủ quán tội nghiệp mặt tái mét đờ ra nhìn gã. Thản nhiên, gã dùng tay kia cầm cái chai nhỏ uống thêm một ngụm lớn. Đoạn đứng dậy, lần mò trong túi lấy tiền trả ông lão. Bàn tay kia vẫn buông thõng một vết máu in trên chiếc bàn nhỏ xộc xệch, ẩm ướt. Gã còn cảm thấy một giọt âm ấm khác đọng nơi đầu ngón tay sắp rơi xuống đất. Gã sẽ đi mười vòng quanh cái hồ nhỏ kia, gã muốn thấy ánh trăng. Hôm nay mồng mấy nhỉ? - Mặc kệ! Mặc kệ bức tranh vẽ dở dang chờ gã ở nhà, mặc kệ nốt những đơn đặt hàng đang chờ gã ngày mai, mặc kệ cả đống sách gã cần đọc đêm nay. Tất cả những thứ đó để làm gì nhỉ? Những cái đó không đem lại cho gã cái ốc đảo mà gã vừa để mất. Gã sẽ mài tất cả những cái mà gã nhét được vào đầu suốt từ trước đến nay trên khắp các con phố nhỏ.

Nhìn bàn tay, gã ngạc nhiên sao không thấy đau đớn gì, mà... trông nó gớm ghiếc quá.

Gã rửa tay bằng chỗ rượu còn lại rồi lảng bảng bước đi, bóng tối trên phố từ từ nhuộm lên gã. Hơi lành lạnh, có lẽ sương xuống.

Mùa đông chiêm thành

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Ngọc lan trắng. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thanh Bình Đọc truyện: Cây gạo ở chợ chiều - Truyện ngắn dự thi của Cầm Thị Đào Đọc truyện: Huyết lệ chi. Truyện ngắn dự thi của Phạm Hữu Hoàng Đọc truyện: Trăng mắc cạn. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Thúy Đọc truyện: Ngày biển động . Truyện ngắn dự thi của Lê Sơn
Văn nghệ Trẻ, số 17/1997
Văn hóa "nước bọt" và chạy càn. Tạp bút của Nguyễn Hải

Văn hóa "nước bọt" và chạy càn. Tạp bút của Nguyễn Hải

Baovannghe.vn - Nói nôm na vậy, chứ làm gì có thứ văn hóa kiểu này. Bởi vì biểu hiện cho lối văn hóa "nước bọt" là dạng hành vi: Khạc và nhổ.
Phỏng vấn một cô nuôi dạy hổ - Trần Thị Vui Vẻ thực hiện

Phỏng vấn một cô nuôi dạy hổ - Trần Thị Vui Vẻ thực hiện

Baovannghe.vn - Cuộc phỏng vấn được tiến hành tại nhà trẻ Hoa Cỏ May.
9 tháng đầu năm, BSR sản xuất gần 4,8 triệu tấn sản phẩm, đạt doanh thu hơn 87 ngàn tỷ đồng

9 tháng đầu năm, BSR sản xuất gần 4,8 triệu tấn sản phẩm, đạt doanh thu hơn 87 ngàn tỷ đồng

Baovannghe.vn- Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 của BSR, doanh thu quý III đạt gần 32 ngàn tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 87 ngàn tỷ đồng
Chối bỏ đô thị và mơ hồ sinh thái trong tiểu thuyết Nam bộ đương đại

Chối bỏ đô thị và mơ hồ sinh thái trong tiểu thuyết Nam bộ đương đại

Baovannghe.vn - Từ hướng tiếp cận phê bình sinh thái, bài viết tìm hiểu ý thức sinh thái và sự mơ hồ sinh thái trong tiểu thuyết Nam Bộ đương đại qua ba trường hợp Giữa vòng vây trần gian (Nguyễn Danh Lam), Sự trở lại của vết xước (Trần Nhã Thụy) và Sông (Nguyễn Ngọc Tư).
9 Triệu cuốn sách bị các trường Đại học ở Hàn Quốc vứt bỏ trong 5 năm

9 Triệu cuốn sách bị các trường Đại học ở Hàn Quốc vứt bỏ trong 5 năm

Baovannghe.vn - Trong bối cảnh "hồi sinh nhân văn" trỗi dậy với sự kiện nhà văn Hàn Quốc Han Kang giành giải Nobel Văn học, một thực trạng đáng báo động đã được tiết lộ: các thư viện đại học Hàn Quốc đã vứt bỏ gần 9 triệu cuốn sách trong vòng 5 năm qua. Theo thống kê, chỉ riêng năm 2023, số lượng sách bị loại bỏ lên tới 2,51 triệu cuốn, một con số khổng lồ so với quy mô lưu trữ của các thư viện đại học. Quyết định này nhằm thích ứng với xu hướng chuyển đổi thư viện thành không gian thư giãn, gần gũi như quán cà phê, đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của sinh viên. Tuy nhiên, sự mất mát không nhỏ này cũng đã làm dấy lên những lo ngại sâu sắc về việc mai một kiến thức và ký ức văn hóa truyền thống.