Sáng tác

Góc quê. Truyện ngắn của Thu Loan

Thu Loan
Truyện
00:00 | 09/09/2024
Baovannghe.vn - Tai họa đổ ập xuống đầu tôi: Mẹ tôi bể hụi, ba tôi bị tạm giam. Việc phân công công tác của tôi trục trặc. Nhà tôi vắng vẻ, buồn như có đám.
aa
Góc quê. Truyện ngắn của Thu Loan
Góc quê - truyện ngắn của Thu Loan

Không còn bóng dáng các loại xe đời mới đời cũ thi nhau đợi trước nhà. Mẹ tôi mặt mày nháo nhác chạy đôn chạy đáo về tất cả mọi chuyện. Người yêu tôi tới lui thưa dần rồi vắng hẳn: Chức giám đốc của ba tôi đang thời bấp bênh, anh chẳng dại gì dây vào.

Tôi buồn rũ, sách không đọc, cơm không ăn, nằm dụi trong xó buồng nhắm nghiền mắt, cầu cho giấc ngủ đến để quên hết mọi chuyện trên đời, mọi âm thanh ngoài đường chập chờn đập vào tai. Hai hai tuổi, mọi con đường đều bế tắc, tôi tìm tới ba mươi viên thuốc ngủ.

Tỉnh dậy trong bệnh viện, mẹ tôi mếu máo: "Mày dại quá con ơi, con người là vốn quý." Tôi đờ dẫn, nghĩ một lúc nào đó mình sẽ nhẹ nhàng như chim.

Một tuần sau mẹ bảo: "Hà ạ. Mẹ đã thu xếp cho con một chuyến về quê. Ở đó yên tĩnh, khí hậu trong lành, con sẽ khỏe ra và thấy yêu đời." Tôi gật đầu, không thờ ơ, không háo hức. Ngày bé tôi có về quê một lần. Nhà vách nứa lụp xụp - mỗi nhà đều cách nhau những khoảng vườn rất rộng. Tôi sợ nhất mỗi lần quay nước. Giếng sâu thăm thẳm, nhìn xuống người tôi ngây ngất, bủn rủn như thể đang ở lan can tầng nhà thứ hai mươi ngó xuống. Cảm giác rờn rợn chạy rần rật từ đầu đến các ngón tay ngón chân.

Tôi leo lên chiếc xe chật ém người. Dưới các băng ghế lèn chặt các loại bao, các loại can. Trên chồng chất lồng gà, rọ heo. Ngồi chỗ nào cũng nồng nặc mùi phân xen lẫn tiếng cãi vã xoe xóe của mấy bà buôn chuyến, tiếng khóc tỉ ti của những đứa trẻ con. Xe chuyển bánh. Tôi thở phào như trút được gánh nặng - Nắng và gió ùa vào thay thế các mùi khó chịu. Chiếc xe chạy ì ì như một con ngựa già ì ạch leo dốc. Bao nhiêu năm tôi mới lại đi qua triền cỏ khô cháy, những cánh rừng cao su bạt ngàn, những đồi cỏ lau trắng xóa, chìa tay ra có thể chạm vào mây núi.

Chiều tối, xe đến bến - một bãi trống san bằng chưa được rải đá, bụi bốc sau bánh xe mù mịt. Mấy đứa trẻ bán hàng dong ngồi quanh quẩn dưới gốc cây, chạy túa lại. "Bánh rán đây, bánh rán đây." "Ai ăn bắp không?”, "Thuốc lá á...á...ơ..." Tất cả thành một bản giao hưởng của các nội dung loạn xị ngậu, các cung bậc cùng với lũ ruồi nhặng bay vo ve trên những lá bánh, cùi bắp, bã mía người ta thải xuống đất. Phải đi bộ bốn năm cây số nữa mới đến nhà bác tôi. Đồng hành còn một lũ trẻ rồng rắn theo đuôi, lớn nhỏ đủ cỡ. Chúng xầm xì về cái quần Zin tôi mặc, đôi giày tôi mang, cả hình Madona trên túi xách nhựa. Sau này thì tôi hiểu tôi như con công đáp xuống vườn gà: lộng lẫy xa hoa khác lạ. Ở đây phụ nữ ai cũng như ai bốn mùa quần đen áo cánh.

Nhà bác tôi giữa lòng thung, xung quanh cây cối um tùm những dãy núi mờ xanh ánh lên màu hiu hắt. Bóng người thấp thoáng ở triền đồi như dấu chấm nhỏ, cô đơn lạc lõng - Tôi thấy lòng nao nao. "Mình đang trốn chạy nỗi buồn hay gánh thêm nỗi buồn khác nặng nề hơn?"

Bác tôi đón tôi bằng nụ cười xởi lởi. Bác quá già so với tuổi sáu mươi. Mặt bác đen thẫm, các nếp nhăn hằn sâu như rẽ quạt, khi cười chúng nhăn tít lại. Hồi bác trai mất được mấy năm ba tôi có ý đưa bác ra khỏi vùng heo hút này. Bác chối đây đẩy: “Ra thành phố à? Không, tôi chẳng đi. Người thành phố ai cũng mồm mép sống không thật.” Thấy tôi đến bác kêu con cháu lại: "Ra đây, chúng bay nhận mặt họ hàng chứ - Nửa đời người chưa bước chân qua ba sào đất." "May chị về thăm, nếu không ra đường tán nhau không biết là chị em." Nhà rất đông. Bác vừa giới thiệu đây là thằng Yên, Liên, Miên, Hoa, Lan, Cẩm với bốn đứa cháu, tôi chỉ biết gật đầu lia lịa, rồi không nhớ tên ai vào với ai. Mãi sau tôi mới biết bác có tám người con trai, mất hai còn sáu. Bác ao ước có một đứa con gái nên toàn đặt tên trước, ai dè trời không cho toại nguyện. Gia đình cậu Hai có một nếp nhà riêng ngay ở đất bên cạnh, cũng lợp gianh vách nứa như chỉ để dành cho việc ngủ, đi ra đi vào phải khom lưng. Cậu Hai ăn chung cùng với bác, và bốn cậu em chưa có gia đình. Nhà cậu Ba ở mé bên trái ăn riêng thì có vẻ khấm khá hơn.

Trời chưa sáng hẳn tôi đã nghe tiếng chổi tre quét loẹt quẹt ngoài sân và giọng bác cằn nhằn: "Con gái con nứa bảnh mắt còn ngủ nữa hả bay.” Thấy tôi cục cựa chị Thàn ngồi dậy búi mái tóc dài thành búi sau gáy khẽ bảo: "Chị cứ ngủ đi cho khỏe. Mẹ tôi nói gì kệ bả. Bả già rồi trái tính trái nết, chấp nê thì không sống được." Chị Thàn đẩy của bước ra ngoài, bóng đêm lẩn quất chưa thấy rõ mặt đất mặt người. Một lúc sau, ánh lửa từ bếp đã bùng lên phần phật. Bữa cơm sáng nhà bác đông đủ nhất. Ba đứa cháu nội bê cơm chạy vòng ngoài, còn tất cả quây quần bên mâm gỗ: rau lang luộc, canh tập tàng, mắm ruốc xào xả là các món thường xuyên. Từ khi có tôi thêm một đĩa trứng tráng hoặc vài lát cá kho. Chị Thàn con dâu của bác thường ngồi đầu nồi và ăn sau cùng. Chị nói nhỏ nhẹ, cạo nồi rất khẽ và len lén bỏ cháy vào chén mình. Ai đưa chén ra chị đều đỡ lấy bằng hai tay, xới cơm và đưa lại với vẻ lễ phép. Bác tôi vừa ngồi nhâm nhi vừa ca cẩm: "Đời làm dâu bây giờ sướng thật tha hồ ăn no ngủ kĩ không như tao ngày xưa. Ăn không dám ăn quá ba chén. Mẹ chồng ăn xong nàng dâu bưng nước tận nơi rồi mới làm gì thì làm." Cậu Hai liếc mắt sang vợ "Vểnh tai lên mà nghe!" Cậu Tư thủng thỉnh: "Tui có vợ là tui ở riêng ăn riêng hết." Tôi xen vào: "Bây giờ sống phiên phiến đi thôi, ai còn bắt bẻ kĩ lưỡng như ngày xưa nữa bác." "Gia phong thế mà hay - Bác tôi hậm hực - tự do quá để con cái trèo lên đầu lên cổ à? Nhà bà Hàng đấy, ai đời con dâu ngồi vắt vẻo xem sách, mẹ chồng thì cúi rạp người dưới chân lau nhà. Rõ dở hơi." "Bà ấy cố tình chọc tức cô Hoa đấy thôi chứ cô ấy chăm chỉ lắm. Bà không thích một nàng dâu nhiều chữ. Phải, ít chữ càng tốt, ít lí sự." Ở xóm trên có cô Hai Thanh học xong 12 ngoài phố về, chẳng ma nào dám lấy! Lấy về rồi lại đòi bình đẳng a, quyền sống a… thì chết người ta. Chị Thàn cười cười: "Cứ như má cả thì xã hội không tiến lên được." "Phải các cô các cậu tiến bộ còn tôi lạc hậu!"

Cơm xong, mỗi người lại biến vào công việc của mình. Anh Hai ra quán sửa xe đạp - một cái quán lèo tèo dựng ở ngã tư đường chỉ có cụi đựng đồ nghề và cái võng bắc ngang. Cậu Bốn, cậu Sáu ra rẫy còn cậu Tám ra học ngoài thị xã, tối mịt mới về. Chị Thàn lại cụi quét dọn với một mâm chén đũa xoong nồi đầy ụ. Bác tôi gọi vọng từ buồng ra: "Thàn 3000 đồng đi chợ đây, mua 2000 cá cơm với 1000 mắm. Rau mót ngoài vườn được rồi." "Dạ." "Hôm nay mày nấu mấy lon gạo." Bác tôi gọi giật lại. "Dạ nhà mình thường sáu lon có thêm chị Hà con nấu bảy lon, chẳng mấy khi em đến, thừa còn hơn thiếu." "Hèn gì cơm có thừa. Cơm nguội ai ăn? Chiều chỉ nấu sáu lon rưỡi thôi nghe chưa? Ăn làm sao hết..." "Chưa ăn mẹ đã lo không hết." Chị lầm bầm, bà quay ngoắt ra. "Là tao nói thế, mày càm ràm cái gì đấy, nói xấu tao hả?" Chị Thàn bấm tay tôi ra giếng. Tôi bê luôn giùm chị mấy cái xoong.

Giếng cách nhà hơn trăm mét. Những cây cà phê đang mùa trổ hoa thơm ngào ngạt. Nắng sớm dịu dàng hát khắp không gian, xuyên qua bộ quần áo vải nõn làm lộ những đường cong óng ả. Đẹp như thế sao lại lấy anh Hai Liên - người thấp lùn, ngón tay ngón chân ngắn chũn như chuối sứ. Tôi buột miệng: "Người như chị ở chỗ em ối người mang xe đưa rước." Chị Thàn thở dài: "Thân con gái như hạt mưa sa em ơi. Ở đây cứ 16, 17 là có người dạm hỏi. Làm cao một chút 19, 20 coi như sắp ế, 21, 22 là ế hoàn toàn. Như em đây hơn chị vài tuổi đã có hai mặt con."

Chị Thàn lại thở dài: "Ở đây phụ nữ ai cũng vất, đi suốt ngày quần quật không hết việc, không như đàn bà ở tỉnh ai cũng mắt xanh má hồng môi đỏ. Một lần chị ra đấy ngỡ người đi diễn văn nghệ ở đâu mà nhiều thế, ai cũng như ai đẹp đẹp là. Sau chị mới vỡ lẽ họ... họ trang... à phải rồi trang điểm, không như ở đây chỉ có diễn văn nghệ mới bôi phấn tô son thôi. Giả sử có làm cũng để ai coi. Ra rẫy suốt ngày, mồ hôi mồ kê, bụi đất, mỗi người một góc làm đẹp cho ma nó ngắm à? Như chị đây về tới nhà lại lo nấu nướng dọn dẹp, làm vườn, rồi lại làm vườn - nấu nướng dọn dẹp ngày nào cũng như ngày nào không bao giờ hết việc. Chị chỉ ước một ngày rảnh rang nằm thượt trên giường ngủ đẫy mắt mới thôi...”

Tôi bỗng thương chị Thàn quá. Tôi nhớ những ngày ở thành phố, nhiều hôm ngồi chóc ngóc trước cửa nhìn người qua lại, nghĩ mãi chẳng biết làm việc gì.

Chị Thàn vừa bê rổ chén vào nhà thì thím Ba đi ngang qua. Gọi "thím" cũng như chị Thàn vì họ đều lớn tuổi hơn tôi nhưng ở vai em. Thím Ba người gầy nhẳng, mắt sắc, miệng vô nhưng lời nói ngọt như mía lùi. Trông thấy tôi ngồi bên giếng nước thím xoắn xuýt. "Giời ơi áo chị may bằng vải gì mát rượi cả tay. Bao giờ chị về em gửi chị mua một bộ. Da chị có xài kem gì không sao mịn và trắng thế? Chị đã thấy nhớ nhà chưa?" Tôi lắc đầu: "Em thích ở đây yên tĩnh, dễ chịu...”. Thím Ba bĩu môi: "Dào ôi cứ ở đây mươi mười lăm ngày là chán ngay thôi. Tôi muốn tếch lắm mà chưa có dịp tếch được. Ông xã nhà tôi lúc nào cũng mộng đất, rẫy, nương, nói mãi cái đầu ngu đần của ổng cũng không thức tỉnh một điều ngày nay phi thương bất phú!" Thấy chị Thàn khệ nệ bưng một thau quần áo đầy ắp ra, thím Ba cười tủm tỉm: "Khiếp, bà chị tôi năm nay lại nằm ổ nữa rồi." Chị Thàn đặt kịch thau quần áo xuống, mặt tái đi: "Sao cô biết?" "Con ruồi bay qua con này còn biết con đực con cái huống hồ cổ bà chị nổi gân ngang gân dọc thế kia. Thôi trời sinh voi sinh cỏ, sợ gì. Em vào làng đây không dân họ ra rẫy hết." Tôi nhìn theo cái dáng nhún nhẩy như múa của thím Ba buột miệng: “Thím ấy có vẻ sắc sảo nhỉ?” Chị Thàn bảo: "Cô ấy nhanh nhẹn tính toán giỏi, chỉ mua bán cà phê không mà xây được nhà, nói đâu chồng nghe răm rắp đấy. Thế mới biết có tiền là có hơn.”

Chị Thàn trải quần áo ra. Tôi sốt sắng giúp chị kéo nước. Cái giếng năm xưa sâu thun thút. Tôi xây xẩm mặt mày thấy bóng mình in lờ mờ trên mặt nước trong vắt. Tôi cố giữ chặt tay mà tay quay sắt vẫn xoay tít, cái gầu nước lao sầm sập vào lòng đất. Chị Thàn đâm bổ lại: "Để chị. Ở đây giếng sâu lắm. Năm ngoái cháu bà Hai Thìn ở phố về chơi, kéo không quen, gầu nước thì quá nặng tuột tay, cần giếng đập vào giữa trán máu me be bét phải đi cấp cứu." Tôi thán phục nhìn chị Thàn tay giữ cần giếng, tay kéo cái gàu to gần bằng thùng gánh nước dội ào ào vào cái vại sành sứt miệng và cái thau nhôm méo mó rách vành. Một ngày trung bình chị phải kéo đủ nước tắm rửa, nấu ăn và lúc nào hai phi trong bếp cũng phải đầy nước. "Sao chị không sắm máy bơm? Sức đâu mà làm, còn phải tưới cà phê nữa. Nghe nói giống cà phê rất cần nhiều nước. Mất nước coi như đi tong.” Chị Thàn thở dài: "Thì trước cũng đầy đủ cả nhưng gặp ông xã uống rượu dữ quá, phá hết, bán hết. Hai mùa rồi em cũng phải è lưng ra gánh nước - con cái là tất cả."

Tôi lóng ngóng vò mấy cái áo. Chị bảo: "Đừng làm thế lâu lắm. Chà những chỗ dơ như cổ áo, cổ tay đầu gối thôi rồi tất cả cho vào thau giậm. Cả đống quần áo nhầu nhò đảo qua đảo lại dưới chân chị. Bọt xà bông mỗi lúc một ùn lên trắng xóa. Đống quần áo đã giũ tới nước thứ tư vẫn đỏ lừ màu đất. Hai bàn tay tôi thấm nước héo quắt. Tôi bảo lần sau chị chỉ giặt quần áo cho bà và các cháu thôi. Áo quần ai người nấy giặt. Chị bao thầu cả phần cậu Tư, cậu Sáu, cậu Út thì công đâu. Chị Thàn cười buồn "Lệ đây quen rồi, nấu nướng, giặt giũ là chức năng người phụ nữ." Chúng tôi phơi áo quần đầy ba dây. Lần đầu tiên tôi thấy mỏi nhừ hai bả vai, bụng đói cồn cào. Mặt trời đã đứng bóng. Phía xa, rặng núi hắt lên màu sáng rực. Tiếng gà nhảy ổ đâu đây cục ta cục tác ầm ĩ. Gió không hiểu từ đâu thổi về mát rượi. Tôi hít sâu làn không khí trong trẻo và bỗng thấy khỏe khoán lạ thường. Hóa ra, bữa trưa ở đây chỉ là bữa phụ. Họ làm luôn đến chiều hoặc ăn quấy quá thứ gì cho xong. Chị Thàn đã để sẵn cho tôi một rổ mì luộc với chén muối vừng.

Bụng no ngang ngang tôi ngả lưng xuống chõng, tay quờ được tờ báo công an cách đây mấy tháng, tôi tìm đọc mấy chuyện vụ án - điều mà ở thành phố chẳng khi nào tôi liếc mắt đến. Hai mắt díp lại, tôi ngủ lúc nào không hay.

Tôi choàng dậy vì tiếng đập đĩa chén loảng xoảng. Cậu út con cưng của bác tôi người duy nhất trong gia đình được học đến trường trung cấp y tế đang trợn mắt, mặt đỏ phùng phùng. Cậu chỉ thẳng vào chị Thàn lớn tiếng quát: "Tôi bảo cho chị biết, chị có bắt được tôi không, có bắt tận tay day tận mặt không mà chị dám bảo tôi lấy của chị năm đồng. Nói vơ nói vào thế là không xong với tôi đâu." Chị Thàn nhỏ nhẹ "Cậu Hoa, tôi không nói chuyện hàm hồ với cậu. Chị em chứ có phải hàng tôm hàng cá." "Sống được thì sống không sống được thì xéo thằng này không cần." Bác tôi chạy bổ vào: "Thôi thôi có im đi không. Mày làm gì đó Thàn? Mày không học được cái tính nhường nhịn hả? Chán quá! Tao chán quá! Tao bán nhà bán đất này tao đi ăn mày cho chúng mày vui lòng. Có 5 ngàn bạc mà như cháy nhà đến nơi." Chị Thàn nhíu mày: "Không phải con tiếc năm ngàn nhưng không dạy em nó sinh hư." Cái Thanh sáu tuổi con đầu của chị Thàn bỗng xem vào: "Má ơi, chú ấy lấy đấy, chú đòi đo môi với chị Hòa con bác Thìn. Chị Hòa bảo mỗi lần đo phải cho hai ngàn - chú đưa cho chị Hòa cả năm ngàn."

"À, con nhà này láo! A dua với nhau! Cứ xem lại đi cả con lẫn mẹ. Mẹ mày vào nhà này như chuột sa chĩnh gạo mà là gạo nếp nghe chửa. Không biết thân biết phận còn già mồm." "Mày có im không."

Bác tôi cầm roi đuổi theo cậu Hoa ra ngoài. Chị Thàn đứng đờ ra, con dao chẻ củi rơi xuống đất. Môi chị run run, mắt chị ngân ngấn nước.

Chiều tối, tôi đang ngồi nhặt rau bỗng nghe một tiếng "ối" sau nhà. Chị Thàn mặt méo xệch tay đỏ lòm nhứng máu. "Giúp chị với em ơi." Tôi cuống quýt xé mảnh vải từ quai nón băng lại chỗ ngón tay bị đứt lòi xương trắng nhởn: "Ra trạm xá mau! Nhiễm trùng thì chết!" Tôi rợn người nhìn lưỡi dao quắm sắc lẻm. Thì ra chị Thàn chêm cuốc, đầu cuốc mục, lưỡi dao bập thẳng vào tay chị. Dùng dằng mãi chị Thàn mới chịu theo tôi.

Anh Phương trạm trưởng trạm y tế xã cùng tôi đưa chị Thàn về. Anh ngoài ba mươi tuổi, da trắng trẻo trông rất thư sinh. Anh ngồi bên mép giường, ánh đèn dầu tù mù hắt lên gương mặt bỗng nhiên già sọm. Tôi chợt nhận ra bé Thanh có nhiều nét hao hao giống anh - nhất là đôi mắt ươn ướt buồn buồn. Chị Thàn nói phều phào: "Anh Phương ơi, tay em còn nguyên lành không, nếu không còn cầm được cuốc thì sống làm gì? Ai làm cỏ, bỏ phân. Ai hái cà phê, tưới nước." Anh Phương bảo "Đừng nghĩ quẩn. Ráng ăn và ngủ. Anh mang sữa và thuốc bổ đây. Sức khỏe trên hết." Anh mở xắc lấy ra một đống bông băng, mấy vị thuốc các loại, một lọ cồn. "Nhớ uống thuốc đều và đúng liều hàng ngày anh sẽ nhờ cô Thanh đến tiêm và thay băng cho em." Tôi tránh ra gian ngoài pha ấm trà mời anh. Nghe trong buồng im lặng rất lâu rồi tiếng anh Phương đau khổ. "Thàn! Hay để anh đưa em đi! Mình sẽ làm lại từ đầu!" "Không, không. Anh đừng nói nữa!" Bé Thanh chạy vào đứng thập thò ngoài cửa. Anh Phương im bặt. Lúc anh đứng dậy ra về tôi thấy những ngón tay thon thon trắng trẻo như tay con gái cứ giật giật. Anh lúng túng nhìn quanh ngập ngừng nhìn bé Thanh lại nhìn chị Thàn. Chị Thàn cắn chặt gối mà vai cứ rung từng đợt.

Thỉnh thoảng tiếng tức tuổi vẫn bật ra nghe não nề.

Mấy ngày sau ngón tay đỡ nhức chị Thàn lại lao vào công việc thường ngày: nấu nướng, dọn dẹp, giặt giũ, chị làm bằng một tay nguyên lành còn tay kia vẫn phải giơ cao hoặc chỉ phụ thêm những khi cần thiết. Chị Thàn đang gánh nước tưới cà phê thì bác tôi đi chợ về. Mặt hầm hầm bác tôi ra giếng dội nước rửa chân ào ào. Bà cố tình làm cái gầu nhôm va vào thành giếng ầm ầm, đổ nước bắn tung tóe, va vào cái vại sành cộc cộc. "Kìa mẹ!" "Tổ cha con mẹ, dạy con không biết dạy, nhà này không có thứ chứa quân giết người! Đồ dã thú. Đồ mẹ giết con! Thất nhơn ác đức.” Tôi bảo: "Bác nói gì lạ thế!" Bác tôi chẳng nhìn ai: "Nhà tôi vô phúc. Cha dạy học con đốt sách. Tôi ăn chay niệm Phật! Con tôi lại là quân sát sinh, tôi không có thứ dâu con như thế." Bác tôi quẳng "rầm" cái gầu xuống băm băm đi vào nhà. Chị Thàn mặt tái mét trắng bệch. Môi chị giật giật mếu mếu nhưng không khóc được.

Chị vứt đôi thùng nước đấy chạy ù sang nhà thím Ba, kéo thím dậy từ đống chăn mền Trung Quốc. Đã hết mùa thu hoạch thím Ba chỉ phải mua vét từ những gia đình tương đối khá trữ cà phê lại lâu. Vì thế ngày nào thím cũng ngủ trưa trật, đủng đỉnh đánh răng, rửa mặt, chải tóc. "Có phải chính thím mách với bà tôi phá thai?"

"Ô hay, thế không thật thế hay sao? Cũng phải cho bà cụ biết để chị tĩnh dưỡng ít tuần chứ?" "Thím thương tôi quá nhỉ! Nhưng thím thừa biết gia cảnh bên nhà thế nào! Tính khí của bà cụ nữa! Cơm không đủ ăn, bà đá thúng đụng nia chửi chó chửi mèo suốt ngày, thím có phải nghe đâu! Một mình tôi làm cho từng ấy người mướt mồ hôi, sinh thêm đứa nữa lấy gì nuôi? Tôi đành mang tội với trời đất còn hơn sinh con mà không tạo cho nó một cuộc sống ấm êm, no đủ"..."Nào tôi đâu có biết...! - Thím Ba vừa giở tóc vừa dài miệng - Muốn làm phúc cho chị ai dè phải cái oan." "Thím biết! Thím tỏ vẻ ngây thơ! Thím muốn lấy một sào vườn sau nhà thím cứ lấy đi! Không cần phải li gián, phải đổ dầu vào lửa giữa mẹ con tôi. Mấy sào đất màu mỡ nhất, gần nhà nhất mẹ dành hết phần cho chú thím, thím chưa vừa lòng sao? Muốn gì nữa thím cứ nói đừng lấy kiểu châm bị thóc chọc bị gạo..."

Chập tối, anh Hai Liên về mùi rượu phả ra nồng nặc. Từ ngoài ngõ anh đi liêu xiêu, tay vác con dao bầu giọng nói lè nhè: "Thàn đâu... Thàn... Ra đây mau, Thằng này đ. sợ vợ. Thằng này đ. bênh vợ. Hỗn thì đánh. Dâm thì… đánh..." Lập tức mấy chồng bát đĩa, ghế bàn bỗng trở thành nạn nhân. Chị Thàn chạy ào ra vườn, sấp ngửa luôn dưới những tán cà phê. Ánh trăng loang loáng trên vai áo ướt đẫm mồ hôi của chị. Anh Hai Liên vừa hò hét vừa cầm theo một thanh gỗ dài. Lúc tôi và bác đuổi kịp thì thấy anh Hai nằm sõng soài bên mé vườn. Chị Thàn đang quay trở lại, tay bới lại mái tóc đã xổ tung. Tôi và chị Thàn xốc nách anh về nhà kéo lên giường, cởi áo quần. Bác tôi lấy dầu xoa, giục chị Thàn đun nước đậu xanh để giải rượu. Chị Thàn rầu rầu bảo: “Cảnh này như cơm bữa.” Tôi lúi húi dọn những mảnh chén bát vỡ, mấy cái chân ghế gãy. Chưa được mười phút, một bà to béo phục phịch sầm sập bước vào sân "Cô Thàn đâu! Cô Thàn. Tôi bảo cho cô biết chú ấy bán hai sào cà phê non này cho tôi rồi nhé.” Chị Thàn chạy ra hoảng hốt: "Giời ơi! Sao bác lại bán chịu cho anh ấy? Năm trước đã bán lúa non, cả nhà tôi điêu đứng. Giờ có hai sào cà phê bán nữa cả nhà sống vào đâu? Lấy gì tôi nuôi con." "Chứ cô tưởng tôi ham bán chịu cho chú ấy lắm hẳn? Cô thử đến đó xem - Không bán thì chú ấy ném li đập bàn. Không bán thì chú ấy gào “Bà khinh tôi hả? Tôi đốt quán cho bà coi.” Cô bảo như thế tôi phải xử sự làm sao?" Chị Thàn ôm mặt khóc nức "Giời ơi sao tôi khổ thế này?”

Tôi đi ra vườn, đầu nặng trĩu và cảm giác ngán ngẩm. Trăng cuối tháng vàng ệch, lừng lững như dấu hỏi nhọn hoắt giữa trời.

Ngày tôi trở về nhà. Chị Thàn dắt chiếc xe đạp cọc cạch ra cửa. Loay hoay một lúc tôi mới xếp được cái túi xách cồng kềnh đằng trước, chị Thàn ngồi đằng sau. Trời vừa hung hung sáng, hơi sương mù mịt ẩm ướt. Những bóng cây mờ mờ hai bên đường như đang được ánh sáng khẽ khàng cởi ra từng chiếc áo mỏng manh che trên từng phần một. Con đường đầy ổ gà thỉnh thoảng lại xóc giật người lên đau nhói. Tôi đã bảo không cần phải đưa tiễn nhưng chị Thàn không chịu. Vả lại chị cũng muốn có một chút lang thang trên con đường nhỏ mà bây giờ chị chẳng mấy khi có thời gian.

"Mai mốt rảnh chị lại về đây chơi, chị Hà nhé. Ở đây chẳng mấy khi gặp gỡ ai, riết rồi nó là mê đi chị ạ.” Chị Thàn bấu chặt vào nếp áo tôi. "Vâng." Tôi đáp - Không biết tôi còn quay lại đây không nhưng tôi hiểu chắc chắn sau chuyến đi này tôi biết nhìn xuống để không dễ dàng chán nản ủ dột như xưa - Còn có những thân phận như chị Thàn để tôi thấy mình chưa có gì là khổ. Tôi nghĩ chuyện nhà tôi giàu hay nghèo, ba tôi còn hay mất chức giám đốc không còn là điều hệ trọng - nó chỉ là phù du của một kiếp người. Mặt trời đang lên. Đứng trên chiếc xe ca tôi ngoái đầu nhìn lại - còn trên nền mảng xanh mịt mờ, bóng chị Thàn trên chiếc xe cô độc mỗi lúc mỗi nhỏ, bàn tay vẫy mãi như niềm lưu luyến không nguôi.

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu Đọc truyện: Bên sông giặt áo - Truyện ngắn dự thi của Bảo Thương Đọc truyện: Ngọc lan trắng. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thanh Bình Đọc truyện: Phong lan của núi rừng. Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung Đọc truyện: Ngày biển động . Truyện ngắn dự thi của Lê Sơn
văn nghệ trẻ, số 16/1997
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn