Nhân gian - truyện ngắn của Hoa Ngõ Hạnh |
Bảo Trân có bốn đời chồng chính thức. Tên của bốn ông lần lượt là: Cầm, Kỳ, Thi, Họa.
Xưa nay làng Nhụ Sơn cứ đói nghèo quanh năm, người làng đâu có quan tâm gì đến đời sống tâm linh (Vốn dĩ rất nghèo nàn). Bốn ông Cầm, Kỳ, Thi, Họa bị coi như những kẻ phù phiếm, không thực tế. Dân làng chỉ chúi mũi vào cày cuốc, vục mặt vào miếng cơm manh áo như loài cầm thú. Họ đâu biết gì. Họ mông muội lắm...
CHUYỆN ÔNG CẦM:
Người làng xếp ông Cầm vào loại "xướng ca vô loài". Nhưng tiếng đàn của ông thì như có ma lực không ai chối bỏ được: khi vui đến chảy nước mắt, lúc buồn muốn treo cổ tự vẫn. Những cung bậc âm thanh đối với ông là máu thịt. Đó là tình yêu của ông. Một thứ tình yêu cao thượng tuyệt đối. Tiếng đàn ấy dã lọt đến tai nàng Bảo Trân. Cảm nhau tài sắc mà họ kết duyên chồng vợ. Năm ấy nàng mười bảy tuổi.
Cưới nàng về, ông Cầm cũng chỉ độc cái nghề đàn ca nên khổ vẫn hoàn khổ. Cuộc sống cực nhục quá. Nàng phải tất bật ngược xuôi. Chuyện áo cơm gia đình chỉ một tay nàng gánh vác chu tất.
Một dạo ông Cầm ngã bệnh. Tiền của nàng làm ra bao nhiêu đều thuốc thang cho ông cả. Có những bữa nàng đói rệu rã. Thế là Bảo Trân đánh liều đến nhà trưởng thôn vay nợ. Thoạt thấy nàng gã trưởng thôn đã bủn rủn chân tay. Khi nàng hỏi vay tiền gã mới định thần lại:
- Tiền ư? Tôi có nhưng không cho vay, cũng không cho mượn, chỉ đổi...
Nói xong gã nuốt nước bọt ừng ực, hai dái tai đỏ rực. Bảo Trân hiểu ý. Không còn cách nào khác, nàng đành phải hiến thân cho gã trưởng thôn. Có tiền thuốc thang, ông Cầm lành bệnh. Ít lâu sau, nghe lời ra lời vào ông vác dao đến nhà trưởng thôn. Nhưng sức vóc ông là bao. Xưa nay ông chỉ quen đàn ca hát xướng. Chuyện ông Cầm đánh ghen thoáng chốc đã đồn ầm lên và lọt tại Hội đồng bô lão. Hội đồng bô lão triệu tập một cuộc họp kín. Một người đàn bà lăng loàn - Hai người đàn ông hư hỏng. Phải xử nặng. Không thì còn gì là luật lệ nữa.
Trước Hội đồng bô lão gã trưởng thôn chối phăng. Gã còn dập đầu vào cột đình kêu oan. Không biết phân xử thế nào cho công bằng, cho phải. Cuối cùng mười ba vị trưởng lão quyết định một hình thức đặc biệt: Cho hai người đàn ông lặn xuống sông. Ai ngoi lên trước là kẻ có tội. Trước sự chứng kiến của đông đảo dân làng ông Cầm đuối hơi ngoi lên trước tiên. Ngay lập tức người ta bắt trói gô ông vào chiếc bè chuối thả trôi sông.
Bảo Trân không muốn nhìn mặt cả hai người đàn ông. Nàng đã bị sỉ nhục. Sau lần đó, chút sĩ diện hiếm hoi còn lại đã thúc đẩy gã trưởng thôn bỏ làng ra đi. Nhờ có tiền và giảo hoạt, gã đã leo đến chức thượng quan của triều đình. Dân đen vô cùng khốn khổ vì gã.
CHUYỆN ÔNG KỲ:
Có chồng được một năm, ông Cầm bị thả trôi sông, nàng Bảo Trân trở thành góa bụa.
Ở làng còn có ông Kỳ nổi tiếng là một kỳ thủ. Mùa xuân năm ấy hội cờ người diễn ra. Phá bỏ thường lệ, người ta đưa Bảo Trân làm tướng quân đen. Nàng là người phụ nữ duy nhất trong ván cờ người. Ông Kỳ cầm đầu quân đỏ vẻ oai phong lẫm liệt.
Thoạt nhìn thấy nữ tướng Bảo Trân, cả quân đỏ lẫn quân đen mất hết nhuệ khí. Mới qua nước đầu quân đỏ đã rối loạn. Khi xung trận không vượt qua nổi Ô Giang, Tiến quân, trung quân, tả hữu quân rối cả lên. Quân lính mù quáng chém giết lẫn nhau chết như rạ. Nàng Bảo Trân khẽ chớp mắt, thế trận đã phân ngôi. Quân đỏ bị phá vỡ. Mã đen nhập cung. Tướng đỏ khốn cùng nhìn trận địa rơi nước mắt.
Ông Kỳ chua xót "Chả lẽ một đội quân như thế lại bị khuất phục trước bọn sĩ tốt võ biền tầm thường? Chả lẽ thiên hạ điêu linh trước cái nhìn của một người đàn bà, ông khuất phục trước tài năng và sắc đẹp của nàng Bảo Trân.
Cưới nhau được một năm, ông Kỳ vẫn chỉ thú vào quân đen, quân trắng để lo tìm ra thế trận của ba quân, ngôi vị trong thiên hạ. Năm ấy nạn đói xảy ra kinh hoàng. Nàng Bảo Trân lại phải bước chân đến thềm nhà gã trưởng thôn mới. Gã này nguyên là một tên buôn tơ lụa giàu có. Màn bi kịch cũ trong cuộc đời Bảo Trân lại diễn ra ông Kỳ bị Hội đồng bô lão kết tội vu oan cho chức sắc trong làng nên bị đem trói bè thả sông. Gã trưởng thôn cũng bỏ đi biền biệt. Sau này người làng mới biết gã mua được chức tri huyện với giá ba trăm lạng vàng. Khi đi công cán qua làng bị người ta đem nước giải lén vất vào võng lọng.
Từ đó Bảo Trân buồn hẳn. Càng buồn, vi diệu thay - nàng lại càng quyến rũ.
CHUYỆN ÔNG THI:
Ông Thi suốt ngày uống rượu làm thơ, thơ ông đọc lên nghe chối tai nhưng người nào đã hiểu thì thấy xót xa, thấy trong đó có rất nhiều tài hoa mà hệ lụy. Hội đồng bô lão ghét ông. Trưởng thôn ghét ông. Chỉ có dân làng mến phục tài năng của ông. Bảo Trân là một trong những người yêu mến ấy. Mặc dù nàng đã có hai đời chồng, nhiều tai tiếng nhưng trái tim nhân hậu của thi nhân vẫn chân tình. Ông Thi yêu nàng hết mực. Nhưng thi ca cũng như nàng Bảo Trân chỉ thuần là một vẻ đẹp long lanh vô nhiễm. Tất cả đều là nghiệp định. Nàng phải bán thân để nuôi ông Thi. Bản thân ông Thi xót lắm nhưng cuộc sống vật chất và quyền lực tầm thường đã không buông tha ông, cuốn phăng cả nàng Bảo Trân nữa. Những oan khuất mà ông bày tỏ, Hội đồng bô lão đâu có chịu tin. Chỉ có người làng tin rằng ông chân thật. Bởi họ đâu có xa lạ gì bản chất gã trưởng thôn.
Ông Thi lại bị người ta trói bè thả sông. Nàng Bảo Trân gần như suy sụp.
CHUYỆN ÔNG HỌA:
Nét vẽ của ông Họa toát lên nỗi buồn vạn kiếp của trần gian. Mỗi nét vẽ như rút ra từ gân thịt. Trong tranh dường như là một thứ sáng tạo máu xương. Người xem thấy buồn, thấy cô đơn và thấy mình vô nghĩa. Tranh ông như có quỷ ám. Xem thì sợ mà không xem thì thiếu. Cũng có người xem xong tự trầm mình mà chết, số người này ít.
Ông Họa gặp Bảo Trân như một thứ định mệnh tiền kiếp. Suốt ngày ông mê mải vẽ chân dung nàng. Càng vẽ, thần sắc nàng càng buồn. Trong tranh ông thỉnh thoảng chồng chất, lẫn lộn hình ảnh ba người chồng trước của nàng. Hình ảnh chiếc bè chuối trôi sông như một thứ định mệnh rủi ro mà ai vướng vào nàng Bảo Trân đều không tránh khỏi. Một lần có nỗi linh cảm mơ hồ ám ảnh ông trong lúc vẽ nàng. Ông giật mình buông rơi cả bút vẽ. Nàng Bảo Trân biến sắc mặt.
Nhưng ông Họa cũng không tránh khỏi tội thả trôi sông. Cho đến khi bị trói gô lên chiếc bè chuối rồi ông vẫn chưa kịp hiểu ra.
Riêng gã trưởng thôn thứ tư sau này cũng chạy chọt lên làm quan lớn. Trùm lên số phận của bốn ông Cầm, Kỳ, Thi, Họa là những nỗi oan khiên tày trời. Nàng Bảo Trân là chiếc bẫy của đời sống mà số phận họ mắc phải.
CHỖ DÒNG SÔNG NGƯNG TỤ:
Con sông chảy qua làng Nhụ Sơn suốt ngày vẫn ầm ầm tiến ra biển. Sông chảy xô qua các tảng đá, luồn qua những vách núi quanh co. Cách làng một quãng khá xa là dãy núi Hòn Ngang vươn hẳn ra sông như một cánh tay nhân từ ôm lấy mặt nước. Chỗ ấy có một vực sâu, nước không chảy. Vực nước trong veo, có nhiều tôm, cá. Trên núi dãy hoa dại và chim đẹp.
Nắm vững nguyên lí "Bối sơn, diện thủy, hướng dương" của thuật phong thủy, nhà sư Minh Trí cho xây ngôi chùa Túy Hằng tại đó.
Sư Minh Trí họ Nguyễn tên Văn, sinh năm Nhâm Tý ở làng Khương Hạ. Ông xuất gia năm mười tuổi và thọ giới năm mười bảy tuổi. Sư Minh Trí tụ tập theo phái thiền Tào Động. Ông là người am hiểu thi ca nghệ thuật nên được xếp vào bậc bác nhã khôi kì. Các môn phái của thiên hạ môn nào ông cũng siêu việt.
Một buổi sáng đang ngồi thiền định ở cạnh bờ sông nhà sư bỗng lãng tâm nên nhìn thấy chiếc bè chuối có trói người trôi qua. Ông bơi ra kéo bè vào. Sư bấm huyệt và bón thuốc cho người ngộ nạn. Đến trưa người ấy mới tỉnh dậy. Khuôn mặt nạn nhân khôi ngô tuấn tú. Người đó không ai khác là ông Cầm. Mở mắt ra ông đã hiểu mình đang ở đâu:
- Bạch thầy, con chịu ơn cứu mạng! - Ông lên tiếng.
Nhà sư:
- Nam mô A Di Đà Phật! Ta đã thấu thị.
Ông Cầm:
- Nhưng bạch thầy... đệ tử…
Nhà sư:
- Kinh Hoa Nghiêm nói: "Đức tin là nguồn của đạo, là mẹ của công đức, nuôi dưỡng tất cả các pháp lãnh.”
Ông Cầm xin ở lại chùa Túy Hằng từ đó,
Ba năm sau, mỗi năm sư Minh Trí cứu một người tại vực nước trước chùa. Bốn ông Cầm, Kỳ, Thi, Họa gặp nhau. Họ xuống tóc và thọ giới. Có điều bốn vị này một mực không chịu nhận pháp danh nhà Phật ban cho. Họ bảo rằng Túy Hằng tự chỉ là cái cớ để họ tìm về bản lai diện mục của mình. Sư Minh Trí bảo:
- Thôi được, cốt là cái tâm giữa đời.
Thi ca nhạc họa của bốn ông được xem như một hình thức cúng dường. Tài hoa của bốn người đến đây không còn phát tiết như trước nữa.
Thiền định được mười năm, bốn vị này viên tịch cùng một lúc, nhà sư Minh Trí đưa họ lên giàn hỏa thiêu. Khi thân thể họ biến thành tro, nhà sư phát hiện có bốn ngón tay thiêu thế nào cũng không cháy. Hôm ấy là rằm tháng giêng. Trăng đang sáng chợt bị mây che. Một lát sau xung quanh mặt trăng tỏa ra vầng ngũ sắc rực rỡ. Sư Minh Trí ngửa mặt lên trời và chỉ ngón tay của mình về phía mặt trăng. Lúc này nàng Bảo Trân đã già. Người ta thấy nàng bỏ làng ra đi đúng vào ngày rằm tháng giêng. Trẻ chăn trâu thấy nàng đi về phía Túy Hằng tự.
Năm đó đến cuối tháng giêng, mai trang của Túy Hằng vẫn còn nở hoa vàng rực. Vực nước trong hơn và chim hót nhiều hơn. Bầu trời rộng ra, mênh mông và cô đơn không thể xiết...
-------------
Bài viết cùng chuyên mục: