Buổi tập huấn có sự tham dự của một số chuyên gia y tế nghiên cứu về tác hại của thuốc lá. Mục tiêu của buổi tập huấn nhằm phân tích mối liên hệ giữa việc tăng thuốc lá với các phản ứng từ thị trường, doanh nghiệp và tình trạng buôn lậu tại Việt Nam; tác động của chính sách thuế thuốc lá đối với ngân sách ngân sách nhà nước, sức khỏe cộng đồng, chi phí y tế và năng suất lao động, từ đó làm rõ vai trò của chính sách này trong phát triển bền vững.
![]() |
Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế. Ảnh: BTC |
Theo Thạc sĩ Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm.
Trong thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh như: Ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản.
Tại Việt Nam, sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 tử vong mỗi năm. Hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong. Như vậy, tổng cộng có 104.300 ca tử vong/năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá (số liệu cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới năm 2021). |
![]() |
Các chuyên gia trong buổi hội thảo. Ảnh: BTC |
“Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, nếu không đánh trực tiếp vào túi tiền thì người sử dụng rất khó bỏ”, bà Phan Thị Hải khẳng định.
Đáng lo ngại, sử dụng thuốc lá đã tạo gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động. Cụ thể, hơn 45 triệu người Việt Nam có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá và tử vong sớm do hút thuốc trực tiếp hoặc gián tiếp. Phần lớn những người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá, là những người trong độ tuổi lao động bị tử vong sớm.
Tại Việt Nam, theo ước tính của Hội Kinh tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám, chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm (tương đương 1,14% GDP của năm 2022). Con số này lớn hơn gấp năm lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.
Trong khuôn khổ buổi tập huấn, lãnh đạo Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các chuyên gia y tế, kinh tế đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ về tác động của tăng thuế thuốc lá lên sản xuất và kinh doanh thuốc lá; các tác động kinh tế - xã hội khác của tăng thuế thuốc lá; vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động trong ngành công nghiệp thuốc lá khi tăng thuế thuốc lá; đề xuất lộ trình cải cách chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại Việt Nam theo hướng để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức tối ưu theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại Việt Nam.
Việc trao đổi và chia sẻ nhằm góp thêm tiếng nói vào Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi do Bộ Tài chính soạn thảo sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV tới đây. Theo đó, dự thảo đã đưa ra 2 phương án, trong đó phương án 1 giữ nguyên thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo hướng từ năm 2026 mỗi bao thuốc lá sẽ phải chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối 2.000 đồng và tăng dần mỗi năm, đạt 10.000 đồng vào năm 2030.
Phương án 2, giữ nguyên thuế suất 75%, nhưng ngay từ năm 2026 sẽ áp dụng mức thuế tuyệt đối 5.000 đồng/bao. Mỗi năm sau sẽ tăng thêm 1.000 đồng/bao, đến năm 2030 đạt 10.000 đồng/bao.
Bộ Tài chính nghiêng về phương án 2 vì cho rằng, việc tăng thuế tuyệt đối ngay từ năm 2026 sẽ tạo sự chuyển biến rõ rệt trong giảm tiêu thụ thuốc lá.
Theo bà Phan Thị Hải, cả 2 phương án tại dự thảo do Bộ Tài chính đề xuất đều tốt hơn so với các đề xuất trước đây, và về mặt thực tiễn đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, ở góc độ bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bà Hải mong muốn mức thuế đối với thuốc lá cần cao hơn.
![]() |
Toàn cảnh buổi tập huấn. Ảnh: P.V |
Ở góc độ kinh tế, chuyên gia Đào Thế Sơn cho rằng, thuế TTĐB đối với thuốc là nên được coi là một chính sách tài khoá hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hơn là ngược lại. Do đó, Việt Nam cần mạnh dạn tăng thuế TTĐB để có thể nâng cao chất lượng tăng trưởng và tăng trưởng bền vững. Mức tăng thuế từ 5000 đồng/bao từ 2026 (thuế tuyệt đối) và tăng dần lên 15000 đồng/bao vào năm 2030 giúp cân bằng ngân sách, phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển và phát triển bền vững.
Việc chậm tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá khiến ngân sách mất đi nguồn thu khoảng 8.000 - 9.0000 tỷ đồng/năm. Do đó, nguồn thu từ tăng thuế TTĐB từ thuốc lá có thể dùng cho cải thiện chương trình phát triển bền vững; hỗ trợ chi trợ cấp giáo dục, trợ cấp y tế cho hộ nghèo.