Trong những ngày qua, truyền thông thế giới đã thông tin về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, đồng thời nhắc lại những dấu mốc chính trong sự nghiệp và các cương vị mà người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam từng đảm nhiệm.
Tổng thống Vladimir Putin hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Liên bang Nga (Sochi, 6/9/2018). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, trong chương trình trực tiếp ngày 19/7 của Kênh truyền hình 1, nhà chính trị học, nguyên đại biểu Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Nikonov đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.
Nhà chính trị học Nikonov gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “người bạn lớn của nước Nga,” nhấn mạnh rằng: “Ông thực sự là một người bạn tuyệt vời của đất nước chúng ta và là người có ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ phát triển thành công giữa hai nước. Xin tưởng nhớ sâu sắc đồng chí Nguyễn Phú Trọng.”
Trang Sự thật thanh niên cộng sản Komssomol nêu bật dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn nhất trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội, đảm bảo tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ổn định.
Cùng chung quan điểm này, báo chí Nhật Bản cho rằng thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam trong thời gian lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là kinh tế tăng trưởng cao, nâng cao vị thế trên trường quốc tế và chính sách “ngoại giao toàn diện, đa hướng và cân bằng” trong bối cảnh thế giới phân cực.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Đài truyền hình NHK, báo Nikkei, báo Yomiuri nhận định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã triển khai “ngoại giao toàn diện” để củng cố và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và các nước khác, đồng thời lãnh đạo ngoại giao đa hướng ngay cả khi cộng đồng quốc tế ngày càng trở nên phân cực.
Chủ tịch điều hành Viet Think Tank Hà Hoàng Hợp nhận xét: “Việt Nam đã phát triển tầm vóc khu vực dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khẳng định mình là nước chủ động” trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)."
Trong khi đó, báo Asahi nhấn mạnh dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã định vị mối quan hệ song phương với Nhật Bản là Đối tác chiến lược toàn diện; các trao đổi về thương mại và cử thực tập sinh kỹ thuật cũng đã trở nên sâu sắc hơn. Năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Nhật Bản và gặp Thủ tướng khi ấy Abe Shinzo.
Truyền thông thế giới đã thông tin về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, đồng thời nhắc lại những dấu mốc chính trong sự nghiệp và các cương vị mà người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam từng đảm nhiệm. (Nguồn: TTXVN) |
Các báo Nikkei Asia, Yomiuri và Asaki cũng nhắc lại rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành chiến dịch trấn áp tham nhũng triệt để, mang tính lịch sử trong nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và giành được sự ủng hộ của công chúng, qua đó tăng cường vai trò trung tâm của Đảng.
Theo Nikkei Asia, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn được biết đến nhiều hơn với những tuyên bố mang tính học thuật rằng “chủ nghĩa xã hội không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”, như ông đã nói trong bài phát biểu năm 2022. Tờ báo này cũng điểm lại các cuốn sách nổi tiếng của Tổng Bí thư.
Về kinh tế, báo Nikkei đánh giá Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhờ tham gia các hiệp định thương mại tự do và các biện pháp khác. Việt Nam đã thu hút các công ty sản xuất nước ngoài bằng các biện pháp như tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Các tập đoàn toàn cầu từ "gã khổng lồ" công nghệ Apple của Mỹ, đến nhà sản xuất xe điện BYD của Trung Quốc, nhà bán lẻ quần áo Nhật Bản Uniqlo và các công ty khác đang mở rộng chuỗi cung ứng của họ tại Việt Nam - thị trường đang trở thành trung tâm dệt may và các sản phẩm công nghệ.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, nhiều tờ báo lớn ở Mỹ cũng đã đăng các bài viết về sự nghiệp lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong suốt 13 năm qua.
Bài viết trên tờ Washington Post nhấn mạnh rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn dắt Việt Nam vào một thời kỳ mở cửa kinh tế mạnh mẽ hơn và ông cũng mạnh tay hơn trong công cuộc chống tham nhũng, qua đó khơi dậy niềm tin của công chúng vào sự lãnh đạo của Đảng đối với nền kinh tế Việt Nam - một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực, với các lĩnh vực khởi nghiệp đang phát triển.
Washington Post cũng bình luận rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khéo léo thực hiện chính sách “ngoại giao cây tre” khi Việt Nam cần điều hướng mối quan hệ với các đối tác kinh tế quan trọng nhất của mình là Trung Quốc và Mỹ, đồng thời xây dựng quan hệ với các quốc gia như Ấn Độ và Nga.
Trong khi đó, báo New York Times nhận xét rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo liêm khiết, giản dị. Dưới sự lãnh đạo của ông, Việt Nam đã nâng cao uy tín trên trường quốc tế và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.
Theo Tâm Hằng, Nguyễn Tuyến, Kiều Trang - TTXVN/Vietnam+