Ngày ấy, thu đông năm 1951, Nhân cùng nhập ngũ với Hiền tại một cái ấp nhỏ ven đồi nằm bên bờ bắc dòng sông Như Nguyệt thuộc tỉnh Bắc Giang. Sau một thời gian luyện tập “quân sự mười bài”, cả hai cùng được bổ xung vào một đại đoàn chủ lực, cùng được tham gia chiến dịch Điện Biên. Khi giải ngũ, Hiền mới là Tiểu đội trưởng lại có hoàn cảnh gia đình khó khăn là bố mẹ đã già, lại là con độc nhất. Còn Nhân khi ấy đã là Trung đội trưởng, tiếp tục tại ngũ để xây dựng quân đội tiến lên chính quy hiện đại. Mặc dù xa nhau, hoàn cảnh công tác khác nhau, địa vị xã hội cũng khác nhau, nhưng tình đồng đội thuở ban đầu của những năm tháng gian khổ nhưng cũng rất hào hùng giữa họ không hề phai nhạt: Anh với tôi đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau/ Súng bên súng, đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ/ Đồng chí! (Thơ Chính Hữu).
Minh họa của VŨ ĐÌNH TUẤN |
Người già hay sống về quá khứ! Ở cái tuổi tám mươi có lẻ và về hưu đã được mười lăm năm có thừa, Nguyễn Trọng Nhân lại đem cái xe đạp Xputnhích mua ở Liên Xô cách đây gần tròn nửa thế kỉ ra sửa chữa lau chùi, khắc phục săm lốp chuông phanh để làm những cuộc thể thao, chơi thăm đồng đội trong vùng. Lần này ông đến với thằng Hiền. À, bây giờ phải gọi hắn là ông hoặc cụ Hiền mới phải. Thằng này hay lắm. Trong chiến đấu thì gan dạ, quân lệnh như sơn, dám xả thân vì đồng đội. Một lần vượt sông Hồng vào đất Nghĩa Lộ, thuyền của ông bị lật úp; không có hắn dám lao xuống dòng nước xiết dìu ông vào bờ thì ông đã chết còn đâu đến giờ? Trái lại, trong sinh hoạt anh ta lại giản dị, biết nhường nhịn, luôn nhận việc khó về mình… Không đến thăm hắn, chẳng hóa ra mình là kẻ bội ơn? Cứ theo bản đồ du lịch thành phố, làng hắn cách đây chỉ một giờ xe đạp, đường đi không khó, dễ tìm lo gì? Nếu hắn còn sống thì nhất rồi! Ngược lại, hắn đã mất thì ta thắp nén hương tri ân trước di ảnh hắn. Sau vài ba lần hồi hộp hỏi thăm, ông Nhân đã tìm ra địa chỉ cần đến, phải đến…