KỶ NIỆM 73 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27/7/1947 – 27/7/2020)
Là con dân đất Việt thuộc thế hệ Hồ Chí Minh, có lẽ không ai là không thổn thức về câu hát: “Những người lính ra đi từ đó không về” nằm trong bài hát Màu hoa đỏ của nhạc sĩ Thuận Yến, phổ thơ Nguyễn Đức Mậu, một trong những bài hát hay nhất ngợi ca về sự hy sinh, mất mát của các anh hùng, liệt sỹ đã vì nghĩa lớn của dân tộc mà mãi mãi đi vào lòng đất mẹ. Cứ mỗi dịp tháng 7 về, bài hát ấy lại thì thầm trong ta một nỗi nhớ xa xăm, một lòng kính trọng thăm thẳm và một niềm khắc khoải khôn nguôi!
Dẫu rằng cuộc chiến đã lùi vào lịch sử 45 năm, các vùng miền đang từng ngày thay đổi da thịt, cả nước đang sải những bước rộng dài trên con đường đổi mới và hội nhập nhưng dễ mấy ai quên được những hy sinh, mất mát to lớn của các anh hùng, liệt sỹ và các thương bệnh binh trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Trên dải đất hình chữ S này có lẽ không nơi nào là không hòa trộn máu xương của các chiến sĩ và đồng bào ta, để độc lập, tự do trường tồn, nước Việt Nam bước lên đài vinh quang, để mỗi chúng ta cứ tháng 7 về dù đi giữa nắng gió chói chang hay dầm dề mưa rơi ở các nghĩa trang liệt sĩ, ngước nhìn những nhành hoa đại trắng muốt bên những nhành hoa bằng lăng nồng nàn tím biếc ta thấy sự thanh cao, son sắt, một lòng một dạ vì nghĩa lớn của dân tộc của các anh hùng, liệt sĩ. Từ đây ta lắng nhịp tim mình về những nghĩa cử tri ân “đền ơn, đáp nghĩa” của lớp lớp cháu con hôm nay. Và trong ta vang vọng lời câu hát “rực cháy lên màu hoa đỏ phía trời xa”! Cũng từ nơi linh thiêng này trong ta vọng về lời Bác Hồ kính yêu: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do, cho nên đối với những người con trung hiếu ấy chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”.
Cũng từ nơi sâu thẳm ấy, trong tôi hiện lên hình ảnh những bà mẹ, những người chị - những gương mặt rạng ngời vượt lên những khổ đau mất mát mà kiêu hãnh trong đội ngũ trùng trùng những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Và tôi tự hỏi, có phải trong cuộc đời này không có chỗ cho sự vô ơn, vô tình! Nếu mọi người cần biết đến sự hy sinh mất mát của những người khác, của thế hệ trước mình thì về phần mình họ cũng có nhu cầu được người khác biết đến những công lao to lớn của dân tộc! Cảm phục những hy sinh, mất mát lớn lao ấy, một nhà văn phương Tây đã viết: “... Người Việt Nam đã chịu bao nhiêu tổn thất, không chỉ hàng triệu người mà cả mấy thế hệ người ưu tú ngã xuống. Chính sự hy sinh ấy đã sáng tạo nên những kỳ công khuất phục khả năng khuất phục của Hòa Kỳ. Và chính sự hy sinh ấy là nguồn gốc của sự trong sạch đến toàn bích của giá trị con người và mọi rung cảm khác...”!
Đúng vậy, trên thế giời này có lẽ ít có dân tộc nào lại chống chọi với nhiều cuộc xâm lăng như dân tộc Việt Nam. Hết một nghìn năm Bắc thuộc lại đến 80 năm đô hộ của thực dân Pháp rồi phát xít Nhật. Pháp chưa đi thì Mỹ đã nhảy vào. Song với quyết tâm “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn thì cũng phải giành cho được độc lập, tự do!”. Các thế hệ con cháu Lạc Hồng dưới sự chỉ huy của vị thống lĩnh tối cao Hồ Chí Minh lại trùng trùng ra trận “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” để rồi sau 21 năm trường kỳ chiến đấu, giải phóng hoàn toàn miền Nam, giang sơn thu về một mối, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Kể từ tháng 4 năm 1975 đến nay, chiến tranh đã lùi xa nhưng những vết thương đâu dễ lành! Đi từ Bắc vào Nam, theo rộng dài đất nước, đâu đâu cũng gặp nghĩa trang với dòng chữ “Đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ”. Nếu như không nhầm thì hiện nay cả nước ta có tới 2.680 nghĩa trang. Kể từ năm 1947 đến nay, năm nào cũng như năm nào cứ đến ngày 27/7 và các dịp lễ tết, các ngày kỷ niệm lớn, ở Trung ương cũng như địa phương, đảng ủy, chính quyền nhân dân các cấp và bà con cô bác lại đến thắp hương tưởng niệm, tỏ lòng thành kính, tri ân các anh “những người lính ra đi từ đó không về...”. Nhưng còn nhiều, nhiều lắm những nấm mồ chưa một nén hương, chưa một bước chân người đặt tới! Còn bao nhiều người bố, người mẹ, người vợ có giấy báo tử rồi mà không biết thân xác con mình, chồng mình nằm lại nơi đâu! Vậy bao giờ nỗi đau của chiến tranh nguôi đi trong lòng những người đang sống? Xin ai đừng quên! Nếu quên đi thì nỗi đau sẽ còn nhân lên gấp bội!
Rồi còn bao nhiêu thương binh, bệnh binh do thất lạc giấy tờ hoặc do những nguyên nhân khách quan khác mà đến nay chưa được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước. Song với tất cả tấm lòng kính trọng đối với những người con trung hiếu, ta tin rằng trong một tương lai gần những thiệt thòi ấy sẽ được đền đáp. Ai ai cũng biết rằng đối với các anh thương binh, mỗi vết thương là một kỷ niệm về các cuộc đọ sức và đọ súng quyết liệt với quân thù. Dù quá khứ chìm dần và quên lãng và dù cố mà quên đi để lo chuyện đương thời, nhưng những ấn tượng về nỗi đau thân xác, nỗi đau tâm hồn vẫn như là những mảnh đạn, mảnh pháo còn găm trong đầu, trong xương kia, mỗi dịp trái gió, trở trời lại đớn đau, ê ẩm dễ gì quên được! Ngay kẻ thù của chúng ta, những tên lính Mỹ đã một thời trực tiếp xả súng vào những người dân vô tội từ vĩ tuyến 17 trở vào, dội bom xuống các chiến trường miền Nam và cả miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, nhưng từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đã không ít đoàn cựu chiến binh Mỹ trở lại miền Nam để được tận mắt nhìn thấy sự hy sinh to lớn của một dân tộc quyết giành cho được độc lập, tự do và hiểu thêm cuộc chiến đấu mà họ cầm súng hôm qua. Một cựu chiến binh Mỹ sau khi vào thăm một nghĩa trang ở Quảng Trị đã để lại trên mộ người chiến sĩ có cùng ngày nhập ngũ với mình toàn bộ mề đay của Chính phủ Mỹ tặng cho anh ta trong cuộc chiến đấu tại miền Nam. Người lính đó đã khóc sướt mướt. Những giọt nước mắt rơi trên bia đá như nhận ra cả một quá khứ lỗi lầm và cũng sáng lên trong anh ta những hiểu biết nguyên sơ về dân tộc Việt Nam anh hùng!
Tất cả dành cho đất nước hôm nay đã 45 năm hòa bình, 45 năm non sông đã thu về một mối nhưng nỗi đau còn đó, ngấm sâu vào máu thịt mỗi con người được hưởng nền tự do, độc lập. Các em cắp sách tới trường, các chị rộn ràng vào ca buổi sớm, tiếng còi tầm ngân vang trong bầu không khí tĩnh mịch giữa một vùng công nghiệp báo hiệu một thời vàng son trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà để hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu của thời đại 4.0! chỉ thiếu đâu đây hình dáng các anh, các chị mà cũng ẩn hiện đâu đây những anh hùng, liệt sĩ Tổ quốc mãi mãi ghi danh. Theo khát vọng hòa bình, theo lời hiệu triệu của non sông, các anh, các chị đã không tiếc máu xương để gieo những mùa hạt no ấm, để mỗi khi ta bưng bát cơm, nâng chén nước đâu đó vẫn giữ nguyên hình ảnh những người con đã mãi mãi nằm yên trong lòng đất mẹ! Nếu như không có chiến tranh, họ không nằm lại trong các nghĩa trang hoặc nơi rừng sâu, hoặc nơi biển cả thì trong số họ hẳn nhiều người đã thành danh, trăn trở với đói nghèo, để mái tóc mẹ già đỡ bạc thêm, để ánh mắt em thơ trong trẻo hơn, để tấm áo không nỡ phai màu theo mưa nắng trên vai các mẹ, các chị...
Tháng 7 về, tôi chậm rãi đi giữa dầm dề mưa giớ, giữa những người anh hùng liệt sĩ của Tổ quốc đang đón nhận những nén hương lòng tháng 7 mà ngay cả lời thầm thì của gió, của đất và tiếng phần phật tung bay của lá cờ Tổ quốc trên đỉnh đài tưởng niệm như cầu chúc các anh, các chị muôn đời bất diệt, mãi mãi an lành trong lòng đất mẹ thân yêu, vượt qua thời gian, vượt cả không gian sáng chói trong lịch sử Lạc - Hồng.
Nguồn Văn nghệ số 30/2020