Trong những năm gần đây, các nhà viết tiểu thuyết nước ta có xu hướng viết thật cô đọng. Tức là sự tái hiện đời sống cá nhân và đời sống xã hội như những tố chất có tính độc lập tương đối thôi và trước sau gì thì câu chuyện của một hay vài cá nhân nào đó được nhấn mạnh bởi các trần thuật vẫn có ý nghĩa khái quát chung. Vực Thẳm Trắng của nhà văn Nguyễn Hiệp vừa được xuất bản bởi nhà xuất bản Hồng Đức là một tiểu thuyết như vậy.
Tuy nhiên để tìm được “chìa khóa” cho kết cấu tiểu thuyết nặng tính triết lý này nhằm giải mã và kiến giải là vấn đề không đơn giản. Vực Thẳm Trắng có 9 chương: Chương I: Khi xương chưa vĩnh biệt xương. chương II: Lời hứa của sự sống, chương III: Chiếc giường xanh, chương IV: Đồng Thá, chương V: Khúa, chương VI: Nơi yên nghỉ của giấc mơ, chương VII: Ga xe lửa, chương VIII: Giấc hôn thụy, chương IX: Vực thẳm trắng. Mỗi chương gồm 2 phần. Mỗi phần là một diễn biến, phát triển trong một kết cấu đa dạng, nó là các phần tiếp diễn, đảo lộn bởi trí nhớ, bởi thuật thôi miên, bởi những giấc hôn thụy, bởi người hai linh hồn… Tất cả trong thể thống nhất của một sử thi thời đại đã mất. Có đôi lúc yếu tố không gian, thời gian trở nên phi tuyến tính. Làng Minh Ca, một ẩn dụ của xã hội lớn hơn, một dân tộc, nhiều dân tộc với lịch sử, văn hóa, tình cảm, tư duy… đã biến mất cùng với một thực tại trắng, vực thẳm trắng đang hình thành.
Sự biến mất của địa danh có tên Minh Ca trong Vực thẳm trắng làm người đọc, ít nhất là người viết bài này, liên tưởng đến sự biến mất của làng Macondo trong Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez. Nếu Macondo bị cuồng phong cho tan vào hư vô thì Minh Ca được tác giả diễn giải: “Đôi khi những điều ta thấy không đến từ sự thật mà đến từ chính nỗi sợ hãi của chúng ta. Trường hợp Minh Ca biến mất lại có căn nguyên từ cả hai. Cả nỗi sợ hãi và cả sự thật. Người ta đã sợ mất và nó đã mất thật”.
Thường thì tiểu thuyết phát triển trong kết cấu cốt truyện, ở đây có thể hiểu cốt truyện được xây dựng theo một thực tại trắng đang hình thành. Đó chính là kịch tính “rất Nguyễn Hiệp”. Tất nhiên cái cốt lõi của dòng chảy ý nghĩa nhất không chỉ là các “huyền tích khởi nguyên” hay quá trình hình thành phố thị mà còn là sự đoàn kết các dân tộc cùng chống giặc ngoại xâm, là tinh thần quật cường, dũng mãnh, mưu trí và không khoan nhượng khi làng buôn bị giày xéo. Chủ đề này được tái hiện xoay quanh nhân vật chính là đảng viên, trưởng làng Đồng Thá và đội du kích.
Thường thì mâu thuẫn bộc lộ theo con đường hình thành - phát triển - phát triển gay gắt - giải quyết. Trong Vực Thẳm Trắng, ta cũng thấy tất cả các bước của quá trình “thắt nút” đó nhưng “điểm cởi nút” chính là một hình thành khác. Cấu trúc của tiến trình này cũng “rất Nguyễn Hiệp”, nó như một dạng tiểu thuyết mở và quả thật nó đã mở ra được cái gì đó đa diện hơn, cả những điều mà người đọc phải tự ngẫm nghĩ bên ngoài con chữ. Các biến cố chính là nơi chứa đựng hàng loạt nhân vật phụ có can dự vào biến cố. Trong đó có điểu sư, có cọp ba chân, cọp bốn chân, thầy, Cán Bộ, bà Sao, bà ngoại, Jean - sĩ quan Pháp, Trầm Bì, Tri, Nguyễn Văn Đông… (tức là có cả thần, thú, người sống, người chết, một sự miêu tả khá rộng rãi để nhấn mạnh hoàn cảnh ngoại giới khách quan. Riêng điều này đã thấy tác giả thật tài tình: Trí tưởng tượng tài tình, sự tái hiện tài tình và ý đồ xây dựng tiểu thuyết cũng thật tài tình.
Thêm một điều nữa làm kẻ viết bài nầy liên tưởng đến Trăm năm cô đơn là sự ghen tuông. Amaranta - Ucsula đã hết lần nầy đến lần khác quyết phá tan tành đám cưới của Rêbêca-ucsula và Piêtro Crespi. Cuối cùng cô bé có Rêmêđiôt vợ của đại tá Aurêlyanô – Buên đuya bị chết vì độc dược mà Amaranta dùng để đầu độc Rêbêca. Trong Vực Thẳm Trắng, một anh du kích thầm yêu trộm nhớ cô gái tên Then, anh ta lẳng lặng trong bóng tối, trong những góc khuất của núi rừng Tà Đú để ngắm nhìn người đẹp, và rồi tan nát cõi lòng “Sau khi nhìn thấy Đồng Thá tặng cành Phong Lan cho Then, lẳng lặng nấp sau gốc cây lim to, Một (tên gã tinh si) còn thấy cả nụ cười của Then khi ấp hoa lên ngực, lên mũi, trái tim của Một như có ai đó đột ngột bóp xiết thật mạnh”
Đồng Thá là người mà cô bé Then đang nghĩ về... “Then mơ được mãi ẩn náu trong trái tim ân cần ấy, một nơi ẩn náu ngọt ngào, một nơi ẩn náu hạnh phúc. Then cười một mình, đưa tay đẩy thanh củi, ngọn lửa bùng lên cao, bập bùng trong đêm. Lửa cháy như trái tim người thiếu nữ đang cháy. Người thấm ướt nhưng lòng rực lửa, Then cứ mãi ngồi đan hai bàn tay vào nhau và dường như vô thức hai bàn tay Then tự xiết chặt. Các ngón tay tự xoay trở và lại tự xiết chặt...”. Ghen tuông làm mờ lý trí. Gã du kích đã phản bội lại anh em bà con làng mạc. Hắn bỏ núi rừng Tà Đú đầu hàng lực lượng viễn chinh Pháp. Viễn chinh đã kéo đến và tàn sát.
Vực Thẳm Trắng làm người đọc liên tưởng đến một dân tộc từng một thời lừng lẫy. Bỏ Mỹ Sơn cho Đại Việt, người Chiêm vào Đồ Bàn, rồi bỏ Đồ Bàn để dồn về mấy tiểu vương quốc ở phía nam và ngày nay chỉ còn lại “Người xưa đâu? Mồ đắp cao hay đã sâu thành hào. Lầu các đâu? Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu...”
Rừng núi trong Vực Thẳm Trắng Nguyễn Hiệp đã khiến người đọc – ít nhất là tôi – liên tưởng đến một nhà văn viết về rừng rất lừng lẫy là Tchya Đái Đức Tuấn với những tác phẩm như Ai hát giữa rừng khuya, Thần Hổ, Kho vàng Sầm Sơn. Nguyễn Hiệp cũng thần bí ly kỳ cũng phiêu lưu mạo hiểm không thua tiền bồi một lai nào. Chủ nghĩa thần bí và triết lý hiện sinh đậm đặc trong Vực Thẳm Trắng. Tính chất triết học trong tác phẩm nầy rất mơ và rất thực. Nó không khô khan như tính chất muôn thuở của triết. Vậy nên Vực Thẳm Trắng khó đọc nhưng tạo cảm giác dễ đọc.
Tính dục trong Vực Thẳm Trắng đẹp và thơm. Đẹp lắm vì đằng sau tính dục, đằng sau cuộc làm tình ẩn một câu chuyện lớn của dân tộc, của sự hình thành làng mạc, của lịch sử chống ngoại xâm, của sinh sôi và mất mát, của thù hận và hàm ơn… Tác giả đã rất dày công: “Đong đưa. Đong đưa. Không biết đến lần thứ mấy từ trưa tới chiều, từ lúc Rớt như mũi tên lớn lao ra từ lùm lá đè lên người cô gái chăn dê, hai cơ thể sậm nâu ấy vẫn còn hút vào nhau trong cơn mê cuồng hoang lạc. Họ cứ ập dính vào nhau, quấn quyện, dập duềnh, trương người hú hét đến khi rã rời, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mặt của chàng trai ngã dúi vào giữa hai bầu ngực căng của cô gái. Chỉ một chốc, hơi thở chưa kịp đều đều trở lại, tim chưa thôi đập loạn xạ, họ lại lật người ập dính quấn riết vào nhau, cơn mê cuồng xác thịt càng về sau lại càng mạnh mẽ hơn, kéo dài hơn. Cơ thể Đồng Hun nóng ran, căng ưỡn lên theo từng nhịp dập mạnh của Rớt, mười ngón tay bấu mạnh đến rướm máu tấm lưng trần ướt đẫm mồ hôi của Rớt. Chiếc “võng cây” liên tục đong đưa như gặp ngày bão lớn. Đong đưa. Đong đưa...”.
Hoặc trong cuộc mây mưa của madame Amina (Khúa) và Jean (sĩ quan Pháp): “Tôi bắt đầu cuồng lên, khao khát. Ngay lúc ấy tôi rất ngạc nhiên sau một cơn cuồng như giông bão thì Jean bật ra nằm ngửa trên giường hai mắt nhắm nghiền lại…”.
Tính dục cũng góp phần tạo nên biến cố và với đời sống tâm linh góp phần vào sự chuyển dịch từ sự hình thành gia đình Rớt - Đồng Hun đến sự hình thành làng Minh Ca có cả các dân tộc Chăm, Churu, C’Ho, Kinh…, đến sự hình thành một phố thị khác.
Suy cho cùng, đó cũng là cái vỏ bên ngoài, sự biến mất của Minh Ca mà nhà văn Nguyễn Hiệp dày công thể hiện là sự biến mất của làng Minh Ca từ bên trong con người. Tình cảm cội nguồn biến mất, chữ viết biến mất, phong tục tập quán biến mất, gia phong biến mất. Dù muốn hay không muốn nó cũng biến mất bằng con đường tiếp biến, bằng sự vong thân. Sự hy sinh quá lớn cho cuộc thống nhất, cho cuộc chung sức chống giặc ngoại xâm lớn hơn.
Cũng xin trích dẫn lại một đoạn trong phần mở đầu của tiểu thuyết, theo tôi là rất gợi, nó gợi ra một mã khóa để “đi vào” tiêủ thuyết dễ dàng hơn: “Đôi khi những điều ta thấy không đến từ sự thật mà đến từ chính nỗi sợ hãi của chúng ta. Trường hợp Minh Ca biến mất lại có căn nguyên từ cả hai. Cả nỗi sợ hãi và cả sự thật...”.
Còn nhiều lắm những liên tưởng và giải mã nữa mà trong khuôn khổ một bài viết ngắn không nói hết được. Nói ít hiểu nhiều, nói nhiều không chừng chả hiểu chi. Cái quan trọng của Vực Thăm Trắng là tác giả đã đặt những vấn đề lớn về mất mát, về cô đơn, về tình yêu, về ghen tuông, về tính dục, về sự đoàn kết của các dân tộc cùng đứng lên chống ngoại xâm... Vực Thảm Trắng là một tiểu thuyết có tư tưởng, lôi cuốn với một văn phong đầy cá tính.
Một thành công lớn được gói trong 185 trang sách của Nguyễn Hiệp.
Nguồn Văn nghệ số 21/2021