Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng năm 2024 nằm trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 Hội nghị có chủ đề "BRICS với Nam bán cầu: Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn", tập trung thảo luận về tăng cường hợp tác giữa BRICS với các nước Nam bán cầu nhằm đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng một hệ sinh thái quản trị toàn cầu cân bằng, hiệu quả, bao trùm, đề cao vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển, chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người dân. Đến nay, ngoài lãnh đạo cấp cao 9 nước thành viên BRICS, có khoảng 20 nước khách mời và 2 tổ chức quốc tế đã khẳng định tham dự, trong đó có 24 nguyên thủ các nước tham dự Hội nghị BRICS mở rộng năm 2024. |
Dự kiến trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dự và phát biểu tại Phiên họp toàn thể của Hội nghị BRICS mở rộng và các phiên họp trong khuôn khổ Hội nghị BRICS mở rộng.
Cùng với đó, Thủ tướng có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo nước chủ nhà Nga và lãnh đạo cấp cao các nước/tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị; gặp gỡ đại diện Cộng đồng người Việt Nam tại Nga; tiếp một số doanh nghiệp Nga nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam – Liên bang Nga.
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị BRICS mở rộng chuyển tải hình ảnh về một Việt Nam hòa bình, hợp tác, phát triển, năng động, đổi mới; thể hiện vai trò và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, nhằm góp phần giải quyết các thách thức toàn cầu, thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm, nâng cao vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển trên trường quốc tế; đồng thời tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Liên bang Nga và các nước.
BRICS được thành lập với mục tiêu ban đầu là trở thành một thể chế chính trị, kinh tế và tài chính toàn cầu nhằm phản ánh tương quan lực lượng theo hướng công bằng, cân bằng và có tính đại diện cao hơn. Trong trật tự thế giới đa cực đang hình thành, BRICS đang nổi lên có tiềm năng trở thành một trụ cột mới trong hệ thống đa phương. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Năng lượng Liên bang Nga Sergei Tsivilev - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ngay khi tới Nga tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng năm 2024 tại Liên bang Nga, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Năng lượng Liên bang Nga Sergei Tsivilev.
Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, truyền thống, Đối tác chiến lược toàn diện với Nga và mong muốn củng cố, làm sâu sắc hơn hợp tác với Nga trong các lĩnh vực vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh thời gian qua việc trao đổi đoàn giữa hai nước diễn ra thường xuyên, tích cực ở các cấp và trên các kênh, đã tiếp tục củng cố cơ sở chính trị để bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương hai nước mở rộng hợp tác, trong đó có lĩnh vực năng lượng – dầu khí, một trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga. Đồng thời, Thủ tướng cũng mong muốn ngài Bộ tưởng tiếp tục ủng hộ hợp tác Việt Nam – Liên bang Nga trong lĩnh vực năng lượng – dầu khí, quan tâm chỉ đạo Bộ Năng lượng Nga phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước triển khai các dự án hợp tác trên lãnh thổ của nhau, ủng hộ nối lại và mở rộng hợp tác đào tạo cán bộ cho Việt Nam về năng lượng - dầu khí, đồng thời triển khai hợp tác trong các lĩnh vực khác như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.
Bộ trưởng Sergei Tsivilev cũng cho biết, ông mong muốn hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy để có những dự án hợp tác trong các lĩnh vực mới trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu phát triển tại mỗi nước, như trong ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Sergei Tsivilev nhất trí giao cho các cơ quan hữu quan hai nước sớm trao đổi, đàm phán, thống nhất để ký kết các hiệp định hợp tác liên chính phủ, đặc biệt về giáo dục - đào tạo, đầu tư và các lĩnh vực mới, có nhiều tiềm năng trong thời gian sớm nhất.
-------------
Bài viết cùng chuyên mục: