Một buổi tối tháng Ba mưa phùn lất phất, chúng tôi đã có một trải nghiệm thú vị là đi xem kịch ở một khu đô thị gần Hà Nội - đêm “Sân khấu vô hình” số 4 của nhóm kịch Xí nghiệp Điện ảnh Thăng Long do các diễn viên và đạo diễn không chuyên dàn dựng.
Sân khấu được thiết kế tối giản và linh hoạt, không gian rộng rãi nằm trên tầng hai của một tòa nhà lớn có nhiều phòng phụ, lớp lang và hệ thống cửa sổ thoáng cho phép khán giả nghe được lời thoại của nhân vật từ những nơi xa như ngoài trời, trên cầu thang, ngoài tiền sảnh,… cũng góp phần tạo nên nhiều ấn tượng độc đáo với những thử nghiệm táo bạo về dàn dựng sân khấu và diễn xuất của các nghệ sĩ trẻ tuổi.
Người xem được mời gọi vào những hoạt động tương tác, đồng sáng tạo lời thoại hay ra những quyết định có khả năng xoay chuyển không khí buổi biểu diễn cùng diễn viên. Những thực hành này tuy không phải quá mới mẻ trên thế giới nhưng nhìn chung vẫn là những trải nghiệm còn tương đối xa lạ với khán giả đại chúng ở Việt Nam và không phải ai cũng sẵn lòng tham gia, ít nhiều vẫn có thể cảm thấy những khoảnh khắc không khí của khán phòng bị chao đảo khi các diễn viên và đạo diễn trẻ không thực sự làm chủ được sân khấu. Tuy nhiên những gì mà chúng tôi đã được thưởng thức trong buổi diễn là hoàn toàn xứng đáng với chuyến đi xa, đặc biệt là khi được nghe thêm câu chuyện làm nghề, tận tâm tận lực với nghề của những thành viên nhóm kịch đa số vốn không hề có xuất thân chuyên nghiệp.
|
Vũ Tiến Duy (Duy Vũ), người sáng lập dự án Xí nghiệp Điện ảnh Thăng Long từng là sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội và nay là một đạo diễn, biên kịch phim, người nghiên cứu điện ảnh “tự học” đã có nhiều năm theo đuổi đam mê điện ảnh độc lập cho biết bạn bắt đầu tham gia vào các thực hành sân khấu từ năm 2021 và duy trì các thực hành kịch nghệ - điện ảnh thông qua ba hoạt động cùng lúc là làm phim, nghiên cứu lý luận và tập luyện diễn xuất. “Sáng tác khởi đầu từ việc tò mò về bản thân, đến nhận diện bản thân, rồi tiếp theo là chiến thắng bản thân mình. Người ta không thể sống bằng cách đi đọc định nghĩa về cuộc sống. Ta học cách sống bằng cách dũng cảm đắm mình vào cuộc sống. Người nghệ sĩ, cũng vậy, không thể sáng tác bằng cách đi đọc định nghĩa về nghệ thuật. Anh ta phải tìm cách sáng tác hàng ngày”, Duy chia sẻ.
Giải đáp thắc mắc của khán giả về cái tên “Sân khấu vô hình” (Invisible theatre) của chuỗi sự kiện, Duy cho biết đó là tên của một phương thức thực hành trong hệ thống “Kịch của người bị áp chế” (Theatre of the oppressed) của nhà sân khấu Marxist người Brazil Augusto Boal nhằm cho khán giả nhìn thấy các vấn đề xã hội bằng cách đem sân khấu ra một nơi mà người xem không nghĩ rằng ở đó sẽ có một màn diễn, họ có thể đưa ra một vấn đề thực tiễn đã gặp phải và các diễn viên thực hành trình hiện lại câu chuyện cùng các phương án giải quyết khác nhau ngay tại chỗ. Về sau, dự án của Duy đã hướng mục tiêu dịch chuyển sự quan sát và khám phá dần về phía những người diễn viên - đạo diễn hơn, “Sân khấu vô hình” trở thành một “Acting Lab” - “Phòng Thí nghiệm Diễn xuất” cho phép thử nghiệm các phương pháp làm việc và phương án diễn xuất khác nhau trong hoàn cảnh họ đều là diễn viên không chuyên và không đủ thời gian thực hành, với mục tiêu nhìn nhận thật rõ ràng về bản thân mình trước khi quay về với mục tiêu ban đầu là làm sân khấu để nâng cao nhận thức xã hội.
Nhiều thành viên tham gia lớp diễn xuất của Duy từ năm 2023 đến nay đã trở thành những nhân tố tích cực của “Sân khấu vô hình”. Nhóm cũng đã nhận được lời mời tham dự Tân Hậu Trường - dự án phi lợi nhuận hỗ trợ những tiếng nói mới trong nghệ thuật biểu diễn và kịch nghệ đương đại Việt Nam thông qua phát triển hoạt động sân khấu và biểu diễn trên địa bàn Hà Nội cùng XplusX Studio và Goethe-Institut Hà Nội, Manzi Art Space. Vở kịch gốc do Duy tự sáng tác có tên Tại sao chúng ta lại ở đây? sẽ có buổi mở xưởng đầu tiên để ra mắt công chúng vào cuối tháng Tư này.
Hoàng Thu Phương, sinh viên ngành Truyền thông Marketing quốc tế của Học viện Ngoại giao, diễn viên giữ một vai không nhỏ trong vở kịch, chia sẻ sau một khoảng thời gian dài tự “mò mẫm” với sân khấu, Thu Phương tham gia lớp diễn xuất của Xí nghiệp Điện ảnh Thăng Long và thực hành kịch nghệ đều đặn hơn từ cuối năm 2023 đến nay. “Cái được lớn nhất mà tôi nhận được từ hoạt động này là cách quan sát và đối diện với cuộc sống, quan sát nội tại lòng mình, đối diện với các xúc cảm, vấn đề của bản thân thay vì chạy trốn khỏi chúng. Những điều này khiến tôi cảm thấy mình đang sống. Sống kỹ. Sống thật”, Hoàng Thu Phương nói.
Nguyễn Thị Minh Phương, cô gái từng du học ngành tài chính ở Mỹ đến từ phương Nam, không hề xuất thân từ môi trường nghệ thuật bài bản, có lẽ là người duy nhất đang tự định hướng sự nghiệp mình sẽ theo diễn xuất. Dù đã có cơ hội được trải nghiệm thưởng thức nghệ thuật sân khấu ở cả Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội nhưng khi ra Hà Nội học tập Minh Phương mới lần đầu được giao cho một vai diễn kịch. “Tôi cảm nhận rõ, rằng kịch nghệ vẫn đang phát triển, được khán giả đón nhận và yêu quý. Tôi tin rằng sân khấu là một nét văn hoá truyền thống quý giá không thể bị mất đi hay mai một.”. Minh Phương chia sẻ.
Để có thể sắp xếp được thời gian và cân bằng giữa các trách nhiệm khác trong cuộc sống như công việc, tài chính,… các diễn viên hay đạo diễn của “Sân khấu vô hình” đều phải nỗ lực rất nhiều. Thành viên trẻ tuổi nhất trong đoàn là Phạm Gia Linh, đang học lớp 12 đã thể hiện niềm đam mê với diễn xuất từ nhỏ dù không được gia đình thực sự ủng hộ. Cô cũng phải sắp xếp lịch học, ôn thi và tập diễn sao cho hợp lý.
Khi được hỏi về mối lo ngại các nghệ sĩ đến từ quần chúng thiếu sự đầu tư về đào tạo và thời gian làm nghề thì sẽ khó có thể cho ra các tác phẩm nghệ thuật chất lượng như các nghệ sĩ hàn lâm, chuyên nghiệp, Duy Vũ cho rằng vấn đề này mang tính thời đại nhiều hơn là chuyên môn. “Nghệ thuật cổ điển yêu cầu một thời gian sáng tác dài và các tác phẩm quy mô cực lớn, còn nghệ thuật giai đoạn sau đã có sự thay đổi về tính chất để gần gũi hơn với quần chúng, những người cũng cần đến nghệ thuật nhưng thường không có cơ hội tiếp cận.”
Điều đó không có nghĩa sự nghiêm túc trong thực hành nghệ thuật nên bị xem nhẹ. Dù theo phong cách và trường phái gì, người thực hành cũng cần dành thời gian cho nó, và làm việc với sự suy tư để tìm hiểu thế giới thay vì chỉ tập trung xây đắp bề mặt tác phẩm. “Tất nhiên, sự nỗ lực cá nhân của các nghệ sĩ độc lập là chưa đủ. Luôn cần sự sát cánh và tài trợ của nhà nước, các tổ chức văn hoá, các bộ ban ngành. Nghệ thuật không phải một thứ gì đó cao siêu, không nên giới hạn nó trong khuôn khổ một vài cá nhân, nó luôn thiết thực với đời sống tồn tại của toàn thể nhân loại.”, Duy Vũ nói.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng chương trình Sân khấu vô hình cũng đã đi được đến số thứ tư và dự kiến có thêm nhiều buổi diễn khác. Theo ban tổ chức, với giá vé bán từ 200.000 đến 250.000 đồng như vậy, sau khi trừ toàn bộ chi phí sản xuất, nhóm kịch vẫn phải bù ra một khoản lỗ nhỏ.
“Khoản lỗ vẫn nằm trong giới hạn chấp nhận được!”, Duy tươi cười chia sẻ như muốn xoa dịu sự ái ngại từ phía chúng tôi. Có lẽ đó cũng là một tín hiệu tốt cho sự phát triển của nghệ thuật sân khấu ở Việt Nam, khi chúng ta đang có một thế hệ nghệ sĩ trẻ dù có xuất thân chuyên nghiệp hay không chuyên vẫn luôn dũng cảm lăn xả vào thách thức các giới hạn và một lòng đam mê khao khát được làm nghề, sống thật với nghề.